tháng 2 2017

Từ ngày 22-30/4/2017, Cúp quốc tế nữ Bình Điền lần thứ 11 - 2017 sẽ diễn ra tại tỉnh Tây Ninh đã được chuẩn bị chu đáo. Nhưng qua đó, người hâm mộ cả nước đang chờ đợi Cúp quốc tế nữ lần thứ 2 - năm 2018 sẽ được chuyển giao cho địa phương nào....?
Theo nguồn tin riêng, BTC Cúp quốc tế nữ Bình Điền đã xác định dịa điểm tổ chức Cúp lần thứ 12 - năm 2018 sẽ được chuyển đến... TP biển Quy Nhơn (Bình Định).
Đây sẽ là cơ hội để người hâm mộ miền Trung này có dịp thưởng thức những "Chân dài" xinh đẹp thể hiện sức mạnh và điệu nghệ trong các pha bóng.
Được biết, trong lễ bế mạc Cúp quốc tế nữ Bình Điền lần thứ 11, BTC sẽ trao cờ luân lưu cho đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định để sớm chuẩn bị tốt nhất trong mùa giải sau.
Ảnh: DƯ HẢI
HOÀNG LIÊN

Căn cứ vào quyết định thành lập BTC giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền lần thứ 11 năm 2017 của Tổng giám đốc CTCP phân bón Bình Điền, ông Phan Văn Tâm (Giám đốc Marketing) lần đầu tiên là Trưởng Ban tổ chức. BCSG đã có trao đổi với ông Phan Văn Tâm về những nét mới của Cúp quốc tế nữ Bình Điền lần thứ 11.
Ngoài vấn đề chuyên môn của các đội bóng khách mời, ông có thể cho biết công tác chuẩn bị của BTC như thế nào?
Thật sự, ban đầu chúng tôi rất lo lắng về địa điểm tổ chức tại Tây Ninh nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đã cảm thấy an tâm và ưng ý vì tất cả đã có sự đầu tư tốt về sân và khán đài thi đấu. Đó là nhờ sự quan tâm rất chu đáo của lãnh đạo Tỉnh Ủy, UBND và Sở VH-TT&DL tỉnh Tây Ninh nên các công đoạn đã được tích cực hoàn thành tốt.
Nhưng người hâm mộ lo lắng với chất lượng chuyên môn tốt của giải sẽ thu hút đông khán giả đến xem. Liệu nhà thi đấu tỉnh Tây Ninh có thể đáp ứng...?
Với sức chứa khoảng 2500-3000 chổ ngồi thì cũng tạo được không khí cuồng nhiệt cổ vũ các đội bóng. Nhưng chúng tôi và BTC địa phương cũng đã có phương án chuẩn bị tốt cho các khán giả không thể vào xem trên sân bằng việc bố trí màn hình lớn phía bên ngoài nhà thi đấu để phục vụ người dân ở xa đến muộn không còn chổ ngồi trên sân.
BTC vẫn tiếp tục có những quầy lưu niệm của giải như những năm trước?
Chúng tôi sẽ tổ chức chuyên nghiệp hơn như những giải ở nước ngoài là mời gọi các thương hiệu thức ăn nhanh, nước uống uy tín an toàn vệ sinh đến phục vụ cho khán giả bên ngoài nhà thi đấu trong lúc chờ đợi những trận đấu tiếp theo.
Xin cám ơn ông và chúc giải thành công!
Ảnh: DƯ HẢI
HOÀNG LIÊN 

Đặc điểm - Thực trạng
Kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, xếp theo mức độ các nhân tố cấu thành mô hình tài năng VĐV bóng chuyền cấp cao, nhân tố kỹ thuật là yếu tố quan trọng nhất, có sự tương quan chặt chẽ với các yếu tố khác, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu bóng chuyền hiện đại. 
Luật thi đấu mới với cách tính điểm trực tiếp, trận đấu diễn ra nhanh, đòi hỏi các VĐV hiện nay thực hiện kỹ thuật nhanh và biến hóa, trình độ kỹ thuật hoàn hảo là nền tảng năng lực sáng tạo để có thể thực hiện các hành động điều khiển bóng chuẩn xác liên tục trong quá trình thi đấu. Để đánh giá hiệu quả thực hiện kỹ thuật cá nhân phải dựa vào đặc điểm, chức năng thi đấu trong đội hình chiến thuật, do vậy kỹ thuật từng nhóm VĐV chủ công, phụ công, chuyền hai, libero là khác nhau (José Manuel Palao, Policarpo Manzanares, David Valades – 2015).
Theo ý kiến trao đổi, phỏng vấn các chuyên gia, HLV hiện đang làm công tác huấn luyện VĐV bóng chuyền trình độ cao Việt nam hiện nay là nhiều VĐV tuy được đào tạo bài bản từ năng khiếu nhưng khi lên thi đấu trình độ cao rất hạn chế về kỹ thuật cơ bản. Ví dụ như VĐV chuyền hai thì không biết đập bóng, tấn công thì không biết chuyền, các kỹ thuật khác như di chuyển, phát bóng, chuyền bóng, phòng thủ…rất yếu. Điều này sẽ làm mất thời gian để sửa chửa lại kỹ thuật, cơ hội nâng cao trình độ thi đấu sẽ khó khăn, thực tế có rất nhiều VĐV có thể hình, thể lực tốt nhưng năng lực về kỹ thuật hạn chế, không đáp ứng yêu cầu thi đấu gây tốn kém tiền bạc cũng như công sức đào tạo.
Ở nước ngoài các VĐV bắt đầu tập bóng chuyền từ 8 -11 tuổi, khi đã hoàn chỉnh cơ bản toàn diện về kỹ thuật, thể lực, tâm lý, sinh lý mới chuyển sang chuyên môn hóa (phân công chức năng thi đấu trong đội hình chiến thuật), giai đoạn này thường kéo dài từ 8 – 10 năm. Ví dụ ở Mỹ để đào tạo một VĐV bóng chuyền cấp độ đội tuyển họ phải trải qua một giai đoạn đào tạo trẻ khoảng 10 năm, kế hoạch này gồm 6 giai đoạn huấn luyện, giai đoạn chuyên môn hóa được bắt đầu thực hiện ở giai đoạn thứ 5. Thông thường các VĐV bóng chuyền nam Việt Nam bắt đầu tập luyện từ 14 – 16 tuổi, ở lứa tuổi này các tố chất như tốc độ, linh hoạt, phản xạ, nhanh nhẹn… rất khó phát triển, đây là hạn chế đầu tiên trong công tác huấn luyện vì các tố chất này là nền tảng ảnh hưởng đến sự phát triển các kỹ thuật bóng chuyền. Do phải thi đấu giải trẻ QG nên tập khoảng 3 – 4 năm là các em phải chuyên môn hóa sớm, do vậy có rất ít các em đạt trình độ kỹ thuật toàn diện.
Phương pháp sử dụng công nghệ 3D trong huấn luyện kỹ thuật
Ngoài các phương pháp thường sử dung trong giảng dạy và huấn luyện kỹ thuật bóng chuyền truyền thống như: phân chia, tổng hợp, lập lại, thi đấu… Một phương pháp được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học Thể thao hiện đại trong đó có bóng chuyền phân tích chuyển động học (Human Kinematics) dựa trên công nghệ Video kỹ thuật số 2D, 3D. Ưu điểm của phương pháp này là giúp HLV quan sát và đo lường chính xác toàn bộ động tác chi tiết kỹ thuật của từng VĐV (góc độ, tốc độ…), từ đó đưa ra các biện pháp sửa chửa hoàn chỉnh.
Ví dụ nghiên cứu phân tích góc độ nhảy đập bóng, nhảy phát bóng của các tác giả Alecxander, Seaborn, Honish, Sasho MacKenzie…
Phân tích góc độ cánh tay và chân trong kỹ thuật chạy đà và bật nhảy phát bóng
Gần đây bóng chuyền Thái Lan cũng có một nghiên cứu cải thiện và nâng cao hiệu quả nhảy phát bóng của các VĐV đội tuyển nữ nhằm hạn chế tấn công của các VĐV có thể hình to cao hơn (Kinematics Analysis in Jumping Sever of Thai Women Volleyball National Team).
Ở Việt Nam hiện nay nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3D nhằm phân tích kỹ thuật đã được sử dụng trong các môn như Võ, Thể dục…nhưng chưa ứng dụng trong công tác huấn luyện BC, đặc biệt là huấn luyện kỹ thuật cho các VĐV trẻ. 
Để minh họa, chúng tôi giới thiệu vài hình ảnh và thông số chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu phân tích kỹ thuật đập bóng của VĐV Cris (Sanest Khánh Hòa, 2012), đây là VĐV có kỹ thuật tấn công rất toàn diện, từng thi đấu rất nhiều nước ở châu Âu, châu Á. 
Góc độ và huyển động thân khi đập  bóng của VĐV Cris (Sanest Khánh Hòa).
Một số thông số:
Thời gian thực hiện kỹ thuật là 2.12 giây.
Tốc độ chạy vào đà là 3.722 m/s.
Tốc độ bóng bay 29m/s.
Chiều cao đập bóng là 3.37 m.
Ảnh: DƯƠNG THU
HLV VUI VẺ

Ông Thiệu Ngọc Tâm- Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT Vĩnh Long (Phải) trao bảng tượng trưng tiền tài trợ đội bóng chuyền nam của tỉnh 2017 cho ông Nguyễn Thanh An (Trái) - Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Long
Nhân dịp Hội nghị tổng kết của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long vào ngày 25/2- đơn vị này đã tài trợ số tiền 2 tỷ đồng, để là nhà tài trợ nhiều năm liền của bóng chuyền nam tỉnh Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Thanh An- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh: “Đội bóng chuyền tỉnh trong năm 2016 đạt được những kết quả đáng phấn khởi, với thành tích: Hạng nhì Giải Bóng chuyền Quốc tế Cúp Arirang- Vĩnh Long, xếp hạng chung cuộc 10/12 Giải VĐQG PV Gas, vô địch giải Cúp Sanatech Bến Tre”.
Với việc tài trợ cho này đội bóng chuyền của tỉnh năm 2017, Công ty TNHH MTV XSKT Vĩnh Long hy vọng sẽ góp phần giúp cho đội bóng chuyền nam của tỉnh nhà đạt thành tích thi đấu tốt tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas với mục tiêu xếp hạng 9 trở lên và thi đấu tốt tại các giải đấu khác trong năm 2017.
Tin - Ảnh: DƯƠNG THU

Đại biểu cắt băng khai mạc Cơ sở 2 CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh TTLL LienVietPostBank tại Cần Thơ
Sáng 22/2, tại TP Cần Thơ, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc (TTLL) tổ chức lễ khánh thành và ra mắt cơ sở 2 CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh TTLL LienVietPostBank.
Đến dự có Thiếu tướng Vũ Văn Anh (Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng TTLL), ông Trần Đức Phấn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Nguyễn Thanh Tùng (Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt)… 
Cơ sở 2 CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh TTLL LienVietPostBank được xây dựng tại phường Trà An, (Bình Thủy, TP Cần Thơ). Công trình có tổng diện tích sàn xây dựng 1.230m2. Tổng mức đầu tư 13,4 tỷ đồng. Sau gần 5 tháng tích cực khẩn trương triển khai xây dựng, đến nay công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính quy, hiện đại, có tính thẩm mỹ cao với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn; đáp ứng tốt điều kiện ăn ở, sinh hoạt và luyện tập của CLB.
Pha tranh bong trong trận Thông tin LienVietPostbank (áo trắng) gặp Truyền hình Vĩnh Long.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Vũ Văn Anh cho biết: “Việc xây dựng Cơ sở 2 CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh TTLL LienVietPostBank tại khu vực phía Nam là một đòi hỏi cấp thiết, nhằm đáp ứng sự phát triển ngày càng cao của CLB. Khu vực phía Nam vốn có nhiều tiềm năng về các môn thể thao, trong đó có bóng chuyền, nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu, tuy nhiên chưa có cơ sở tuyển chọn đào tạo...”.
Ngay sau buổi lễ khánh thành và ra mắt, trận đấu giao hữu giữa hai đội Thông tin LienVietPostbank gặp Truyền hình Vĩnh Long. Chiến thắng 2-1 thuộc đội chủ nhà Quân đội (25/13, 22/25, 25/10).
Từ việc Thông tin LienVietPostbank mở thêm một “Lò” đào tạo cầu thủ bóng chuyền trẻ tại Cần Thơ, nhằm mở rộng địa bàn, thu hút các nhân tố mới ở khu vực ĐBSCL rất giàu tiềm năng và truyền thống bóng chuyền nữ. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng CLB ngày càng lớn mạnh, vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Hiện nay, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp và nhà tài trợ, CLB đã tích cực triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ luyện tập, củng cố nơi ăn ở, sinh hoạt ở hai khu vực ngày càng khang trang, hiện đại, vừa tạo nền tảng căn bản để phát triển CLB theo hướng chuyên nghiệp hóa, vừa là nguồn cổ vũ, động viên để cán bộ, HLV, VĐV hăng say luyện tập, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, của Quân đội và của Binh chủng Thông tin liên lạc anh hùng.
Cơ sở 2 Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh TTLL LienVietPostBank sẽ tiến hành công tác tuyển chọn, HLV, VĐV năng khiếu bóng chuyền nữ, ngay sau khi ra mặt và đi vào hoạt động.
Tin - Ảnh: DƯƠNG THU 

Đó là phát biểu của HLV trưởng Lê Văn Dũng (ĐKVĐ Ngân hàng Công Thương) khi được BCSG mời dự đoán ngôi "Hậu" ở mùa bóng 2017...
Chào anh! Sau một năm 2016 quá thành công với các ngôi vô địch (Cúp quốc tế Bình Điền, Cúp Hùng Vương, giải VĐQG PV Gas...), vì sao ngay giải đấu đầu tiên năm 2017, CLB Ngân hàng Công Thương đã rớt khỏi trận chung kết kinh điển...ở Cúp quốc tế nữ Liên Việt 2017?
Điều này lại có lợi cho chúng tôi...Bởi vì, theo quan điểm của các anh lãnh đạo thì các giải mời giao hữu thì cần tạo điều kiện cho các em cầu thủ trẻ có cơ hội được thể hiện và thử thách. Thất bại ở giải tập huấn này sẽ rất bổ ích cho các em cầu tủ trẻ có dịp rút ra những bài học tốt trong các trận đấu quốc tế. Điều đó sẽ rất quan trọng để bước vào các trận đấu chính thức ở giải VĐQG PV Gas, các em sẽ tự tin hơn.
Các nhà vô địch NHCT có thay đổi lớn về đội hình và lực lượng trong mùa bóng 2017 không?
Đến thời điểm này thì tình hình vẫn chưa có biến động lớn nhưng tôi không chắc là sẽ không có thay đổi...?
Anh dự đoán ai sẽ là ứng cữ viên có thể tranh chấp ngôi vô địch với NHCT?
VTV Bình Điền Long An sẽ là ứng cử viên số 1 cho giải VĐQG PV Gas 2017 và số 2 mới là CLB Thông tin Liên Việt Post Bank...
Anh có gì sai không khi ở VCK giải VĐQG PV Gas 2016 và mới đây là Cúp quốc tế Liên Việt 2017, CLB Thông tin Liên Việt Post Bank đều thắng cách biệt VTV Bình Điền Long An 3-0 và 3-1...?
Theo tôi được biết thì ở trận bán kết giải VĐQG PV Gas 2016, nhiều trụ cột của VTV BĐ.LA: Ngọc Hoa, Thanh Thúy, Bích Trâm...đều bị chấn thương nên không đạt phong độ tốt. Còn ở trận chung kết Cúp Liên Việt 2017, dù chỉ là những cầu thủ trẻ nhưng VTV BĐ.LA thi đấu rất tự tin, gây rất vất vả cho chủ nhà TTLVPB. Vì vậy, nếu Ngọc Hoa và Thanh Thúy trở lại khỏe mạnh ở mùa giải 2017 thì sức mạnh của VTV BĐ.LA sẽ rất mạnh.
Anh ấn tượng với những cầu thủ nào của VTV Bình Điền Long An sẽ tỏa sáng trong năm 2017?
Tôi quan sát thấy rằng, có 3 cầu thủ tiến bộ rất nhanh đó là: Ánh Ngọc, Dương Thị Hên và Nguyễn Thị Trinh. Nếu các em tự tin thể hiện như ở Cúp Liên Việt thì sẽ càng tiến xa.
Vậy còn đương kiêm vô địch Cúp Hùng Vương 2016 và VĐQG PV Gas 2016...?
Như tôi đã từng trả lời với BCSG vào cuối năm 2016, sau mùa bóng đó, các cầu thủ đàn chị sẽ được ưu tiên làm thiên chức của người mẹ. Do đó, tôi vừa trả lời ở trên là hiện nay thì chưa có gì biến động nhưng trong thời gian tới, các em có thể tạm nghỉ bất cứ lúc nào để giữ gìn sức khỏe... Lúc đó, các cầu thủ trẻ mà chúng tôi đã chuẩn bị sẽ tiếp nối vị trí của các chị. Vì vậy, tôi chỉ cố gắng giữ vị trí Top3 trong mùa giải 2017...
Cám ơn anh và chúc NHTC thành công!
Ảnh: ĐÀO TÙNG - THIÊN HOÀNG
HOÀNG LIÊN

Theo thông tin BCSG vừa nhận được, tối ngày 19/02/2017, Trưởng đoàn Bóng chuyền Thông tin Liên Việt Postbank - ông Dương Thanh Toan đã trực tiếp gọi điện vào liên hệ để đề nghị giới Bóng chuyền miền Tây sắp xếp, cử tổ trọng tài điều hành trận đấu diễn ra vào lúc 10g ngày thứ Tư, 22/02/2017 tại phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ giữa Thông tin Liên Việt Postbank – đội bóng vừa đoạt chức Vô địch giải Bóng chuyền nữ quốc tế 2017 với tư cách chủ giải, và đội nữ Truyền hình Vĩnh Long – đương kim Vô địch giải Bóng chuyền quốc tế Vĩnh Long mở rộng tranh Cúp Arirang 2016 (thắng Ngân hàng TMCP Công thương VN 3 – 2 ở trận chung kết đầy kịch tính).
Dù chỉ là một trận đấu mang tính chất hữu nghị nhưng sau khi cân nhắc, giới Bóng chuyền miền Tây đã mời các trọng tài Trương Văn Chí Hiếu (Đồng Tháp) và Phạm Duy An (Hậu Giang) điều hành cuộc so tài đầy hấp dẩn này. 
Ngoài ra, được biết dù bận bịu nhiều việc nhưng nhà báo kỳ cựu và nổi tiếng rất tài năng trong lòng người hâm mộ Thể thao VN, trong đó có Bóng chuyền – ông Dương Thu (Báo Vĩnh Long) cũng sẽ đến dự và tác nghiệp tại buổi lễ nhằm kịp thời đưa những tin hay, ảnh đẹp đến phục vụ bạn đọc gần xa. 
Hy vọng đây sẽ là lực lượng làm chất xúc tác giúp cho sự thưởng lãm của các quý vị quan khách, huấn luyện viên, cầu thủ và cả những fans hâm mộ hai đội được trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa trong ngày khánh thành và ra mắt cơ sở 2 của Câu lạc bộ bóng chuyền nữ hàng đầu VN nhiều năm qua – Thông tin Liên Việt Postbank.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH
 

Nhà thi đấu Vĩnh Long sẽ diễn ra giải hạng Atoàn quốc 2017
Mới đây, LĐBCVN đã ban hành điều lệ giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2017. Điều khá khác lạ hơn so với mọi năm là ngoài Bến Tre đã được xác định là địa điểm tổ chức vòng chung kết vào tháng 9/2017, do chưa có địa phương, đơn vị nào xin đăng cai tổ chức vòng loại hai bảng (từ 29/4 đến 08/5, bảng A dành cho khu vực phía Bắc gồm 8 đội nam là Hà Nội, BTL Cảnh sát cơ động Bộ Công an, Quân khu 3, Công an Phú Thọ, Công an Quảng Bình, Công an Hải Dương, Trung tâm TDTT Quân đội (thực chất là Trẻ Thể Công), Đắc Lắc và bảng B dành cho khu vực phía Nam gồm 7 đội nam là Bến Tre, Cà Mau, Trẻ TPHCM, Trà Vinh, Sanna Khánh Hòa, Kon Tum, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng)Vòng bán kết (từ 22/7 đến 31/7 - điều lệ in ấn nhầm, thành 31/8/2017) nên đến ngày ban hành điều lệ, các nhà tổ chức buộc phải ghi “Địa điểm: có thông báo sau”.
Tuy nhiên, mới đây, sau cuộc trao đổi giữa ông Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đồng thời là Phó Chủ tịch LĐBCVN), với ông Nguyễn Thanh An (Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên Ban chấp hành LĐBCVN phụ trách khu vực miền Tây), thì Vĩnh Long đã nhận lời làm Trưởng ban tổ chức vòng loại bảng B giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2017.
Đây là nỗ lực rất đáng ngợi khen của cả hai phía trong bối cảnh nhiều địa phương có đội bóng tham gia giải những chưa thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm, tích cực hợp tác trong việc đăng cai tổ chức giải đấu với LĐBCVN, đến độ có không ít lần, Trung tâm HLTTQG thành phố Hồ Chí Minh phải nhận lời làm nhà tổ chức.
Và ở lần tổ chức tới đây, dù Vĩnh Long không có đội bóng nào tham dự nhưng địa phương này sẳn sàng đăng cai nên rất được sự mến mộ của nhiều địa phương về tính gương mẫu, tiên phong của nơi từng tổ chức nhiều giải đấu có uy tín ở khu vực phía Nam, cụ thể là giải Bóng chuyền Quốc tế Vĩnh Long mở rộng tranh Cúp Arirang hàng năm.
Ảnh: DƯƠNG THU
PHÚC VĨNH

Sau khi đoạt chức vô địch Cúp quốc tế nữ Liên Việt 2017, các nhà vô địch Thông tin Liên Việt Post Bank với đội hình mạnh nhất: Phạm Thị Yến, Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung, Linh Chi, Thu Trang...do HLV trưởng Phạm Văn Long dẫn dắt sẽ có chuyến du đấu và giao lưu với khán giả miền Tây trong ngày 22/2/2017 sắp tới...
Bởi vì, đây là ngày khánh thành cơ sở 2 của CLB Thông tin Liên Việt Post Bank tại TP Cần Thơ với diện tích hơn 4000m2. Sau lễ khánh thành và trồng cây lưu niệm, sẽ diễn ra trận đấu biễu diễn giữa 2 đội nữ ĐKVĐ Thông tin Liên Việt Post Bank và đội bóng nữ Truyền hình Vĩnh Long
Điều thú vị là chủ công Hà Ngọc Diễm vừa cùng CLB Thông tin Liên Việt Post Bank đoạt Cúp vô địch sẽ trở thành đối thủ vì cô sẽ trở lại với màu áo của Truyền hình Vĩnh Long.
Trận đấu sẽ diễn ra lúc 10g ngày 22/2 tại Cơ sở 2 - Huyện Bình Thủy - TP Cần Thơ.
HỒNG ÁNH
Ảnh: FB TTLVPB

Các cầu thủ trẻ Thông tin Liên Việt Post Bank (Áo đỏ) được trui rèn như những chiến sĩ
Mới đây, Thiều tướng Vũ Anh Văn (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc – Bộ Quốc phòng) đã ký Thư mời đại biểu một số ngành trung ương và các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh đến tham dự Lễ khánh thành và ra mắt cơ sở 2 Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin – Liên Việt Postbank.
Đây là một chủ trương mà Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã ấp ủ từ lâu và nay đã được Bộ Quốc Phòng chuẩn thuận, cho phép thực hiện nhằm thu hút tài năng bóng chuyền nữ ở khu vực phía Nam về cho đội bóng đầu ngành quân đội.
Theo một lãnh đạo đoàn Bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin – Liên Việt Postbank, suốt thời gian khá dài vừa qua, dù nỗ lực tối đa để tuyển chọn, đào tạo vận động viên bóng chuyền trẻ thuộc khu vực phía Bắc nhưng đội nữ Thông tin vẫn chưa thể “đãi cát” để “tìm vàng” chất lượng cao, cỡ như Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy (VTV Bình Điền Long An) hay Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Bích Tuyền (Truyền hình Vĩnh Long)....ở khu vực phía Nam.
Thế nên, đội bóng Thông tin đã quyết tâm mở rộng thêm địa bàn thu hút tài năng về phương Nam. Và qua thời gian âm thầm thực hiện chủ trương của Bộ, đến nay, cơ ngơi cơ sở 2 của Câu lạc bộ (tọa lạc tại phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có diện tích khoảng 4000m2, với Nhà tập luyện, khu nhà nghỉ, nhà ăn, phòng tập thể lực, phòng hồi phục, hồ bơi...đã hoàn thành các hạng mục và được đưa vào sử dụng.
Chương trình khánh thành cơ sở 2 của CLB Thông tin Liên Việt Post Bank
Theo HLV trưởng Phạm Văn Long, các tài năng bóng chuyền được tuyển chọn về cơ sở 2 sẽ do các HLV tuyến trẻ như Bùi Huy Sơn, Nguyễn Thu Ngọc, Nguyễn Thị Tâm Anh, Nguyễn Trọng Linh... của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc được biệt phái luân phiên (từ 1 – 2 năm/người) kết hợp cùng với một số HLV giỏi của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 – Quân khu 9 (đội bóng chuyền nam đã giải thể nhưng sẽ chi viện HLV cho Thông tin theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng) để làm nhiệm vụ huấn luyện. Sau thời gian 2 năm đào tạo tại Cần Thơ, các VĐV trẻ đạt chuẩn sẽ được chuyển về đại bản doanh của Câu lạc bộ tại Hà Nội để được tập luyện cùng các đàn chị ở đội 2 và đội 1.
Cũng theo ông Phạm Văn Long, điều cơ bản là tuy sinh hoạt như trong môi trường quân đội với kỷ luật nghiêm minh nhưng các em VĐV trúng tuyển sẽ được tham gia học tập văn hóa phổ thông tại các cơ sở giáo dục mà Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 – Quân khu 9 đang tổ chức đối với số VĐV trẻ của 3 môn Bi sắt, Võ cổ truyền và Bơi lội do Trung tâm đào tạo theo kế hoạch được Bộ Tổng Tham mưu giao hàng năm.
Và đặc biệt, các vận động viên trưởng thành từ “lò” Thông tin sẽ được đảm bảo cuộc sống sau này theo hai con đường: trở thành sĩ quan chuyên nghiệp của Quân đội (được tạo điều kiện cho đi học chuyên ngành TDTT để trở thành Huấn luyện viên), hoặc sẽ được sắp xếp làm việc theo chế độ công nhân viên quốc phòng hay của Ngân hàng Liên Việt.
Được biết, chương trình của buổi lễ sẽ bắt đầu diễn ra vào lúc 8g sáng ngày 22/2/2017. Sau phần lễ cắt băng khánh thành, trồng cây lưu niệm. 
Theo kế hoạch và từ một nguồn tin đáng tin cậy, ngoài sự hiện diện của các Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc và Quân khu 9, các quan chức của ngành TDTTVN như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Trần Đức Phấn, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Cần Thơ – Trần Chí Quân, Tổng Thư ký LĐBCVN - Lê Trí Trường sẽ vào dự để chung vui và chúc mừng cho sự kiện này.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH

Sau khi phải vắng mặt ở Cúp quốc tế nữ Liên Việt 2017 đang diễn ra tại Bắc Ninh, chủ công Trần Thị Thanh Thúy của CLB VTV Bình Điền Long An có nguy cơ vắng luôn 2 giải đấu lớn là Cúp quốc tế nữ Bình Điền 2017 tại Tây Ninh và Vòng 1 - giải VĐQG PV Gas 2017 tại Nam Định để xác định 4 đội vào tranh Cúp Hùng Vương 2017 ở Phú Thọ...?
Trong thời gian qua, chủ công Thanh Thúy trải qua chấn thương tuy không nặng nhưng cứ đau dai dẳng ở gối. Cô đã được lãnh đạo đặc biệt quan tâm khi đầu tư chữa trị từ các bác sĩ ở bệnh viện 115 đến chuyên gia Heckmann (Đức) ở TPHCM. Các bác sĩ đều chẩn đoán cô bị quá tải và đề nghị uống thuốc kết hợp tập nhẹ để hồi phục. Tuy nhiên, dù HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ (CLB VTV Bình Điền Long An) đã tuân thủ các bài tập của các bác sĩ và cho chủ công Thanh Thúy nghỉ ngơi trong 3 tuần nhưng khi trở lại tập luyện, cô vẫn thông báo vẫn còn cảm giác đau gối nên không thể tung hết sức mạnh trong các cú đánh bóng.
Sau khi nhận được thông tin, ông Thái Bửu Lâm (Giám đốc Công ty TNHH thể thao Bình Điền Long An) đã quyết định không để Thanh Thúy thi đấu ở Cúp Liên Việt 2017, nhưng vẫn cho Thanh Thúy cùng gia đình ra phía Bắc để theo dõi đồng đội thi đấu. Đặc biệt, đưa Thanh Thúy đến chuyên gia chỉnh hình của bệnh viện Việt Đức (Nới phụ công Bùi Thị Ngà, libero Âu Hồng Nhung...được chữa trị đã hồi phục tốt) để kiểm tra. Kết quả, bác sĩ của bệnh viện Việt Đức vẫn xác định chủ công Thanh Thúy bị quá tải nhưng có thêm 1 chấn thương ở gối nhưng do không chữa trị dứt điểm nên cơn đau vẫn xuất hiện khi vận động cao. Vì vậy, cô cần nghỉ ngơi thêm 3 tuần kết hợp giữa uống thuốc và tập các bài tập hồi phục đặc trưng tại nhà. 3 tuần sau sẽ trở ra Hà Nội để kiểm tra lại.... Nếu vẫn chữa hoàn toàn bình phục thì có phương án điều trị khác. Trong khi, Vòng 1 - giải VĐQG PV Gas 2017 và Cúp quốc tế nữ Bình Điền 2017 cũng đã cận kề vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 sắp tới....
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HOÀNG GIANG

Bóng chuyền là môn thể thao không thua kém gì bóng đá, đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Bóng chuyền Vĩnh Long kể cả đội nam hay nữ hiện thi đấu tốt và chuẩn bị cho mùa Giải Vô địch quốc gia (VĐQG) PV Gas năm 2017. Những biến đổi với tín hiệu vui cho mùa bóng năm nay.
Chuyển đổi để thành công:
Hàng loạt VĐV của Vĩnh Long chia tay trong thời gian gần đây với đội nhà: Nguyễn Hoàng Thương, Từ Thanh Thuận, Nguyễn Văn Dữ, Trần Thành Thông, Nguyễn Ngọc Tuyết, Trần Hoàng Kim, Nguyễn Thị Mỹ Hiền, Nguyễn Thị Kim Túc, Trần Thị Thắm,… đã để lại khoảng trống cho hai đội nam và nữ. Tuy nhiên, năm 2016- những biến động đó được lắp ghép với gương mặt trẻ cả 2 đội nam Xổ số kiến thiết Vĩnh Long và nữ Truyền hình Vĩnh Long đều giành quyền trụ hạng tại giải vô địch quốc gia.
Một số ít VĐV về đầu quân, một phần là từ hệ thống đào tạo VĐV các tuyến của Trường Năng khiếu TDTT tỉnh có chất lượng chuyên môn khá tốt, được đào tạo cơ bản đủ sức kế thừa trong những năm qua. Những gương mặt trẻ thi đấu ấn tượng trong năm 2016: Hà Ngọc Diễm, Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phạm Thị Mỹ Thu, Nguyễn Thị Nhã Phương, Nguyễn Thị Hoài My,… (nữ). Nguyễn Văn Học, Trần Quốc Cuộc, Đoàn Mạnh Tuấn, Nguyễn Thanh Bá, Cao Xuân Thao, Lê Quang Trường, Nguyễn Trọng Quỳnh, Nguyễn Hoàng Khang,… (nam).
Năm 2016, đội nữ Truyền hình Vĩnh Long giành chức vô địch Giải Bóng chuyền Quốc tế Cúp Arirang- Vĩnh Long, xếp hạng chung 7/12 cuộc Giải VĐQG PV Gas. Đạt 3 giải ba tại: Giải Cúp Đắk Nông, Casuco Hậu Giang, Bình Điền Long An.  
Trong khi đó, đội nam Xổ số kiến thiết Vĩnh Long xếp hạng nhì Giải Bóng chuyền Quốc tế Cúp Arirang- Vĩnh Long, xếp hạng chung 10/12 cuộc Giải VĐQG PV Gas. Vô địch giải Cúp Sanatech Bến Tre. đội trẻ nữ của tỉnh xếp hạng 5 giải trẻ toàn quốc
Chờ đợi hơn:
Năm 2017 có thể xem là năm đã vượt qua những gì khó khăn để vươn lên. Hiện nay, về đội nữ lực lượng ngoài những gương mặt cũ, chuyên gia Nguyễn Xuân Dung đã có trong tay 13 VĐV, trong đó có 3 VĐV mạnh dạn đưa lên tập luyện với đàn chị. Ngoài ra, đội đã bổ sung 2 VĐV với chủ công Phạm Thị Hồng Nhung (từng thi đấu cho các đội Cao su Phú Riềng, Hưng Yên...), phụ công Nguyễn Thị Thanh Hương (tuyển thủ đội tuyển trẻ Việt Nam) và khả năng VĐV chuyền 2 từ đội Casuco Hậu Giang- Lý Thị Kiều về đội nữ Truyền hình Vĩnh Long. 
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm TDTT (Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Long): “Thuận lợi lớn là có 3 VĐV: Ngọc Diễm, Nhã Phương, Bích Tuyền với sức bật rất tốt, có khả năng gánh vác, nâng tầm đội bóng TH Vĩnh Long trong tương lai gần. Về phía đội nam XSKT Vĩnh Long, sau sự ra đi của Lưu Đại Dương (về đội VLXD Bình Dương), chuyền 2 Đinh Văn Tú, đội chỉ còn 14 VĐV, trong đó có 3 VĐV trẻ được đưa lên tập luyện chung. Hiện nay, đã hợp đồng thêm 2 VĐV Huỳnh Minh Trắng (phụ công đội Trà Vinh), Huỳnh Thiện Mến (chuyền 2 đội Sanest Khánh Hòa). Nên lực lượng có thể xem là an tâm”.
Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất vừa xây mới nhà tập bóng chuyền đủ tiêu chuẩn tập luyện, giúp VĐV nâng cao trình độ tập luyện, phòng tránh chấn thương, giúp việc hồi phục tốt nhất, giúp nâng cao khối lượng tập luyện tốt của các VĐV.
Được biết, từ ngân sách nhà nước được duyệt cấp hiện nay cùng được sự quan tâm chăm sóc của 2 nhà tài trợ Công ty XSKT Vĩnh LongĐài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, toàn đội rất phấn khởi, hăng say tập luyện, thi đấu ngày càng khởi sắc hơn. 
Tuy nhiên, theo quy chế chuyển nhượng VĐV của LĐBCVN, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục ký kết hợp đồng giử chân các VĐV giỏi và hợp đồng VĐV mới. Đồng thời, quy định mới 2017 khi luật đưa ra danh sách VĐV đăng ký thi đấu chính thứ là 14 VĐV, nhưng danh sách được duyệt cấp chỉ được 12, đang cần tháo gỡ.
Bài - Ảnh: DƯƠNG THU

Chiều nay (15/2) tại TP Hà Nội, LĐBCVN và BTC giải VĐQG PV Gas 2017 đã tổ chức bốc thăm chia bảng các đội nam và nữ tại 2 bảng A (Nam Định) và bảng B (Thái Bình). Kết quả như sau:
Bảng A tại Nam Định:
Nam: Thể Công Binh Đoàn 15, Biên Phòng, Becamex Quân Đoàn 4, Long An, Công an TPHCM và VLXD Bình Dương.
Nữ: Quảng Ninh, Thông tin Liên Việt Post Bank, VTV Bình Điền Long An, Vĩnh Phúc, TPHCM, Hóa Chất Đức Giang Hà Nội.
Bảng B tại Thái Bình:
Nam: Sanest Khánh Hòa, Maseco TPHCM, Tràng An Ninh Bình, Hà Tĩnh, XSKT Vĩnh Long và Quân Khu 4.
Nữ: PVD Thái Bình, Ngân hàng Công Thương, Tiến Nông Thanh Hóa, Truyền hình Vĩnh Long, Hải Dương, ĐakLak.
Ảnh: BẢO TOÀN
THANH HOA

Cách đây không lâu, trên BCSG, tác giả Hoàng Hào từng có bài viết đề cập đến Bóng chuyền chuyên nghiệp. Đây là vấn đề không mới nhưng do nhiều người trong giới chuyên môn BCVN lo tập trung đón Tết cổ truyền của dân tộc– Xuân Đinh Dậu 2017, nên câu chuyện được tạm gác lại. Tuy nhiên, có dịp gặp lại Người Quan Sát, BCSG đã trao đổi và được ông cung cấp những thông tin bổ ích về vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa và mong được lắng nghe thêm nhiều ý kiến khác nhằm giúp vạch ra một hướng đi đúng đắn, khoa học cho sự phát triển Bóng chuyền Việt Nam trong thời gian tới.
Qua bài viết của tác giả Hoàng Hào trên BCSG đề cập về Bóng chuyền chuyên nghiệp (BCCN), rồi trước thực trạng công tác tổ chức quản lý và thi đấu BCCN ở Việt Nam hiện nay, do từng là giảng viên môn Thể thao chuyên nghiệp & nhà nghề ở trường Đại học Thể dục thể thao TPHCM, ý kiến của ông như thế nào?
Theo ý kiến cá nhân, đây là lĩnh vực rất đa dạng và phức tạp về mặt lý thuyết cũng như trong thực tế. Rất khó để xác định mức độ chuyên nghiệp của BCVN hiện nay là ở đâu.Phải nhìn nhận những cố gắng đổi mới của BCVN trong vài năm gần đây. Rõ ràng, về công tác quản lý và tổ chức thi đấu đã có những kết quả tích cực, cụ thể là chúng ta đang có một hệ thống thi đấu giải Quốc gia rất ổn định nhiều năm nay. Tuy nhiên, để định hướng xây dựng một mô hình BCCN phù hợp với thực tế TTVN hiện nay là một quá trình còncó nhiều khó khăn.
Ý kiến của tác giả HH đã giúp mở ra một vấn đề mang tính cập nhật và thời sự, rất thực tế của BCVN hiện nay.Theo tôi, nếu tác giả có thêm các con số thống kê cụ thể thì bài viết sẽ mang lại nhiều đóng góp cho BCVN hơn.
Theo các ý kiến trong bài viết của tác giả Hoàng Hào, ông tâm đắc nhất về vấn đề nào?
Chúng ta đang nhìn thấy một thực tế rất đáng quan tâm trong các giải thi đấu của BCVN hiện nay. Tác giả có đề cập là khán giả xem bóng chuyền ngày càng ít dần. Điều đó nói lên việc tổ chức thi đấu bóng chuyền ở VN không  thu hút sự quan tâm của người hâm mộ như vài năm trước đây. Ví dụ, các giải Bóng chuyền tổ chức ở TPHCM bây giờ đâu còn cảnh chen lấn “khủng khiếp” như ở sân Phan Đình Phùng ngày nào, hay giải Bóng chuyền VĐQG luôn thấy mà buồn bởi tình cảnh khán đài vắng ngắt khán giả. Nhà thi đấu Nha Trang năm 2008 người hâm mộ phải đi tìm vé chợ đen, khán đài đông nghẹt đến ủng hộ cuồng nhiệt cho đội bóng quê hương Sanest Khánh Hòa và thần tượng của họ - VĐV Ngô Văn Kiều. Ấy vậy mà mấy năm nay nhà thi đấu này cũng lâm vào cảnh đìu hiu, dù đó có là sân nhà của Sanest Khánh Hòa.
Nhằm lý giải vấn đề này, tác giả bài viết nêu ra một nguyên nhân rất quan trọng trong thể thao chuyên nghiệp, đó là cụm từ “Sản phẩm” thể thao. Theo tôi, đây là chủ đề chính tác giả muốn đề cập 
Để cụ thể hóa vấn đề này, ông có thể giải thích rõ hơn!
Tôi xin chỉ trình bày ngắn gọn các cơ sở về lý thuyết thế này. Thi đấu thể thao nói chung - trong đó có Bóng chuyền, là sản phẩm được bán và người mua là khán giả. Như vậy sản phẩm bán ra phải tương đương giá trị được định giá.Sản phẩm thể thao chuyên nghiệp (những trận thi đấu) phải có giá trị chuyên nghiệp, bao gồm: các hình thức tổ chức, chất lượng VĐV, chất lượng trận đấu, tính thẩm mỹ. Đó chính là các nhân tố để thu hút người mua, cụ thể là khán giả. Từ đây, chúng ta phần nào mới hiểurõ hơncác vấn đề tác giả đã nêu ra:nếu các trận đấu chuyên nghiệp (công tác tổ chức, tiếp thị, VĐV, trọng tài…) không có gì mới, không hấp dẫn, chất lượng thi đấu thấp, buồn tẻ, thì khán giả đến sân để làm gì?
Ông có thể nêu ra vài nguyên nhân khiến có rất ít khán giả trong các giải đấu của BCVN hiện nay?
Tôi chỉ có vài ý kiến về mặt chuyên môn.Giải Vô địch Quốc gia hiện nay gồm 12 đội nam và 12 đội nữ thi đấu vòng tròn 2 lượt, có quá nhiều trận đấu chưa xem đã biết kết quả. Lấy ví dụ, các đội cuối bảng đấu với các đội đấu bảng, các đội đã hoàn thành nhiệm vụ, các trận đấu thủ tục. Trong điều kiện không hềcó động cơ rõ rệt, khán giả vắng vẻ thì họ thi đấu quyết liệt để làm gì, thậm chí nhiều VĐV còn đùa giởn trên sân, thiếu tôn trọng giải đấu, phần nào đã xem thường khán giả hâm mộ. 
Chưa hết, nhiều lúc, người xem lắm lúc bị hụt hẫng, cảm giác bị lường gạt bởi họdự đoán trận đấu nào đócó khi sẽ căng thẳng, quyết liệt, đáng xem nhưng sự tính toán mang tính chiến lược của hai đội đã làm trận đấu diễn ra tiêu cực, nhàm chán. Để khắc phục điều này, các nhà quản lý nên lắng nghe ý kiến của người hâm mộ, từ đó đề ra các giải pháp, như đổi mới công tác tổ chức và thi đấu, giảm số lượng đội mạnh, thay đổi thể thức thi đấu các giải hạng A, giải trẻ, các giải Cúp. Theo tôi, nhiều bài viết góp ý xây dựng trên các báo hay diễn đàn gần đây vẫn còn nguyên tính thời sự.
Rất tiếc, dường như các giới chức trách nhiệm, tuy có theo dõi nhưng chẳng hề đoái hoài. Có nghĩa là họ đứng im hay nói khác đi, thích làm theo cách của riêng mình tựa như chỉ đi trên một lối duy nhất, dù biết đó là….lối mòn.
Thế còn việc tái sử dụng ngoại binh, thưa ông?
Vấn đề này đã tranh luận nhiều rồi, đã “quyết” rồi, nhưng ý kiến của cá nhân tôi là “nên”. Điều quan trọng, theo tôi là cách sử dụng và quản lý ngoại binh, ví dụ cho phép thi đấu ở giải nào, xây dựng quy chế chuyển nhượng và thi đấu chuyên nghiệp ra sao. Nếu có ngoại binh, chắc chắn các trận đấu sẽ hấp dẫn hơn vì sự cạnh tranh quyết liệt, gay gắt nhưng lành mạnh giữa các ngoại binh với nhau, rồi giữa các VĐV trong và ngoài nước, từ đó khán giả có cơ hội xem trận đấu với sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới, qua đó họ sẽ có cơ hội so sánh,đánh giá trình độ thi đấu và độ tăng tiến các VĐV Việt Nam.
Về chuyên môn, tôi đánh giá cao những mặt tích cực mà VĐV ngoại mang lại. Từ tác phong sinh hoạt và tập luyện rất chuyên nghiệp, dễ hòa nhập cho đến ý thức tập thể tốt…là những tấm gương cho nhiều VĐV chưa chuyên nghiệp của Việt Nam học tập, noitheo. 
Nếu lấy lý do “cấm ngoại binh” nhằm giúp cho các VĐV trẻ có điều kiện thi đấu,theo tôi, là không hợp lý và thiếu thuyết phục. Các VĐV trẻ muốn được đứng vào đội hình thi đấu, họ phải tự chứng tỏ được trình độ của mình: nếu giỏi là điều đương nhiên, còn nếu không có sự nỗ lực trong tập luyện, thi đấu không đạt yêu cầu thì sẽ bị loại. Đây là quy luật trong thể thao, không có gì phải bàn cãi.
Thực tế của BCVN cho thấy, từ lúc cấm VĐV ngoại cho đến nay, trình độ Bóng chuyền đỉnh cao của Việt Nam xuất hiện đượcbao nhiêu VĐV trẻ thi đấu nổi bật? Ví dụ,ngoài Từ Thanh Thuận (nam), Trần Thị Thanh Thúy, Hà Ngọc Diễm, Bùi Thị Ngà (nữ), đội hình các đội tuyển Quốc gia từ năm 2006 đến 2016 có bổ sung được mấy VĐV trẻ, hay là vẫn chỉ Nguyễn Hữu Hà, Ngô Văn Kiều, Giang Văn Đức, Nguyễn Hoàng Thương, Lê Quang  Khánh, Hoàng Văn Phương (nam) hay Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Kim Huệ... (nữ)?
Nhìn sang đât nước láng giềng, Bóng chuyền nữ Thái Lan những năm gần đây cũng cho phép tăng cường VĐV ngoại binh ở giải quốc nội. Động thái này cho thấy họ muốn tiếp tục duy trì và phát huy niềm đam mê Bóng chuyền nữ của người dân Thái Lan đối với đội bóng từng đạt đến đỉnh cao tại khu vực và xa hơn, là niềm tự hào của nền thể thao Thái.
Từng đến một số quốc gia để học tập, nghiên cứu, ông đề xuất mô hình chuyên nghiệp nào cho Bóng chuyền Việt Nam?
Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể xây dựng mô hình quản lý và thi đấu chuyên nghiệp như các nước châu Âu hay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng đổi mới là xu thế tất yếu, lànhiệm vụ cấp thiết của BCVN hiện nay. Tôi thấy mô hình tổ chức 6 đội thi đấu hàng tuần sân nhà – sân đối phương của Indonesia, hay đưa nhiều giải đấu Bóng chuyền vào các trường học, các siêu thị, các tỉnh xa thành phố của Thái Lan v.v. cũng là các mô hình hiệu quả nhằm phổ cập môn Bóng chuyền một cách rộng rãi hơn nữa, đồng thời luôn tạo nên một lực lượng khán giả đông đúc đến sân.
Không nói đâu xa, giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã có những hiệu ứng tích cực. Sự thay đổi toàn diện về công tác tiếp thị, công tác tổ chức, chất lượng trận đấu từ các VĐV ngoại binh, đã thu hút sự quan tâm của người hâm mộ và trở thành một làn gió mới trong phong trào phát triển môn bóng rổ ở khắp khắp nơi.
Âu đó là bài học nhưng cũng là một nhiệm vụ không dễ cho các nhà quản lý BCVN.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ảnh: DƯƠNG THU
THU PHƯƠNG thực hiện

Sau khi HLV trưởng Phạm Văn Long đích thân vào Vĩnh Long để thương lượng mượn chủ công Hà Ngọc Diễm thi đấu cho CLB Thông tin Liên Việt Post BankCúp quốc tế nữ Liên Việt 2017 đang diễn ra ở Bắc Ninh. Ông Phạm Văn Long hứa sẽ hổ trợ lại lực lượng cho đội nữ Truyền hình Vĩnh Long thi đấu ở giải VĐQG PV Gas 2017.
Hôm nay (14/2), HLV Phạm Văn Long đã xác định tăng cường 2 cầu thủ cho đội nữ Truyền hình Vĩnh Long (Theo yêu cầu của BHL đội nữ TH Vĩnh Long) là chủ công Phạm Thị Hồng Nhung (Từng thi đấu cho các đội Cao su Phú Riềng, Hưng Yên...) và phụ công Nguyễn Thị Thanh Hương (Tuyển thủ đội tuyển trẻ Việt Nam).
Do đó, khi đội nữ Truyền hình Vĩnh Long di chuyển ra phía Bắc để chuẩn bị Vòng 1 - giải VĐQG PV Gas 2017 thì cả 2 cầu thủ này sẽ bắt đầu hòa nhập với các đồng đội trước giải khoảng 10 ngày.
Ảnh: DƯƠNG THU
HOÀNG GIANG 

Tay chuyền hai gốc Đồng Tháp - Bùi Thiện Mến đã phải rời đội bóng Á quân Sanest Khánh Hòa sau một năm thi đấu. Trước đó, anh từng theo chân HLV Bùi Quang NgọcCLB Đức Long Gia Lai cũng gặt hái được thành công. Nhưng khi CLB này giải thể, anh trở về Trường ĐH TDTT TPHCM làm giảng viên bộ môn bóng chuyền. Tuy nhiên, mùa giải 2016, anh được HLV trưởng Triệu Tử Thiên ký hợp đồng thi đấu cho Sanest Khánh Hòa với mong muốn cải thiện khả năng tổ chức để tìm chiếc cúp vô địch giải VĐQG PV Gas 2016...? Nhưng bất thành sau trận chung kết thua Thể Công Binh Đoàn 15 (Tuy nhiên, cũng góp phần giúp Sanest Khánh Hòa đoạt Cúp vô địch Hùng Vương 2016).
Khi tay chuyền hai số 1 miền Tây - Đinh Văn Tú kết thúc hợp đồng với đội XSKT Vĩnh Long để đến với CLB Maseco TPHCM. HLV trưởng Trương Minh Hải đang lo lắng thì nhận được thông tin Bùi Thiện Mến đang tự do nên đã mời về thi đấu. Như vậy, XSKT Vĩnh Long tạm yên tâm với 2 tay chuyền hai Nguyễn Trọng Huỳnh và Bùi Thiện Mến.
Ảnh: BẢO TOÀN
HOÀNG YẾN

Tuần qua, đoàn lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh ĐakLak đã có chuyến làm việc với lãnh đạo CTCP phân bón Bình Điền và Công ty TNHH thể thao Bình Điền Long An tại TPHCM, để tiếp tục thương thảo kế hoạch hợp tác giữa 2 đơn vị trong năm 2017. Qua đó, ông Thái Bửu Lâm (Giám đốc Công ty TNHH thể thao Bình Điền) đã nhiệt tình ủng hộ lực lượng để đội bóng chuyền tân binh ĐakLak lần đầu tiên được thi đấu ở giải VĐQG PV Gas 2017. Đó là các vị trí chủ lực ở các tuyến của CLB VTV Bình Điền Long An là: Phụ công Huỳnh Thị Hồng Nhung, chuyền hai Đặng Xuân Thảo, libero Nguyễn Khánh Đang, chủ công Phạm Thị Cẩm Linh.
Ngược lại, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh ĐakLak cũng mong muốn gửi cầu thủ Nguyễn Thị Trinh tiếp tục ở lại thi đấu cho CLB VTV Bình Điền Long An để được nâng cao chuyên môn và kinh nghiệm ở các giải đấu của Bình Điền Long An tổ chức. Riêng cầu thủ HMia EBan sẽ được rút về thi đấu cho đội bóng nữ ĐakLak trong năm 2017.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HOÀNG GIANG

Do có chiều cao "khủng" vì chỉ mới 13 tuổi mà đã cao 1m80 nên bố mẹ cậu bé Nguyễn Văn Hùng (Sinh năm 1980) được giới thiệu cho con theo đội bóng chuyền năng khiếu của tỉnh Thanh Hóa. Với tố chất mạnh mẽ và khéo léo, Nguyễn Văn Hùng đã tạo được ấn tượng ở môn chơi sở trường về chiều cao - bóng chuyền. Tuy nhiên, một bước ngoặc trong cuộc đời anh khi đội tuyển bóng chuyền nam năng khiếu tỉnh Thanh Hóa bị giải thể đã khiến anh phải chuyển qua môn thể thao khác. Taekwondo là môn thể thao thứ 2 anh chọn theo tập luyện.
Từ đó trở đi, tên tuổi của Nguyễn Văn Hùng bổng chốc nổi như cồn vì anh là tuyển thủ Taekwondo có thể hình to lớn nhất Việt Nam ở hạng cân 80 kg và không có đối thủ ở các giải trong nước và quốc tế. Ở khu vực Đông Nam Á, võ sĩ Nguyễn Văn Hùng "vô đối" trong nhiều năm. Đặc biệt, võ sĩ Nguyễn Văn Hùng còn đoạt cả chiếc vé quan trọng tham dự Olympic 2008.
Một cơ duyên xuất hiện, khi HLV Taekwondo của anh khuyến khích các võ sĩ nên tập luyện thêm môn bóng rổ để bổ trợ sức bật đôi chân và khả năng khéo léo của đôi tay nên Nguyễn Văn Hùng đã tham gia chăm chỉ và trở nên đam mê. Nhưng do thời điểm đó thì bóng rổ Việt Nam chưa phát triển nên anh vẫn tiếp tục gắn bó với môn võ Taekwondo trong công tác huấn luyện sau khi đã giã từ thi đấu quốc tế vào năm 2007. Anh chuyển qua tập luyện những kỹ năng chuyên nghiệp của môn bóng rổ và bắt đầu thi đấu ở các giải quốc gia trong màu áo đội tuyển TPHCM. Và đến năm 2014, anh bất ngờ nhận được đề nghị từ CLB chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam là Sài Gòn Heat. Đây là bệ phóng để anh trở thành cầu thủ bóng rổ nhà nghề đẳng cấp quốc tế. 
Cách đây ít ngày, với sự xuất hiện trong hơn 5 phút trên sân, anh đã góp công giúp CLB Sài Gòn Heat thắng đối thủ nặng ký Kaohsiung Truth (Đài Loan - TQ) Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) 2017 và trên sân cũng chỉ có anh là cầu thủ Việt Nam duy nhất vì còn lại đều là các ngoại binh Mỹ cao lớn. 
Vậy mà, anh vẫn nhận được lời đề nghị từ nghành TDTT tỉnh Thanh Hóa mời giữ chức Trưởng bộ môn Taekwondo để phát triển môn võ này cho các võ sĩ trong tỉnh. Vì vậy, ngoài thời gian tập luyện cùng đội bóng rổ nhà nghề Sài Gòn Heat, anh vẫn sắp xếp bay về Thanh Hóa để quản lý chuyên môn môn Taekwondo cho thể thao tỉnh Thanh Hóa.
Với tuổi 37, Nguyễn Văn Hùng không phải là quá già nhưng để chơi nhà nghề với môn đỉnh cao bóng rổ thì đó là một thử thách nhưng anh đã chứng minh là niềm đam mê đã giúp anh chiến thắng tuổi tác.
Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1980, 5 lần vô địch Taekwondo tại 5 kỳ SEA Games liên tiếp kể từ năm 1999, HCB giải VĐTG năm 2000, HCB Asiad Busan 2002, HCĐ Asiad 1998, hiện đang là HLV phó đội tuyển teakwondo quốc gia Việt Nam.
Ảnh: ABL - VTVN
HOÀNG GIANG

Sau khi quyết tâm rời khỏi đội nam Long An, chủ công Lê Quang Khánh đã trở về quê nhà Tiền Giang. Tuy nhiên, theo thông tin được biết lãnh đạo Trung tâm HLĐT TDTT tỉnh Long An đã nhắn Lê Quang Khánh cần trở lại tập luyện, để sau 45 ngày thì sẽ giải quyết đơn xin nghỉ việc của anh theo chế độ.
Vì vậy, Lê Quang Khánh cho BCSG biết, anh trở lại tập luyện cùng đội nam Long An vào sáng mai (13/2), để thực hiện đúng đề nghị của lãnh đạo và theo đúng luật lao động.
Ảnh: BẢO TOÀN
HOÀNG GIANG


Vòng I giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia năm 2017:
PVD Thái Bình sẽ là chủ nhà ở Vòng 1 giải VĐQG PV Gas 2017...
Theo một số thông tin gần đây đã công bố, vòng 1 giải Vô địch quốc gia được tổ chức từ ngày 25/3- 1/4, bảng A (tại Nam Định), bảng B (tại Quảng Bình). Sau đó, vòng chung kết Cúp Hùng Vương gồm 4 đội nam, 4 đội nữ đứng đầu 2 bảng sau vòng I sẽ diễn ra từ ngày 5/4- 8/4, tại Nhà Thi đấu TP Việt Trì tỉnh Phú Thọ như mọi năm.
Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi. Theo một thông tin mới nhất và đáng được tin cậy, Thái Bình sẽ là địa phương đăng cai tổ chức bảng B, thay cho Quảng Bình.
Được biết, Vòng 2 sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11/11 và vòng chung kết, xếp hạng từ ngày 16 đến ngày 19/11/2017. Riêng về địa điểm tổ chức vòng II và vòng chung kết, vòng giữ hạng sẽ được LĐBCVN thông báo sau
Theo kết luận tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu Bóng chuyền” do Liên đoàn Bóng chuyền VN tổ chức vào tháng 11/2016 tại Hà Nội, qua kết quả thi đấu tại mùa giải 2017, 10 đội nam, 10 đội nữ đứng đầu giải VĐQG và 1 đội nam, 1 đội nữ đứng đầu giải hạng A toàn quốc sẽ được tham dự Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia PV Gas năm 2018.
Tin mới nhất, cuộc họp bốc thăm chia bảng Vòng 1 - giải VĐQG PV Gas 2017 sẽ diễn ra lúc 14g ngày thứ Tư (15/2) tại TP Hà Nội.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH

Chinese Volleyball League - CVL 2016/2017 đang đi vào hồi kết thúc với những trận bán kết rất hấp dẫn, nhìn vào thế cục của các bảng đấu và tình hình Bóng chuyền của Trung Quốc hiện nay có thể nhận định một điều rằng Bóng Chuyền của Việt NamTrung Quốc có rất nhiều nét tương đồng nhau. Nếu như tại Bảng Nữ thì sự thống trị của Nữ Thiên Tân, Giang Tô, Bát Nhất và đặc biệt là đội nữ Hằng Đại Quảng Đông dưới sự dẫn dắt của HLV nổi tiếng LangPing, thì tại Bảng của Nam các gương mặt quen thuộc như Nam Thượng Hải, Tứ Xuyên, Bát Nhất, Bắc Kinh vẫn thống trị Top 4. Cũng như Bóng Chuyền Việt Nam thì các Top 4 của Nam và Nữ rất ít có sự thay đổi, tuy hằng năm các đội Bóng luôn được đầu tư rất mạnh về nhân lực và vật chất, nhưng sự chênh lệch về trình độ giữa Top 4 và các đội phía dưới tương đôi cao, vậy nguyên nhân nào mang lại sự hấp dẫn và lôi cuốn rất nhiều người hâm mộ đến Nhà thi đấu vào mỗi dịp cuối tuần và giữa tuần tại giải Chineses Volleyball League...?
Ngày 17/8, tuyển bóng chuyền nữ Brazil để thua kịch tính 2-3 (25-15, 23-25, 22-25, 25-22, 13-15) trước Trung Quốc ở tứ kết Olympic Rio 2016.
Thật sự Bóng Chuyền chỉ là môn thể thao thứ 3 tại Trung Quốc sau Bóng Đá và Bóng Rổ, xét về lượng người hâm mộ và sức đầu tư cũng thua kém hơn, nhưng Bóng Chuyền luôn được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo của cả nước. Dưới sức ảnh hưởng của Đội bóng chuyền Nữ quốc gia thì Bóng chuyền chuyên nghiệp của Trung Quốc luôn được quan tâm từ các nhà đầu tư, nó luôn là điểm nóng để các doanh nghiệp đề cập đến trong các dự án sản nghiệp thể thao tổ chức hằng năm vào tháng 12. Nhờ vậy mà các đội bóng luôn có được nguồn vốn tự chủ trong công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ đồng thời tìm kiếm yếu tố ngoại Binh để tăng tính hấp dẫn của từng trận đấu. Khác với Trung Quốc thì Bóng Chuyền là môn thể thao được yêu thích thứ 2 tại Việt Nam đứng sau Bóng Đá, nhưng giải Bóng Chuyền chuyên nghiệp của Việt Nam đến nay vẫn chưa được ra đời, sức đầu tư từ doanh nghiệp và nhà nước ngày càng hạn chế, Liên đoàn Bóng chuyền nước nhà lại có nhiều chính sách “Thu” mình lại hơn là phát triển mạnh mẽ, ví dụ như: chính sách ngoại binh, HLV ngoại, hoặc hạn chế VDV tham gia các giải Hội Làng mừng Xuân…Ngược lại thì Bóng Rổ lại xuất phát chậm hơn nhưng đang trên đà phát triển rất nhanh, giải Bóng rổ chuyên nghiệp của Việt Nam cũng ra đời một cách nhanh chống, cách thức hoạt động và hình thức thu hút kháng giả đến nhà thi đấu là một trong những hình thức rất tốt để Bóng chuyền nước nhà có thể học hỏi.
Tuy hai môi trường Bóng chuyền khác nhau nhưng có chung một chế độ quản lý giống nhau là chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, nên về bản chất phát triển là gần như giống nhau, nhưng quan điểm và lập luận của hai nền Thể Thao khác nhau...? Nếu như Trung Quốc đặt mục tiêu cho nên thể thao nước nhà là phát triển thành Cường Quốc Thể Thao, đặt mục tiêu thành tích là HCV tại các kỳ Olympic, nên thế hệ trẻ của họ luôn được chọn lọc và đào tạo từ rất sớm. Vì thực hiện mục tiêu HCV tại các kỳ Olympic thì Tổng cục TDTT Trung Quốc nói chung, hoặc Liên Đoàn Bóng chuyền nói riêng thì sự kiện Đại Hội TDTT Toàn Quốc vào năm đầu tiên của Chu kỳ 4 năm của sự kiện Olympic (sau khi sự kiện Olympic kết thúc 1 năm) và không cho phép VĐV ngoài quốc tịch tham gia sự kiện này, nhằm tuyển chọn được những nhân tài phục vụ cho Quốc gia trong giai đoạn tới. Đối với nền Bóng chuyền Chuyên nghiệp thì Lãnh đạo địa phương chỉ đặt mục đích quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư và phổ cập Bóng chuyền đến người hâm mộ, HLV và Liên Đoàn tuyển chọn cho đội tuyển quốc gia cũng chỉ một phần từ giải Bóng Chuyền chuyên nghiệp này. Chính vì thể tại giải Bóng chuyền chuyên nghiệp của Trung Quốc luôn xuất hiện rất nhiều VĐV trẻ tuổi để đào tạo và chuẩn bị cho các kỳ Đại Hội TDTT toàn Quốc. Đồng thời, Liên Đoàn bóng chuyền Trung Quốc đã cho phép 2 VĐV Ngoại Binh thi đấu cùng lúc trên sân và rõ ràng là nó không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo VĐV trẻ của Họ, ngoài ra hệ thống thi đấu của nền Bóng Chuyền của họ có thêm Giải Vô địch Quốc gia giành cho tất cả các đội Bóng tham vào tháng 6 hàng năm và giải 8 đội mạnh của Quốc gia. Hệ thống giải thi đấu và mục tiêu trọng điểm đã làm cho các đội Bóng chuyện tại Trung Quốc bắt buộc phải đầu tư vào công tác đào tạo VDV trẻ, thúc đẩy bóng chuyền chuyên nghiệp phát triển để thu hút đầu tư, nâng cao thành tích của đội Bóng mình, vì thành tích luôn đi đôi với đầu tư. Phải chăng nếu Nền Bóng chuyền Việt Nam có những bước điều chỉnh hợp lý hơn về hệ thống giải đấu, đặt mục tiêu và quan điểm Lãnh đạo cao hơn là Mục đích SEA Games, cho Ngoại Binh thi đấu trở lại tạo liều thuốc kích cầu người hâm mộ, thì hy vọng sẽ là nước đi cho nền Bóng chuyền Việt Nam trong tương lai gần. Tuy nhiên, hiện nay Nền Bóng chuyền chuyên nghiệp của Trung Quốc vẫn chưa được hoàn thiện so với các nước tiên tiến, nhưng so với Việt Nam thì họ vẫn hơn mình một bước dài, chính vì vậy môi trường phát triển cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mình khi học hỏi kinh nghiệm của nước bạn, đặc biệt điều cần chú ý hơn chính là môi trường chuyên nghiệp hoá của mình không cao nên cần phải thận trọng hơn khi có nhiều bước điều chỉnh mới.
HOÀNG HÀO (Từ Học Viện TDTT Shanghai - Trung Quốc)

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.