tháng 1 2016

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Sau khi “Bầu” Bùi Pháp giải thể CLB Đức Long Gia Lai, HLV tài năng và cá tính Bùi Quang Ngọc (Cựu HLV trưởng ĐTQG – CLB Thể Công và CLB ĐL.GL) mới thanh thản có cơ hội nghỉ ngơi giữa 2 miền: TP “Biển” nắng ấm Vũng Tàu và “Mùa đông…giá rét” TP Hà Nội cùng gia đình. Bên ly cà phê sáng ở biển, HLV Bùi Quang Ngọc đã có những chia sẻ thẳng thắn như cá tính mạnh mẽ của ông với BCSG.
Khi còn là HLV trưởng CLB Thể Công, đội bóng của ông từng được ví như ”Dream Team” trong làng bóng chuyền, đánh đâu thắng đó. Vậy trong 5 năm qua ở CLB Đức Long Gia Lai, ông đã gặt hái được gì?
Đến với CLB ĐL.GL tôi gặp nhiều khó khăn về lực lượng nhưng tôi nghĩ mình cũng giúp cho bóng chuyền Gia Lai và thương hiệu Đức Long thành công với 1 chiếc Cúp VĐQG, 2 ngôi Á quân và 1 chiếc Cúp Đạm Cà Mau…
Trãi qua 2 môi trường: Quân Đội và Tư Nhân, ông nghĩ mình thích nhất công việc ở đâu?
Mỗi môi trường đều có nét riêng miễn là tôi đều được tạo điều kiện để cống hiến cho niềm đam mê bóng chuyền của mình. Nhưng cũng phải nói thẳng là ở môi trường Thể Công có nhiều phòng ban chuyên môn, nhiều anh em có kiến thức tốt chung tay thì chuyên nghiệp hơn, tạo không khí sôi động, phấn đấu lành mạnh hơn. Trong khi ở CLB Đức Long Gia Lai thì chỉ duy nhất có một ông chủ…Nếu máu thì đội bóng sẽ rất mạnh nhưng nếu không còn đam mê nữa thì “chia tay” như thế này cũng đành chịu. Nhưng ở đây tôi cũng được tôn trọng và toàn quyền quyết định chuyên môn nên cũng rất tốt. Nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng phải biết tập thích nghi với nhiều môi trường khác nhau để trãi nghiệm cuộc sống…
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Hơn chục năm qua, “Thương hiệu” Bùi Quang Ngọc luôn tạo được nhiều cảm hứng trong các trận đấu với phong cách chỉ đạo máu lửa, thậm chí lăn lộn trên sân…đôi khi gây phản cảm với một số người. Dù khi không có đội ông thi đấu nhiều người buồn vì thiếu những hình ảnh độc đáo của ông trên sân. Nhưng gẫn đây, hình ảnh đó giảm bớt, nguyên nhân do đâu, ông đã xóa bớt “đặc sản” của mình?
Nói thật là trong làng bóng chuyền Việt Nam không có HLV nào truyền được cảm hứng cho cầu thủ mạnh mẽ như tôi. Thậm chí, tôi chấp nhận làm xấu hình ảnh của mình để tạo cảm hứng cho các em thi đấu thật tập trung…Thật ra, có sự thay đổi này gần đây  là nhiều nguyên nhân: do tuổi càng lớn thì tính điềm tĩnh càng tăng lên. Kế đến là ở CLB ĐL.GL khác với thời ở Thể Công…Tất cả học trò ruột xưa của tôi đã quen cách chỉ đạo và thích không khí của tôi. Trong khi ở ĐL.GL thì do các em từ các địa phương khác nhau, không do tôi đào tạo từ bé nên khó đồng cảm và tôi không truyền được lửa cho các em nhiều như xưa…
Gần đây, một số cầu thủ và HLV chia sẻ với BCSG là ĐL.GL giải thể làm khổ các đội khác như: Long An, Bến Tre, XSKT Vĩnh Long…vì vô tình giúp các đội bóng khác mạnh hơn vì có tiền chiêu mộ cầu thủ ĐL.GL như: Văn Sang về Quân Đoàn 4 Becamex, Văn Hạnh về tân binh Hà Tĩnh, Quảng Trọng Nghĩa, Bùi Thiện Mến về Sanest Khánh Hòa…ông nghĩ có chính xác?
Đây là điều tất yếu của cuộc chơi thôi chứ không có “Lỗi” của ĐL.GL…? Nếu không là ĐL.GL giải thể thì các đội Quân Đội (Nam Quân Khu 9, Quân Khu 5, nữ Phòng Không Không Quân hay nữ Cao Su Phú Riềng…) cầu thủ cũng đến đội khác…Thậm chí, đội nam XSKT Vĩnh Long có giải thể đâu mà các cầu thủ tốt như: Nguyễn Văn Dữ, Từ Thanh Thuận…cũng ra đi đến các đội khác….Quan trọng là phương pháp huấn luyện. Rõ ràng như những năm qua, ĐL.GL mỗi năm 1 đội hình khác nhau vẫn thi đấu rất tốt. Hay như trên thế giới, các “nhà giàu” Chelsea (Anh), Real Madrid (TBN)…đổ tiền mua nhiều cầu thủ giỏi nhưng có vô địch nổi đâu….?
Qua đây, nhiều nhà chuyên môn nhận xét, đội Sanest Khánh Hòa thâu tóm quá nhiều cầu thủ giỏi ở các đội về nhưng ít cho thi đấu như: Trường Giang (Bến Tre), Phi Gíp (Cho Maseco TPHCM mượn giờ cũng lấy về), Tuấn Anh…Bây giờ lực lượng của họ quá đông nên nhiều cầu thủ không có chổ thi đấu, thì liệu có làm ảnh hưởng phong độ các cầu thủ và ảnh hưởng đến chuyên môn của BCVN…?
Chính xác, lãnh đạo Sanest Khánh Hòa rõ ràng đã phí phạm tiền bạc và cả năng lực của các cầu thủ. Lấy về tốn tiền mà không sữ dụng…Quản Trọng Nghĩa còn trẻ mà về S.KH chưa chắc được thi đấu chính, thì chỉ 1-2 năm là vứt đi thôi…Nhưng họ có nhiều tiền thì họ có quyền, quan trọng là thị trường cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng vì họ “phá giá” để thâu tóm. Theo tôi biết, ở Thái Lan qui định, các cầu thủ ở ĐTQG chỉ được vài người ở mỗi CLB để giúp giải chuyên nghiệp T – League của họ chất lượng và đồng đều, chứ tập trung hết 6 tuyển thủ vào 1 CLB thì chơi với ai? Nhưng quan trọng là các tuyển thủ rãi khắp các CLB sẽ có cơ hội thi đấu chính thức thường xuyên….Chứ lấy về hết 1 CLB mà chỉ sử dụng chỉ 6 cầu thủ thì các cầu thủ khác ngôi chơi thì chỉ “Ném tiền qua cửa sổ”…
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này. Chúc ông có những ngày nghỉ Tết nguyên đán hạnh phúc bên gia đình!
HOÀNG ANH

Sau khi theo dõi những thông tin trên BCSG về việc nhiều đội bóng chuyên nghiệp của bóng chuyền Việt Nam liên tục giải thể, anh Nguyễn Khánh (Cựu Phó Tổng thư ký LĐBC TPHCM) từ Mỹ đã đóng góp vài ý kiến nhỏ với các nhà quản lý của LĐBCVN. BCSG xin đượcphép trích đăng như sau:
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Thông tin các đội Nam Nữ chuyên nghiệp liên tục giải thể và chuyện tranh chấp giữa đội bóng và vận động viên ... là điều đáng buồn cho hoạt động Bóng chuyền Việt Nam, nhưng đó củng là những điều bình thường trong hiện trạng cơ chế kinh tế thị trường của nước ta hiện nay .
Điều đáng đề cập là công tác quản lý và điều hành của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từ nhiều năm trước đây chưa đủ mạnh còn nhiều công việc chưa thực hiện :
1. Chưa tổ chức cho Liên đoàn xuống tận nơi của tất cả các đơn vị quản lý đội Bóng chuyền củng như Huấn luyện viên, Vận động viên của tất cả các đội Hạng A 2 và A 1 để thăm hỏi tìm hiểu động viên ...
2. Chưa phối hợp và có mặt kịp thời giúp các đơn vị quản lý đội bóng và các Vận động viên để xây dựng quy chế chuyển nhượng Vận động viên chặt chẻ để tránh các tình trạng kêu cứu của vận động viên ( như trường hợp Từ Thanh Thuận)
3. Các Hội Cưu Bóng chuyền hiện nay được tự phát thành lập từ Bắc vào Nam , tập hợp đông đảo các cựu Quản lý, Huấn luyện viên, Vận động viên, và cả những người yêu thích môn Bóng chuyền cho thấy đây là nhu cầu rất lớn của những người yêu thích Bộ môn Bóng chuyền, Hội thành lập tự phát nhưng hoạt động bài bản và nghiêm túc, Liên Đoàn Bóng chuyền cần phải quan tâm đến các Hội này và cần có hành động kết nối thậm chí có thể bầu bổ sung các đại diện các Hội vào Liên đoàn để cùng quản lý hoạt động ngày càng lớn mạnh
4. Về Đội Tuyển Nam Nữ Bóng chuyền Việt Nam hiện nay, thì lực lượng Vận động viên đang có thuộc đẳng cấp Top Đông Nam Á một lứa vận động viên Vàng có thể thực hiện được ước mơ Vàng SEA Games nhưng thiếu một định hướng chiến lược bài bản khoa học để đầu tư và huấn luyện.
.... Vài ý nhỏ để mong Bóng chuyền Việt Nam phát triển!
ANHKA (Từ Mỹ)

Trong buổi họp mặt Bóng chuyền phía Nam mừng Xuân Bính Thân 2016 được tổ chức vào sáng ngày 24/1 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Quân đoàn 4, sự hiện diện khá trễ do sau chuyến bay dài từ Hà Nội vào của một người phương xa khi mà buổi họp mặt đã khai màn đã tạo nên sự bất ngờ dành cho những đại biểu đến tham dự.
Điều tất nhiên là khi được mời vào và giới thiệu bổ sung ông, mọi người ai nấy đều cảm thấy rất vui mừng và cảm động trong tâm thế mở rộng vòng tay chào đón người anh em tưởng chừng khó có dịp gặp lại, nhưng nay bỗng dưng trở về họp mặt dưới mái nhà Bóng chuyền phía Nam. Đó là ai, nếu không phải là HLV Bùi Quang Ngọc.
Và thêm điều bất ngờ khác do ông Ngọc mang đến. Trong một câu chuyện, ông đã cho biết, nữ Hòa Phát Hưng Yên dường như…..đã có ‘lệnh” giải thể.
Nếu điều đó đúng, đây lại là một tin không vui đối với Bóng chuyền VN trong thời điểm mà những người điều hành nhiệm kỳ mới chuẩn bị bắt tay vào công việc.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, BCSG đã thử liên lạc với phía đội nữ Hòa Phát Hưng Yên nhưng luôn mong đó chỉ là câu chuyện vui “làm quà” của vị HLV họ Bùi vốn nhiều “cá tính trong sân – vui tính ngoài đời”. 
Thế nhưng, niềm tin ấy đã vụt tắt khi được biết, đó là một thông tin hoàn toàn có thật.
Khi mọi chuyện đều tốt đẹp…
Quả thật, nếu không nghe những người trong cuộc trải lòng với chút vị đắng khi họ góp nhặt những mẫu chuyện kể thì khó tin một Hòa Phát Hưng Yên từng có dấu hiệu hồi sinh mãnh liệt ở vòng II giải VĐQG PV Gas 2015, lại lâm vào tình cảnh bất ngờ buộc phải giải thể như thế này.
Rõ ràng, tuy xác định chỉ chơi ở hạng A nhưng với cơ hội không thể tốt hơn – Tập đoàn Hòa Phát “chán” bóng đá sau khi bỏ vốn đầu tư lớn nhưng đem lại không ít phiền toái, đã quyết định đầu tư cho đội nữ Bóng chuyền Hưng Yên.
Và cũng nhờ sự tiếp sức bằng hợp đồng 2 năm đầu tiên kể từ năm 2014 để giành chức Vô địch giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc (VCK tại Vĩnh Long) với mức tài trợ 2,5 tỷ đồng/ năm, cộng khoản kinh phí từ ngân sách tỉnh cấp như mọi khi thi đấu giải hạng A khoảng 1,5 tỷ/năm, Hòa Phát Hưng Yên bổng chốc trở thành một trong số ít đội bóng đại gia trong hàng ngũ các đội thi đấu ở giải hạng cao nhất quốc gia về nguồn đầu tư tài chính.
Tuy nhiên, với tư thế là tân binh cùng với sự thiếu hụt lực lượng nên không mạnh so với lúc đăng quang giải hạng A mùa trước, vòng I giải VĐQG PV Gas 2015 (tháng 4, tại Thái Bình), họ đã thi đấu chưa như mong đợi, với kết quả 5 trận toàn thua.
Song chỉ 7 tháng sau, mọi chuyện đã có chuyển biến rõ rệt khi cầu thủ Việt gốc Nga – Vũ Mai Ka (18) sau thời gian hồi phục chấn thương đã trở lại, rồi các cựu binh của Vietsov Petro trước đây như chuyền hai Nguyễn Huyền Trang (10), phụ công người gốc Thái Bình Trương Thị Chiên (2) về đầu quân, một số cầu thủ nổi trội của Bia SG Thái Bình Dương, như Phạm Thị Hồng Nhung (1), Nguyễn Thị Hà Xuyên (6) hay Phan Thị Mỹ Hoa (14), Trịnh Thị Huyền (15) của đội Hà Nội đến tăng cường cùng những cầu thủ tại chổ, đã tạo nên một diện mạo mới cho Hòa Phát Hưng Yên. 
Từ đó, tuy ở thế “lội ngược dòng” ở vòng II (tháng 11, tại Khánh Hòa) với 2 trận thắng (Phòng không Không quân và PVD Thái Bình) nên không đủ thoát “vòng chung kết ngược”, nhưng cuối cùng họ vẫn đủ khả năng để trụ hạng nhờ vượt qua PKKQ và Giấy Bãi Bằng.
Và, chính Tập đoàn Hòa Phát cũng hứa như “đinh đóng cột”, đại loại sau hai năm tài trợ, nếu đội bóng trụ hạng năm 2015, họ sẽ tiếp tục ở lại để đồng hành. Theo một thành viên chủ chốt trong Ban Huấn luyện, doanh nghiệp đã không thất tín. Họ nói là làm bởi trong thời gian thực hiện hợp đồng, chính Hòa Phát còn bổ sung thêm mỗi năm ngoài 1 tỷ đồng chi cho các khoản phát sinh khác do đội bóng đề nghị. Điều đó có nghĩa là họ vẫn “máu mê”, vẫn cam kết tiếp tục gắn bó.
Thế nhưng, mới đây, đùng một cái, họ tuyên bố rút lui khiến cả đội bóng bàng hoàng.
Lỗi do ai và xuất hiện những hướng đi kỳ lạ...?
Một thông tin chưa được chính thức xác tín, nhưng nhiều ngừoi trong cuộc lại cho đó có thể là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến việc chia tay không mong muốn này giữa các ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát và bóng chuyền nữ Hưng Yên.
Số là, một số biễn quảng cáo của tập đoàn này được treo dán trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mắc lỗi và họ đã bị buộc phải tháo dỡ. Và cơ quan “bắt giò” Hòa Phát chính là đơn vị chủ quản của đội bóng – ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên.
Thế là bất đồng. Một khi chỉ vì một mâu thuẩn nhỏ hoặc xuất phát từ sự thiếu am hiểu nên làm sai quy định của một doanh nghiệp, nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước tư vấn, hướng dẫn, giải thích để tìm tiếng nói chung thì việc gì xảy ra ắt ai cũng hiểu. Song trong câu chuyện này, chính đội bóng nữ Hưng Yên lại là phía gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn tạm chưa có hồi kết. Điều đáng mừng là theo quy định của lãnh đạo tỉnh, khi đã thăng hạng Đội mạnh quốc gia, các cầu thủ bóng chuyền nữ Hưng Yên được hưởng chế độ ưu đãi thuộc loại 1 từ tiền ngân sách của tỉnh: tiền lương tương đương 5 lần mức lương tối thiểu, cộng thêm các khoản tiền ăn, chế độ đẳng cấp, thưởng v.v., bình quân mỗi VĐV hưởng khoảng 12 đến 13 triệu đồng/tháng.
Theo HLV trưởng Ngô Ngọc Tú (Vòng 2 giải VĐQG PV Gas 2015 thay HLV Trần Minh Khang), đây là chế độ ở mức khá tốt so với mặt bằng thu nhập chung của BCVN hiện tại. Hiện toàn đội chấp nhận mức thu nhập này và thầy trò xác định dù không còn sự tiếp sức của Hòa Phát một cách đáng tiếc, họ vẫn cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu thi đấu để trụ hạng năm 2016, sau đó sẽ tính tiếp.
Thế nhưng, điều kỳ lạ ở chổ, lãnh đạo ngành lại yêu cầu đội bóng phải giải thể và chỉ đăng ký thi đấu ở giải….hạng A năm 2016. 
Ông Tú cho biết, ông đã cố giải thích, rằng cho dù Hưng Yên có giải thể thì LĐBCVN cũng không thể cho phép thi đấu ngay ở giải hạng A 2016 mà phải chờ năm sau – 2017. Trong khi đó nếu có quyết tâm cao, đoàn kết một lòng thì nữ Hưng Yên vẫn có khả năng trụ hạng thành công do giải nữ 2016 chỉ phải xuống hạng 1 đội. Còn như thất bại, đội trở lại hạng A năm 2017 như “khuyên bảo” của một số quan chức nọ là điều bình thường. 
Thế nhưng tiếc thay, giờ đây, dù có phân trần thế nào, lời của HLV Ngô Ngọc Tú và những mong mỏi chính đáng, hợp tình, hợp lý của các học trò ông vẫn không được chấp nhận.
Rõ ràng, những nỗ lực đáng trân trọng của thầy và trò đội bóng nữ Hưng Yên đang đi dần vào ngỏ cụt xuất phát từ cách làm và những ý tưởng khó thể hiểu được của một số lãnh đạo ngành tại địa phương.
HỒNG ÁNH  

Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh (trái) nhận bảng tiền tài trợ của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch Liên Đoàn Bóng chuyền tỉnh Vĩnh Long.
Đội tuyển bóng chuyền nam Vĩnh Long đã được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long tài trợ lên 2 tỷ đồng.
Sáng ngày 20/1, tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long- nhà tài trợ nhiều năm liền của bóng chuyền tỉnh, vừa công bố mức tài trợ cho đội bóng từ 1,5 tỷ đồng vào những năm trước, lên 2 tỷ đồng cho mùa bóng 2016.
Đội bóng tuyền tỉnh trong năm 2015 đạt được những kết quả đáng phấn khởi, với thành tích: Hạng 5 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas chung cuộc 2014, hạng nhất Vòng 1 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas, huy chương đồng Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas 2015, hạng nhì Giải Cúp Hùng Vương 2015. 
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long hy vọng với mức tài trợ này, sẽ góp phần giúp cho thành tích đội bóng chuyền của tỉnh thi đấu tốt tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas và các giải đấu khác trong năm 2016.
DƯƠNG THU

Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia PV Gas năm 2016:
Ảnh: NGUYỄN KHANH
Tuy ban hành muộn hơn gần nữa tháng so với cùng kỳ năm trước do không tránh khỏi mất thời gian làm thủ tục chuyển giao sang nhiệm kỳ khóa VI của Ban chấp hành LĐBCVN, nhưng nhiều người cho rằng việc ban hành một loạt các văn bản điều lệ những giải trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia năm 2016 là một trong các nỗ lực đáng ngợi khen của những người điều hành đương nhiệm. 
Từ việc gở bỏ những rào cản so với trước….
Phải thừa nhận rằng, riêng điều lệ giải VĐQG PV Gas (số 01/ĐL-LĐBCVN do Tổng thư ký Lê Trí Trường ký ban hành ngày 13/1), về cơ bản vẫn dựa trên những bộ khung cũ vì đó chính là những kết quả được hầu hết các đội tham gia tán thành trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, tương tự những sự kế thừa có chọn lọc khác, so với bản điều lệ giải năm 2015 thì lần này đã có những thay đổi mang chiều hướng tích cực, hứa hẹn sẽ mang lại làn gió mới cho BCVN.
Trước hết, vấn đề loại bỏ đầu tiên là không còn quy định “Mỗi địa phương, ngành không được đăng ký 2 đội (do cùng một địa phương, đơn vị quản lý) trong cùng 1 hạng”.
Thực tế cho thấy, đây là một quy định từng không được thực thi triệt để, dù không ít người biết đến nhưng vẫn phải làm ngơ bởi văn bản chẳng hề định nghĩa hoặc diễn giải cụ thể cho cụm từ “Cùng một địa phương, đơn vị quản lý” sẽ được hiểu như thế nào. 
Thử hỏi như trước đây, các đội bóng cùng ngành Quân đội (Thể Công, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4) hay cùng ngành Công an (Công an Vĩnh Phúc, Công an TPHCM, rồi sau này có thêm Công an Phú Thọ sau khi Công an Vĩnh Phúc giải thể) ...đều được hưởng các chế độ cơ bản dành cho đội bóng chuyên nghiệp do ngành dọc rót kinh phí đầu tư hàng năm, hoặc giả như xét về mặt địa bàn, từng có thời các đội nam như: Thép Việt TPHCM và Công an TPHCM cùng thi đấu ở giải VĐQG... thì có được xem là cùng đơn vị (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), địa phương (TPHCM) quản lý hay không và nếu vậy, đã có bộ phận nào của Ban Tổ chức giải “tuýt còi”?
Kế đến, ngoài về phần thủ tục được cải cách theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả - nếu trước đây quy định gửi về 2 nơi, trong đó có địa phương đăng cai thì nay đã quy về một đầu mối chịu trách nhiệm theo địa chỉ: LĐBCVN (36 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội. Điện thoại: 04 38234555 Fax: 04 38433915 và điều lệ giải 2016 đã bỏ hẳn quy định cũ “Các VĐV Bóng chuyền bãi biển được tham gia thi đấu các giải Bóng chuyền trong nhà, song các VĐV Bóng chuyền trong nhà không được thi đấu giải VĐQG BCBB (trừ trường hợp VĐV Bóng chuyền trong nhà được tập trung ĐTQG BCBB). Các tour BCBB khác không theo quy định này” một cách không cần thiết, thì thay đổi quan trọng nhất chính là việc không đề cập gì đến quy định cho phép cầu thủ hạng dưới lên thi đấu ở giải VĐQG (mỗi đội hạng trên được tiếp nhận tối đa 2 và mỗi đội hạng A cho phép tăng cường tối đa 2 VĐV) như các mùa trước liền kề, đó là việc áp dụng khoản “1.4. Chuyển nhượng VĐV : theo Quy chế chuyển nhượng VĐV Bóng chuyền (ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29 tháng 6 năm 2010) và 02 Thông báo (Thông báo số 02 ngày 21 tháng 2 năm 2012; Thông báo số 03 ngày 01 tháng 3 năm 2012)” từng nhiều lần được công luận lên tiếng góp ý sửa đổi.
Tuy nhiên, việc điều lệ giải 2016 không “nhắc” đến quy định này liệu có phải là lời cáo chung cho một chủ trương….không giống ai của khóa trước, đặc biệt là với môn thể thao “Vua” - bóng đá, khi cho phép thi đấu loạn xị lên trên – xuống dưới trong cùng một năm, hay là vẫn cứ tiếp tục thực hiện theo kiểu điều gì không cấm và đã có văn bản cụ thể thì mặc nhiên được làm?
Ảnh: DƯƠNG THU
….cho đến những điểm mới!
Có thể thấy, tuy những điểm bổ sung trong điều lệ không nhiều nhưng đó lại là những điều rất cần thiết nhằm cụ thể hóa những quy định chưa rõ ràng, dễ dẫn đến những tranh luận hoặc mắc mứu không đáng có trong quá trình thực hiện nhiều năm trước đây.
Rõ ràng, ngoài những chi tiết nhỏ, như “Các đội đăng ký bổ sung hoặc thay đổi chức năng VĐV cho vòng II và chung kết bằng văn bản gửi về Văn phòng LĐBCVN” thì khác với những mùa giải trước, ở giải lần này, việc xác định địa điểm thi đấu đã thật sự rõ ràng, ví dụ quy định hẳn hoi bảng có đội Hà Tĩnh (thi đấu tại Hà Tĩnh) và chung kết nữ, xếp hạng nam (tại Hà Tĩnh) nhằm tạo sự chủ động và theo lựa chọn để đảm bảo quyền lợi (sân nhà trong từng mục tiêu cụ thể) cho mỗi địa phương đăng cai.
Chưa hết, tương tự các mùa giải trước quy định 2 đội thứ 11 và 12 xuống hạng, kỳ này điều không thừa nhưng là sự minh định trong phần khen thưởng: “10 đội đứng đầu được tham dự giải Bóng chuyền VĐQG 2017”, có lẽ như là bưóc khởi đầu để chuẩn bị cho tiến trình rút xuống còn “9 hay 8 đội đứng đầu” bất kể số đội tham dự có thể là đủ 12 hay ít hơn, nếu chủ trương này được sự đồng thuận cao của tất cả các phía tham gia – từ giải VĐQG cho đến hạng A trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nếu vòng xếp hạng trước đây giữa nhóm các đội xếp thứ 5 và thứ 6 của 2 bảng A, B (nam, nữ): sẽ có thông báo trước thi đấu 1 tháng, thì nay mặc định rõ lịch đấu theo thể thức Vòng tròn tính điểm (theo mã số 5A – 6B; 5B – 6A; 5A – 6A; 5B – 6B; 5A – 5B; 6A; 6B). 
Như vậy nếu đã xác định chỉ có 11 đội tham dự ngay từ đầu (như trường hợp năm 2016 – nam Đức Long Gia Lai và nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước giải thể) hoặc 1 đội bỏ giải trong quá trình về sau, thì mới phải tổ chức bốc thăm lại trong cuộc họp kỹ thuật trước vòng chung kết và vòng giữ hạng.
Và ở phần mục đích tổ chức giải, điều lệ 2016 đã bổ sung thêm quy định: là nhằm “Tuyển chọn VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải quốc tế”. Điều này phải chăng có thể hiểu là sẽ đồng nghĩa với việc những VĐV không tham dự giải ít có cơ hội được xét chọn hơn các đồng nghiệp khác?.
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Liệu đã hết kẻ hở?
Xét về tổng thể là tương đối ổn và có nhiều điểm mới hơn song không ít người đã phát hiện ra rằng, một số năm gần đây, có lẽ phần dịch thuật sang Việt ngữ chưa thật sát nên khi đem vào điều lệ các giải của BCVN - kể cả điểu lệ 2016, vẫn tồn tại một điều dường như có sự mâu thuẩn với một quy định khác có tính ràng buộc của chính Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB).
Số là ở vòng bảng, thường quy định: 12 đội nam, 12 đội nữ chia làm 2 bảng A và B thi đấu vòng tròn hai lượt (vòng I và vòng II) tính tổng điểm của cả hai vòng để xếp hạng.
Đây chính là điều mâu thuẩn, bởi việc xếp hạng chưa hẳn lúc nào cũng dựa trên tổng điểm mỗi đội đạt được vì nó đã được FIVB quy định và các nhà tổ chức luôn đưa vào một khoản khác của điều lệ, cụ thể: Xếp hạng: lần lượt theo các thứ tự: 1-Đội có nhiều trận thắng nhất xếp trên; 2-Nếu hai hay nhiều đội có tổng số trận thắng bằng nhau: đội nào có tổng số điểm nhiều hơn thì xếp trên (trận đấu có tỷ số 3 – 2, đội thắng 2, đội thua 1 điểm; trận có tỷ số 3 – 0 hoặc 3 – 1, đội thắng 3, đội thua 0 điểm);3-Trong trường hợp hai hay nhiều đội có tổng số điểm bằng nhau thì đội nào có tỷ số "tổng hiệp thắng/tổng hiệp thua" lớn hơn đội đó xếp trên; 4-Nếu tỷ số này vẫn bằng nhau thì đội nào có "tổng quả thắng/tổng quả thua" lớn hơn sẽ xếp trên; 5-Nếu tỷ số này vẫn bằng nhau thì đội nào thắng trong trận đấu giữa 2 đội ở vòng II xếp trên.
Như vậy đã rõ, đội có tổng điểm nhiều hơn chỉ có lợi thế hơn trong xếp hạng nếu cùng có số trận thắng so với 1 hoặc nhiều đội khác nhưng hoàn toàn xếp dưới, nếu đội ấy có ít trận thắng hơn.
Vậy, trong các văn bản điều lệ giải của BCVN quy định về thi đấu vòng tròn (vòng bảng và vòng xếp hạng - “chung kết ngược”), nên chăng cần điều chỉnh lại bằng cụm từ cho chính xác và tránh mâu thuẩn với các quy định cùng văn bản về cách xếp hạng: “Các đội thi đấu vòng tròn một lượt (hoặc 2, tùy giải) và phân định thứ hạng qua cách xếp hạng sau đây (như trên của FIVB)”.
Thiết nghĩ, việc bỏ hẳn hoặc điều chỉnh, bổ sung những quy định mới vào điều lệ các giải là việc làm bình thường nhưng cần thiết, nhằm giúp cho các cuộc chơi được thuận lợi hơn và điều lệ giải VĐQG 2016 cũng thế, đó được xem là một trong những tín hiệu lạc quan cho BCVN trong các ngày đầu năm mới.
THU PHƯƠNG

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Sau khi CLB Đức Long Gia Lai giải thể thì nhiều cầu thủ đã tìm bến đỗ mới như: Quản Trọng Nghĩa về Sanest Khánh Hòa, Văn Hạnh về Hà Tĩnh, Thiện Mến về trường ĐH TDTT TPHCM...thì vừa qua, cầu thủ libero "Số 1 VN" là Văn Sang cũng đã đến với đội Becamex Quân Đoàn 4. Đây là một điều may mắn cho đội bóng lính vì Văn Sang rất nhanh và phản xạ rất tốt mà ngay cả 2 nhà vô địch Hà Vũ Sơn và Nguyễn Hoàng Thương của Maseco TPHCM cũng phải thán phục: "Anh ta nhanh như sóc nhiều khi bóng bay ra tới bảng quảng cáo mà anh ta lao theo cứu bóng trở lại sân...thật khiếp"
Nhưng đây cũng là bài toán khó cho HLV trưởng Phạm Chiến Thắng vì đang sở hữu 2 libero cũng khá tốt, trong đó có con trai của "Cựu danh thủ số 1 VN" Trần Minh Khang...
HOÀNG ANH 

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Đó là nhắn gửi của ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Quân đoàn 4 – đơn vị đăng cai tổ chức buổi họp mặt, với BCSG vào sáng ngày 18/1/2016.
Theo ông Thủy, trong Thư mời (kèm theo danh sách) do Thượng tá Lê Văn Thành – Giám đốc Trung tâm, ký ngày 30/12/2015, có đề nghị các cá nhân hoặc đơn vị, đội bóng đồng ý tham dự buổi họp mặt cần có phản hồi thông tin về số lượng, thành phần cho ông Thủy (theo số ĐTDĐ 0908.321999) hạn chót vào ngày 18/1/2016 để BTC tổng hợp, qua đó lập danh sách và chủ động trong việc đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ cho đại biểu (đón tiếp vào chiều ngày thứ Bảy, 23/1/2016 và họp mặt vào lúc 8g sáng ngày Chủ nhật 24/1/2016 tại Hội trường Trung tâm VHTT Quân đoàn 4, số 78 đại lộ Độc Lập, Khu công nghiệp Sóng Thần, TX Dĩ An, tỉnh Bình Phước) và đặc biệt, là để giúp việc đặt tiệc cho khớp với số lượng người tham dự, tránh thiếu hụt hoặc dư thừa, gây lãng phí kinh phí chung.
Và sáng 18/1, BCSG vừa nhận thêm thông tin vui, rằng do là lần đầu tiên tổ chức, quan ngại việc chưa có nhiều kinh nghiệm nên sẽ thiếu sự chu đáo, kế hoạch ban đầu của buổi họp mặt chỉ khoanh vùng trong giới Bóng chuyền trong nhà, gồm các giám sát, trọng tài, lãnh đội, huấn luyện viên các đội bóng thuộc khu vực phía Nam.
Thế nhưng, nhận định đây sẽ là một thiếu sót lớn bởi buổi họp mặt nên là nơi trao đổi tình cảm, họp mặt những người từng công tác, cùng sát cánh bên nhau trong một “Đại gia đình” Bóng chuyền, Ban Tổ chức buổi họp mặt trân trọng kính mời các nhà báo như: ông Huỳnh Thành Trí (Thể thao TPHCM), ông Dương Thanh Bá (Ủy viên BCH LĐBCTPHCM, phụ trách truyền thông), nguyên Tổng Thư ký LĐBCVN khóa IV - ông Trần Văn Nghĩa, trọng tài Bóng chuyền quốc tế - ông Trần Việt Cường, cựu trọng tài quốc tế BCBB - ông Lê Hoàng Sơn, các trọng tài quốc gia BCBB Đỗ Gia Tuyển (Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM), Huỳnh Thanh Sơn (Đại học Sài Gòn) v.v. cùng các anh chị gần xa khác, đã và đang hoặc từng gắn bó trong công tác huấn luyện, giám sát, trọng tài Bóng chuyền trong nhà và BCBB thuộc khu vực phía Nam, sắp xếp công việc, dành chút thời gian đến tham dự buổi họp mặt vào thời gian và địa điểm nêu trên (xin vui lòng thông báo sớm với BTC và liên hệ ông Nguyễn Hữu Thủy qua điện thoại).
PHÚC VĨNH 

Ảnh: THIÊN HOÀNG
Sáng nay (17/1), BHL và các cầu thủ nữ VTV Bình Điền Long An hâm hở di chuyển về địa bàn huyện Đức Hòa - tỉnh Long An để cùng chung vui và chúc mừng cho chuyền hai Lê Thị Ánh Nguyệt tổ chức lễ đính hôn tại quê nhà. Người bạn đời của chị Ánh Nguyệt cũng từng là một tuyển thủ bóng chuyền của đội trẻ Long An cùng giai đoạn của Ánh Nguyệt.
BCSG  xin được chúc mừng đôi bạn bóng chuyền Long An sẽ trăm năm hạnh phúc!
BCSG

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Sau khi thông tin "Tên lửa" Từ Thanh Thuận và bóng chuyền Vĩnh Long sẽ dắt nhau ra tòa án vì không đạt được thỏa thuận trong bản thanh lý hợp đồng, BCSG Online đã trao đổi trực tiếp với Từ Thanh Thuận về vấn đề này để làm sáng tỏa thông tin trên.
Anh cho biết vấn đề có nghiêm trọng như thông tin không?
Đền thời điểm này thì chưa có gì xảy ra. Bởi vì, Vĩnh Long dù sao cũng là quê hương của tôi nên tôi muốn hai bên giải quyết thật em đẹp về mặt tình cảm. Chỉ khi nào đến bước đường cùng không thể giải quyết được thì tôi mới nhờ đến pháp luật can thiệp, lúc đó mới ra tòa án...
Vậy diễn biến như thế nào?
Tôi đã gặp chú giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long để trao đổi về việc chia tay. Tôi nói rõ với lãnh đạo là tôi đã cống hiến cho bóng chuyền Vĩnh Long 5 năm rồi và lãnh đạo cũng hứa sẽ tạo điều kiện cho tôi ra đi không gây khó khăn...
Nhưng sẽ có việc đền bù chi phí đào tạo...như thông tin là hơn 1 tỷ đồng?
Tôi đã là cầu thủ tự do, không còn hợp đồng với bóng chuyền Vĩnh Long. Theo qui chế của LĐBCVN: Nếu tôi đơn phương kết thúc hợp đồng trước thời hạn thì tôi sẽ đền bù hợp đồng với chi phí hơn 1 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng nếu tôi là tuyển thủ QG nhưng đó là nếu tôi còn hợp đồng. Nhưng hiện nay tôi đã hết hợp đồng và tôi đã cống hiến cho bóng chuyền Vĩnh Long 5 năm và đóng góp nhiều thành tích nên tôi hoàn toàn có thể ra đi tự do, không phải ràng buộc gì cả. 
Ảnh: DƯƠNG THU
Vậy anh đã có hướng đi nào cho mình chưa?
Có 2 đội bóng tôi đang chọn lựa là Maseco TPHCM và Sanest Khánh Hòa nhưng tôi cần thêm thời gian để quyết định con đường sắp tới cho mình.
Xin cám ơn anh và chúc cuộc chia tay của anh sẽ êm đẹp...!
DƯƠNG LÂM

Chuẩn bị mùa giải VĐQG PV Gas 2016:
Với phong thái và cử chỉ rất nghiêm túc, Người quan sát (NQS) đã có nhận xét như thế khi bắt đầu cuộc trò chuyện ngắn với BCSG vào cuối tuần qua.
Thưa ông, tại sao nay ông lại đề cập đến vấn đề thường có rất ít người để ý này?
NQS: Có lẽ nhiều nhà quản lý đội cũng suy nghĩ như chị nên chẳng khó hiểu khi có không ít huấn luyện viên đã liên lạc trực tiếp với tôi, đề nghị cung cấp thông tin về kích cở của trang phục thi đấu, mặc dù nó đã được thể hiện đầy đủ và rõ ràng trong Luật Bóng chuyền, ổn định qua các chu kỳ thay đổi 4 năm 1 lần của Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB), mà nếu tôi nhớ không nhầm thì ít nhất cũng phải là giai đoạn từ năm 1996 trở lại đây.
Trang phục của nữ tuyển thủ Ngọc Tuyết (10-TPHCM) khá "Lạ"
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Thế nhưng vì sao nhiều người lại đặt vấn đề….quá đơn giản như thế với ông?
NQS: Có lẽ chính vì xem quá đơn giản nên họ mới không để ý. Theo tôi, khi ta không quan tâm đến điều gì đó, dù là việc rất bé, thì đến lúc thực hiện sẽ không đúng như mong muốn của mình.
Số đông các HLV khi trao đổi với tôi, họ đều cho rằng cứ mỗi đợt tham gia kiểm tra trang phục trước giải, kể cả giải Vô địch quốc gia của VN, họ đều được Ban Tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo lần sau nhớ ghi chép số liệu về kích cở để khi đặt hàng thì yêu cầu các nhà cung cấp phải làm cho đúng.
Thực ra, “lỗi” cũng không lớn lắm, thường gặp nhất là số áo phía trước ngực hoặc sau lưng quá to hoặc bé, băng đội trưởng có chiều ngang quá ngắn và khá mãnh – thậm chí có vài đội còn “cẩn thận” may băng đội trưởng trước ngực và cả….sau lưng nên trông khá ngộ nghĩnh. Còn số quần thì đủ loại, to có bé có, cứ đặt bên trái hay bên phải một cách thoải mái.
Thực tế vừa qua cho thấy, điều đó không đáng ngại mỗi khi thi đấu trong nước bởi các nhà tổ chức thường du di “cho qua” và chỉ nhắc nhở là chính vì muốn thay đổi ngay cho đúng trước giải 1 – 2 ngày là một việc hầu như không thể. Đó là còn chưa kể đến việc một số đội còn cho biết, trang phục ấy họ đã đặt tận ở nước ngoài thì biết làm thế nào (cười).
Tuy nhiên, họ - đặc biệt là các CLB hàng đầu VN, trong đó có nữ VTV Bình Điền Long An sẽ dự giải Bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp Bình Điền lần thứ X-2016 sẽ tổ chức vào tháng 3 tại Ninh Bình, cho biết sẽ làm lại bằng cách đặt trang phục: yêu cầu nhà cung cấp thực hiện cho đúng ngay từ đầu năm 2016. 
Đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng vì có như thế, khi thi đấu ở các giải Quốc tế do VN tổ chức hoặc được cử đại diện BCVN thi đấu ở nước ngoài, các CLBVN sẽ có thêm sự tự tin, ít nhất là làm đúng luật định, dù đó chỉ là hình thức…..bề ngoài.
Trước những yêu cầu đó, ông đã cung cấp thông tin cho những địa chỉ cụ thể. Nhân đây, xin ông giới thiệu rộng rãi để các đội bóng khác khỏi phải cất công tìm hiểu, dù đã có trong luật?
NQS: Tôi chỉ nhắc lại với mọi người thế này: về áo, nét chữ số trước cao 15cm, số sau cao 20cm, rộng tối thiểu 2cm; về quần, số ở bên phải cao 4 - 6 cm, rộng tối thiểu 1cm; về băng đội trưởng phải có màu sắc khác biệt màu áo và dài 8cm, rộng 2cm (chỉ đặt ở phía trước, dưới số áo trước ngực – NV).
Thế còn điều gì muốn nhắn gửi nữa, thưa ông? 
NQS: Tôi xin nói vui nhưng rất nghiêm túc. Đó là trang phục phải chuẩn bị từ phía Ban Tổ chức. Họ phải có áo phông dự phòng cho VĐV Libero trong trường hợp anh hay chị ấy bị chấn thương, không thể tiếp tục thi đấu trong quảng thời gian còn lại của trận đấu. 
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
À, tôi xin lỗi khi nhắc đến vấn đề này. Vừa qua, BCSG đã giới thiệu bảng tổng hợp của TS Lê Trí Trường – Tổng thư ký LĐBCVN về trường hợp tái chỉ định khi Libero bị chấn thương hay để muốn được thay thế bằng 1 VĐV khác theo ý đồ của từng đội. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
NQS: Theo luật quy định, mỗi đội bóng được quyền đăng ký 2 VĐV chuyên môn phòng thủ – mà ai nấy đều thường gọi ngắn gọn là "Libero", trong danh sách của đội.
Tuy nhiên, cần nhắc thêm là theo FIVB, trong các cuộc thi đấu của FIVB, thế giới và chính thức dành cho đội tuyển, nếu đội đăng ký danh sách trong biên bản thi đấu nhiều hơn 12 VĐV, thì bắt buộc họ phải có đủ 2 Libero. 
Về trang phục, Libero phải mặt đồng phục (áo jacket, hoặc áo yếm dành riêng cho Libero), nhưng ít nhất áo phải có màu sắc khác và tương phản với màu áo của các VĐV khác của đội (riêng trang phục của Libero phải có số như các VĐV khác của đội.
Đối với các cuộc thi đấu của FIVB, thế giới và chính thức, Libero tái chỉ định - nếu có thể, mặc trang phục cùng kiểu và màu sắc giống như Libero chính thức, nhưng phải mang số áo của chính mình.
Thế nhưng ở VN, nhất là ở những giải đấu cấp thấp hơn VĐQG PV Gas, màu áo của Libero thỉnh thoảng có sự tương đồng. 
Tôi thấy không ít trường hợp, tuy đội nào cũng sắm ít nhất 2 bộ áo, quần, đại loại, một là thân xanh tay đỏ và ngược lại, tay đỏ thân xanh và mỗi khi thi đấu, Libero cứ mặc trang phục đối nghịch ấy của đội mình. 
Điều này là không thể chấp nhận được bởi họ vô tình gây khó khăn cho công tác kiểm soát của các trọng tài và nếu ở các giải quốc tế, chắc chắn sẽ bị từ chối.
Còn những vấn đề nào cần trao đổi thêm về luật, thưa ông?
NQS: Nói một cách tôi tạm cho là công bằng thế này. Các đội lo chuẩn về trang phục, thì Ban Tổ chức các giải cũng cần quan tâm chuyện ấy. 
Đó là phải có sẳn những chiếc áo phông dự phòng. Cứ nghiệm lại xem, ở giải nữ Quốc tế VTV Cúp Sắc Ngọc Khang năm 2015 tại Bạc Liêu, khi Libero Phạm Thị Liên (Thông tin Liên Việt Postbank) bị chấn thương, không thể thi đấu tiếp, đội tuyển VN chỉ định cầu thủ đảm nhận vai trò phòng thủ “bình thường” Nguyễn Thị Kim Liên (VTV Bình Điền Long An) thay thế, nhưng có áo…Libero đâu?. 
May mà cuối cùng tuyển VN cũng “chạy” được vì kiếm cho Kim Liên một chiếc áo phông tạm, đồng thời thông báo chị tiếp tục mang số cũ như trong biên bản nên các trọng tài phải theo dõi - đặc biệt là thư ký, bằng…số ghi trên chiếc quần.
Cuối cùng, với đề nghị chị vừa nêu cũng như số đông bạn đọc về những thắc mắc quanh Luật Bóng chuyền 2015 – 2016 của FIVB, tôi xin phép không dám “Múa rìu qua mắt thợ”. 
Tôi tin chắc rằng trong 2 ngày 23 và 24/1/2016, ở buổi họp mặt bóng chuyền phía Nam mà BSSG đã thông tin, TS Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Bóng chuyền quốc gia sẽ thông tin đầy đủ và qua đó, mọi người tham dự có cơ hội trao đổi thêm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH  

Khi HLV trưởng Nguyễn Văn Hải dẫn dắt đội tuyển nam Hoàng Long Long An, ông đã tạo dựng một lối chơi chiến thuật rất nhuẫn nhuyễn nên đã làm mưa làm gió nhiều năm qua. Trong đó, ấn tượng nhất là đội Hoàng Long Long An do ông huấn luyện đã tạo nên hiện tượng ở giải bóng chuyền quốc tế tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng làm các đội tuyển Myanmar, CLB Jonh (Mỹ)...phải e ngại. 
Ngay ở giải VĐQG, khi LĐBCVN cho phép các CLB thuê cầu thủ ngoại thì tuyển Long An của ông do hạn chế kinh phí không thể thuê nhưng lại hay...? Bởi vì, khi đội nào cũng có ngoại binh tốt nhưng gặp đội Long An thì cũng phải mệt mỏi, thậm chí bị các tuyển thủ Long An "quần" tơi bời chỉ với những cầu thủ nội như: Phước Tiến, Hoàng Huy, Thái Bình, Quang Khánh...Hơn 1 năm qua, ông chuyển qua huấn luyện đội tuyển nữ VTV Bình Điền Long An cũng tạo nên những lối chơi mạnh mẽ mà còn được ví "Nam tính các cầu thủ nữ VTV BĐ.LA" nhằm giúp các cô gái miền Tây bỏ tính yểu điệu...Vẫn giữ được vị trí Top 3 ở giải VĐQG PV Gas 2015 và vô địch Cúp Hùng Vương 2015 nhưng do một số lý do "Tế nhị" nên ông chia tay cả 2 đội bóng quê nhà để trở về với người vợ hiền đã hy sinh chăm sóc gia đình bao năm ông lăn xả với niềm đam mê của mình...
Trong căn nhà rộng rãi ở TP Tân An (Long An), ông dành nhiều diện tích cho thiên nhiên từ trước nhà đến sân sau để chăm sóc hơn 40 giò phong lan đủ loại: Hồ Điệp, Ngọc Điểm, Địa Lan...và nhiều loài lan ngoại, đang trong thời kỳ ra những "Vòi" nụ hoa rất thú vị. Ông sành điệu hoa Lan như nắm bắt chiến thuật - huấn luyện bóng chuyền nên có chi tiết thú vị là: "Chơi Lan cũng nên Ác mới có hiệu quả...?" Ông giải thích: "Đối với từng loại Lan có từng kiểu chăm sóc khác nhau...Riêng với phong lan - lan rừng thì muốn cho nó ra hoa đẹp và say thì cần bỏ đói...nước với nó khoảng 1 tháng. Bởi vì, trong rừng, vào mùa khô không có mưa thì đâu ai tưới nước cho nó nhưng khi mùa mưa gặp nước thì nó vùng lên mạnh mẽ để khoe sắc nên mình cũng áp dụng như vậy để tạo nét độc đáo khi mang nó về đồng bằng..." 
Trước đây, ông sưu tầm gần 100 giò lan đặc sắc nhưng do xa nhà nhiều ngày, phu nhân ông chưa có kinh nghiệm nên bị "tàn" rất nhiều. Nhưng từ khi nghỉ hưu, phu nhân ông đã nghiên cứu giống lan để cùng ông chia sẻ kinh nghiệm giữa hiện đại và truyền thống của ông để gầy dựng lại vườn lan đẹp trong nhà...Không chỉ vậy, 2 vợ chồng ông còn trồng thêm nhiều loại cây trái rất xanh tốt...nhờ vậy mà ông đang cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng sau những "sóng gió" với bóng chuyền vừa qua.
HOÀNG LIÊN

Dù dẫn dắt các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ rất căng thẳng trong mỗi trận đấu. nhưng trong tập luyện thì các HLV có thể sẽ khỏe hơn. Bởi vì, HLV chỉ cần ra giáo án và quan sát các trợ lý HLV hướng dẫn các tuyển thủ tự tập luyện. Trong khi đó, đào tạo các cầu thủ năng khiếu chưa biết gì về bóng chuyền mà lại là nữ thì quả là vất vả, chưa kể mất bình tĩnh nếu gặp các em quá "yểu điệu"...phải nói và thị phạm nhiều mà các em vẫn thực hành sai. Do đó, đòi hỏi người Thầy phải rất tận tâm và cả kiên nhẫn để chịu đựng để chỉnh sữa từng động tác kỹ thuật và giảng giải cho các em nữ. Các Thầy Cô đào tạo trẻ phải thị phạm nhiều còn hơn các cầu thủ tập luyện...Đó cũng là lí do mà sau mỗi buổi tập của lớp năng khiếu VTV Bình Điền Long An, 2 Thầy Lương Khương Thượng và Đào Ngọc Chánh của đội năng khiếu VTV Bình Điền Long An đều đổ mồ hôi ướt đẫm áo...
Thầy Đào Ngọc Chánh tận tình rèn luyện cho từng cầu thủ năng khiếu
Trong khi, Thầy Lương Khương Thượng thì vất vả với các em trong từng động tác kỹ thuật cơ bản
"Chiêu..lạ" của Thầy Đào Ngọc Chánh với bài tập đập... Lá cây để rèn luyện cú đập bóng
Các em cầu thủ nữ dù kết thúc buổi tập cũng rất chăm chỉ tập thêm ở trước phòng
HOÀNG LIÊN

Cúp các CLB nữ vô địch châu Á 2015 đang được tổ chức từ ngày 12-20/9/2015 tại Nhà thi đấu Hà Nam, để chọn ra CLB đại diện châu Á tham dự Cúp các CLB nữ vô địch thế giới. 
Do đây là giải thuộc hệ thống của AVC nên chất lượng các CLB đều đưa đội hình chất lượng tốt. Hàng ngày, BTC thường xuyên tổ chức họp vào lúc 10g sáng để rút kinh nghiệm cho các trọng tài và giám sát chặt chẽ, qua đó sẽ điều chỉnh và rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng để báo cáo về AVC và FIVB.
Riêng về công tác tổ chức và trọng tài thì có sự khác biệt. Nguyên nhân là do AVC bố trí một giám sát người Trung Quốc và một giám sát người Úc dưới sự điều hành của ông Shanrit Wongprasert (Phó chủ tịch LĐBC châu Á kiêm Trưởng Tiểu ban Tổ chức sự kiện) làm tổng giám sát, chính vì vậy mà có sự không thống nhất về phương pháp điều hành. Cụ thể là với trường phái châu Á thì các lỗi của trọng tài biên bắt không chính xác thì trọng tài 1 phủ quyết thì trường phái châu Á ra ra ký hiệu hạ cờ nhưng giám sát người Úc thì cho rằng không cần thiết động tác đó...?
Ấn tượng nhất là ở giải đấu này, BTC đã sử dụng Biên bản điện tử là vừa sử dụng biên bản viết trên giấy vừa sử dụng máy tính trên bàn để tạo sự rõ ràng và chính xác (Dù ban đầu AVC muốn rằng BTC giải cập nhật liên tục thông qua kết nối đường truyền với AVC để báo cáo kết quả trực tiếp) nhưng ở giải đấu này, BTC chỉ đổi mới thêm việc cập nhật song song vừa ghi biên bản viết tay trên giấy vừa ghi biên bản điện tử trên máy tính để BTC so sánh giữa 2 biên bản xem có sai sót không?
Một điều luật mới là AVC rất nghiêm khắc trong việc đăng ký cầu thủ dự bị trên sân (Đối với một số đội bóng như Nhật Bản thường mang theo dư người), trong thời gian khởi động. Ban đầu làm nóng thì có thể một số cầu thủ dự bị hỗ trợ nhưng khi vào sân khởi động trên lưới thì chỉ đúng số cầu thủ đăng ký trong danh sách mới được vào sân khởi động, còn lại phải ra khỏi khu vực khởi động... 
TRẦN VIỆT

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Đó là nhận xét của Người quan sát với BCSG trong lần gặp nhau đầu năm mới 2016.
Nhân dịp bước vào những ngày đầu năm mới 2016, BCSG xin chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để cộng tác với chúng tôi. Thưa ông, để không mất nhiều thời giờ, chúng tôi xin được trao đổi: sau bài viết của ông Nguyễn Khánh, cho rằng Nguyễn Hoàng Thương (Maseco TPHCM) là phụ công hay nhất VN hiện nay thì dưới góc độ là người đã và đang nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thể thao, đặc biệt là môn Bóng chuyền, ông có ý kiến gì?
NQS: Về nhận định này, theo tôi, nhận xét của anh Nguyễn Khánh là đúng, tôi chỉ xin cung cấp một số dữ liệu để bạn đọc BCSG có thêm những thông tin để tham khảo.
Cuộc cách mạng về chiến thuật chắn bóng từ năm 2010 đã thay đổi vai trò VĐV phụ công trong đội hình chiến thuật 5:1 hiện đại. Rõ ràng, những trận đấu ngày nay đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước, tốc độ bóng bay qua lại hai bên sân có thể lên đến 28 m/giây cho nam và 20 m/giây cho nữ. 
Để đáp ứng nhiệm vụ di chuyển nhanh và liên tục dọc chiều dài lưới theo quả bóng suốt trận đấu, các VĐV phụ công hiện nay phải có các phẩm chất tốt về chiều cao thân thể, sức bật tại chổ, nhanh nhẹn và khả năng phán đoán. 
Theo thống kê, VĐV xuất sắc nhất thế giới 2013 Dimiity Musersk (Nga) là mẫu của một phụ công Bóng chuyền hiện đại. Anh cao 218cm, tầm đập trên lưới 375cm, dẫn đầu danh sách các VĐV phụ công ghi nhiều điểm trong một trận đấu với 31 điểm, trong đó 13 đến 18 điểm là do chắn bóng, góp phần không nhỏ cho đội tuyển bóng chuyền nam của Liên bang Nga lên ngôi vô địch Olympic 2012 (London), VĐTG – World League 2013 (Argentina), Vô địch châu Âu 2013 (Men Europe Champion, Denmark – Poland).

Dimiity Musersky - VĐV có tầm chắn bóng cao nhất thế giới 2013
Như vậy các VĐV phụ công hiện nay phải có sự chuẩn bị thể lực tốt, thưa ông? 
NQS: Đúng vậy, chị ạ. Theo tổng kết Bóng chuyền thế giới của FIVB năm 2013, trung bình số lần bật nhảy trong một trận đấu của các VĐV tấn công khoảng 100 đến 120 lần, các VĐV phụ công là trên 200 lần và phải bật nhảy hết sức.
Tuy là VĐV có thời gian thi đấu ít nhất (được thay ra bằng Libero ở hàng sau), nhưng số lần bật nhảy và di chuyển ngang của phụ công là nhiều nhất toàn đội. Theo kết quả thống kê thi đấu (số liệu nghiên cứu cá nhân) từ 4 đội tham dự vòng chung kết giải Vô địch Quốc gia Việt Nam năm 2014, tôi nhận thấy nhóm chủ công có tỷ lệ bật đập 69,39%, bật chắn 30,60%, nhóm phụ công bật đập 29,16% và bật chắn 70,83%.
Kết quả từ số liệu thống kê trên đã cho thấy vai trò của các VĐV phụ công ở VN hiện nay chủ yếu là các hoạt động bật chắn. Điều này cũng tương đối phù hợp với đặc điểm thi đấu của các VĐV phụ công Bóng chuyền hiện đại trên thế giới.
Vậy ông có ý kiến như thế nào khi ông Nguyễn Khánh cho rằng tay đập Nguyễn Hoàng Thương hiện nay là VĐV phụ công hay nhất VN?.
NQS: Ông Khánh đã nhận xét đúng nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Kết quả thống kê từ hệ thống thống kê kỹ thuật trong thi đấu (VIS) tại SEA Games 28, 2015 ở Singapore vừa qua cho thấy, Nguyễn Hoàng Thương còn là VĐV thi đấu tốt nhất trong số các VĐV phụ công tham dự giải. 
Với 16 lần chắn tốt, 25 lần chắn trung bình, đạt hiệu quả 1.13% chắn tốt trong mỗi ván đấu, Hoàng Thương xếp trên Kissada Nilsawai (5, cầu thủ da màu từng sang VN thi đấu cho đội Công an Phú Thọ năm 2012 ở giải VĐQG, khác với chủ công Kitsada Somkane (14) từng chơi cho Thép Việt TPHCM - NV), do tỷ lệ chắn hỏng ít hơn và trên VĐV xếp tiếp theo Zin Thwin Htoo (Myanmar) - chỉ đạt 0.75 tỷ lệ chắn tốt. 
Về hiệu quả ghi điểm, Hoàng Thương xếp hạng 6 (chủ công Từ Thanh Thuận xếp hạng 2) nhưng anh lại xếp hạng 1 trong nhóm các VĐV phụ công ghi điểm nhiều nhất toàn giải. 
Nên nhớ, chiều cao của Hoàng Thương là 197,5 cm, của N.Kissada là 203 cm. Cả hai đều có chiều cao và tầm chắn tốt nhất tại SEA Games 28. Không phải chỉ riêng Hoàng Thương, nhiều năm nay bóng chuyền VN luôn có các VĐV phụ công giỏi và thi đấu rất hiệu quả trong đội hình chiến thuật hiện đại, như Huỳnh Văn Tuấn (Long An, hiện thi đấu cho Maseco, SN 1980, cao 192 cm), Đặng Vũ Bôn (Biên Phòng, SN 1985, cao 190 cm), Phạm Thái Hưng (Thể Công Binh đoàn 15, SN 1990, cao 196 cm). Các VĐV này đều có chiều cao từ 190 cm trở lên, sức bật tốt và rất nhanh nhẹn, không thua gì các VĐV ở cấp khu vực. Việc họ thi đấu chưa đạt được hiệu quả cao trong đội hình đội tuyển Quốc gia, theo tôi là do họ thiếu sự phối hợp nhuần nhuyển với VĐV chuyền hai và chiến thuật toàn đội. 
Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay là các VĐV phụ công giỏi của Việt Nam đều đã lớn tuổi, khó đáp ứng yêu cầu thi đấu bóng chuyền khu vực trong thời gian tới.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Đầu tiên, phải nói rõ là nếu so lực lượng thì XSKT Vĩnh Long không thể sánh bằng chủ nhà Maseco TPHCM đang có phong độ và tinh thần rất tốt trước trận bán kết giải VĐQG PV Gas  2015 tại Nhà thi đấu Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận) vào ngày 25/11 vừa qua. 
Tuy nhiên, với "Tên lửa" Từ Thanh Thuận nếu có thêm sự "chia lửa" của các đồng đội như: Tú, Học, Minh...thì chủ nhà Maseco TPHCM sẽ không thắng dễ dàng 2 ván đầu (Ván 3, Từ Thanh Thuận quá bốc lên nên Maseco TPHCM rất căng thẳng...), Vậy tại sao Từ Thanh Thuận trở nên "đơn độc" mà nhiều nhà chuyên môn ví von, 1 đánh 6 thì sao XSKT Vĩnh Long chịu nổi...? BCSG đã điều tra ra nguyên nhân...?
Số là nhà tài trợ của đội XSKT Vĩnh Long đã ký hợp đồng tài trợ cho đội bóng là 1,5 tỷ đồng trong thời hạn 9 tháng. Nhưng sau đó, do xuất hiện trường hợp cầu thủ chủ lực "Tên lửa" Từ Thanh Thuận sẽ kết thúc hợp đồng vào ngày 1/1/2016 với Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long (Theo qui định trên 23 tuổi trong nghành TDTT được tự do chuyển nhượng). Nhà tài trợ đã nhiệt tình tăng thêm 500 triệu đồng cho thêm 3 tháng tiếp theo nhưng với khoản tiền này sẽ trả riêng cho Từ Thanh Thuận để giữ chân cho "Tên lửa" ở lại đất Vĩnh Long. 
Nhưng đúng với tính cách thật thà, chân chất của người miền Tây, một lãnh đạo đội bóng đã tuyên bố trong cuộc họp trước trận bán kết Maseco TPHCM và XSKT Vĩnh Long: "Lãnh đạo chỉ đạo chúng ta phải quyết tâm thi đấu hết mình, giành chiến thắng để nhà tài trợ thưởng thêm 500 triệu đồng, nhằm tặng riêng cho...Từ Thanh Thuận. Vì nếu anh ta ra đi thì đội sẽ yếu, mùa sau bị rớt hạng thì các anh em cũng khó ổn định...?
Trước phát biểu này, tưởng rằng các cầu thủ khác sẽ lo lắng cho tương lai nhưng đây lại là "Con dao 2 lưỡi"  vì họ bức xúc tại sao anh em phải lăn xả trên sân để được thêm 500 triệu đồng đưa cho Từ Thanh Thuận? Do đó, nhiều cầu thủ XSKT Vĩnh Long đã chán nản, không còn thiết tha tập luyện vào buổi sáng ngày 25/11 trên sân Rạch Miễu...
Kết quả rõ ràng là trong trận đấu buổi tối, chỉ duy nhất "Tên lửa" Từ Thanh Thuận tung hoành...lẻ loi trên phần sân của XSKT Vĩnh Long!
TỬ TƯỜNG

Libero Văn Sang (Cựu cầu thủ Đức Long Gia Lai) xuất sắc nhất
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Mới đây, nhiều bạn đọc ở các nơi – trọng đó có giới Bóng chuyền ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, gửi câu hỏi cho người viết về các thông tin xung quanh về vận động viên Libero, đặc biệt là trường hợp một đội có 2 Libero.
Về vấn đề này, qua BCSG, người viết xin có một số trao đổi và trả lời như sau:
1- Nếu 1 đội đăng ký 2 Libero, điều này phải được HLV trưởng xác định trong cuộc họp kỹ thuật đăng ký chính thức với BTC giải.
2- Libero thứ 1 phải được HLV trưởng xác định bằng số áo vào thời điểm  ông (bà) ký tên vào biên bản lúc làm thủ tục đầu trận đấu.
3- Libero thứ 1 phải là người vào sân thay đầu tiên của một trận đấu.
4- Kể từ đó trở đi, libero thứ 1 và thứ 2 có thể thay nhau vào sân với điều kiện phải cách 1 pha bong đồng nghĩa với việc 1 trong 2 đội lên điểm. 
Trường hợp giữa 2 pha bong, 1 đội bị phạt thẻ đỏ (Có thể lỗi hành vi hay lỗi trì hoãn lần 2 trở đi chẳng hạn), thì vẫn được thay Libero vì 1 trong 2 đội đã lên điểm mà không cần phải thong qua 1 pha bong kế tiếp. 
5- Các trường hợp khác giữa 2 Libero như Libero thứ 1 bị chấn thương không thể tiếp tục thi đấu thì áp dụng như luật hiện hành, tức việc tái chỉ định được TS Lê Trí Trường (Ủy viên HĐTT QG – Hiện là TTK LĐBCVN) tổng hợp và cập nhật thong tin ở lớp tập huấn trọng tài bong chuyền cuối năm 2014 tại Thái Bình, nhân sự kiện Đại hội TDTT TQ lần thứ 7 năm 2014.
Quyền tái chỉ định trong trường hợp có 2 Libero: 
TT
Libero 1
Libero 2
Quyền tái chỉ định
Nếu đội bóng tái chỉ địnhlibero 2
1
Chấn thương (không thể chơi)
Chấn thương (không thể chơi)
Được

2
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Chấn thương (không thể chơi)
Được
Bắt đầu từ hiệp tiếp theo đội lại có 2 libero
3
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Chấn thương (không thể chơi)
Được

4
Chấn thương (không thể chơi)
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Được
Libero liên quan đến trường hợp Libero 2 không có quyền trở lại trận đấu
5
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Được
Libero liên quan đến trường hợp Libero 2 không có quyền trở lại trận đấu nhưng Libero 1 trở lại hiệp đấu tiếp theo.
Vì vậy đội sẽ lại có 2 Libero.
6
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Được
Libero liên quan đến trường hợp Libero 2 không có quyền trở lại trận đấu
7
Chấn thương (không thể chơi)
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Được

8
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Được
Bắt đầu từ ván tiếp theo đội lại có 2 Libero
9
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Được

10
Chấn thương (không thể chơi)
Hiệu suất kém
Được
Cho phép HLV để cải thiện hiệu suất của đội bóng sử dụng một Libero
11
Bị trục xuất khỏi hiệp đấu
Hiệu suất kém
Được
Bắt đầu từ ván tiếp theo đội lại có 2 Libero
12
Bị trục xuất khỏi trận đấu
Hiệu suất kém
Được
Cho phép HLV để cải thiện hiệu suất của đội bóng sử dụng một Libero
PHÚC VĨNH

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.