Nguyễn Hoàng Thương (Maseco TPHCM) là phụ công số 1 VN...?

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Đó là nhận xét của Người quan sát với BCSG trong lần gặp nhau đầu năm mới 2016.
Nhân dịp bước vào những ngày đầu năm mới 2016, BCSG xin chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục dành nhiều thời gian hơn để cộng tác với chúng tôi. Thưa ông, để không mất nhiều thời giờ, chúng tôi xin được trao đổi: sau bài viết của ông Nguyễn Khánh, cho rằng Nguyễn Hoàng Thương (Maseco TPHCM) là phụ công hay nhất VN hiện nay thì dưới góc độ là người đã và đang nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thể thao, đặc biệt là môn Bóng chuyền, ông có ý kiến gì?
NQS: Về nhận định này, theo tôi, nhận xét của anh Nguyễn Khánh là đúng, tôi chỉ xin cung cấp một số dữ liệu để bạn đọc BCSG có thêm những thông tin để tham khảo.
Cuộc cách mạng về chiến thuật chắn bóng từ năm 2010 đã thay đổi vai trò VĐV phụ công trong đội hình chiến thuật 5:1 hiện đại. Rõ ràng, những trận đấu ngày nay đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước, tốc độ bóng bay qua lại hai bên sân có thể lên đến 28 m/giây cho nam và 20 m/giây cho nữ. 
Để đáp ứng nhiệm vụ di chuyển nhanh và liên tục dọc chiều dài lưới theo quả bóng suốt trận đấu, các VĐV phụ công hiện nay phải có các phẩm chất tốt về chiều cao thân thể, sức bật tại chổ, nhanh nhẹn và khả năng phán đoán. 
Theo thống kê, VĐV xuất sắc nhất thế giới 2013 Dimiity Musersk (Nga) là mẫu của một phụ công Bóng chuyền hiện đại. Anh cao 218cm, tầm đập trên lưới 375cm, dẫn đầu danh sách các VĐV phụ công ghi nhiều điểm trong một trận đấu với 31 điểm, trong đó 13 đến 18 điểm là do chắn bóng, góp phần không nhỏ cho đội tuyển bóng chuyền nam của Liên bang Nga lên ngôi vô địch Olympic 2012 (London), VĐTG – World League 2013 (Argentina), Vô địch châu Âu 2013 (Men Europe Champion, Denmark – Poland).

Dimiity Musersky - VĐV có tầm chắn bóng cao nhất thế giới 2013
Như vậy các VĐV phụ công hiện nay phải có sự chuẩn bị thể lực tốt, thưa ông? 
NQS: Đúng vậy, chị ạ. Theo tổng kết Bóng chuyền thế giới của FIVB năm 2013, trung bình số lần bật nhảy trong một trận đấu của các VĐV tấn công khoảng 100 đến 120 lần, các VĐV phụ công là trên 200 lần và phải bật nhảy hết sức.
Tuy là VĐV có thời gian thi đấu ít nhất (được thay ra bằng Libero ở hàng sau), nhưng số lần bật nhảy và di chuyển ngang của phụ công là nhiều nhất toàn đội. Theo kết quả thống kê thi đấu (số liệu nghiên cứu cá nhân) từ 4 đội tham dự vòng chung kết giải Vô địch Quốc gia Việt Nam năm 2014, tôi nhận thấy nhóm chủ công có tỷ lệ bật đập 69,39%, bật chắn 30,60%, nhóm phụ công bật đập 29,16% và bật chắn 70,83%.
Kết quả từ số liệu thống kê trên đã cho thấy vai trò của các VĐV phụ công ở VN hiện nay chủ yếu là các hoạt động bật chắn. Điều này cũng tương đối phù hợp với đặc điểm thi đấu của các VĐV phụ công Bóng chuyền hiện đại trên thế giới.
Vậy ông có ý kiến như thế nào khi ông Nguyễn Khánh cho rằng tay đập Nguyễn Hoàng Thương hiện nay là VĐV phụ công hay nhất VN?.
NQS: Ông Khánh đã nhận xét đúng nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Kết quả thống kê từ hệ thống thống kê kỹ thuật trong thi đấu (VIS) tại SEA Games 28, 2015 ở Singapore vừa qua cho thấy, Nguyễn Hoàng Thương còn là VĐV thi đấu tốt nhất trong số các VĐV phụ công tham dự giải. 
Với 16 lần chắn tốt, 25 lần chắn trung bình, đạt hiệu quả 1.13% chắn tốt trong mỗi ván đấu, Hoàng Thương xếp trên Kissada Nilsawai (5, cầu thủ da màu từng sang VN thi đấu cho đội Công an Phú Thọ năm 2012 ở giải VĐQG, khác với chủ công Kitsada Somkane (14) từng chơi cho Thép Việt TPHCM - NV), do tỷ lệ chắn hỏng ít hơn và trên VĐV xếp tiếp theo Zin Thwin Htoo (Myanmar) - chỉ đạt 0.75 tỷ lệ chắn tốt. 
Về hiệu quả ghi điểm, Hoàng Thương xếp hạng 6 (chủ công Từ Thanh Thuận xếp hạng 2) nhưng anh lại xếp hạng 1 trong nhóm các VĐV phụ công ghi điểm nhiều nhất toàn giải. 
Nên nhớ, chiều cao của Hoàng Thương là 197,5 cm, của N.Kissada là 203 cm. Cả hai đều có chiều cao và tầm chắn tốt nhất tại SEA Games 28. Không phải chỉ riêng Hoàng Thương, nhiều năm nay bóng chuyền VN luôn có các VĐV phụ công giỏi và thi đấu rất hiệu quả trong đội hình chiến thuật hiện đại, như Huỳnh Văn Tuấn (Long An, hiện thi đấu cho Maseco, SN 1980, cao 192 cm), Đặng Vũ Bôn (Biên Phòng, SN 1985, cao 190 cm), Phạm Thái Hưng (Thể Công Binh đoàn 15, SN 1990, cao 196 cm). Các VĐV này đều có chiều cao từ 190 cm trở lên, sức bật tốt và rất nhanh nhẹn, không thua gì các VĐV ở cấp khu vực. Việc họ thi đấu chưa đạt được hiệu quả cao trong đội hình đội tuyển Quốc gia, theo tôi là do họ thiếu sự phối hợp nhuần nhuyển với VĐV chuyền hai và chiến thuật toàn đội. 
Tuy nhiên, điều cần quan tâm hiện nay là các VĐV phụ công giỏi của Việt Nam đều đã lớn tuổi, khó đáp ứng yêu cầu thi đấu bóng chuyền khu vực trong thời gian tới.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.