Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia PV Gas năm 2016:
Ảnh: NGUYỄN KHANH
Tuy ban hành muộn hơn gần nữa tháng so với cùng kỳ năm trước do không tránh khỏi mất thời gian làm thủ tục chuyển giao sang nhiệm kỳ khóa VI của Ban chấp hành LĐBCVN, nhưng nhiều người cho rằng việc ban hành một loạt các văn bản điều lệ những giải trong hệ thống thi đấu cấp quốc gia năm 2016 là một trong các nỗ lực đáng ngợi khen của những người điều hành đương nhiệm.
Từ việc gở bỏ những rào cản so với trước….
Phải thừa nhận rằng, riêng điều lệ giải VĐQG PV Gas (số 01/ĐL-LĐBCVN do Tổng thư ký Lê Trí Trường ký ban hành ngày 13/1), về cơ bản vẫn dựa trên những bộ khung cũ vì đó chính là những kết quả được hầu hết các đội tham gia tán thành trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, tương tự những sự kế thừa có chọn lọc khác, so với bản điều lệ giải năm 2015 thì lần này đã có những thay đổi mang chiều hướng tích cực, hứa hẹn sẽ mang lại làn gió mới cho BCVN.
Trước hết, vấn đề loại bỏ đầu tiên là không còn quy định “Mỗi địa phương, ngành không được đăng ký 2 đội (do cùng một địa phương, đơn vị quản lý) trong cùng 1 hạng”.
Thực tế cho thấy, đây là một quy định từng không được thực thi triệt để, dù không ít người biết đến nhưng vẫn phải làm ngơ bởi văn bản chẳng hề định nghĩa hoặc diễn giải cụ thể cho cụm từ “Cùng một địa phương, đơn vị quản lý” sẽ được hiểu như thế nào.
Thử hỏi như trước đây, các đội bóng cùng ngành Quân đội (Thể Công, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4) hay cùng ngành Công an (Công an Vĩnh Phúc, Công an TPHCM, rồi sau này có thêm Công an Phú Thọ sau khi Công an Vĩnh Phúc giải thể) ...đều được hưởng các chế độ cơ bản dành cho đội bóng chuyên nghiệp do ngành dọc rót kinh phí đầu tư hàng năm, hoặc giả như xét về mặt địa bàn, từng có thời các đội nam như: Thép Việt TPHCM và Công an TPHCM cùng thi đấu ở giải VĐQG... thì có được xem là cùng đơn vị (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), địa phương (TPHCM) quản lý hay không và nếu vậy, đã có bộ phận nào của Ban Tổ chức giải “tuýt còi”?
Kế đến, ngoài về phần thủ tục được cải cách theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả - nếu trước đây quy định gửi về 2 nơi, trong đó có địa phương đăng cai thì nay đã quy về một đầu mối chịu trách nhiệm theo địa chỉ: LĐBCVN (36 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội. Điện thoại: 04 38234555 Fax: 04 38433915 và điều lệ giải 2016 đã bỏ hẳn quy định cũ “Các VĐV Bóng chuyền bãi biển được tham gia thi đấu các giải Bóng chuyền trong nhà, song các VĐV Bóng chuyền trong nhà không được thi đấu giải VĐQG BCBB (trừ trường hợp VĐV Bóng chuyền trong nhà được tập trung ĐTQG BCBB). Các tour BCBB khác không theo quy định này” một cách không cần thiết, thì thay đổi quan trọng nhất chính là việc không đề cập gì đến quy định cho phép cầu thủ hạng dưới lên thi đấu ở giải VĐQG (mỗi đội hạng trên được tiếp nhận tối đa 2 và mỗi đội hạng A cho phép tăng cường tối đa 2 VĐV) như các mùa trước liền kề, đó là việc áp dụng khoản “1.4. Chuyển nhượng VĐV : theo Quy chế chuyển nhượng VĐV Bóng chuyền (ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29 tháng 6 năm 2010) và 02 Thông báo (Thông báo số 02 ngày 21 tháng 2 năm 2012; Thông báo số 03 ngày 01 tháng 3 năm 2012)” từng nhiều lần được công luận lên tiếng góp ý sửa đổi.
Tuy nhiên, việc điều lệ giải 2016 không “nhắc” đến quy định này liệu có phải là lời cáo chung cho một chủ trương….không giống ai của khóa trước, đặc biệt là với môn thể thao “Vua” - bóng đá, khi cho phép thi đấu loạn xị lên trên – xuống dưới trong cùng một năm, hay là vẫn cứ tiếp tục thực hiện theo kiểu điều gì không cấm và đã có văn bản cụ thể thì mặc nhiên được làm?
Ảnh: DƯƠNG THU
….cho đến những điểm mới!
Có thể thấy, tuy những điểm bổ sung trong điều lệ không nhiều nhưng đó lại là những điều rất cần thiết nhằm cụ thể hóa những quy định chưa rõ ràng, dễ dẫn đến những tranh luận hoặc mắc mứu không đáng có trong quá trình thực hiện nhiều năm trước đây.
Rõ ràng, ngoài những chi tiết nhỏ, như “Các đội đăng ký bổ sung hoặc thay đổi chức năng VĐV cho vòng II và chung kết bằng văn bản gửi về Văn phòng LĐBCVN” thì khác với những mùa giải trước, ở giải lần này, việc xác định địa điểm thi đấu đã thật sự rõ ràng, ví dụ quy định hẳn hoi bảng có đội Hà Tĩnh (thi đấu tại Hà Tĩnh) và chung kết nữ, xếp hạng nam (tại Hà Tĩnh) nhằm tạo sự chủ động và theo lựa chọn để đảm bảo quyền lợi (sân nhà trong từng mục tiêu cụ thể) cho mỗi địa phương đăng cai.
Chưa hết, tương tự các mùa giải trước quy định 2 đội thứ 11 và 12 xuống hạng, kỳ này điều không thừa nhưng là sự minh định trong phần khen thưởng: “10 đội đứng đầu được tham dự giải Bóng chuyền VĐQG 2017”, có lẽ như là bưóc khởi đầu để chuẩn bị cho tiến trình rút xuống còn “9 hay 8 đội đứng đầu” bất kể số đội tham dự có thể là đủ 12 hay ít hơn, nếu chủ trương này được sự đồng thuận cao của tất cả các phía tham gia – từ giải VĐQG cho đến hạng A trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nếu vòng xếp hạng trước đây giữa nhóm các đội xếp thứ 5 và thứ 6 của 2 bảng A, B (nam, nữ): sẽ có thông báo trước thi đấu 1 tháng, thì nay mặc định rõ lịch đấu theo thể thức Vòng tròn tính điểm (theo mã số 5A – 6B; 5B – 6A; 5A – 6A; 5B – 6B; 5A – 5B; 6A; 6B).
Như vậy nếu đã xác định chỉ có 11 đội tham dự ngay từ đầu (như trường hợp năm 2016 – nam Đức Long Gia Lai và nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước giải thể) hoặc 1 đội bỏ giải trong quá trình về sau, thì mới phải tổ chức bốc thăm lại trong cuộc họp kỹ thuật trước vòng chung kết và vòng giữ hạng.
Và ở phần mục đích tổ chức giải, điều lệ 2016 đã bổ sung thêm quy định: là nhằm “Tuyển chọn VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia tham dự các giải quốc tế”. Điều này phải chăng có thể hiểu là sẽ đồng nghĩa với việc những VĐV không tham dự giải ít có cơ hội được xét chọn hơn các đồng nghiệp khác?.
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Liệu đã hết kẻ hở?
Xét về tổng thể là tương đối ổn và có nhiều điểm mới hơn song không ít người đã phát hiện ra rằng, một số năm gần đây, có lẽ phần dịch thuật sang Việt ngữ chưa thật sát nên khi đem vào điều lệ các giải của BCVN - kể cả điểu lệ 2016, vẫn tồn tại một điều dường như có sự mâu thuẩn với một quy định khác có tính ràng buộc của chính Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB).
Số là ở vòng bảng, thường quy định: 12 đội nam, 12 đội nữ chia làm 2 bảng A và B thi đấu vòng tròn hai lượt (vòng I và vòng II) tính tổng điểm của cả hai vòng để xếp hạng.
Đây chính là điều mâu thuẩn, bởi việc xếp hạng chưa hẳn lúc nào cũng dựa trên tổng điểm mỗi đội đạt được vì nó đã được FIVB quy định và các nhà tổ chức luôn đưa vào một khoản khác của điều lệ, cụ thể: Xếp hạng: lần lượt theo các thứ tự: 1-Đội có nhiều trận thắng nhất xếp trên; 2-Nếu hai hay nhiều đội có tổng số trận thắng bằng nhau: đội nào có tổng số điểm nhiều hơn thì xếp trên (trận đấu có tỷ số 3 – 2, đội thắng 2, đội thua 1 điểm; trận có tỷ số 3 – 0 hoặc 3 – 1, đội thắng 3, đội thua 0 điểm);3-Trong trường hợp hai hay nhiều đội có tổng số điểm bằng nhau thì đội nào có tỷ số "tổng hiệp thắng/tổng hiệp thua" lớn hơn đội đó xếp trên; 4-Nếu tỷ số này vẫn bằng nhau thì đội nào có "tổng quả thắng/tổng quả thua" lớn hơn sẽ xếp trên; 5-Nếu tỷ số này vẫn bằng nhau thì đội nào thắng trong trận đấu giữa 2 đội ở vòng II xếp trên.
Như vậy đã rõ, đội có tổng điểm nhiều hơn chỉ có lợi thế hơn trong xếp hạng nếu cùng có số trận thắng so với 1 hoặc nhiều đội khác nhưng hoàn toàn xếp dưới, nếu đội ấy có ít trận thắng hơn.
Vậy, trong các văn bản điều lệ giải của BCVN quy định về thi đấu vòng tròn (vòng bảng và vòng xếp hạng - “chung kết ngược”), nên chăng cần điều chỉnh lại bằng cụm từ cho chính xác và tránh mâu thuẩn với các quy định cùng văn bản về cách xếp hạng: “Các đội thi đấu vòng tròn một lượt (hoặc 2, tùy giải) và phân định thứ hạng qua cách xếp hạng sau đây (như trên của FIVB)”.
Thiết nghĩ, việc bỏ hẳn hoặc điều chỉnh, bổ sung những quy định mới vào điều lệ các giải là việc làm bình thường nhưng cần thiết, nhằm giúp cho các cuộc chơi được thuận lợi hơn và điều lệ giải VĐQG 2016 cũng thế, đó được xem là một trong những tín hiệu lạc quan cho BCVN trong các ngày đầu năm mới.
THU PHƯƠNG
Đăng nhận xét