Chuẩn bị mùa giải VĐQG PV Gas 2016:
Với phong thái và cử chỉ rất nghiêm túc, Người quan sát (NQS) đã có nhận xét như thế khi bắt đầu cuộc trò chuyện ngắn với BCSG vào cuối tuần qua.
Thưa ông, tại sao nay ông lại đề cập đến vấn đề thường có rất ít người để ý này?
NQS: Có lẽ nhiều nhà quản lý đội cũng suy nghĩ như chị nên chẳng khó hiểu khi có không ít huấn luyện viên đã liên lạc trực tiếp với tôi, đề nghị cung cấp thông tin về kích cở của trang phục thi đấu, mặc dù nó đã được thể hiện đầy đủ và rõ ràng trong Luật Bóng chuyền, ổn định qua các chu kỳ thay đổi 4 năm 1 lần của Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB), mà nếu tôi nhớ không nhầm thì ít nhất cũng phải là giai đoạn từ năm 1996 trở lại đây.
Trang phục của nữ tuyển thủ Ngọc Tuyết (10-TPHCM) khá "Lạ"
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Thế nhưng vì sao nhiều người lại đặt vấn đề….quá đơn giản như thế với ông?
NQS: Có lẽ chính vì xem quá đơn giản nên họ mới không để ý. Theo tôi, khi ta không quan tâm đến điều gì đó, dù là việc rất bé, thì đến lúc thực hiện sẽ không đúng như mong muốn của mình.
Số đông các HLV khi trao đổi với tôi, họ đều cho rằng cứ mỗi đợt tham gia kiểm tra trang phục trước giải, kể cả giải Vô địch quốc gia của VN, họ đều được Ban Tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo lần sau nhớ ghi chép số liệu về kích cở để khi đặt hàng thì yêu cầu các nhà cung cấp phải làm cho đúng.
Thực ra, “lỗi” cũng không lớn lắm, thường gặp nhất là số áo phía trước ngực hoặc sau lưng quá to hoặc bé, băng đội trưởng có chiều ngang quá ngắn và khá mãnh – thậm chí có vài đội còn “cẩn thận” may băng đội trưởng trước ngực và cả….sau lưng nên trông khá ngộ nghĩnh. Còn số quần thì đủ loại, to có bé có, cứ đặt bên trái hay bên phải một cách thoải mái.
Thực tế vừa qua cho thấy, điều đó không đáng ngại mỗi khi thi đấu trong nước bởi các nhà tổ chức thường du di “cho qua” và chỉ nhắc nhở là chính vì muốn thay đổi ngay cho đúng trước giải 1 – 2 ngày là một việc hầu như không thể. Đó là còn chưa kể đến việc một số đội còn cho biết, trang phục ấy họ đã đặt tận ở nước ngoài thì biết làm thế nào (cười).
Tuy nhiên, họ - đặc biệt là các CLB hàng đầu VN, trong đó có nữ VTV Bình Điền Long An sẽ dự giải Bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp Bình Điền lần thứ X-2016 sẽ tổ chức vào tháng 3 tại Ninh Bình, cho biết sẽ làm lại bằng cách đặt trang phục: yêu cầu nhà cung cấp thực hiện cho đúng ngay từ đầu năm 2016.
Đây rõ ràng là tín hiệu đáng mừng vì có như thế, khi thi đấu ở các giải Quốc tế do VN tổ chức hoặc được cử đại diện BCVN thi đấu ở nước ngoài, các CLBVN sẽ có thêm sự tự tin, ít nhất là làm đúng luật định, dù đó chỉ là hình thức…..bề ngoài.
Trước những yêu cầu đó, ông đã cung cấp thông tin cho những địa chỉ cụ thể. Nhân đây, xin ông giới thiệu rộng rãi để các đội bóng khác khỏi phải cất công tìm hiểu, dù đã có trong luật?
NQS: Tôi chỉ nhắc lại với mọi người thế này: về áo, nét chữ số trước cao 15cm, số sau cao 20cm, rộng tối thiểu 2cm; về quần, số ở bên phải cao 4 - 6 cm, rộng tối thiểu 1cm; về băng đội trưởng phải có màu sắc khác biệt màu áo và dài 8cm, rộng 2cm (chỉ đặt ở phía trước, dưới số áo trước ngực – NV).
Thế còn điều gì muốn nhắn gửi nữa, thưa ông?
NQS: Tôi xin nói vui nhưng rất nghiêm túc. Đó là trang phục phải chuẩn bị từ phía Ban Tổ chức. Họ phải có áo phông dự phòng cho VĐV Libero trong trường hợp anh hay chị ấy bị chấn thương, không thể tiếp tục thi đấu trong quảng thời gian còn lại của trận đấu.
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
À, tôi xin lỗi khi nhắc đến vấn đề này. Vừa qua, BCSG đã giới thiệu bảng tổng hợp của TS Lê Trí Trường – Tổng thư ký LĐBCVN về trường hợp tái chỉ định khi Libero bị chấn thương hay để muốn được thay thế bằng 1 VĐV khác theo ý đồ của từng đội. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
NQS: Theo luật quy định, mỗi đội bóng được quyền đăng ký 2 VĐV chuyên môn phòng thủ – mà ai nấy đều thường gọi ngắn gọn là "Libero", trong danh sách của đội.
Tuy nhiên, cần nhắc thêm là theo FIVB, trong các cuộc thi đấu của FIVB, thế giới và chính thức dành cho đội tuyển, nếu đội đăng ký danh sách trong biên bản thi đấu nhiều hơn 12 VĐV, thì bắt buộc họ phải có đủ 2 Libero.
Về trang phục, Libero phải mặt đồng phục (áo jacket, hoặc áo yếm dành riêng cho Libero), nhưng ít nhất áo phải có màu sắc khác và tương phản với màu áo của các VĐV khác của đội (riêng trang phục của Libero phải có số như các VĐV khác của đội.
Đối với các cuộc thi đấu của FIVB, thế giới và chính thức, Libero tái chỉ định - nếu có thể, mặc trang phục cùng kiểu và màu sắc giống như Libero chính thức, nhưng phải mang số áo của chính mình.
Thế nhưng ở VN, nhất là ở những giải đấu cấp thấp hơn VĐQG PV Gas, màu áo của Libero thỉnh thoảng có sự tương đồng.
Tôi thấy không ít trường hợp, tuy đội nào cũng sắm ít nhất 2 bộ áo, quần, đại loại, một là thân xanh tay đỏ và ngược lại, tay đỏ thân xanh và mỗi khi thi đấu, Libero cứ mặc trang phục đối nghịch ấy của đội mình.
Điều này là không thể chấp nhận được bởi họ vô tình gây khó khăn cho công tác kiểm soát của các trọng tài và nếu ở các giải quốc tế, chắc chắn sẽ bị từ chối.
Còn những vấn đề nào cần trao đổi thêm về luật, thưa ông?
NQS: Nói một cách tôi tạm cho là công bằng thế này. Các đội lo chuẩn về trang phục, thì Ban Tổ chức các giải cũng cần quan tâm chuyện ấy.
Đó là phải có sẳn những chiếc áo phông dự phòng. Cứ nghiệm lại xem, ở giải nữ Quốc tế VTV Cúp Sắc Ngọc Khang năm 2015 tại Bạc Liêu, khi Libero Phạm Thị Liên (Thông tin Liên Việt Postbank) bị chấn thương, không thể thi đấu tiếp, đội tuyển VN chỉ định cầu thủ đảm nhận vai trò phòng thủ “bình thường” Nguyễn Thị Kim Liên (VTV Bình Điền Long An) thay thế, nhưng có áo…Libero đâu?.
May mà cuối cùng tuyển VN cũng “chạy” được vì kiếm cho Kim Liên một chiếc áo phông tạm, đồng thời thông báo chị tiếp tục mang số cũ như trong biên bản nên các trọng tài phải theo dõi - đặc biệt là thư ký, bằng…số ghi trên chiếc quần.
Cuối cùng, với đề nghị chị vừa nêu cũng như số đông bạn đọc về những thắc mắc quanh Luật Bóng chuyền 2015 – 2016 của FIVB, tôi xin phép không dám “Múa rìu qua mắt thợ”.
Tôi tin chắc rằng trong 2 ngày 23 và 24/1/2016, ở buổi họp mặt bóng chuyền phía Nam mà BSSG đã thông tin, TS Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Bóng chuyền quốc gia sẽ thông tin đầy đủ và qua đó, mọi người tham dự có cơ hội trao đổi thêm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH
Đăng nhận xét