Giải VĐQG PV Gas 2019: Thử tìm giải pháp mới!

Giải VĐQG PV Gas 2019: Thử tìm giải pháp mới!
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và thi đấu Bóng chuyền” do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội, có 86 đại biểu đại diện cho các đơn vị quản lý của Tổng cục TDTT, các Vụ chức năng, các cán bộ quản lý ngành, địa phương và đặc biệt là các cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn bóng chuyền ở các câu lạc bộ trong cả nước. 
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 18 ý kiến tham luận bằng văn bản gửi về Liên đoàn và 17 ý kiến tham luận phát biểu tại Hội trường. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, song đa số các ý kiến đều tập trung thảo luận vào 4 nội dung cơ bản mà Liên đoàn đưa ra, gồm: Công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên bóng chuyền tại Câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia (các tuyến đào tạo); Quy định triệu tập huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển quốc gia; Phương án giảm số đội thi đấu tại giải vô địch quốc gia; Quy chế chuyển nhượng vận động viên (Ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29 tháng 6 năm 2010), với mục tiêu làm thế nào để bóng chuyền Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Trong phần kết luận hội thảo, ở nội dung thứ 3, về “Phương án giảm số đội thi đấu tại giải Vô địch quốc gia ”, có nêu rõ: “1. Toàn thể các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất với báo cáo của Liên đoàn về phương án giảm số đội và lộ trình giảm số đội cho đến năm 2020; 2. Phương án cụ thể về lộ trình giảm số đội như sau:Thống nhất với các ý kiến của đại biểu tham dự là giữ nguyên điều lệ đã ban hành năm 2016: Từ năm 2017, thi đấu có 2 đội xuống hạng, 1 đội Hạng A lên hạng; Năm 2018 còn 10 đội nam, 10 đội nữ; Năm 2020 còn 8 đội nam, 8 đội nữ”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, trao đổi bên lề hội thảo, TS Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho biết, đây là định hướng chung về lộ trình song có lẽ đến năm 2019 khi số đội là 10 nam, 10 nữ sẽ giữ nguyên để lắng nghe ý kiến của các địa phương, ngành, từ đó rút kinh nghiệm, tạo sự ổn định cho những năm tiếp sau.
Đây có lẽ cũng là một chủ trương đúng đắn, ít nhất là cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu là 10 đội nam, 10 đội nữ như hiện nay, nhiều người cho rằng liệu có nên giữ nguyên phương pháp tổ chức thi đấu 2 vòng với mỗi giải nam, nữ chia làm 2 bảng như bao nhiêu năm qua, hay cần có sự đột phá để tạo làn gió mới và làm nguồn động lực phát triển cho Bóng chuyền Việt Nam trong thời gian tới?
BCSG Online xin được mạn phép giới thiệu một đề xuất có tính chất tham khảo và rất mong nhận được các ý kiến khác từ Quý bạn đọc gần xa xoay quanh chủ đề này.
Cải tiến phương pháp để giúp tăng số cơ hội thi đấu cho các CLB…..
Nếu thực hiện đúng kết luận của hội thảo bóng chuyền năm 2016, lúc bấy giờ có nhiều người băn khoăn, liệu đã có đánh giá hết những tác động của việc rút gọn còn 8 hay 10 đội ở giải VĐQG?. 
Thế nhưng cho đến nay, mặt tích cực đã thấy rõ. Nào là giúp nâng chất cho giải đấu, nào là kéo khán giả đến sân nhiều hơn, rồi nhà đầu tư quan tâm hơn v.v. Tuy nhiên, vẫn còn sót lại không ít những tâm tư băn khoăn do tâm lý số đông trong xã hội và ở Thể thao Việt Nam nói riêng, ai nấy đều chuộng chạy theo thành tích hoặc các danh vị ảo.
Không ít trong cách nghĩ của nhiều người lâu nay, thà rằng chỉ cần chen chân vào nhóm đông có danh vị, còn hơn là bị tụt lại phía sau, dù đấy mới đúng là “vị trí đứng” thật sự của mình. Thế nên chẳng phải không có lý khi có những thông tin cho rằng, một khi không đạt được điều đó, nhiều địa phương, ngành sẽ chấm dứt đầu tư cho Bóng chuyền.
Tuy nhiên, xét ở góc độ chuyên môn, việc rút gọn còn 10 đội ở giải VĐQG như ý kiến của ông Lê Trí Trường là có cơ sở và tính hiệu quả sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây. 
Và nếu thật sự muốn cải tiến mạnh hơn, thiết nghĩ sẽ có nhiều phương pháp nhưng đại loại, mỗi giải nam, nữ có 10 đội sau khi chia thành 2 bảng, với 5 đội/ bảng, sẽ tiến hành thi đấu vòng bảng với tổng cộng 5 lượt theo thể thức vòng tròn (sân nhà – sân khách) và mỗi địa phương, ngành có đội bóng sẽ đăng cai tổ chức 1 lượt (5 ngày thi đấu), với lượt đầu tiên (vòng 1) tổ chức ở nhóm 2 đội nam, 2 đội nữ bất kỳ (hoặc xin đăng ký) thuộc các tỉnh, thành phía Bắc đăng cai và lấy cột mốc Cúp Hùng Vương để tính lùi làm thời điểm khởi tranh, tiếp đến cứ cách quảng khoảng 1 tháng/vòng và tính kết quả tổng 5 lượt đấu để xếp hạng.
Sau đó, cách quảng 1 tháng, 8 đội (nhất - nhì và tư - năm mỗi bảng, riêng đội hạng 3 không phải thi đấu và xếp hạng 5 – 6 chung cuộc như hiện nay) sẽ tập trung về thi đấu vòng chung kết và vòng giữ hạng theo thể thức đấu chéo I A – II B; I B – II A; IV A – V B, IV B – V A, kế tiếp thắng gặp thắng, thua gặp thua để xếp hạng 1 – 4; 7 – 10 chung cuộc, tại một địa điểm do Ban Tổ chức giải quy định.
Với kết quả giải VĐQG, đội thứ 10 trực tiếp xuống hạng, đội thứ 9 sẽ tranh play off với đội xếp thứ Nhì của giải hạng A cùng năm (đội Vô địch giải hạng A được thăng hạng trực tiếp) qua 2 trận (sân nhà – sân khách) để chọn đội thứ 10 được tham dự giải VĐQG năm sau.
Việc điều động lực lượng giám sát, trọng tài làm nhiệm vụ tại 4 bảng/vòng/tháng cũng sẽ thuận lợi, với 1 tổ/bảng/sân và vòng chung kết, vòng giữ hạng cuối mùa sẽ huy động số tinh hoa nhất như hiện nay. Về tài chính, các sân đăng cai không phải nộp lệ phí tổ chức về LĐBCVN, thay vào đó bằng quy định khen thưởng cho các đội nam - nữ và nhất, nhì, ba của vòng đấu (Từ nguồn vận động tài trợ, thu quảng cáo, bán vé, ngân sách...)
Có thể tạo ra nhiều cái lợi!
Như vậy, giải VĐQG sẽ trải qua 6 vòng đấu của 6 tháng và khi xếp lịch đấu, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ căn cứ vào lịch thi đấu quốc tế của năm sau để bố trí một cách hợp lý, khoa học lịch đấu trong nước, nhằm tránh thời điểm tổ chức các sự kiện quan trọng trong năm và giúp các CLB hay ĐTQG có sự chuẩn bị tốt nhất ở 6 tháng còn lại: tham dự SEA Games (các năm 2019, 2021,….), giải Vô địch châu Á, giải Vô địch các CLB châu Á, giải U23 Đông Nam Á, giải Trẻ Đông Nam Á hoặc châu Á, tổ chức các giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cúp, VTV Bình Điền, Cúp Đạm Cà Mau, Cúp Liên Việt nam - nữ, Giải Cúp Hoa Lư, Giải Quốc tế Vĩnh Long, Giải Sanatech Bến Tre, giải hạng A toàn quốc, hệ thống các giải Trẻ quốc gia v.v.
Với phương án có tính chất tham khảo này của BCSG Online, giữ sự ổn định với 10 đội nam – 10 đội nữ tham dự giải VĐQG nhưng mỗi đội thi đấu số trận ngang bằng nhau và nhiều hơn hẳn – 20 trận chính thức/năm (phương pháp chia 2 bảng, thi đấu 2 vòng như hiện nay thì ít hơn, tối đa là 8 trận/năm đối với các đội hạng 3 chung cuộc mỗi bảng, 10 trận/năm đối với các đội còn lại); tổng số ngày thi đấu kéo dài hơn không đáng kể (25 ngày, so với 16 ngày của 2 vòng đối với các đội hạng 3 chung cuộc mỗi bảng và 29 ngày đối với các đội còn lại như hiện nay), nên tuy chi phí của các CLB sẽ nhiều hơn nhưng hiệu quả thu được - thi đấu với số trận vượt trội giúp tăng độ cọ xát, học hỏi, rèn giũa cầu thủ, tính công bằng (sân nhà – sân khách), phục vụ khán giả địa phương, quảng cáo, tài trợ v.v. của mỗi CLB sẽ lớn hơn rất nhiều.
Thế nhưng, một số phân tích nêu trên chỉ đóng khung ở mức độ “gợi mở hoặc tham khảo” bởi đến thới điểm này, mọi quyết định về việc giữ vững sự ổn định 10 đội nam, 10 đội nữ ở giải VĐQG hàng năm kể từ năm 2019 so với các kết luận tại hội thảo Bóng chuyền năm 2016 vẫn là những thông tin chưa được xác tín.
PHÚC VĨNH  

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.