Cúp Hùng Vương năm 2019: Cần xem lại!

Mới đây, trên BCSG Online có đăng thông tin về dự kiến lịch thi đấu các giải Bóng chuyền năm 2019 của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Đây được xem là một trong những thông tin hữu ích, được nhiều giới – từ các nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài cho đến người hâm mộ bóng chuyền cả nước quan tâm mỗi khi bước vào đầu năm mới.
Tuy nhiên, thu hút nhất mọi sự quan tâm có lẽ là các thông tin về vòng 1 và vòng 2 giải Vô địch quốc gia PV Gas và các giải kéo theo phía sau của sự kiện quan trọng này.
Từ chuyện bất cập về thời gian nghỉ giữa….
Chưa bàn đến thể thức thi đấu 2 vòng mà BCSG Online sẽ đề cập đến trong một bài viết khác, ở đây, lịch đấu giữa 2 đội nhất, nhì mỗi bảng của giải nam và nữ tề tựu về thành phố Việt Trì (Phú Thọ) để thi đấu tiếp vòng chung kết Cúp Hùng Vương 2019 đã “lộ” ra các điểm cần bàn trước khi các phía triển khai.
Đầu tiên phải kể đến là về mặt thời điểm tổ chức Cúp Hùng Vương 2019. Rõ ràng theo lịch đấu dự kiến của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, sau khi nghiên cứu lịch hoạt động chung của Ban Tổ chức Lễ hội cấp quốc gia và trao đổi với Ban Tổ chức giải Bóng chuyền Cúp Hùng Vương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ), các nhà tổ chức đã làm một việc….thường làm: Dựa vào lịch âm (Mùng 10 tháng 3 – Giỗ Tổ Hùng Vương) để làm căn cứ tính thời điểm lịch dương tổ chức giải. Đây được xem là cách làm đúng đắn trong nhiều năm qua.
Thế nhưng, điều khó thực hiện tại Cúp Hùng Vương năm 2019 ở chổ, giữa thời điểm kết thúc vòng I Giải Vô địch quốc gia PV Gas (từ 04 đến 11/4) đến thời điểm khai diễn vòng chung kết Cúp Hùng Vương (từ 13/4 đến 16/4) quá cận kề. Những mùa giải trước đây, giai đoạn nghỉ giữa để chuyển quân từ 2 bảng về Phú Thọ dự Cúp Hùng Vương và tập luyện làm quen thời tiết, khí hậu, sân tập, họp kỹ thuật 1 ngày trước giải v.v. cho các đội từ 3 đến 4 ngày (giải năm 2018 là 3 ngày, từ 21/4 đến 24/4/2018) nhưng theo dự kiến lịch đấu 2019 của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, thời gian này chỉ vỏn vẹn 2 ngày (!?).
Rõ ràng, với 2 ngày - từ 11/4 kết thúc vòng I, sang 12/4 họp kỹ thuật và 13/4 bắt đầu thi đấu, không chỉ các đội nhất, nhì nam, nữ của bảng A (được xác định tổ chức tại Bắc Ninh) gặp khó mà nếu bảng B được tổ chức ở xa hơn, như Hà Tĩnh chẳng hạn, thì không hiểu những đội bảng này di chuyển bằng “Đôi cánh của Thiên thần” hay như thế nào để kịp ổn định chổ ở, tập luyện và tất tần tật các loại công viêc khác có liên quan?. 
…..đến câu chuyện muôn thuở: Quyền lợi cho các đội dự giải như thế nào?
Nhìn lại quá trình kể từ khi bắt đầu tổ chức vào năm 2005 với ý nghĩa là một trong các hoạt động văn hóa - thể thao chào mừng Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, các đội bóng chuyền nam, nữ hàng đầu quốc gia sau khi xếp nhất, nhì mỗi bảng ở vòng I giải VĐQG đều rất sẳn lòng tiếp tục tham dự giải Bóng chuyền Cúp Hùng Vương nhằm phục vụ cho nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật thi đấu bóng chuyền của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc tề tựu về TP Việt Trì tham dự lễ hội.
Thế nhưng không hiểu vì sao, với 4 ngày thi đấu thu hút lượng khán giả ngày càng đầy ắp, đặc biệt là 2 ngày sau cùng – chung kết nam và chung kết nữ với giá vé chính thức tăng gấp đôi, vé chợ đen do phe vé bên ngoài hét gấp 4 – 5 lần nên Nhà Thi đấu Việt Trì luôn trong tình trạng quá tải, đến 7000 – 8000 người ngồi ken chặt bằng hàng ngàn hàng ghế nhựa được Ban Tổ chức bán vé theo hình thức “kế hoạch B”, rồi kê thêm ở dọc các lối đi, các khoảng trống còn sót lại trên 4 phía khán đài và ở dưới mặt sân, phía ngoài các biển quảng cáo.
Theo tiết lộ của một giới chức có trách nhiệm theo dõi xuyên suốt Cúp Hùng Vương từ những năm đầu tiên tổ chức cho đến nay, Ban Tổ chức sân Việt Trì thu không dưới 1 tỷ đồng cho 4 ngày tổ chức giải, đến độ có năm họ còn từ chối cho phép Đài Truyền hình Việt Nam được truyền hình trực tiếp với các lý do không đâu chỉ để đảm bảo cho việc bán vé, tận thu.
Trong khi đó, cơ cấu và giá trị giải thưởng cho các đội nam, nữ đoạt giải chỉ thuộc hạng “bèo” trong số các giải đấu Bóng chuyền danh giá quốc nội: 70 triệu, 40 triệu, 20 triệu và 10 triệu VNĐ cho các thứ hạng từ 1 đến 4 nam, nữ. Với tổng tiền thưởng giải tập thể và 4 giải cá nhân (2 nam, 2 nữ) không quá 300 triệu VNĐ, thử hỏi mỗi mùa giải Cúp Hùng Vương, Ban Tổ chức sân Việt Trì “tay không” nhưng thu lãi khủng cỡ bao nhiêu?
Cũng cần nhắc lại, dù mỗi năm các đội tham dự vòng I giải VĐQG không hề chủ động lập thêm kế hoạch kinh phí cho gần 10 ngày phát sinh thêm khoản tiền di chuyển, ăn, ở do không biết kết quả thi đấu thế nào, thì họ vẫn luôn nhận thức rằng Cúp Hùng Vương hàng năm mang ý nghĩa phục vụ, hướng về cội nguồn là chính và xem như đó là nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ tiên. Thế nhưng về mặt quyền lợi, trong các văn bản chính thức của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từ trước đến nay, chưa hề quy định bất kỳ điều khoản nào bắt buộc các đội phải tham gia Cúp Hùng Vương hoặc sẽ có hình thức….chế tài nếu các đội từ chối. 
Thế thì không hiểu vì lý do gì trong hợp đồng với Ban Tổ chức sân Việt Trì, về mặt quyền lợi, suốt những năm tổ chức trước đây cho đến nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Ban Tổ chức giải Vô địch quốc gia lại không yêu cầu Ban Tổ chức sân Việt Trì ghi bổ sung điều khoản chi hỗ trợ 8 đội tham dự Cúp Hùng Vương khoản kinh phí tăng thêm theo hình thức khoán – 20 đến 30 triệu VNĐ/đội chẳng hạn, khi tham dự giải đấu để đủ bù đắp “nghĩa vụ” phát sinh này?
Chắc hẳn rằng khi thực hiện được việc đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên – đặc biệt là đối với các “nhân vật chính” của sự kiện: 8 đội nam, nữ xuất sắc nhất của Bóng chuyền VN sau vòng I giải VĐQG hàng năm, không chỉ riêng năm 2019 mà Cúp Hùng Vương hàng năm sẽ đem đến niềm vui trọn vẹn hơn cho tất cả các phía trong thời gian tới.
HỒNG ÁNH
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.