Bóng chuyền Việt Nam vừa đón nhận tin vui khi đội Sanest Khánh Hòa là câu lạc bộ (CLB) đầu tiên của VN lọt vào đến tốp 4 châu Á ở giải đấu dành cho các đội bóng chuyền Vô địch quốc gia ở châu lục.
Tuy nhiên, niềm vui ấy không thật sự trọn vẹn bởi nếu không có những rào cản từ những nhà quản lý chuyên môn trong nước, các học trò của HLV trưởng Thái Quang Lai còn có thể bước lên một thứ bậc cao hơn.
Từ quy định cho đến….quy định!
Theo một chuyên gia bóng chuyền từng nhiều năm nắm đội tuyển quốc gia nam và hiện là HLV trưởng cho một CLB thi đấu ở giải Vô địch quốc gia, về mối quan hệ quyền lợi và nghĩa vụ giữa liên đoàn thể thao quốc gia và các CLB trong việc tập trung làm nhiệm vụ, thì mỗi khi CLB thi đấu các giải chính thức (không tính các giải mời, giải tập huấn, giao nữu v.v..) thì đội tuyển quốc gia phải trả quân, gồm Huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) về theo yêu cầu của phía CLB chủ quản trước 15 ngày cho đến khi kết thúc giải đấu.
Còn theo kết luận tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền” do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) tổ chức vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội, ở nội dung thứ 2 (trong tổng số 4 nội dung), có nêu rõ hai vấn đề song hành: 1. Điều chỉnh quy định về triệu tập HLV, VĐV đội tuyển quốc gia và thống nhất đặt nhiệm vụ quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm; 2. Cần tính toán đến thời gian, thời điểm triệu tập các VĐV cho phù hợp về nhiệm vụ của ngành, của địa phương cũng như đội tuyển quốc gia.
Rõ ràng, mọi việc đều được quy định khá cụ thể để phía nào cũng hiểu và kết luận của hội thảo đã giao cho các nhà quản lý của VFV căn cứ theo đó để xây dựng các văn bản ràng buộc, song thực tế đến Giải Bóng chuyền Cúp các CLB nam Vô địch châu Á – SMM 2018 lại khác. Khác đến độ đội Vô địch nam của BCVN năm 2017 – Sanest Khánh Hòa, do vắng chủ công Từ Thanh Thuận (9) và Libero Huỳnh Trung Trung Trực (1) ở trận tranh bộ Huy chương đồng nên bỏ lỡ cơ hội leo lên vị trí thứ 3 một cách đáng tiếc.
Cho đến việc lấy đá tự ghè chân mình!
Như thông tin tại giải đấu quy tụ 13 CLB ở mùa giải năm nay, sau khi thắng 2 trận, vượt qua vòng bảng với tư cách đứng đầu, Sanest Khánh Hòa đã thắng tiếp một CLB của Australia, rồi thắng lại CLB Trung Hoa Đài Bắc để lọt vào bán kết.
Đang trên đà hưng phấn, khí thế bừng bừng song Sanest Khánh Hòa như bị dội “gáo nước lạnh”: Ban Huấn luyện đội tuyển quốc gia triệu hồi hai tuyển thủ quốc gia Từ Thanh Thuận và Huỳnh Trung Trực quay về Hà Nội để cùng đội tuyển quốc gia nam đáp chuyến bay sang Trung Hoa Đài Bắc để dự giải Bóng chuyền nam Vô địch châu Á 2018 (08/8 – 15/8/2018).
Dù lãnh đạo đội bóng phố biển đã đề nghị Ban Huấn luyện đội tuyển quốc gia cho phép họ giữ quân đến khi kết thúc giải (06/8/2018) và sẽ mua vé bay thẳng từ Yangoon (Myanmar) sang Trung hoa Đài Bắc cho 2 cầu thủ này nhưng VFV chỉ gật đầu cho quay lại thi đấu tiếp trận bán kết (kết quả thua CLB Khatam Ardakan - Cộng hòa Iran 0 – 3, đội sau này đoạt Cúp Vô địch). Nhiều người cho rằng, nếu có đủ đội hình gồm cả Từ Thanh Thuận và Huỳnh Trung Trực, Sanest sẽ không cam lòng nhận vị trí thứ 4, sau khi thua sát nút CLB Wapda (Pakistan) 2 – 3 (25/19, 21/25, 25/16, 20/25,16/18).
Cần làm rõ “địa chỉ” phải chịu trách nhiệm?
Thực tế cho thấy, dù có kế hoạch từ trước của VFV trong việc tham dự hai giải liền kề - Vô địch nam châu Á (Trung hoa Đài Bắc) và ASIAD (Indonesia) song mục tiêu của đội tuyển nam VN chỉ là tạo thêm cơ hội “mở mắt” – tích lũy kinh nghiệm thi đấu cho các cầu thủ trẻ và để tiếp tục kiểm tra, đánh giá độ tăng tiến so với các đội thuộc nhóm trung bình của châu lục. Bởi sân chơi này không có chổ cho nhóm cỡ tuyển nam VN ghé mắt đến các bộ huy chương.
Và điều chắc hẳn rất nhiều người biết, Giải Bóng chuyền Cúp các CLB nam Vô địch châu Á – SMM 2018 là giải đấu chính thức, là nhiệm vụ quốc gia của CLB vô địch VN 2017 mà Tổng cục Thể dục thể thao là cơ quan ra quyết định cử đội Sanest Khánh Hòa đại diện Bóng chuyền nam Việt Nam tham dự.
Thế nên, điều lạ lùng là cách gọi quân như vừa qua của “triều đình” đã bỏ qua quy định do chính mình đặt ra về việc đảm bảo quyền lợi của CLB mỗi khi họ tham dự các giải đấu chính thức: “Phải trả quân về theo yêu cầu của phía CLB chủ quản trước 15 ngày cho đến khi kết thúc giải đấu”.
Điều trái khoáy khác, do từng dẫn đội của mình tham dự Giải Bóng chuyền Cúp các CLB nam Vô địch châu Á cách đây 4 năm, vị HLV kể trên cho biết là với nghĩa vụ thay mặt Bóng chuyền VN “đem chuông đi đánh xứ người” song về kinh phí, VFV lại giao hẳn cho các CLB tự lo, kể cả phải “bao” luôn chi phí cho một trọng tài, gồm các khoản tiền vé máy bay đi – về, đóng cho Ban Tổ chức lệ phí tiền ăn, tiền ở và 200 USD tiền làm nhiệm vụ (nếu không mang theo trọng tài sẽ phải đóng khoản lệ phí để BTC mời trọng tài của quốc gia khác thay).
Một số dẫn chứng trên cho thấy, đối với việc tham dự những Giải Bóng chuyền Cúp các CLB nam, nữ Vô địch châu Á hàng năm, ngoài việc thi đấu hết khả năng để có thể đem về những thành tích tốt nhất, mang vinh dự và niềm tự hào cho đất nước trong những năm vừa qua thì các CLB Vô địch VN đã không được sự hỗ trợ, tiếp sức nào đáng kể từ phía Tổng cục TDTT và VFV, mà câu chuyện bị mất “Át chủ bài” vào giờ chót của CLB Sanest Khánh Hòa ở mùa giải 2018 tại Myanmar được ví như chuyện đùa mà có thật: Chính tay VFV đã rót thêm một giọt cuối cùng vào ly nước vốn đã đầy./.
Ảnh: AVC
MAI ANH
Đăng nhận xét