Sau bài viết: Những câu chuyện bổ ích về bài tập chuyền một ở các CLB và ĐTQG bên ly cà phê sáng, Người Quan Sát tiếp tục chia sẻ với BCSG Online về vấn đề thể lực. Một trong những sự chuẩn bị quan trọng cho các cầu thủ thi đấu tốt và tránh bị chấn thương.
Người Quan Sát cho biết, nhiều HLV tốt nghiệp ĐH TDTT chính qui hay tại chức môn bóng chuyền chưa có kinh nghiệm trong huấn luyện hoặc HLV dù lâu năm nhưng lại thiếu sâu sát, thường áp dụng những giáo án huấn luyện thể lực chung cho tất cả cầu thủ của CLB hay ĐTQG. Ví dụ: Đúng ngày tập thể lực, thì tập trung đội bóng vào phòng Gym, thế là mỗi cầu thủ cứ thay nhau gánh, đẩy cùng trọng lượng tạ, và thậm chí gánh tạ lên và bật nhảy để tăng sức bật...Điều này có vẻ công bằng và đồng nhất với tất cả cầu thủ nhưng lại thiếu tính thực tế. Bởi vì có những cầu thủ dư sức thực hiện những bài tập này nhưng ngược lại cầu thủ khác thì không thể hoàn tất giáo án quá nặng so với tố chất của mình nên mệt mỏi dẫn đến chấn thương. Nói theo phong cách bia bọt thì: Anh A có thể uống 1 thùng bia (24 lon) nhưng anh B chỉ uống 2 lon là xỉn thì nếu HLV đưa giáo án uống 10 lon bia thì anh A quá nhạt, không đủ đô, trong khi anh B chỉ lon thứ 3 là quắc cần câu...
Đó là lí do mà tại sao cầu thủ bóng chuyền nam và nữ Việt Nam thường bị chấn thương vì quá tải hay thể lực không đảm bảo. Dẫn đến phẩu thuật và giải nghệ.
Đó là lí do vì sao một CLB thể thao chuyên nghiệp luôn có HLV thể lực riêng, vì chuyên gia này sẽ hiểu rõ và đề nghị HLV trưởng cần áp dụng các bài tập và khối lượng như thế nào với mỗi cầu thủ khác nhau trong đội bóng. Các bạn thử điểm lại có bao nhiêu CLB hay ĐTQG nam - nữ có HLV thể lực chuyên biệt này.
Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT
HOÀNG HÀ
Đăng nhận xét