Số lượng đội ở giải VĐQG - Câu hỏi chưa có lời giải? |
Không chỉ những năm gần đây, số lượng tăng, giảm các đội thi đấu ở giải VĐQG luôn biến động ngoài ý muốn của các nhà tổ chức nên dẫn đến tình trạng khiến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam rơi vào thế bị động.
Dù năm nào cũng ban hành Điều lệ giải như “phần cứng”, trong đó quy định số đội lên – xuống giữa hai giải Vô địch quốc gia và hạng A, nhưng chuyện giải thể đội bóng do mất khả năng cân đối tài chính, do nhà tài trợ rút lui – nhất là sau những kết quả không như kỳ vọng của đơn vị quản lý, do chủ trương của địa phương, ngành v.v thường xuyên xảy ra trong một thời gian dài mà có lẽ chẳng cần tra cứu, giới Bóng chuyền nước ta vẫn còn nhớ đến nhiều đội bóng tên tuổi một thời vang bóng nhưng buộc phải lặng lẽ rút lui, để lại những tiếc nuối cho những người yêu thích môn thể thao vốn có sức hút trong tốp đầu của Thể thao VN, như Than Hà Tu, Đông Nam Dược Bảo Long (Hà Tây), Phòng không Không quân, Vietsov Petro, Cao su Phú Riềng, Giấy Bãi Bằng, Hòa Phát Hưng Yên, Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương... kể cả Hậu Giang vừa lên hạng đã khước từ cơ hội lần đầu thi đấu giải VĐQG (nữ) hay Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Công an Vĩnh Phúc, Vật liệu Xây dựng Biên Hòa, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, nay danh sách có thêm Quân đoàn 4 (nam).
Rõ ràng, việc này không mới nhưng lâu nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vẫn cứ loay hoay, chưa đề ra quy định nào để giải quyết nhanh chóng các trường hợp đáng tiếc này, chẳng hạn ngoài “phần cứng” quy định trong điều lệ, cần nêu rõ trường hợp rút lui trước giải từ 1, rồi 2 hay 3 đội thì như thế nào cho các phương án tổ chức bốc thăm, xếp lịch, số đội lên – xuống trong cùng mùa và mùa giải kế tiếp; các đội tự ý rút lui sau khi đã giành quyền thăng hạng như trường hợp Giấy Bãi Bằng (2016) và Hậu Giang (2017) thì có chế tài hay không, bằng hình thức nào ở mùa giải kế tiếp (nếu tham dự ở giải hạng dưới) nhằm giúp tránh bị động chung cho các nhà tổ chức và các đội khác?
Rõ ràng, việc này không mới nhưng lâu nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vẫn cứ loay hoay, chưa đề ra quy định nào để giải quyết nhanh chóng các trường hợp đáng tiếc này, chẳng hạn ngoài “phần cứng” quy định trong điều lệ, cần nêu rõ trường hợp rút lui trước giải từ 1, rồi 2 hay 3 đội thì như thế nào cho các phương án tổ chức bốc thăm, xếp lịch, số đội lên – xuống trong cùng mùa và mùa giải kế tiếp; các đội tự ý rút lui sau khi đã giành quyền thăng hạng như trường hợp Giấy Bãi Bằng (2016) và Hậu Giang (2017) thì có chế tài hay không, bằng hình thức nào ở mùa giải kế tiếp (nếu tham dự ở giải hạng dưới) nhằm giúp tránh bị động chung cho các nhà tổ chức và các đội khác?
Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền” do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội với sự tham dự của 86 đại biểu đến từ các vùng miền của đất nước, sau khi nghe nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Bóng chuyền Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn – TS Lê Trí Trường đã tóm gọn ý tưởng về số đội lên - xuống hạng từ năm 2017 và lộ trình giúp ổn định, đại loại: từ khởi điểm với con số 12 đội nam, 12 đội nữ ở giải VĐQG hàng năm, thì ở mùa 2017, giải hạng A lên 1, giải VĐQG xuống 2 cho đến năm 2019 còn 10 đội nam, 10 đội nữ sẽ áp dụng trở lại công thức lên 2, xuống 2, tạo sự ổn định một thời gian, sau đó sẽ lấy ý kiến để tiếp tục có sự thống nhất, đồng thuận giữa các phía.
Tuy nhiên, sau phần tổng hợp các ý kiến của đại biểu, trong bản kết luận gồm 4 nội dung (gồm, về các chủ đề “Công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên Bóng chuyền tại CLB và đội tuyển quốc gia”; “Quy định triệu tập HLV, VĐV các đội tuyển quốc gia”; “Quy định triệu tập HLV, VĐV các đội tuyển quốc gia”; “Quy chế chuyển nhượng vận động viên (ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29 tháng 6 năm 2010)”) được lãnh đạo Liên đoàn trình bày ở phần cuối hội thảo, ở nội dung thứ ba, đã nêu rõ: 1. Toàn thể các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất với báo cáo của Liên đoàn về phương án giảm số đội và lộ trình giảm số đội cho đến năm 2020; 2. Phương án cụ thể về lộ trình giảm số đội như sau: Thống nhất với các ý kiến của đại biểu tham dự là giữ nguyên điều lệ đã ban hành năm 2016: Từ năm 2017, thi đấu có 2 đội xuống hạng, 1 đội hạng A lên hạng, năm 2018 còn 10 đội nam, 10 đội nữ, năm 2020 còn 8 đội nam, 8 đội nữ.
Dù vậy, ngay sau hội thảo, giải năm 2017 đã chứng kiến nữ Cao su Phú Riềng giải thể dù họ có một mùa giải 2016 thi đấu khá hay, rồi ở giải hạng A, Giấy Bãi Bằng tuy đạt hạng nhì chung cuộc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, buộc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải bổ sung Đắc Lắc (hạng Ba) lên cho đủ “tụ”. Đến nay, mùa giải 2018 (11 đội nam, 11 đội nữ) chưa khởi tranh nhưng Quân đoàn 4 (nam) xin tạm dừng cuộc chơi, nữ Hậu Giang “không chịu” lên hạng, Ban Tổ chức phải điều chỉnh bằng dự kiến (chưa có Thông báo chính thức) chỉ 1 đội nam, 1 đội nữ ở giải VĐQG xuống hạng.
Nhiều người cho rằng, tự thân quy luật vận động của Bóng chuyền VN đã điều chỉnh “giúp” để rút ngắn sớm 1 năm lộ trình hướng đến mục tiêu phấn đấu: còn 10 đội nam, 10 đội nữ. Thế thì hướng tiếp theo sẽ như thế nào: hoặc lên 1, xuống 1 như dự kiến từ tình huống ngoài ý muốn của giải VĐQG 2018 và tiếp tục ổn định công thức nay như ý tưởng của Tổng Thư ký Lê Trí Trường, hay thực hiện đúng theo kết luận của hội thảo năm 2016: giải năm 2019 xuống vẫn phải lên 1, xuống 2 (còn 9 nam, 9 nữ) và năm 2020 tiếp tục như thế (còn đúng 8 nam, 8 nữ)?
Đây là câu hỏi cần có lời đáp thống nhất từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhằm tạo sự yên tâm để những đơn vị quản lý các đội bóng ở hai hạng A và VĐQG chủ động trong việc đầu tư, tính toán trên sở sở nền tảng pháp lý có tính ổn định trong định hướng phát triển một cách bền vững của Bóng chuyền Việt Nam.
Ảnh: ĐÀO TÙNG
MAI ANH
Đăng nhận xét