Điều đáng trân trọng là tuy trùng dịp diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á – SEA Games lần thứ 29 - 2017 tại Malaysia, song các nhà tổ chức tại Đắc Lắc vẫn tạo cơ hội để trui rèn bản lĩnh, tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu cho các cầu thủ thuộc “phần còn lại” của Bóng chuyền nữ VN thông qua giải đấu này.
Và, việc dự kiến phân bảng cùng lịch thi đấu để lấy ý kiến của các đội cũng được xem là một động thái tích cực của Ban Tổ chức, rất đáng được hoan nghênh.
Tuy nhiên, để cho giải đấu được sôi động hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật bóng chuyền đỉnh cao VN của người xem ở khu vực Tây nguyên và đáp ứng nhiều nguyện vọng khác của tất cả các đội bóng tham dự, nên chăng cần có sự góp ý để xây dựng lịch đấu một cách phù hợp cho các phía.
Từ việc chia bảng: Tương đối phù hợp….
Rõ ràng, đơn vị tổ chức có quyền ưu tiên trong việc phân bảng sao có lợi nhất cho đội chủ nhà Đắc Lắc. Tuy nhiên, có lẽ xuất phát từ mục đích tổ chức giải – không đặt nặng chuyện thắng – thua và chạy theo thành tích bằng mọi giá như thường thấy ở nơi này, nơi nọ, các nhà tổ chức đã thật sự fair play khi chia đều tên tuổi 4 “Bà chị” Ngân hàng TMCP Công thương VN, VTV Bình Điền Long An, Thông tin Liên Việt Postbank, Tiến Nông Thanh Hóa – dù họ chỉ còn là “cái bóng” do hầu hết các trụ cột đã tập trung đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games - ra hai bảng.
Số còn lại cũng tương tự, chủ nhà Đắc Lắc và đối thủ cùng bảng ở vòng I giải VĐQG PV Gas 2017 – Truyền hình Vĩnh Long nằm chung bảng A, hai đội còn lại – Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Quảng Ninh ở bảng B sẽ có dịp gặp lại sau 5 tháng từng đọ sức ở giải VĐQGPV Gas.
….đến việc xếp lịch: cần có chút thay đổi!
Theo thông lệ các giải đấu tại VN, với 8 đội thi đấu, sau vòng bảng sẽ chỉ diễn ra các cặp đấu bán kết giữa 2 đội xếp thứ 1 và thứ 2, rồi sau đó tranh các thứ hạng chung cuộc từ 1 đến 4 toàn giải. Họa hoằn, người ta mới tổ chức thêm các cặp đấu chéo 3A – 4B và ngược lại, tiếp theo là tranh hạng 5 giữa 2 đội thắng, tranh hạng 7 giữa 2 đội thua.
Gọi là họa hoằn ở chổ, thường các cặp đấu ở nhóm dưới không còn hấp dẫn do thiếu động lực về….giải thưởng – dù chỉ ở mức khích lệ.
Song nếu nhìn sang các giải châu Á, từ giải Cúp các CLB Vô địch quốc gia cho đến giải Vô địch châu lục, Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) tổ chức khác hẳn mà ở đó, sự hợp lý còn đến ở chổ xác định thứ hạng các đội tham dự một cách chính xác nhất có thể.
Từ 8 hay trên bội số gần nhấtcủa con số này, AVC sẽ chia bảng, mổi bảng 4 đội (thấp nhất là 3) để thi đấu vòng tròn một lượt.
Sau đó, nếu là 8 đội tương tự như giải sắp diễn ra tại Đắc Lắc vào hạ tuần tháng 8 tới đây, sẽ là vòng đấu tứ kết giữa 4 cặp đấu: Nhất A – Tư B (1); Nhất B – Tư A (2); Nhì A – Ba B (3), Nhì B – Ba A (4).
Các đội thắng ở tứ kết sẽ thi đấu bán kết (Thắng 1 gặp Thắng 3; Thắng 2 gặp Thắng 4), rồi tranh hạng từ 1 đến 4; các đội thua ở tứ kết thi đấu chéo (Thua 1 gặp Thua 3; Thua 2 gặp Thua 4) và sau đó tranh hạng 5 đến 8.
Ngoài ý nghĩa sẽ giúp phân hạng một cách chính xác hơn, điều này còn giúp mỗi đội tham dự giải có số trận thi đấu bằng nhau – 6 trận, đáp ứng được một trong những mục đích chính theo điều lệ giải quy định: Tạo cơ hội thi đấu cọ sát, đánh giá công tác huấn luyện, giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho các đội bóngv.v chẳng hạn.
Và nếu như lịch dự kiến của Ban Tổ chức Đắc Lắc với 2 trận/ngày và kéo dài đến 9 ngày, nên chăng tổ chức từ 3 đến 4 trận/ngày và khi kết thúc vòng đấu bảng, sẽ cho các đội nghỉ trọn 1 ngày đểhọ có dịp tham quan các danh thắng tại địa phương. Theo lịch như thế, toàn giải sẽ chỉ diễn ra trong 8 ngày, góp phần tiết giảm kinh phí cho các đội tham dự.
BCSG xin giới thiệu lịch đấu mang tính chất trao đổi với các nhà tổ chức giải như sau:
Bảng A: Tiến Nông Thanh Hóa, Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Công thương VN, Hóa chất Đức Giang Hà Nội
Bảng B: Truyền hình Vĩnh Long, Thông tin Liên Việt Postbank, Đắc Lắc, VTV Bình Điền Long An.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
Ảnh: THIÊN HOÀNG
PHÚC VĨNH
Đăng nhận xét