Sau khi nhận được kết quả bốc thăm từ Malaysia chuyển về cho BCSG, Tiến sĩ - chuyên gia Huỳnh Thúc Phong đã có những đánh giá và dự báo rất bổ ích cho BCSG để gửi đến bạn đọc và BHL cũng như các tuyển thủ ĐTQG nam. Đây là những tư liệu quý giá mà chuyên gia Huỳnh Thúc Phong đã nghiêm cứu, ghi chép trực tiếp tại SEA Games 28 ở Singapore năm 2015 cũng như theo dõi tình hình các đội tuyển vực Đông Nam Á qua tài liệu, truyền hình, sách báo...BCSG xin được phép truyền tải các đóng góp bổ ích này để góp phần không nhỏ để ủng hộ đội tuyển nam Việt Nam đoạt chiếc HCV lịch sử ở SEA Games 29 sắp tới.
Bóng chuyền nam khu vực Đông Nam Á vài năm nay chưa có sự thay đổi nhiều về lực lượng VĐV cũng như thành tích thi đấu, kết quả xếp hạng trong 3 kỳ SEA Games gần đây vẫn là những “gương mặt thân quen” về cá nhân cũng như về tập thể. Indonesia đã suy yếu hơn với tay đập đơn độc S.Sigit (1993), cho thấy còn lâu mới họ mới tìm được một tập thể tài năng trước đây như: Laurry, Afan. Agip, Jonny; Myama cũng đầu tư vào một thế hệ VĐV trẻ mấy năm nay nhưng chỉ tìm ra một tay đập số 1 SEA Games 28 T.Aung (1993). Với đội hình đồng đều, nhiều năm thi đấu ổn định ở khu vực, sẽ không bất ngờ khi dự đoán hai đối thủ trong trận chung kết SEA Games 2017, vòng loại World Championship 2016 sẽ lại tái ngộ tại SEA Games 29 - 2017. Vì vậy, trận chung kết bóng chuyền nam được dự báo sẽ là 2 đội tuyển Việt Nam và Thái Lan…?
Cúp các câu lạc bộ nam châu Á SMM – 2017 vừa khép lại, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, quỹ thời gian không đủ cho nhiều thay đổi về mặt con người cũng như lối đánh của cả hai đội tuyển đã trình diễn vừa rồi. Nhìn lại một số đặc điểm về trình độ thi đấu của hai đội tuyển Việt Nam và Thái Lan để dự báo yếu tố sẽ quyết định kết quả trận đấu tranh ngôi vương bóng chuyền nam Đông Nam Á 2017.
1. Con người: đã quá quen và biết rõ từng đặc điểm cá nhân, đa số VĐV cả hai đội đều ở hàng “lão tướng” nên kỹ thuật cá nhân, đặc điểm phối hợp trong đội hình, kinh nghiệm thi đấu khó có thể tạo sự thay đổi về mặt chuyên môn.
Với những nhân tố hiện nay, HLV trưởng Phùng Công Hưng đã cho thấy đây là chon lựa tốt nhất về bộ khung đội hình thi đấu sắp tới, sự bổ sung vài vị trí sau giải cũng chỉ là phương án dự phòng. Sự bổ sung tuyển thủ Lê Thành Hạc vào nhiệm vụ đỡ chuyền 1 - tấn công (Receiver – Attackers) cả 6 vị trí là một điểm nhấn rất quan trọng năm nay, đây là sự bổ sung cần thiết vào yếu điểm nhiều năm nay của Việt Nam, ngoài ra các hình thức phối hợp chồng chéo giữa Hạc với Hưng vào khu vực giữa lưới tạo thêm sự đa dạng trong đội hình. Điều này cũng cho thấy vị trí của Hạc giữ nhiệm vụ rất quan trọng nếu không hoàn thành nhiệm vụ, Dữ là một sự thay thế tình huống nhưng những gì VĐV này thể hiện vừa qua khó mang lại sự tin tưởng. Cũng có nhiều ý kiến về vị trí của Hưng, theo tôi chọn lựa của ban huấn luyện là hợp lý, Hoàng Thương, Hoài Hận, Vũ Hoàng là mẫu phụ công thi đấu cá nhân tốt nhưng rất khó tạo mối liên kết trong hoạt động phối hợp với các VĐV khác. Ngoài kinh nghiệm chắn bóng, các quả tấn công lao ngắn – dài đa dạng, Hưng có khả năng tạo ra những khoảng trống thuận lợi dọc lưới cho các VĐV tấn công hàng trước cũng như hàng sau. Các cựu binh còn lại: Thuận, Kiều, Thương, Đức, Thành vẫn mang lại sự tin tưởng trong những trận đấu mang tính quyết định sắp tới.
Trong khi đội tuyển Thái Lan: đội hình Air Force làm nồng cốt, tham gia cúp châu Á 2017 ở Việt nam chắc chắn còn thiếu mấy cái tên như S.Kissada (1995), Boonyarit Wongton (1998), Kittinon Namkhuntod (1993), trong số này nên lưu ý đến tay chuyền hai trẻ Boonyarit W đã tạo ấn tượng ở lần gặp Việt nam tại World Championship 2016 (ĐTVN thua 1/3).
2. Chiến thuật: có quá nhiều điểm giống nhau về sự xắp xếp các vị trí trong đội hình thi đấu của VĐV hai đội tuyển, tạo ra sự đối đầu quyết liệt trong tấn công và phòng thủ trên lưới.
Về cá nhân: cùng sở trường nhảy phát bóng, tấn công ở vị trí số 2, hàng sau số 1 là hai chủ công đối chuyền hai Từ Thanh Thuận và R.Jiyaru; chắn chủ lực và tấn công 1 chân sau đầu là Nguyễn Hoàng Thương và N,Kissada; cùng vị trí tấn công số 4 và số 6 hàng sau là Ngô Văn Kiều và S.Kissada. Đây sẽ là cuộc chiến thú vị về mặt chỉ đạo chiến lược của cả 2 HLV và về mặt phong độ cá nhân của từng VĐV. Sự bùng nổ của tay đập số 1 Việt nam hiện nay Từ Thanh Thuận, độ quái của chuyền hai Boonyarit W hay C.Saranchit bên Thái Lan, các VĐV này sẽ tạo sự đột biến trong thi đấu, dĩ nhiên còn tùy thuộc vào phong độ ổn định các vị trí còn lại của hai đội.
3. Đội hình tập thể: trước tiên là “tử huyệt” về đỡ chuyền 1, ở giải đấu vừa rồi cho thấy khi đối đầu với các đội có chiến thuật phát bóng tốt, đội hình Việt nam rất dễ bị rối loạn, đây là điểm yếu nhiều năm nay, các trận thua Thái Lan gần đây nguyên nhân phần lớn cũng từ yếu tố này. Về phối hợp chiến thuật tấn công, Việt nam chưa tạo được nhiều yếu tố bất ngờ, đột phá trong các trận đấu với Thái Lan, đặc biệt khi bị “ru ngủ” trong thế trận đối phương cố tình làm giảm nhịp độ thi đấu bằng các tiểu xảo, tập thể đội tuyển Việt Nam chơi chùng xuống và rất dễ bị bắt bài. Luôn thận trọng, Thái Lan là đội bóng rất tinh quái, họ luôn biết tạo ra những tình huống bất ngờ khi gặp Việt nam, điều này đã thấy rõ trong những trận đấu gần đây giữa hai đội tuyển này. Về mặt chiến thuật, các VĐV chuyền hai Thái Lan, điển hình như C.Saranchit luôn tạo ra nhiều khó khăn cho phòng thủ lưới của đội tuyển Việt Nam bằng các đường chuyền có độ biến hóa, nhanh và khó phán đoán trước.
3. Dự báo: Yếu tố tâm lý sẽ giữ vai trò quyết định. Do quá quen thuộc nhau, trình độ về mặt con người nhìn chung là cân bằng, tâm lý thi đấu sẽ là cơ sở để các VĐV hai đội thể hiện phong độ ở các trận đấu quan trọng.
Tôi tin tưởng vào thầy trò – HLV trưởng Phùng Công Hưng, tôi tin bóng chuyền nam Việt nam sẽ chiến thắng ở SEA Games 29 – 2017 tại Malaysia sắp tới.
Ảnh: CÔNG TUẤN
CHUYÊN GIA HUỲNH THÚC PHONG
Đăng nhận xét