Nhìn từ giải Bóng chuyền nữ các đội mạnh - Cúp Đắk Nông năm 2016:
Có thể thấy, giải diễn ra trong thời gian không dài. Số đội tham gia cũng từng là những gương mặt quen thuộc đối với khán giả hâm mộ bóng chuyền cả nước, chỉ duy nhất một “tân binh” mới thăng hạng là Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Thế nhưng sự thành công lại đến từ nhiều góc cạnh, trừ số lượng khán giả đến Nhà Thi đấu Đắc Nông không như mong đợi của các nhà tổ chức.
Nguyên nhân, theo đánh giá ban đầu, một mặt có thể là do được truyền hình trực tiếp trên Đài PTTH Đắc Nông nên trong tiết trời khá lạnh, nhiều người chọn phương án ngồi nhà xem sẽ tốt hơn, dù giá vé thuộc loại mềm nhất – 50 ngàn đồng cho vòng bảng và 100.000 ngàn đồng cho ngày tranh xếp hạng chung cuộc – 31/12/2016. Mặt khác, đây là thời điểm thu hoạch cà phê nên nông dân bận bịu, khó rời khỏi bản làng hầu có thể quản lý tốt số nông sản thu hoạch được.
Tuy nhiên, với giới chuyên môn có mặt tại giải, chuyện thắng thua từng trận hay toàn giải không là vấn đề được đặt nặng, bởi nếu có, họ đã chẳng nhận lời đến Đắc Nông sau một mùa giải 2016 vừa kết thúc với nhiều nỗi mệt nhọc. Đến Đắc Nông để phục vụ cho khán giả là điều đội bóng chuyền nữ nào cũng mong muốn, như những lần tổ chức giải trước đó, từ Cúp Tấm lòng vàng năm 2010, rồi Cúp Đạm Phú Mỹ năm 2013, cho đến giải Quốc tế Cúp VTV Bình Điền năm 2014.
Một HLV lão làng của Bóng chuyền Việt Nam đã cho rằng, có nhiều chuyện thú vị mà ông đã nhận ra từ giải lần này. Ngoại trừ Thông tin Liên Việt Postbank và VTV Bình Điền Long An có trình độ vượt trội hơn so với phần còn lại, nhưng các trận đấu giữa bộ 3, gồm Truyền hình Vĩnh Long, Hải Dương và Hóa chất Đức Giang Hà Hội đều là những cuộc so tài đầy kịch tính mà giờ đây, hai “Bà chị” không còn dám xem thường “Cô em” từ hạng A mới lên.
Thế nhưng, ông cũng tâm sự rất thật, rằng nếu gộp chung Bóng chuyền đỉnh cao Việt Nam để đánh giá do trình độ có sự phân hóa khá lớn - giữa nhóm đội đầu và nhóm sau, từ đó đưa ra yêu cầu giảm số đội là không thực tế. Theo vị này, bóng chuyền nữ khác hẳn với bóng chuyền nam VN về cái gọi là “độ phân hóa” ấy.
Rõ ràng, về nữ, chỉ 4 đội nhóm đầu, gồm Ngân hàng Công Thương, Thông tin Liên Việt Post Bank, VTV Bình Điền Long An và phần nào có thể kể đến Tiến Nông Thanh Hóa, là thực sự có sự cách biệt về trình độ chuyên môn so với số đội phía sau. Bởi, chưa thi đấu khán giả đã đoán được kết quả giữa họ sẽ như thế nào.
Cách nhìn nhận như thế có thể làm phật lòng thầy trò HLV Lê Thị Bình (Tiến Nông Thanh Hóa) nhưng thực tế cho thấy nếu mùa tới, chẳng may một vài chủ lực của đội bóng xứ Thanh như tuyển thủ quốc gia Đinh Thị Trà Giang “bị” hút về một “cực” khác – chuyển nhượng sang (hoặc hết hợp đồng) về phía nhóm đội bóng liền kề xếp phía sau họ, như Quảng Ninh, PVD Thái Bình, Truyền hình Vĩnh Long hay thậm chí Hóa chất Đức Giang Hà Nội thì có khi, sự hoán đổi vị trí giữa Tiến Nông và đội bóng ấy là điều không tránh khỏi.
Trong khi đó, ở giải nam lại khác. Những đội thuộc tốp 4 không dễ chắc thắng nhóm đội kế tiếp mỗi khi trận đấu chưa khởi tranh. Thực tế nhiều mùa giải qua chứng minh cho lập luận vị HLV trên, ở vòng 1, các đội đứng đầu mùa giải trước lắm khi phải vất vả mới vượt qua các đội nhóm “chiếu dưới” thuộc hàng tốp 9 – 12.
Chưa hết, có lắm chuyện bi hài: Năm 2014, Maseco TPHCM (hạng 4 năm 2013) phải dự chung kết ngược ở Bạc Liêu nhưng ngay sau đó trở thành nhà vô địch năm 2015; đến năm 2015, Đức Long Gia Lai (Á quân năm 2014) gặp tình cảnh tương tự và thoát hiểm phút cuối ở Khánh Hòa (sau đó tự giải thể) và mới đây, năm 2016, XSKT Vĩnh Long (hạng 3 năm 2015) phải tranh vòng giữ hạng với Công an TP HCM và Bến Tre (sau đó xuống hạng) tại Hà Tĩnh.
Rõ ràng, việc áp dung “mẫu số chung” cho cả lộ trình giảm số đội dự giải VĐQG là phi thực tế. Theo HLV này, với nam thì có thể nhưng với nữ thì tình thế không đổi và chẳng giải quyết được gì: với thực lực hiện tại, giảm còn 10 đội nữ thì vẫn còn phân khúc sờ sờ: thành 3 (Thông tin Liên Việt Postbank, Ngân hàng Công Thương, VTV Bình Điền Long An) + 7 đội không mạnh và nếu giảm còn 8 thì cũng không khác, 3 + 5 đội….yếu.
Thế nên, việc giảm số đội ở giải Vô địch quốc gia theo một lộ trình nhất định nhằm giúp cải thiện chất lượng giải đấu là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và đã được sự đồng thuận cao tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu của Bóng chuyền Việt Nam” tổ chức vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, khi bắt đầu vận hành và trong quá trình thực hiện, chắc chắn Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ nhìn nhận, đánh giá và đề ra những bước đi phù hợp sao cho có lợi nhất.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH
Đăng nhận xét