Các cầu thủ Quân Khu 9 cản phá pha tấn công của tuyển thủ Từ Thanh Thuận
Những năm gần đây, dù bóng chuyền Quân Khu 9 không phải là thế lực ở giải VĐQG PV Gas cao nhất của bóng chuyền Việt Nam nhưng BCSG rất bất ngờ khi tìm hiểu các giải bóng chuyền từ VĐQG, Hạng A toàn quốc, các giải phong trào...đều nghe các đội bóng than vãn vì đối thủ của họ được tăng cường các cầu thủ từ "Lò" bóng chuyền Quân Khu 9...? Ngày đầu năm 2017, BCSG đã may mắn được HLV Vui vẻ gửi bài viết đầu tiên giới thiệu về truyền thống vẻ vang của bóng chuyền Quân Khu 9.
Từ đầu những năm 1980, phong trào thể thao tỉnh Hậu Giang đã phát triển mạnh mẽ, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ là các môn được yêu thích được tổ chức thi đấu thường xuyên. Các đơn vị như Sóc Trăng, Châu Thành, Cần Thơ luôn dẫn đầu giải tỉnh hàng năm, trong đó đội bóng chuyền Công ty Xăng dầu Hậu Giang gồm các VĐV như Bình, Sơn, Thái, Khang…là đội được đại diện tỉnh đầu tiên tham gia thi đấu ở giải A2 toàn quốc. Từ lứa VĐV năng khiếu đầu tiên năm 1985 và các VĐV phong trào đã bổ sung lực lượng cho 3 đội bóng mạnh nhất tỉnh sau này là Điện lực Cần Thơ (Phát, Quân, Ngọc Thành, Khênh, Thâm, Triết, Đức Thành, Vũ), đội Cảng Cần Thơ (Sáu, Nguyện, Thành, Tâm, Nữa, Phú, Tuấn, Sang Bình, Hùng, Nguyện) và đội Quân khu 9. Đội Cảng Cần thơ lên đội mạnh năm 1992, sau đó xin giải thể, các đội bóng chuyền trong tỉnh thiếu sự quan tâm đầu tư từ lãnh đạo nhành Thể thao, không còn đội nào tham gia giải quốc gia, phong trào bóng chuyền của một tỉnh lớn nhất miền Tây cũng dần tan rã.
Trong phong trào bóng chuyền ngày càng yếu dần, dù điều kiện khó khăn, đội Quân khu 9 vẫn duy trì đội bóng, tham gia thi đấu giải toàn quốc và là một thế lực trong giải hạng A2 khu vực phía Nam (A1 bây giờ).
Công sức rất lớn là thầy Nguyễn Xuân Dung, về đội từ những ngày đầu (đội còn ở Cần Thơ), với các VĐV quân đội tập luyện phong trào, đội bóng đã có kế hoạch dài hơi cho sự phát triển. Năm 1982, đội chuyển lên tập huấn tại trường ĐH TDTH 2 (Lê Đại Hành, Quận 11) tham gia giải A2 toàn quốc và giải toàn quân tại Đà Nẵng, đội bóng dần được huấn luyện bài bản, tiến bộ vượt bậc, các VĐV bấy giờ: Nguyện, Thiện, Ngọc, Hải, Huân, Vẹn, Phục, Thinh, Huyền, Tiến...
Năm 1986, đội bóng thi đấu hạng A2 toàn quốc tại TPHCM, vô địch vòng bảng, đạt hạng nhất vòng chung kết ở Quy Nhơn, được thăng hạng A1 toàn quốc (giải đội mạnh Quốc gia hiện nay).
Năm 1992 đội bóng chuyển về Vĩnh Long, thầy Nguyễn Xuân Dung tiếp tục huấn luyện, đội tiếp tục tham gia giải A1 toàn quốc với lực lượng VĐV chủ yếu từ phong trào: Anh, Hồ, Thâm, Thưởng, Chọn, Hòa, Tuấn, Trung, Nhật. Năm 1997, từ lực lượng VĐV bổ sung từ tuyến năng khiếu: Hiếu, Phú, Lam, Tuân, Sơn, Truyền, Trang... đội lên hạng đội mạnh Quốc gia rồi xuống hạng năm sau. Năm 2000, đội lại lên hạng đội mạnh và xuống hạng năm 2006, năm 2014 đội chính thức giải thể.
Bóng chuyền Cần thơ có nhiều VĐV giỏi, tuy nhiên do thiếu sự quan tâm đầu tư từ ngành thể thao tỉnh, các đội bóng và các VĐV chủ yếu thi đấu phong trào tự phát rồi giải thể. Trong nhiều khó khăn, đội bóng chuyền Quân khu 9 là một điểm sáng luôn giữ vững phong trào và thi đấu trình độ cao, đào tạo được nhiều VĐV giỏi. Trong các lớp VĐV trưởng thành và đạt đến trình độ thi đấu cấp cao từ phong trào BC Cần thơ sau đó trở thành trụ cột đội Quân khu 9 là VĐV Nguyễn Tự Nguyện.
Năm 1984 Nguyện được gọi tập trung đội tuyển Quốc gia tham dự giải 3 nước Đông Dương, đại hội Asiad XI năm 1990, năm 1993 tham gia giải BC quân đội (SKADA) tại Ba Lan và 1989 Bun-ga-ry. Năm 1989, Nguyện tăng cường cho đội CLB Quân đội (Thể Công) thi đấu giải A1 (đội mạnh) toàn quốc và vào thi đấu trận chung kết tại sân Phan đình Phùng TPHCM (thua SEA Prodex). Năm 1991 Nguyện ra quân và về công tác tại Cảng Cần thơ, trong thời gian này Nguyện còn thi đấu cho Cảng Cần thơ (lên đội mạnh năm 1992), đội Điện lực Cần thơ (hạng nhì giải ngành Điện lực).
Trong số các VĐV bóng chuyền cao 190cm, ít có VĐV nào có khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện như Nguyện, sức bật và sức mạnh tốt, ngoài sở hữu những quả đập tay trái sở trường ở khu vực số 2 và hàng sau, Nguyện có thể thực hiện các động tác lăn ngã, bay cá ở hàng sau dễ dàng như các VĐV Libero. Hiện nay lão tướng Nguyễn Tự Nguyện là một nhân tố tích cực tham gia các hoạt động trong hội cựu VĐV bóng chuyền khu vực phía Nam.
HLV VUI VẺ
Đăng nhận xét