tháng 11 2016

Nữ TPHCM mừng vì chưa có ván thắng vẫn trụ hạng...?
Sau khi kết thúc Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và thi đấu Bóng chuyền Việt Nam" do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội. Trong đó có vấn đề đã được làm sáng tỏ để trấn an công luận, đặc biệt là đối với những đội bóng nữ có nguy cơ rớt hạng rất quan tâm đến thông tin trên BCSG đã đăng cách đây không lâu...?
Theo kết luận tại Hội thảo, sẽ không còn áp dụng Thông báo số 05/TB-LĐBCVN ngày 11/4/2016 về số lượng đội lên hạng, xuống hạng giải Bóng chuyền VĐQG và giải hạng A năm 2016 – 2017, đồng thời kể từ năm 2017 sẽ áp dụng nguyên tắc “2 xuống, 1 lên” cho đến khi đạt 10 đội nam, 10 đội nữ ở giải VĐQG. Từ đó sẽ nghiên cứu thực tế phát triển Bóng chuyền VN để có sự điều chỉnh, thống nhất chung và chọn hướng đi thích hợp.
Như vậy, điều lệ giải VĐQG và giải hạng A năm 2016 giữ nguyên giá trị: sẽ có 10 đội đứng đầu giải VĐQG được giữ hạng và 2 đội nam, 2 đội nữ xếp nhất, nhì (nam, nữ) vòng chung kết giải hạng A 2016 được chuyển lên thi đấu giải VĐQG năm 2017  (theo điều lệ số 02, ban hành ngày 13/1/2016).
Và xin được nêu lại lộ trình cho đúng:
  Giải
           2016
           2017
         2018
           2019
Nam
N
Nam
N
Nam
N
Nam
N
Hạng A
Lên 2
Lên 2
Lên 1
Lên 1
Lên 1
Lên 1
Lên 1
Lên 1
VĐQG
11
Xuống 1 
10
Không xuống
12
Xuống 2
12
Xuống 2
11
Xuống 2
11
Xuống 2
10
Xuống 2
10
Xuống 2
Riêng ở năm 2016, sẽ có 2 đội nữ hạng A thăng hạng. Do đội Giấy Bãi Bằng xếp thứ nhì vòng chung kết nhưng đã có quyết định giải thể từ đầu tháng 11/2016, nên đội Đắc Lắc – hạng ba sẽ thay thế để chơi ở giải VĐQG PV Gas năm 2017. Đây là được Tổng Thư ký LĐBCVN – TS Lê Trí Trường thông báo miệng với ông Đỗ Đức Quảng – Phó Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Đắc Lắc, đồng thời là HLV trưởng đội nữ Đắc Lắc ngay sau khi Hội thảo kết thúc.
Được biết, tới đây LĐBCVN sẽ có thông báo chính thức gửi cho các đội bóng và địa phương có liên quan về vấn đề này.
Ảnh: FB HLV ĐÀO DUY PHƯỚC
HỒNG ÁNH

Như BCSG đã đưa tin, nhằm thống nhất chủ trương thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Bóng chuyền VN trong thời gian tới, sau các lần phải trì hoản vì nhiều lý do khách quan, vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội, Liên đoàn Bóng chuyền VN đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền”.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và lãnh đạo các cơ quan trực thuộc như Viện Khoa học TDTT, Vụ Thể thao thành tích cao 2, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ; lãnh đạo Phòng TDTT Quân đội (Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh như Hà Tĩnh, Thanh Hóa; các vị trong Ban Thường vụ và nhiều thành viên Ban chấp hành LĐBCVN; các chuyên gia, đại diện chủ các doanh nghiệp và cán bộ quản lý, huấn luyện viên nhiều CLB thuộc những địa phương, đơn vị trong cả nước, phóng viên các báo, đài.
Chương trình Hội thảo diễn ra trong trong ngày và được bố trí khá chu đáo, tập trung vào phần trình bày và tham luận hoặc đóng góp ý kiến trực tiếp, lần lượt đối với từng nội dung theo 4 chủ đề đã được gửi trước cho các đại biểu nghiên cứu.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu có mặt, đây là một trong số ít các Hội thảo được tổ chức thành công nhất từ trước đến nay của Bóng chuyền VN, do đã có sự chuẩn bị nghiêm túc của những nhà tổ chức, các lời phát biểu có trọng tâm, trọng điểm và đều mang tính xây dựng của Ban điều hành Hội thảo và diễn giả, tất cả cùng mục đích chung là vì sự phát triển bền vững và đúng định hướng của môn thể thao có sức hấp dẫn thuộc hàng tốp đầu đối với công chúng và người hâm mộ thể thao cả nước. 
Sau phần tổng hợp của Ban thư ký và hội ý thống nhất chung, TS Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch LĐBCVN), đã thay mặt Ban điều hành Hội thảo thông qua bản kết luận.
BCSG xin được giới thiệu toàn bộ nội dung như sau:
Kính thưa các đồng chí đại biểu!
Sau một ngày làm việc khẩn trương và quyết liệt, Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền” do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức được đón 86 đồng chí là đại diện cho các đơn vị quản lý của Tổng cục TDTT, các Vụ chức năng, các đồng chí quản lý ngành địa phương và đặc biệt là các đồng chí trực tiếp làm công tác chuyên môn bóng chuyền. 
Ban tổ chức đã nhận được 18 ý kiến tham luận bằng văn bản gửi về Liên đoàn và 17 ý kiến tham luận phát biểu tại Hội trường. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, song đa số các ý kiến đều tập trung thảo luận vào 4 nội dung cơ bản mà Liên đoàn đưa ra với mục tiêu làm thế nào để bóng chuyền Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Nội dung thứ nhất, về “Công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên Bóng chuyền tại CLB và đội tuyển quốc gia”
1. Đề nghị Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cần quan tâm hơn trong công tác đào tạo VĐV, có sự hỗ trợ nhất định cho các cơ sở đào tạo về chương trình, kế hoạch, cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ…
2. Phải xây dựng chương trình đào tạo tiêu chuẩn và thống nhất trên toàn quốc để giúp các đơn vị đào tạo một cách hệ thống và khoa học.
3. Tạo điều kiện nâng cao cơ chế chính sách cho các HLV, VĐV cũng như các chế độ về mặt dinh dưỡng để giúp các địa phương, các ngành, các CLB có điều kiện đào tạo VĐV tốt.
4. Chuẩn hóa đội ngũ HLV, kể cả các cán bộ về công nghệ thông tin, đồng thời ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác đào tạo. Thành phần Ban huấn luyện phải có đầy đủ các HLV chuyên môn, HLV thể lực…
5. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho vận động viên tại các CLB cũng như đội tuyển quốc gia (kể cả trẻ và lớn)
Nội dung thứ hai, về “Quy định triệu tập HLV, VĐV các đội tuyển quốc gia”
1. Điều chỉnh quy định về triệu tập HLV, VĐV đội tuyển quốc gia và thống nhất đặt nhiệm vụ quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm.
2. Cần tính toán đến thời gian, thời điểm triệu tập các VĐV cho phù hợp về nhiệm vụ của ngành, của địa phương cũng như đội tuyển quốc gia.
Nội dung thứ ba, về “Phương án giảm số đội thi đấu tại giải Vô địch quốc gia”
1. Toàn thể các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất với báo cáo của Liên đoàn về phương án giảm số đội và lộ trình giảm số đội cho đến năm 2020.
2. Phương án cụ thể về lộ trình giảm số đội như sau :
- Thống nhất với các ý kiến của đại biểu tham dự là giữ nguyên điều lệ đã ban hành năm 2016. 
- Từ năm 2017, thi đấu có 2 đội xuống hạng, 1 đội Hạng A lên hạng. 
- Năm 2018 còn 10 đội nam, 10 đội nữ
- Năm 2020 còn 8 đội nam, 8 đội nữ
Nội dung thứ tư, về “Quy chế chuyển nhượng vận động viên” (ban hành theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29 tháng 6 năm 2010): 
1. Cần rà soát lại Quy chế chuyển nhượng của Liên đoàn.
2. Về công tác chuyển nhượng VĐV cần thông qua Liên đoàn để kiểm soát và nếu có tranh chấp, Liên đoàn sẽ đứng ra giải quyết trực tiếp. 
Kính thưa toàn thể các đồng chí, trên đây là một số kết luận cơ bản thông qua tổng hợp các ý kiến của các đại biểu. 
Ban điều hành Hội thảo đánh giá toàn bộ các ý kiến được thảo luận trong hội thảo là những ý kiến tâm huyết và vì sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam.
Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam trân trọng cảm ơn cũng như tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu. Liên đoàn sẽ tiếp tục thảo luận trong Ban chấp hành để đề ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm phát triển môn bóng chuyền.
Ảnh: BẢO TOÀN
PHÚC VĨNH

Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt đệm đàn cho ông Lê Quốc Phong hát phục vụ khán giả trong chương trình trao học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ do CTCP phân bón Bình Điền tài trợ 
Sáng nay (30/11), ông Thái Bửu Lâm (Giám đốc Công ty thể thao Bình Điền Long An) đã mời Ca sĩ - Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt nổi tiếng với những sáng tác được nhiều người yêu thích: Còn đó chút hồng phai, Bình thường thôi, Hát cho người tình nhớ...đến Trung tâm HLQG TPHCM ở Thủ Đức để làm quen với Thầy Lương Khương Thượng và các em nữ VĐV năng khiếu Bình Điền Long An...?
Bởi vì, đây là ý tưởng của ông Lê Quốc Phong (Tổng giám đốc CTCP phân bón Bình Điền) nhằm tạo điều kiện cho cuộc sống của các nữ cầu thủ Bình Điền Long An vui tươi, mềm mại và thư giãn hơn sau những buổi tập luyện cực nhọc và say mê. Qua đó, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt sẽ dạy cho tất cả các nữ VĐV những kiến thức về âm nhạc, những bài hát được nhiều người yêu thích của nhạc sĩ cũng như sẽ sáng tác dành riêng cho Bình Điền Long An.
Đây là sự may mắn cho các cầu thủ nữ Bình Điền Long An khi có "Ông chủ" Lê Quốc Phong có thể ví là người "Văn Võ song toàn" vì ông không chỉ đam mê và chơi tốt các môn thể thao (Bóng chuyền, thể hình, golf...) mà còn có máu văn nghệ khi hát rất hay. Vì vậy, ông cũng muốn các cầu thủ nữ bóng chuyền cũng được có đầy đủ kiến thức phong phú và đa dạng về nhiều lĩnh vực. Điều đáng lưu ý là ông Thái Bửu Lâm không chỉ là Phó chủ tịch Công Đoàn CTCP phân bón Bình Điền rất ủng hộ các hoạt động văn nghệ mà còn là một giọng ca nổi bật trong các chương trình hoạt động ở Bình Điền.
Hy vọng, trong các chương trình giao lưu ở Cúp bóng chuyền nữ quốc tế Bình Điền sắp tới, khán giả sẽ được thưởng thức những giọng ca ngọt ngào không thua kém những pha bóng đẹp của các cầu thủ nữ VTV Bình Điền Long An.
Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
HOÀNG LIÊN

Từ thể thao phong trào cho đến đỉnh cao đều cần lắm những “ông bầu”. Đội tuyển của xã có… “bầu xã”, huyện có… “bầu huyện”, tỉnh có… “bầu tỉnh”. Còn ở huyện Đak Đoa, khi nhắc đến “Tám Trình”- biệt danh của anh Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình), ai ai cũng biết đó là người nặng lòng với phong trào thể thao cơ sở.
"Ông "Bầu...Xã" Nguyễn Trinh trên sân bóng chuyền của nhà mình...
1. Từ năm 1994 đến 2009, anh Nguyễn Trình công tác tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) và đã có lúc giữ tới chức Phó Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, vì lý do gia đình, để giữ trọn chữ hiếu với người cha già bị đau nặng, anh làm đơn xin nghỉ việc dành thời gian chăm sóc cụ. Tìm được một người mẫn cán với công việc đã khó, giữ được họ càng khó hơn. Thế nên phải gần 2 năm đệ đơn xin thôi việc, chính quyền địa phương mới giải quyết.
Suốt 15 năm làm cán bộ xã, đó cũng là quãng thời gian “Tám Trình”  tình nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, góp phần giúp phong trào thể thao xã Tân Bình vươn tới đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim. Anh Võ Tấn Tài-cán bộ văn hóa xã Tân Bình cho hay: “Tôi và Nguyễn Trình làm việc chung với nhau từ rất lâu. Ở con người này có một điều rất đặc biệt, hiếm ai có thể làm được. Đó là trong suốt khoảng thời gian 15 năm công tác tại UBND xã, hầu như ít khi anh... đưa tiền lương về cho vợ con. Số tiền này anh để dành cho công tác “khuyến thể” là chính. Lúc thì treo thưởng cho các đội thể thao xã thi đấu đạt thành tích cao tại các giải đấu do huyện tổ chức, lúc mua tặng đồng phục cho các vận động viên mặc tươm tất ra sân thi thố với các xã khác. Thậm chí, có đợt anh dùng tiền túi của mình tuyển cầu thủ về nhà nuôi, chờ ngày thi đấu…”- anh Võ Tấn Tài cho biết thêm.
Nói đến bóng đá ở huyện Đak Đoa, đội bóng của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xã Glar đã tạo dựng được một “thương hiệu” tiếng tăm, lẫy lừng trong cả nước. Không chỉ nhiều năm thống trị các sân chơi do huyện, tỉnh và quốc gia tổ chức, đội tuyển trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xã Glar, còn nhiều năm liền đại diện cho Việt Nam tranh tài tại các giải đấu quốc tế. Với mong muốn góp phần giúp đội tuyển xã mình cũng được dịp nếm hương vị chiến thắng ở môn thể thao vua, 12 năm về trước, anh Trình đã cưỡi xe máy chạy khắp tỉnh để tuyển “ngoại binh” về sống ở nhà mình, khoác áo đội tuyển xã. Kết quả là năm đó lần đầu tiên cúp vô địch thuộc về Tân Bình và người dân cả xã có dịp mừng công, rước cúp vàng vui như trẩy hội.
2. Là một vận động viên tay ngang, Nguyễn Trình chơi được nhiều môn thể thao khác nhau, nhưng không có môn nào nổi trội. Tuy nhiên về tinh thần thể thao cao ngút thì ở huyện Đak Đoa “Tám Trình” là người thuộc diện hiếm.
Sau khi giúp xã Tân Bình ẵm Cúp vô địch môn bóng đá, “Tám Trình” lên kế hoạch biến đội tuyển bóng chuyền nam và nữ của thôn 3, từ thân phận “đánh đâu thua đó”, thường xuyên nằm lẹt đẹt ở cuối bảng xếp hạng, trong một thời gian ngắn đã vươn lên mạnh mẽ, thường xuyên ngự trị ở tốp đầu. Để làm được việc đó, “Tám Trình” bàn với vợ đầu tư nâng cấp sân phơi cà phê thành 2 sân bóng chuyền bê tông phẳng lì. Rồi anh đục lỗ dựng trụ, mua lưới, thậm chí mắc cả bóng đèn cho bà con trong thôn chơi cả ngày lẫn đêm miễn phí từ suốt 4 năm nay.
Kể từ khi khai trương sân bóng chuyền “Tám Trình”, trừ lúc trời mưa hoặc vào vụ thu hoạch cà phê, trung hình mỗi ngày có tới 5 đội bóng chuyền, bao gồm cả già trẻ, gái trai tụ tập về đây tập luyện đều đặn. Nhờ đó mà một số tệ nạn xã hội của thôn 3 nói riêng và cả xã Tân Bình nói chung ngày một giảm đáng kể.
Vốn dĩ “đồng tiền đi liền khúc ruột”, phụ nữ suốt ngày phải lo cơm áo, gạo tiền… nên họ thường tính toán chi ly, kỹ lưỡng. Tôi hỏi: “Suốt 15 năm gần như chồng không đưa lương về nhà, lại phải làm sân phục vụ bà con chơi bóng chuyền miễn phí, là người vợ, chị có buồn không?”. Thật bất ngờ khi chị Nguyễn Thị Thanh Nga-vợ anh Nguyễn Trình trả lời: “Chẳng có chi mà buồn cả, gia đình tôi từ trước đến nay sống chủ yếu dựa vào mấy ha cà phê, nên làm được việc gì giúp bà con lối xóm, khi họ cảm thấy vui, đó cũng là lúc gia đình tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả. Tôi cảm thấy tự hào vì chồng làm được những việc như vậy”.
Nhận xét về anh Nguyễn Trình, ông Nguyễn Duy Lê-cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa nói: “Là một người đã từng nhiều năm lặn lội ở cơ sở, anh Trình thấu hiểu mọi khó khăn vất vả của các hoạt động phong trào. Bởi vậy khi thôn, xã, huyện… tổ chức các giải thể thao, nếu Ban tổ chức ngỏ lời, gia đình anh thường chia sẻ, đóng góp một phần kinh phí, trên tinh thần của ít lòng nhiều. Nếu huyện Đak Đoa có nhiều người như anh Trình, thể thao phong trào nơi đây sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Và mặc dù Đại hội Thể dục Thể thao huyện Đak Đoa năm 2017 còn khá lâu mới diễn ra, nhưng ngay bây giờ “Tám Trình” đang lên kế hoạch tuyển quân, thuê huấn luyện viên từ tỉnh về dẫn dắt đội tuyển thôn, xã của mình
MINH VỸ

Do lãnh tụ Cuba – ông Fidel Castro Ruz từ trần và được Đảng, Nhà nước ta chọn ngày 4/12 làm lễ quốc tang của VN, nên thời điểm khai mạc giải đã được LĐBCVN và Ban tổ chức chuyển lùi lại một ngày, tức ngày 5/12/2016 tại Khánh Hòa và Hà Tĩnh.
Theo quy định của điều lệ giải ban hành ngày 13/1/2016, với số lượng 12 đội nam và 12 đội nữ, vòng I hoặc vòng 2 sẽ thi đấu trong 8 ngày. Thế nhưng sau khi điều lệ có hiệu lực, do Đức Long Gia Lai (nam) và Cao su Phú Riềng, Hòa Phát Hưng Yên (nữ) xin rút, nên mỗi vòng chỉ thi đấu trong 7 ngày và vòng 2 đến ngày 10/12 là kết thúc.
Hiện nay, do có sự điều trùng hợp kể trên, đã đưa đến việc vòng 2 sẽ kết thúc đúng vào ngày 11/12/2016 như điều lệ giải quy định.
Tuy nhiên, điều khiến rất nhiều đội bóng nữ thuộc….tốp dưới đang lo lắng là lịch thi đấu vòng chung kết nam (từ 15 đến 18/11, tại Khánh Hòa) lại có thêm 6 trận đấu dành cho 4 đội nữ xếp thứ 4 và 5 của 2 bảng. Bởi họ cho rằng theo kết luận của Ban điều hành Hội thảo, giải nữ 2016 sẽ không có đội xuống hạng, tại sao lại tổ chức thêm vòng “chung kết ngược” nữ?
Lý giải cho vấn đề này không khó. Theo một thành viên của LĐBCVN và BTC giải, tuy chẳng có đội nữ xuống hạng nhưng các đội vẫn phải thi đấu vòng xếp hạng nhằm mục đích phong cấp VĐV năm 2016 và làm kết quả cho việc bốc thăm chia bảng giải VĐQG năm 2017.
Ảnh: BẢO TOÀN
HỒNG ÁNH

Ngay vào thời điểm cuối của giải Bóng chuyền Trẻ Cúp các CLB toàn quốc 2016 (từ 4 đến 19/11, tại Hà Tĩnh), một thông tin trên trang mạng xã hội không chính thống đã ‘đánh” tơi tả ông Trần Việt Thắng (Thái Bình) khi vị này làm nhiệm vụ trọng tài thứ 2 ở trận bán kết nữ giữa Thông tin Liên Việt Postbank và VTV Bình Điền Long An (3 – 2).
Sau đó ít ngày, BCSG đã có bài phân tích để làm rõ sự thật về đòn đánh đầy ác ý này đối với vị trọng tài quê lúa Thái Bình.
Và tại Hội thảo vừa rồi, chính TS Nguyễn Văn Hùng (Ủy viên Ban chấp hành LĐBCVN đương nhiệm, Phó Trưởng ban Thi đấu – Trọng tài, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Bóng chuyền VN), đã cho biết, sau khi xem xong bài viết trên trang mạng nọ và cả video clip kèm sau đó, ông rất bất bình về cách nhìn nhận của tác giả bài viết.
Thế nhưng vốn là người rất điềm đạm, hiền lành, TS Nguyễn Văn Hùng đã cho rằng do tác giả bài viết có thể là một người không có chuyên môn, chẳng am hiểu gì về phương pháp, nhiệm vụ, quyền hạn của từng trọng tài nên có những nhận định và dẫn dắt một số bạn đọc hiểu trái ngược 180o so với thực tế.
Ngoài việc khẳng định bài viết phỏng vấn một cựu trọng tài trên BCSG sau đó là chính xác, đúng mực, mang tính nhân văn sâu sắc, ông Hùng còn cho biết thêm: "Ở tình huống thứ 2, tác giả bài viết cho rằng bóng chạm tay chắn của đội trẻ Thông tin Liên Việt Post Bank nhưng trọng tài Thắng không thổi còi, trực tiếp “cướp” đi cơ hội của VTV Bình Điền Long An, là không đúng. Trong tình huống này, cho dù ông Trần Việt Thắng có phát hiện “bóng chạm tay” thì ở vai trò là trọng tài thứ 2, ông Thắng chỉ được phép làm ký hiệu kín để hỗ trợ cho trọng tài thứ 1 quyết định, chứ bản thân ông không được phép thổi còi."
Nhẹ nhàng nhưng thẳng tính, trong giờ giải lao của Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng đã đến gặp và trao đổi với ông Vũ Quốc Tuấn (Giám sát trọng tài trận bàn kết) ấy và được ông Tuấn khẳng định, trọng tài Trần Việt Thắng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt trong tình huống đầu tiên, chính giám biên (là người địa phương đăng cai - Hà Tĩnh) đã phất cờ báo hiệu bóng đi ngoài khoảng không bóng qua và vị giám biên này mới là tác nhân chính, nếu như bắt lỗi ấy không chính xác. 
Từ những cơ sở thuyết phục nêu trên, ông Nguyễn Văn Hùng đã kiên trì đề xuất và được LĐBCVN chấp thuận, về việc tiếp tục cử ông Trần Việt Thắng tham gia công tác trọng tài điều hành ở bảng A, vòng II giải Bóng chuyền VĐQG PV Oil 2016 (từ 4 đến 18/12, tại Khánh Hòa).
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, trọng tài Trần Việt Thắng là 1 trong 2 người dự kiến sẽ được Hội đồng Trọng tài đề nghị LĐBCVN xét phong cấp Trọng tài Quốc gia vào cuối năm 2016.
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH

Theo điều lệ của BTC Vòng 2 - VCK giải VĐQG PV Gas 2016 thì Vòng 2 sẽ khai mạc vào ngày 4/12/2016 ở cả 2 bảng thi đấu tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) và Hà Tĩnh. 
Nhưng do Việt Nam thể hiện tình đoàn kết với nhân dân CuBa nên đã tổ chức Lễ Quốc tang cựu lãnh tụ Fidel Castro vào ngày 4/12/2016 nên tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí đều tạm ngưng trong ngày này.
Do đó, LĐBCVN và BTC giải VĐQG đã quyết định lùi thời gian tổ chức tất cả các trận đầu về 1 ngày. Như vậy, ngày khai mạc Vòng 2 chính thức sẽ là ngày 5/12 đến ngày 11/12.
Ảnh: ĐÀO TÙNG
HOÀNG LIÊN

Chuẩn bị Vòng 2 - Vòng chung kết Gỉai VĐQG PV Gas 2016:
Đây là lần đầu tiên, HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ chính thức dẫn dắt CLB VTV Bình Điền Long An trọn vẹn 1 năm. Vì vậy, Vòng 2 và VCK giải VĐQG PV Gas 2016 sắp tới tại Khánh Hòa và Hà Tĩnh sẽ là thách thức quan trọng đối với HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ!
Trước đó, trong làng bóng chuyền Việt Nam chỉ biết HLV Nguyễn Quốc Vũ là người thế vai rất "Mát tay" khi anh là Trợ lý số 1 cho các HLV Lương Khương Thượng, Apisak, Nguyễn Văn Hải. Qua đó, nhiều giải đấu anh thay các HLV trưởng đưa đội bóng thi đấu đã đoạt rất nhiều chiếc Cúp Vô địch. Thậm chí, ở Cúp Hùng Vương 2015 khi cựu HLV trưởng Nguyễn Văn Hải có chuyện gia đình phải về gấp trước trận chung kết, anh là người thay thế vị trí HLV trưởng trong trận đấu chung kết cuối cùng này, đã giúp VTV Bình Điền Long An đoạt Cúp vô địch Hùng Vương bị mất từ rất lâu. Lúc đó, các đồng nghiệp chỉ khen anh là may mắn và mát tay vì ai cũng nói là do sự chuẩn bị của HLV Nguyễn Văn Hải trong suốt thời gian trước đó....
Nhưng với bản tính hiền lành, điềm đạm và không tự ái. HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ luôn khẳng định: "Tôi may mắn được làm việc với các HLV giỏi và uy tín nên những thành tích trên là nhờ học tập khi ở bên các Thầy...." Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, vì HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ sẽ không thành công nếu anh không đam mê và chịu khó học hỏi. Không chỉ ghi chép cẩn thận các bài tập giáo án của các HLV giàu kinh nghiệm sư phạm như Thầy Lương Khương Thượng, các bài tập thể lực của HLV Nguyễn Văn Hải và các bài tập chiến thuật hiện đại của Thái Lan ở HLV Apisak...mà HLV Nguyễn Quốc Vũ còn biết phân tích để điều chỉnh cho thích hợp với hoàn cảnh của lực lượng đội nhà. Điểm mạnh của HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ là anh còn trẻ và nhiệt huyết nên lăn xả vào sân với các học trò. Nhiều bài tập, HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ thực hành với khối lượng gấp nhiều lần các học trò nên các cầu thủ rất kính trọng và không dám lơ là trong tập luyện (Dĩ nhiên, khả năng của mỗi cầu thủ khác nhau không thể đòi hỏi hơn. Nhưng quan trọng là tấm lòng họ đều tôn trọng HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ).
Chứng minh rõ nét nhất là ở Cúp Đạm Cà Mau 2016Quân Đoàn 4 ( Bình Dương) với 3 đội bóng hàng đầu Việt Nam: Ngân hàng Công Thương, Thông tin Liên Việt Post Bank và Tiến Nông Thanh Hóa, dù HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ gặp khó khăn khi hàng loạt trụ cột bị chấn thương như: Thanh Thúy, Kim Liên, Tuyết Hoa, Bích Trâm....nhưng sự điều chỉnh và phân phối thể lực đã giúp VTV Bình Điền Long An đoạt chiếc Siêu Cúp này.
Và vết tích của những chấn thương đang còn đeo theo các học trò nên HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ khó đẩy giáo án lên cao vì sợ ảnh hưởng đển sức khỏe của các cầu thủ. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị của đội bóng trong giai đoạn quan trọng sắp tới....
Vì vậy, khó khăn đang chồng chất đè lên đôi vai của HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ ở Vòng 2 và VCK giải VĐQG PV Gas 2016....!
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HOÀNG LIÊN

Nhà báo Khương Xuân (Báo Tuổi Trẻ TPHCM) đã ghi lại dấu ấn độc đáo về hiện tượng các giải bóng chuyền VĐQG vắng bóng khán giả nhưng lại nghẹt cứng người xem bóng chuyền ở các giải Hội làng, đây là điều đáng để LĐBCVN nghiên cứu...?
Chuyện thật nhưng lại tưởng như đùa đang diễn ra với bóng chuyền VN khi một số CLB cho biết họ muốn về hội làng thi đấu hơn là chơi ở giải chuyên nghiệp. Lý do bởi giải chuyên nghiệp không có CĐV đến xem, trong khi giải đấu sân ximăng ở các hội làng có rất nhiều CĐV.
Các phát biểu trên được trình bày trong hội thảo phát triển bóng chuyền VN diễn ra ngày 25-11 tại Hà Nội. Ông Đào Hữu Huyền - ông chủ CLB bóng chuyền Hóa Chất Đức Giang - cho biết ông không khỏi buồn lòng khi là người đầu tư cho bóng chuyền nhưng khi đội bóng thi đấu thì không có người đến xem. Ông Huyền chia sẻ: “Khi giải bóng chuyền hạng A diễn ra ở Quảng Nam và Thái Nguyên, tôi đến xem thì thấy nhà thi đấu không có CĐV. VĐV trước và sau trận làm thủ tục chào khán giả nhưng chỉ có vài CĐV lèo tèo ở khán đài A. Vì thế trong trận chung kết của CLB Hóa Chất Đức Giang ở Thái Nguyên, thậm chí tôi phải đưa 200 CĐV từ Hà Nội lên cổ vũ. Trước khi đầu tư bóng chuyền, tôi đi xem giải bóng chuyền ở một hội làng tại huyện Đông Anh, thấy 4 CLB hàng đầu quốc gia về làng dự giải. Dù đấu trên sân ximăng nhưng hội làng có rất nhiều CĐV đến xem. Khi đó tôi nghĩ nếu mình làm bóng chuyền sẽ không đời nào cho CLB đi thi hội làng vì sân bãi không đảm bảo. Thế nhưng đến thời điểm này tôi nghĩ từ mùa này CLB của tôi phải đăng ký tham dự hầu hết các giải hội làng vì chỉ có đấu ở đó chúng tôi mới có người xem”.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) nên xem xét lại việc không cho ngoại binh thi đấu ở giải bóng chuyền quốc gia. Bốn năm gần đây VFV không cho các CLB thuê ngoại binh thi đấu ở giải quốc gia để phát triển đào tạo trẻ, tuy nhiên việc đào tạo trẻ chưa thấy dấu hiệu phát triển. Vì vậy nhiều CLB cho rằng nên tiếp tục mở cửa lại với ngoại binh để nâng chất giải đấu.
Ông Trần Đức Phấn - phó chủ tịch VFV - đánh giá thực tế hiện nay công tác đào tạo VĐV, HLV bóng chuyền VN có nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều năm qua bóng chuyền VN không cử được HLV nào đi học ở nước ngoài vì không có đủ trình độ ngoại ngữ. Năm 2016 có 4 suất đi đào tạo ở Mỹ, Nhật Bản nhưng VFV không chọn được ai vì không đáp ứng được yêu cầu.
KHƯƠNG XUÂN

Nhiều đội bóng phía Nam: Nữ VTV Bình Điền Long An, Truyền hình Vĩnh Long, Nam Long An, Maseco TPHCM, XSKT Vĩnh Long, Quân Đoàn 4 Becamex...đều có chung một đối thủ, đó là hiện tượng "Nồm" vào tháng 12 ở miền Bắc!
Nồm là hiện tượng thời tiết ẩm ướt, trơn trợt do không khí ẩm trong thời điểm tháng 12 hàng năm. Vì vậy, Hà Tĩnh cũng nằm trong khu vực địa lý này nên cũng bị ảnh hưởng. HLV phó Ngô Văn Bảo của đội nam Long An cho biết: "Khi Nồm xuất hiện thì đi bình thường cũng dễ té ngã nói chi là cầu thủ chạy nhảy nên những lần trước, chúng tôi chỉ cho cầu thủ chuyền bóng qua lại và phát bóng chứ đâu dá tập chiến thuật vì dễ bị chấn thương..." Nhiều cầu thủ cho biết, nhiều trường hợp chấn thương từ sân Hà Tĩnh rồi nên nghe nói cũng sợ lắm. Theo kinh nghiệm của các cầu thủ và HLV thì để khắc phục hiện tượng này thì chỉ cần mở máy điều hòa không khí thì sẽ hết ẩm ướt trên sàn. Nhưng việc này chỉ có thể mở khi thi đấu giải chính thức, chứ trong giai đoạn tập luyện đâu có ai chịu mở để tốn tiền điện nên thường mỗi ngày tập luyện rất sợ...
Không chỉ ở Hà Tĩnh mà các địa phương khác phía Bắc cũng bị hiện tượng Nồm nên có một số tuyển thủ và HLV có đề nghị là: "LĐBCVN nên dời địa điểm tập trung các ĐTQG nam và nữ vào phía Nam như Trung tâm HLQG TPHCM trong khoảng  thời gian tháng 12 để tránh gây chấn thương cho các tuyển thủ...?
Hy vọng ở Hội thảo về "Nâng cao hiệu quả huấn luyện và đào tạo bóng chuyền" vào ngày mai (25/11), các HLV và chuyên gia BCVN sẽ có ý kiến về vấn đề này?
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HOÀNG ANH

Sanest Khánh Hòa đang đi đúng hướng...
Bóng chuyền Khánh Hòa tiếp tục chứng tỏ sức mạnh trải đều ở các tuyến từ CLB đến các đội bóng trẻ. Khi trong trận chung kết với chủ nhà Hà Tĩnh ở giải Nam, dù thua ở vòng bảng nhưng trong trận chung kết, các học trò Sanest Khánh Hòa của HLV trưởng Thái Quang Lai đã có trận thắng thuyết phục Hà Tĩnh với tỉ số 3-0 để đoạt Cúp vô địch. Đội trẻ Biên Phòng đoạt hạng 3.
Trong khi đó, ở giải Nữ, các cô gái trẻ lính Thông tin Liên Việt Post Bank cũng đã thắng Ngân hàng Công Thương 3-2 để đoạt Cúp vô địch. Đội trẻ VTV Bình Điền Long An đoạt hạng 3.
HOÀNG LIÊN

Tản mạn quanh chuyện gọi là “sự cố trọng tài” ở trận bán kết nữ giải Bóng chuyền Trẻ Cúp các CLB toàn quốc năm 2016:
Một trận bán kết nữ rất kịch tính...
Trong vài ngày qua, có luồng thông tin trên mạng xã hội về một sự việc diễn ra ở nửa cuối ván 5 trận bán kết nữ giải Trẻ Cúp các CLB toàn quốc tại Hà Tĩnh giữa Thông tin Liên Việt Postbank và VTV Bình Điền Long An (3 – 2), và gọi đó là “sự cố trọng tài”.
Sau đó nhiều người còn được xem lại video clip về trận đấu này từ góc của máy quay được đặt phía sau trọng tài thứ nhất.
Để rộng đường công luận về cái gọi là sự cố ấy, BCSG đã tìm gặp và trao đổi với một cựu trọng tài bóng chuyền có uy tín (vừa làm lễ hạ còi vào cuối năm 2014 tại Thái Bình).
Ông có đọc bài viết nói về “sự cố trọng tài” mấy ngày gần đây?
Thật ra tôi cũng ít theo dõi các trang mạng xã hội không chính thống nhưng do có người cho hay, tôi đã vào xem và đọc hết bài báo này. Nếu quả thật như thế thì quả là sự cố thật đấy chứ chẳng chơi, chị ạ.
Nhưng rất tiếc cho HLV trưởng Lương Nguyễn Ngọc Hiền và các học trò VTV Bình Điền Long An...
Thế là có nghĩa như thế nào, thưa ông?
Thế nào nữa?. Đã vào ván quyết định, lại những thời điểm cuối, không chỉ sự nỗ lực tột cùng của cầu thủ trên sân, sự căng thẳng cao độ của Ban Huấn luyện mà còn phải kể đến sự tập trung cao độ phải có nơi các trọng tài, dù ai cũng đang hết sức mõi mệt. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của họ cũng đem đến một hậu quả lớn, cho bên này hoặc bên kia.
Đàng nay, theo bài báo thì có đến 2 “sai lầm chết người” của đội ngũ trọng tài. Cụ thể hơn, người viết bài đều quy tất cả lỗi về cho ông Trần Việt Thắng, trọng tài thứ 2 của trận đấu.
Nhiều người cho rằng đây là “đòn đánh dã man” đối với một trọng tài”. Theo ông thì sự thể có nghiêm trọng đến độ….tối sầm như bài báo?
Không, ngược lại là đàng khác. Tại sao ư? Đọc bài báo, nhiều người không am hiểu chuyên môn sâu rất dễ bị đưa vào lạc cảnh mà người viết dẫn vào: trong hai vị trọng tài, nếu tình huống xảy ra ở gần phía trọng tài nào là vị ấy phải chịu trách nhiệm (?!). Thật ra, về luật và phương pháp trọng tài, điều này chỉ đúng trong một số trường hợp. Đặc biệt là với vai trò trọng tài thứ 2, ông ta chỉ được phép thổi còi với những tình huống được luật quy định, số còn lại chỉ được hỗ trợ trọng tài thứ 1 bằng “ký hiệu kín” nhằm giúp cho vị này có quyết định sau cùng.
Nhưng đối với 2 tình huống trọng bài báo nêu quy về lỗi của ông Trần Việt Thắng thì ông nghĩ sao?
Đến khi có người mách tôi vào xem clip về trận đấu, tôi mới rõ hơn. Nhưng trước tiên, tôi xin khẳng định thế này, góc máy quay không đủ cơ sở, hay đúng hơn không phải là cứ liệu đảm bảo khi nhìn vào đấy, chuyện trắng – đen sẽ được phân định. 
Đối với môn Bóng đá, khi có sự cố trọng tài, người ta sẽ mở băng ghi hình của Ban Tổ chức cung cấp để xem xét từ nhiều góc quay. Còn ở Bóng chuyền thì chưa có quy định này. Thế nên trong sự việc này, không thể chỉ dựa vào góc máy quay của người viết để kết luật đúng – sai rồi từ đó đi đến quy chụp, thậm chí lăng mạ một ai đó không thương tiếc. Rõ ràng, như thế là chưa có sự công bằng trong cách nhìn nhận, đánh giá một sự việc hay hiện tượng. Đây chính là điều khác biệt: do có sự kiểm duyệt và biên tập, nên các báo in tránh được sự tùy tiện như thế.
Liệu ông có thể phân tích rõ hơn?
Theo video clip tôi được xem, ở tình huống đầu tiên, có một số điểm đáng chú ý. Đầu tiên là xét về mặt thực hiện chức trách nhiệm vụ. Thời điểm VĐV libero VTVBĐLA chạm tay vào để đánh cứu bóng (lần chạm thứ 3 của đội) thì ông Thắng mắt chỉ thoáng liếc nhìn và đã di chuyển từ sân VTVBĐLA đến phía sau cột lưới. Và khi bóng bay sang sân đối phương cũng là lúc ông Thắng chiếm đúng vị trí bên phần sân các cầu thủ Thông tin. Đồng thời lúc này, giám biên số 3 (kiểm soát đường biên dọc, bên phải ông Thắng) đã dựng cờ báo hiệu lỗi “Bóng đi ngoài khoảng không bóng qua”. Theo đó, ông Thắng thổi còi theo cờ hiệu báo của giám biên và trở lại chiếm vị trí bên phần sân đội bị thua pha bóng – VTVBĐLA. 
Rõ ràng, tình huống xử lý này cho thấy ông Thắng chẳng hề kịp có sự tính toán trước và chủ động can thiệp một cách  có ý đồ để tự ý quyết định mà ông chỉ phản xạ nghề nghiệp dựa theo sự hỗ trợ theo nhận định của giám biên. 
Tuy nhiên, theo tôi, nếu xét về mặt phương pháp trọng tài thì chưa ổn. Dù có cờ báo phạm lỗi từ giám biên nhưng trong tình huống này, đáng ra sau khi quan sát điểm tiếp xúc bóng của VĐV libero VTVBĐLA, ông Thắng phải tiếp tục quan sát, đồng thời nhanh chóng di chuyển về vị trí phía ngoài, gần sát đường biên dọc của sân Thông tin và nhìn lên khoảng không gian từ cọc giới hạn trở vào trong sân để xem đường bóng của đội VTVBĐLA đi có hợp lệ hay không. Góc nhìn này cũng sẽ giúp ông Thắng quan sát được giám biên số 3 (đứng đối diện, ở cuối sân). Nếu thấy hợp lệ, ông Thắng sẽ quay trở về hoạt động bình thường và cho dù giám biên có dựng cờ hiệu báo (sai), ông Thắng sẽ từ chối việc thổi còi và tay ra ký hiệu  “đè cờ” cho giám biên biết để cho trận đấu được tiếp diễn
Kế đến, có thể khó hơn nhưng về mặt phương pháp: trên cơ sở nhận định khoa học về hình học không gian, nếu trọng tài quan sát thấy rõ điểm đánh bóng của VĐV libero VTVBĐLA (phía ngoài đường biên dọc chưa đến 1m, ở vị trí gần vạch tấn công) cho đến điểm chạm bóng đầu tiên của VĐV libero Thông tin Liên Việt ở trung tâm sân (có phần lệch hơn về bên phải), thì sẽ đoan chắc đường bóng “ăn” vào không gian trong sân rất nhiều. Rõ ràng, từ những cứ liệu trên cho chúng ta thấy toàn cảnh dễ dàng hơn.
Riêng ở tình huống được cho là cầu thủ VTVBĐLA đánh bóng chạm tay chắn đội Thông tin ra ngoài diễn ra sau đó, đây là sự quan sát phối hợp giữa các trọng tài, từ giám biên số 1 (dọc, bên phải trọng tài thứ 1) và giám biên số 2 (ngang, bên phải trọng tài thứ 2), cho đến ông Thắng và quyết định sau cùng vẫn là trọng tài thứ 1 (phát hiện được và thổi còi hay ngược lại, không thổi còi). 
Công bằng mà nói, dù cũng thuộc trách nhiệm quan sát để phát hiện lỗi của ông Thắng nhưng không thể cho rằng ông ấy là người duy nhất phải lãnh “tội”, nếu cả “đội hình” trọng tài có sơ sót trong tình huống này.
Ông có nắm thông tin gì thêm từ những người trong cuộc?
Tôi có liên lạc với chị Hiền (HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền, Trẻ VTVBĐLA) để chia sẻ. Chị ấy cho rằng ở tình huống thứ 1, đầu tiên có lẽ ông Thắng không nghĩ ngợi gì vì đường bóng đi qua hợp lệ nhưng sau đó buộc phải thổi còi do thấy giám biên dựng cờ. Còn riêng tình huống thứ 2 thì bóng chạm tay chắn rất rõ nhưng không hiểu sao các trọng tài đều không phát hiện được, đặc biệt là trọng tài thứ 1 ở trên cao, góc quan sát rộng cũng chẳng thấy. Chị Hiền cho rằng thời gian tới LĐBCVN nên hạn chế tối đa việc sử dụng những trọng tài vừa mới qua đào tạo để điều hành các trận đấu quan trọng như vừa rồi. 
Qua sự việc này, trong lần đầu tiên tiếp xúc với BCSG, ông có điều gì cần trao đổi thêm?
Tôi thấy rằng, đối với các thành phần tham gia giúp cho một trận đấu, một giải đấu thể thao – trong đó có Bóng chuyền, mọi người nên ghi nhận sự nỗ lực của các phía và có cách nhìn về họ một cách nhân văn hơn, đừng áp đặt định kiến hay mang cả sự ghét – thương của mình để nói về họ. 
HLV, VĐV hay trọng tài đều là con người và có lúc, họ có thể mắc sai lầm nào đấy. Trừ những sai lầm có tính toán riêng tư không thể chấp nhận, tất cả còn lại đều cần có sự cảm thông để giúp họ nhận ra và sau đó vươn lên.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm. Việc sử dụng ngày càng nhiều hơn các trọng tài trẻ ở những giải cấp thấp là chủ trương đúng nhằm từng bước dìu dắt đội ngũ kế thừa này. Thế nhưng theo tôi, ở những trận đấu có tính chất quyết định như bán kết nữ vừa rồi, việc sử dụng một trọng tài quá non chuyên môn đứng lên “ghế nóng” là không ổn. Dù bố trí trong tài Trần Việt Thắng (cấp 1 quốc gia) thuộc dạng “cứng cựa” để kềm cặp, nhưng công tác tổ chức trận đấu không thể tránh được những sơ sót nhất định. 
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH thực hiện

"Bản sao" của giải nữ VĐQG PV Gas 2016 đã xuất hiện ở Cúp các CLB trẻ toàn quốc 2016 khi 4 đội bóng hàng đầu Việt Nam đều chứng tỏ công tác đào tạo trẻ tốt khi cả 4 đội VTV Bình Điền Long An, Tiến Nông Thanh Hóa, Thông tin Liên Việt Post Bank và Ngân hàng Công Thương đều lọt vào bán kết.
Ở trận bán kết 1, cũng không có bất ngờ khi trẻ nữ NHCT đã thắng Tiến Nông Thanh Hóa để giành suất vào chung kết nữ. Trong khi đó, trận đấu kịch tính giữa 2 kỳ phùng địch thủ là VTV Bình Điền Long An và TTLVPB trong trận bán kết 2 vừa kết thúc rất hấp dẫn. Ngay ván 1, TTLVPB đã nhanh chóng tìm lợi thế bằng ván thắng 25/19. Nhưng sau đó, HLV trưởng Lương Nguyễn Ngọc Hiền đã có chỉ đạo quyết liệt nên các học trò đã bùng nổ thắng liên tục 2 ván tiếp theo, trong đó có ván thắng áp đảo 25/13. Nhưng chỉ vì sai sót 1-2 điểm số của trọng tài đã ảnh hưởng đến tâm lý của các cầu thủ VTV BĐ.LA nên họ đã bị thua ngược 2-3. Đây sẽ là bài học tốt cho các cô gái miền Tây.
Ở giải nam, Maseco TPHCM sau khởi đầu tốt đã bị bắt bài nên bị lọt khỏi Top 4 nhưng HLV trưởng Phước Nghĩa sẽ còn cơ hội áp sát bằng trận tranh hạng 5. 
THIÊN HOÀNG

Các anh công an phường 7 - QPN đang tích cực trong đêm để nhanh chóng tìm ra kẻ trộm
Sau vụ mất trộm, Công an phường 7 quận Phú Nhuận đã đến khách sạn Ánh Mai để thu nhận thông tin tài sản bị mất của các cầu thủ. Theo thông kê thì tổng số tài sản bị mất là 102 triệu đồng. Đặc biệt cầu thủ bị nặng nhất là VĐV Thái Bình (Chồng của H9-Ngọc Hoa thuộc CLB nữ VTV Bình Điền Long An) với chiếc Ipad và Iphone. May Mắn là phòng của BHL không bị mất vì cả 2 HLV trưởng Lê Quốc Trung và HLV phó Ngô Văn Bảo đều sử dụng điện thoại "phổ thông".
Đối tượng ăn cắp cũng đã được xác định thông qua hiện tượng biến mất đột ngột của nhân viên dọn phòng và camera an ninh của khách sạn: Hình ảnh hắn ta mang một túi đồ đi ra ngoài. Theo bảo vệ cho biết thì khi hắn mang túi đồ ra, bị gặng hỏi thì hắn nói là đồ dơ mang đi đổ và biến mất luôn. Đây cũng là người bà con với chủ khách sạn, đã từng lấy trộ tiền của khách bị đuổi nhưng gần đây trở lại xin làm lại. Vì thương tình nên bà chủ khách sạn đã nhận lại và hậu quả là các cầu thủ "nhà nghèo" nam Long An gặp ...Xui!
HOÀNG ANH

Do được chuyển từ Bắc Ninh về thi đấu ở Khánh Hòa nên đội bóng nam Long An tiết kiệm được một ít kinh phí. Vì vậy, HLV trưởng Lê Quốc Trung đã đề xuất cho đội bóng được tập huấn khoảng 1 tuần tại TPHCM.
Điểm tập huấn là Nhà thi đấu Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận) vì đội bóng Maseco TPHCM cũng đang tập huấn ở Vũng Tàu. 
Tuy nhiên, trưa nay (15/11), khi các cầu thủ nam Long An đi bộ về khách sạn Ánh Mai (Quận Phú Nhuận) thì phát hiện gần hết điện thoại (7 chiếc) và máy tính bảng Ipad (6 cái) bị biến mất. Theo điều tra ban đầu của Công an Phường 7 - Quận Phú Nhuận thì đối tượng khả nghi nhất là nam nhân viên dọn phòng của khách sạn đã đột ngột biến mất. Vì vậy, Công an đang tích cực theo dõi để lấy lại tài sản cho các cầu thủ nam Long An.
Do đó, sáng giờ nhiều cầu thủ bất ngờ bị mất liên lạc với người thân. Đúng là vận đen của đội nam Long An trước Vòng 2 giải VĐQG PV Gas 2016.
Ảnh: DƯƠNG THU
HOÀNG ANH

Sáng nay (11/11), ĐKVĐ Cúp Đạm Cà Mau 2016 là CLB VTV Bình Điền Long An sẽ có chuyến du đấu 2 ngày để "Đáp lễ" đội nữ Truyền hình Vĩnh Long tại TP Vĩnh Long. Ở đây, họ sẽ thi đấu 2 trận (Chiều nay và sáng mai), sau đó trở về TP Tân An để chuẩn bị di chuyển ra Khánh Hòa tham dự Vòng 2 giải VĐQG PV Gas 2016...Thật lòng mà nói, đây là chuyến đi dù cũng tốt cho các cầu thủ trẻ nhưng lại là một "Bất lợi"...cho HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ?
Bởi vì, do VTV Bình Điền Long An quá mạnh ở phía Nam vì sự đầu tư tốt và chu đáo của lãnh đạo nhưng bù lại, các đối tượng ở phía Nam là nữ TPHCMTruyền hình Vĩnh Long dù cũng được sự quan tâm nhưng trình độ không thể tương đương với các cầu thủ của VTV Bình Điền Long An. Vì vậy, có thể nói thẳng là những chuyến tập huấn của VTV Bình Điền Long An chỉ có lợi cho 2 đội Truyền hình Vĩnh Long và TPHCM...(Nhưng cũng may mắn là còn có 2 đội ở giải VĐQG này vì nếu không thì phải đấu tập với các đội trẻ hoặc nam)!
Ngược lại, ở phía Bắc có rất nhiều đối tượng nữ mạnh và "quái" trong lối chơi và kỹ thuật như: Thông tin Liên Việt Post Bank, Ngân hàng Công Thương, Tiến Nông Thanh Hóa, PVD Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội...nên các cầu thủ nữ có thể trao dồi những đường bóng lạ và độc cũng như chiến thuật biến hóa. Do đó, dù VTV BĐ.LA được chuẩn bị những bài tập kỹ thuật tốt nhưng khi gặp những pha bóng lạ thì luôn bị khó khăn.
Do đó, thông cảm cho HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ của CLB VTV Bình Điền Long An vì anh luôn cố gắng và tận tình nhắc nhỡ các học trò trong mỗi buổi tập. May mắn là khả năng "đọc" trận đấu nhanh để kịp thời điều chỉnh đội hình và đấu pháp, bằng chứng là trận chung kết Cúp Hùng Vương 2015, anh đã thắng HLV trưởng Phạm Văn Long của TTLVPB và vừa qua ở trận chung kết Cúp Đạm Cà Mau 2016, anh lại thắng ĐKVĐ Cúp Hùng Vương 2016 là Ngân hàng Công Thương....để chứng tỏ không chỉ "Mát tay" mà còn có "Tài" dù luôn gặp bất lợi như trên...!
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HOÀNG ANH

Thời đỉnh cao Bóng chuyền TPHCM, khi các đội bóng TPHCM chuyển sang thi đấu đội hình 5:1, đi đâu cũng nghe người hâm mộ BCTP nói về các động tác điêu luyện “bay” trên không của các VĐV chuyền hai TPHCM (kỹ thuật nhảy chuyền) với sự thích thú. Có thể nhận định, tài năng của các VĐV chuyền hai như: Đặng Kim Sơn, Trương Hữu Vinh, Nguyễn văn Hòa, Lê Hồng Huy luôn gắn liền với thương hiệu BC TPHCM thời bấy giờ. Nhiều người luôn hỏi tôi sao BC TPHCM giờ chỉ còn 2 đội, hiện nay ngoài Hà Vũ Sơn (Maseco TPHCM), suốt một thời gian dài BC TP không đào tạo được một chuyền hai nào có thể đáp ứng thi đấu trình độ cao như trước đây.   
Phạm vi bài viết không đề cập đến công tác huấn luyện và đào tạo trẻ nói chung, chuyền hai nói riêng ở TPHCM, mục đích chỉ giới thiệu với bạn đọc một số đặc điểm hình thành một VĐV chuyền hai đáp ứng yêu cầu thi đấu BC trình độ cao hiện đại, qua đó sẽ thấy sự khác biệt trong công tác đào tạo một VĐV chuyền hai và các VĐV khác.
Thi đấu BC ngày càng diễn ra cân bằng giữa hai đội, tốc độ bóng qua lại lưới nhanh và biến hóa, thời gian một pha bóng ngắn, kết quả thắng thua chỉ vài điểm. Để đáp ứng thi đấu, các VĐV BC hiện nay ngoài chiều cao và tố chất thân thể phải có các năng lực toàn diện về trình độ kỹ - chiến thuật, tâm lý, thể lực, chiến thuật…Trong đó VĐV chuyền hai trong đội hình chiến thuật ngày càng trở nên quan trọng với vai trò là người thực hiện ý đồ chiến thuật tấn công của toàn đội, do vậy, ngoài chuẩn bị toàn diện về kỹ  - chiến thuật, thể lực thì các phẩm chất khác như sự quyết đoán, bình tỉnh, trí thông minh, tư duy chiến thuật…đều có ảnh hưởng đến khả năng tổ chức chiến thuật ở những thời điểm then chốt, quyết định trận đấu.
Một số đặc điểm cơ bản của một VĐV BC hiện đại cần có:
1. Kinh nghiệm thi đấu: chuyền hai là người điều khiển hoạt động thi đấu toàn đội nên cần có thâm niên thi đấu nhiều hơn các thành viên khác trong đội, kinh nghiệm thi đấu càng nhiều, ý thức chiến thuật càng phong phú, năng lực tổ chức càng mạnh mẽ. Tư tưởng ổn định, ý chí mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu toàn đội, nhất là trong tình huống khó khăn. Những VĐV xuất sắc trên thế giới bắt đầu tập luyện từ 8 – 10 tuổi, 16 – 17 tuổi đã có thể thi đấu cho đội tuyển Quốc gia, thông thường có thâm niên chuyền từ 14 – 15 năm, thi đấu trên 100 trận/năm.
2. Tố chất thể lực: khối lượng vận động trong thi đấu VĐV chuyền hai rất lớn, nhiều người cho rằng chuyền hai không cần sức mạnh, điều này là không đúng (Kraemer & Hakkinen), hoạt động đặc thù trong thi đấu của chuyền hai là phản xạ bước chân, di chuyển biến hướng tốc độ cao và kết hợp thực hiện các động tác phối hợp bật nhảy chuyền bóng, chắn bóng. Sức mạnh chi dưới tốt sẽ có lợi thế cho các hoạt động này và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện kỹ - chiến thuật trong suốt trận đấu 
3. Kỹ  - chiến thuật: chắc chắn một VĐV chuyền hai trình độ cao phải đạt đến một trình độ hoàn hảo tất cả các loại hình kỹ - chiến thuật trong chuyền bóng. Vấn đề cần quan tâm phân tích là nên thực hiện loại hình chiến thuật ở thời điểm nào trong trận đấu, lý do không đạt được hiệu quả cao. Ví dụ: kỹ thuật nhảy chuyền được các VĐV chuyền hai các đội bóng trên thế giới hiện nay thực hiện gần như suốt trận đấu, chiếm tỷ lệ đến 80 - 90% với mục đích tạo ra các đường bóng có tốc độ cao đến các khu vực dọc lưới, gây khó khăn cho các VĐV chắn bóng có chiều cao tốt. VĐV Saranchit Charoensuk (Thái Lan) có tỷ lệ nhảy chuyền ở SEA Games 27 (2013) là 86%/trận, tỷ lệ nhảy chuyền cao nhất các VĐV chuyền hai giải đội mạnh Quốc gia năm 2013 là 60.78%/trận.
Vị trí tổ chức chiến thuật phản công (tấn công sau phòng thủ): khác với hoạt động tổ chức tấn công sau đỡ chuyền một, trong hoạt động tổ chức phản công chuyền hai luôn bắt đầu từ vị trí số 2 hoặc số 1. Đây là vị trí thuận lợi nhất để quan sát di chuyển của đối phương và đồng đội, các bài tập cho chuyền hai nên lưu ý điều này, cần đa dạng hóa độ khó của bóng sau phòng thủ để chuyền hai thực hiện các phương án tốt nhất trong di chuyển đến bóng và chuyền bóng.
Năng lực tấn công và chắn bóng: những quả đập hoặc bỏ nhỏ bất ngờ của chuyền hai luôn gây khó khăn cho chắn bóng đối phương, nếu thuận tay trái như Nguyễn Tuấn Kiệt (BĐHN), Lê Hồng Huy (CATPHCM) thì luôn đặt phòng thủ đối phương vào tình thế cảnh giác. VĐV chuyền hai thường chắn ở khu vực số 2, đây là nơi các chủ công đối phương tấn công, phải tập cho các chuyền hai biết đập bóng biên, nhanh, lao để họ biết rõ được đặc điểm tốc độ, nhịp điệu, không gian trên lưới các loại hình tấn công đó, điều này sẽ giúp chuyền hai nâng cao năng lực chắn bóng cũng như phòng thủ hàng sau.
4. Năng lực tâm lý: bản lĩnh thi đấu, ý chí sẳn sàng vượt qua khó khăn là một đức tính cần thiết cho các VĐV chuyền hai ưu tú, trạng thái tâm lý của chuyền hai có ảnh hưởng đến tâm lý của toàn đội, do vậy, chuyền hai cần thể hiện khả năng cảm xúc, luôn duy trì sự hưng phấn để tạo niềm tin cho đồng đội. Các nghiên cứu BC hiện nay cho thấy năng lực tâm lý có liên quan hữu cơ đến thành tích thi đấu, chú trọng đến năng lự tâm lý công tác tuyển chọn là xu hướng BC hiện đại.
Theo Chu Phượng Hà (Trung Quốc) đặc điểm loại hình thần kinh các VĐV chuyền hai nam trình độ cao Trung Quốc chiếm đa số là loại hình trầm tỉnh, đây là cơ sở trong công tác tuyển chọn VĐV chuyền hai.
Tinh thần: đổi mới bài tập, tăng độ khó bài tập và luôn đề ra yêu cầu về tiêu chuẩn cao trong thực hiện bài tập giúp chuyền hai có thói quen cố gắng nhiều hơn so với các VĐV khác, phải luôn xử lý tình huống bất lợi, khó khăn trong tập luyện sẽ nâng cao năng lực thích nghi và tinh thần khắc phục khó khăn trong thi đấu.
5. Tư duy: thông qua các thông tin thu nhận và các hành động phản hồi các tình huống phức tạp trong thi đấu sẽ tạo khả năng ý thức, ứng biến tự nhiên, do đó một VĐV có trình độ thi đấu càng cao, năng lực ứng biến càng tốt. Ngồn gốc năng lực tư duy là kiến thức tổng hợp từ khoa học, lý luận, tâm lý, xã hội, các lĩnh vực liên quan đến BC…sẽ nâng cao năng lực tư duy, giúp chuyền hai phát huy nghệ thuật chỉ huy, phân tích tình huống và đưa ra các quyết định thông minh trong thi đấu.
6. Uy tín – năng lực chỉ huy: chuyền hai là một HLV trên sân, nên trao quyền chỉ huy và tin tưởng chuyền hai, có vậy mới phát huy tính độc lập sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của mình. Sự phối hợp vai trò chỉ huy giữa HLV và chuyền có ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu toàn đội.
Để duy trì vai trò là người tổ chức trận đấu, điều khiển các hoạt động tổ chức tấn công toàn đội, chuyền hai cần thiết lập và duy trì uy tín của mình trong tập thể đội bóng. Muốn vậy, chuyền hai trình độ cao cần có các phẩm chất sau: 
- Phẩm chất đạo đức: luôn nghiêm khắc với bản thân, duy trì uy tín của mình và xây dựng mối quan hệ tình cảm, tính đoàn kết tập thể.
- Trình độ kỹ - chiến thuật cá nhân điêu luyện sẽ tạo sụ tự tin và sức mạnh về tinh thần, nếu bản thận thi đấu yếu kém, phạm nhiều sai lầm thì uy tín đối với tập thể sẽ giảm sút, vai trò điều khiển toàn đội sẽ giảm sút.
Ảnh: BẢO TOÀN
HUẤN LUYỆN VIÊN

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.