Trên Băng Ghế HLV: Chuyền hai - Những nghệ sĩ trên sàn đấu bóng chuyền!

Thời đỉnh cao Bóng chuyền TPHCM, khi các đội bóng TPHCM chuyển sang thi đấu đội hình 5:1, đi đâu cũng nghe người hâm mộ BCTP nói về các động tác điêu luyện “bay” trên không của các VĐV chuyền hai TPHCM (kỹ thuật nhảy chuyền) với sự thích thú. Có thể nhận định, tài năng của các VĐV chuyền hai như: Đặng Kim Sơn, Trương Hữu Vinh, Nguyễn văn Hòa, Lê Hồng Huy luôn gắn liền với thương hiệu BC TPHCM thời bấy giờ. Nhiều người luôn hỏi tôi sao BC TPHCM giờ chỉ còn 2 đội, hiện nay ngoài Hà Vũ Sơn (Maseco TPHCM), suốt một thời gian dài BC TP không đào tạo được một chuyền hai nào có thể đáp ứng thi đấu trình độ cao như trước đây.   
Phạm vi bài viết không đề cập đến công tác huấn luyện và đào tạo trẻ nói chung, chuyền hai nói riêng ở TPHCM, mục đích chỉ giới thiệu với bạn đọc một số đặc điểm hình thành một VĐV chuyền hai đáp ứng yêu cầu thi đấu BC trình độ cao hiện đại, qua đó sẽ thấy sự khác biệt trong công tác đào tạo một VĐV chuyền hai và các VĐV khác.
Thi đấu BC ngày càng diễn ra cân bằng giữa hai đội, tốc độ bóng qua lại lưới nhanh và biến hóa, thời gian một pha bóng ngắn, kết quả thắng thua chỉ vài điểm. Để đáp ứng thi đấu, các VĐV BC hiện nay ngoài chiều cao và tố chất thân thể phải có các năng lực toàn diện về trình độ kỹ - chiến thuật, tâm lý, thể lực, chiến thuật…Trong đó VĐV chuyền hai trong đội hình chiến thuật ngày càng trở nên quan trọng với vai trò là người thực hiện ý đồ chiến thuật tấn công của toàn đội, do vậy, ngoài chuẩn bị toàn diện về kỹ  - chiến thuật, thể lực thì các phẩm chất khác như sự quyết đoán, bình tỉnh, trí thông minh, tư duy chiến thuật…đều có ảnh hưởng đến khả năng tổ chức chiến thuật ở những thời điểm then chốt, quyết định trận đấu.
Một số đặc điểm cơ bản của một VĐV BC hiện đại cần có:
1. Kinh nghiệm thi đấu: chuyền hai là người điều khiển hoạt động thi đấu toàn đội nên cần có thâm niên thi đấu nhiều hơn các thành viên khác trong đội, kinh nghiệm thi đấu càng nhiều, ý thức chiến thuật càng phong phú, năng lực tổ chức càng mạnh mẽ. Tư tưởng ổn định, ý chí mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu toàn đội, nhất là trong tình huống khó khăn. Những VĐV xuất sắc trên thế giới bắt đầu tập luyện từ 8 – 10 tuổi, 16 – 17 tuổi đã có thể thi đấu cho đội tuyển Quốc gia, thông thường có thâm niên chuyền từ 14 – 15 năm, thi đấu trên 100 trận/năm.
2. Tố chất thể lực: khối lượng vận động trong thi đấu VĐV chuyền hai rất lớn, nhiều người cho rằng chuyền hai không cần sức mạnh, điều này là không đúng (Kraemer & Hakkinen), hoạt động đặc thù trong thi đấu của chuyền hai là phản xạ bước chân, di chuyển biến hướng tốc độ cao và kết hợp thực hiện các động tác phối hợp bật nhảy chuyền bóng, chắn bóng. Sức mạnh chi dưới tốt sẽ có lợi thế cho các hoạt động này và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện kỹ - chiến thuật trong suốt trận đấu 
3. Kỹ  - chiến thuật: chắc chắn một VĐV chuyền hai trình độ cao phải đạt đến một trình độ hoàn hảo tất cả các loại hình kỹ - chiến thuật trong chuyền bóng. Vấn đề cần quan tâm phân tích là nên thực hiện loại hình chiến thuật ở thời điểm nào trong trận đấu, lý do không đạt được hiệu quả cao. Ví dụ: kỹ thuật nhảy chuyền được các VĐV chuyền hai các đội bóng trên thế giới hiện nay thực hiện gần như suốt trận đấu, chiếm tỷ lệ đến 80 - 90% với mục đích tạo ra các đường bóng có tốc độ cao đến các khu vực dọc lưới, gây khó khăn cho các VĐV chắn bóng có chiều cao tốt. VĐV Saranchit Charoensuk (Thái Lan) có tỷ lệ nhảy chuyền ở SEA Games 27 (2013) là 86%/trận, tỷ lệ nhảy chuyền cao nhất các VĐV chuyền hai giải đội mạnh Quốc gia năm 2013 là 60.78%/trận.
Vị trí tổ chức chiến thuật phản công (tấn công sau phòng thủ): khác với hoạt động tổ chức tấn công sau đỡ chuyền một, trong hoạt động tổ chức phản công chuyền hai luôn bắt đầu từ vị trí số 2 hoặc số 1. Đây là vị trí thuận lợi nhất để quan sát di chuyển của đối phương và đồng đội, các bài tập cho chuyền hai nên lưu ý điều này, cần đa dạng hóa độ khó của bóng sau phòng thủ để chuyền hai thực hiện các phương án tốt nhất trong di chuyển đến bóng và chuyền bóng.
Năng lực tấn công và chắn bóng: những quả đập hoặc bỏ nhỏ bất ngờ của chuyền hai luôn gây khó khăn cho chắn bóng đối phương, nếu thuận tay trái như Nguyễn Tuấn Kiệt (BĐHN), Lê Hồng Huy (CATPHCM) thì luôn đặt phòng thủ đối phương vào tình thế cảnh giác. VĐV chuyền hai thường chắn ở khu vực số 2, đây là nơi các chủ công đối phương tấn công, phải tập cho các chuyền hai biết đập bóng biên, nhanh, lao để họ biết rõ được đặc điểm tốc độ, nhịp điệu, không gian trên lưới các loại hình tấn công đó, điều này sẽ giúp chuyền hai nâng cao năng lực chắn bóng cũng như phòng thủ hàng sau.
4. Năng lực tâm lý: bản lĩnh thi đấu, ý chí sẳn sàng vượt qua khó khăn là một đức tính cần thiết cho các VĐV chuyền hai ưu tú, trạng thái tâm lý của chuyền hai có ảnh hưởng đến tâm lý của toàn đội, do vậy, chuyền hai cần thể hiện khả năng cảm xúc, luôn duy trì sự hưng phấn để tạo niềm tin cho đồng đội. Các nghiên cứu BC hiện nay cho thấy năng lực tâm lý có liên quan hữu cơ đến thành tích thi đấu, chú trọng đến năng lự tâm lý công tác tuyển chọn là xu hướng BC hiện đại.
Theo Chu Phượng Hà (Trung Quốc) đặc điểm loại hình thần kinh các VĐV chuyền hai nam trình độ cao Trung Quốc chiếm đa số là loại hình trầm tỉnh, đây là cơ sở trong công tác tuyển chọn VĐV chuyền hai.
Tinh thần: đổi mới bài tập, tăng độ khó bài tập và luôn đề ra yêu cầu về tiêu chuẩn cao trong thực hiện bài tập giúp chuyền hai có thói quen cố gắng nhiều hơn so với các VĐV khác, phải luôn xử lý tình huống bất lợi, khó khăn trong tập luyện sẽ nâng cao năng lực thích nghi và tinh thần khắc phục khó khăn trong thi đấu.
5. Tư duy: thông qua các thông tin thu nhận và các hành động phản hồi các tình huống phức tạp trong thi đấu sẽ tạo khả năng ý thức, ứng biến tự nhiên, do đó một VĐV có trình độ thi đấu càng cao, năng lực ứng biến càng tốt. Ngồn gốc năng lực tư duy là kiến thức tổng hợp từ khoa học, lý luận, tâm lý, xã hội, các lĩnh vực liên quan đến BC…sẽ nâng cao năng lực tư duy, giúp chuyền hai phát huy nghệ thuật chỉ huy, phân tích tình huống và đưa ra các quyết định thông minh trong thi đấu.
6. Uy tín – năng lực chỉ huy: chuyền hai là một HLV trên sân, nên trao quyền chỉ huy và tin tưởng chuyền hai, có vậy mới phát huy tính độc lập sáng tạo, dám chịu trách nhiệm của mình. Sự phối hợp vai trò chỉ huy giữa HLV và chuyền có ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu toàn đội.
Để duy trì vai trò là người tổ chức trận đấu, điều khiển các hoạt động tổ chức tấn công toàn đội, chuyền hai cần thiết lập và duy trì uy tín của mình trong tập thể đội bóng. Muốn vậy, chuyền hai trình độ cao cần có các phẩm chất sau: 
- Phẩm chất đạo đức: luôn nghiêm khắc với bản thân, duy trì uy tín của mình và xây dựng mối quan hệ tình cảm, tính đoàn kết tập thể.
- Trình độ kỹ - chiến thuật cá nhân điêu luyện sẽ tạo sụ tự tin và sức mạnh về tinh thần, nếu bản thận thi đấu yếu kém, phạm nhiều sai lầm thì uy tín đối với tập thể sẽ giảm sút, vai trò điều khiển toàn đội sẽ giảm sút.
Ảnh: BẢO TOÀN
HUẤN LUYỆN VIÊN

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.