Qua trận bán kết VTV BĐ.LA - TTLVPB ở Cúp các CLB trẻ 2016: Chuyện có đáng phải "Nâng quan điểm"...?

Tản mạn quanh chuyện gọi là “sự cố trọng tài” ở trận bán kết nữ giải Bóng chuyền Trẻ Cúp các CLB toàn quốc năm 2016:
Một trận bán kết nữ rất kịch tính...
Trong vài ngày qua, có luồng thông tin trên mạng xã hội về một sự việc diễn ra ở nửa cuối ván 5 trận bán kết nữ giải Trẻ Cúp các CLB toàn quốc tại Hà Tĩnh giữa Thông tin Liên Việt Postbank và VTV Bình Điền Long An (3 – 2), và gọi đó là “sự cố trọng tài”.
Sau đó nhiều người còn được xem lại video clip về trận đấu này từ góc của máy quay được đặt phía sau trọng tài thứ nhất.
Để rộng đường công luận về cái gọi là sự cố ấy, BCSG đã tìm gặp và trao đổi với một cựu trọng tài bóng chuyền có uy tín (vừa làm lễ hạ còi vào cuối năm 2014 tại Thái Bình).
Ông có đọc bài viết nói về “sự cố trọng tài” mấy ngày gần đây?
Thật ra tôi cũng ít theo dõi các trang mạng xã hội không chính thống nhưng do có người cho hay, tôi đã vào xem và đọc hết bài báo này. Nếu quả thật như thế thì quả là sự cố thật đấy chứ chẳng chơi, chị ạ.
Nhưng rất tiếc cho HLV trưởng Lương Nguyễn Ngọc Hiền và các học trò VTV Bình Điền Long An...
Thế là có nghĩa như thế nào, thưa ông?
Thế nào nữa?. Đã vào ván quyết định, lại những thời điểm cuối, không chỉ sự nỗ lực tột cùng của cầu thủ trên sân, sự căng thẳng cao độ của Ban Huấn luyện mà còn phải kể đến sự tập trung cao độ phải có nơi các trọng tài, dù ai cũng đang hết sức mõi mệt. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của họ cũng đem đến một hậu quả lớn, cho bên này hoặc bên kia.
Đàng nay, theo bài báo thì có đến 2 “sai lầm chết người” của đội ngũ trọng tài. Cụ thể hơn, người viết bài đều quy tất cả lỗi về cho ông Trần Việt Thắng, trọng tài thứ 2 của trận đấu.
Nhiều người cho rằng đây là “đòn đánh dã man” đối với một trọng tài”. Theo ông thì sự thể có nghiêm trọng đến độ….tối sầm như bài báo?
Không, ngược lại là đàng khác. Tại sao ư? Đọc bài báo, nhiều người không am hiểu chuyên môn sâu rất dễ bị đưa vào lạc cảnh mà người viết dẫn vào: trong hai vị trọng tài, nếu tình huống xảy ra ở gần phía trọng tài nào là vị ấy phải chịu trách nhiệm (?!). Thật ra, về luật và phương pháp trọng tài, điều này chỉ đúng trong một số trường hợp. Đặc biệt là với vai trò trọng tài thứ 2, ông ta chỉ được phép thổi còi với những tình huống được luật quy định, số còn lại chỉ được hỗ trợ trọng tài thứ 1 bằng “ký hiệu kín” nhằm giúp cho vị này có quyết định sau cùng.
Nhưng đối với 2 tình huống trọng bài báo nêu quy về lỗi của ông Trần Việt Thắng thì ông nghĩ sao?
Đến khi có người mách tôi vào xem clip về trận đấu, tôi mới rõ hơn. Nhưng trước tiên, tôi xin khẳng định thế này, góc máy quay không đủ cơ sở, hay đúng hơn không phải là cứ liệu đảm bảo khi nhìn vào đấy, chuyện trắng – đen sẽ được phân định. 
Đối với môn Bóng đá, khi có sự cố trọng tài, người ta sẽ mở băng ghi hình của Ban Tổ chức cung cấp để xem xét từ nhiều góc quay. Còn ở Bóng chuyền thì chưa có quy định này. Thế nên trong sự việc này, không thể chỉ dựa vào góc máy quay của người viết để kết luật đúng – sai rồi từ đó đi đến quy chụp, thậm chí lăng mạ một ai đó không thương tiếc. Rõ ràng, như thế là chưa có sự công bằng trong cách nhìn nhận, đánh giá một sự việc hay hiện tượng. Đây chính là điều khác biệt: do có sự kiểm duyệt và biên tập, nên các báo in tránh được sự tùy tiện như thế.
Liệu ông có thể phân tích rõ hơn?
Theo video clip tôi được xem, ở tình huống đầu tiên, có một số điểm đáng chú ý. Đầu tiên là xét về mặt thực hiện chức trách nhiệm vụ. Thời điểm VĐV libero VTVBĐLA chạm tay vào để đánh cứu bóng (lần chạm thứ 3 của đội) thì ông Thắng mắt chỉ thoáng liếc nhìn và đã di chuyển từ sân VTVBĐLA đến phía sau cột lưới. Và khi bóng bay sang sân đối phương cũng là lúc ông Thắng chiếm đúng vị trí bên phần sân các cầu thủ Thông tin. Đồng thời lúc này, giám biên số 3 (kiểm soát đường biên dọc, bên phải ông Thắng) đã dựng cờ báo hiệu lỗi “Bóng đi ngoài khoảng không bóng qua”. Theo đó, ông Thắng thổi còi theo cờ hiệu báo của giám biên và trở lại chiếm vị trí bên phần sân đội bị thua pha bóng – VTVBĐLA. 
Rõ ràng, tình huống xử lý này cho thấy ông Thắng chẳng hề kịp có sự tính toán trước và chủ động can thiệp một cách  có ý đồ để tự ý quyết định mà ông chỉ phản xạ nghề nghiệp dựa theo sự hỗ trợ theo nhận định của giám biên. 
Tuy nhiên, theo tôi, nếu xét về mặt phương pháp trọng tài thì chưa ổn. Dù có cờ báo phạm lỗi từ giám biên nhưng trong tình huống này, đáng ra sau khi quan sát điểm tiếp xúc bóng của VĐV libero VTVBĐLA, ông Thắng phải tiếp tục quan sát, đồng thời nhanh chóng di chuyển về vị trí phía ngoài, gần sát đường biên dọc của sân Thông tin và nhìn lên khoảng không gian từ cọc giới hạn trở vào trong sân để xem đường bóng của đội VTVBĐLA đi có hợp lệ hay không. Góc nhìn này cũng sẽ giúp ông Thắng quan sát được giám biên số 3 (đứng đối diện, ở cuối sân). Nếu thấy hợp lệ, ông Thắng sẽ quay trở về hoạt động bình thường và cho dù giám biên có dựng cờ hiệu báo (sai), ông Thắng sẽ từ chối việc thổi còi và tay ra ký hiệu  “đè cờ” cho giám biên biết để cho trận đấu được tiếp diễn
Kế đến, có thể khó hơn nhưng về mặt phương pháp: trên cơ sở nhận định khoa học về hình học không gian, nếu trọng tài quan sát thấy rõ điểm đánh bóng của VĐV libero VTVBĐLA (phía ngoài đường biên dọc chưa đến 1m, ở vị trí gần vạch tấn công) cho đến điểm chạm bóng đầu tiên của VĐV libero Thông tin Liên Việt ở trung tâm sân (có phần lệch hơn về bên phải), thì sẽ đoan chắc đường bóng “ăn” vào không gian trong sân rất nhiều. Rõ ràng, từ những cứ liệu trên cho chúng ta thấy toàn cảnh dễ dàng hơn.
Riêng ở tình huống được cho là cầu thủ VTVBĐLA đánh bóng chạm tay chắn đội Thông tin ra ngoài diễn ra sau đó, đây là sự quan sát phối hợp giữa các trọng tài, từ giám biên số 1 (dọc, bên phải trọng tài thứ 1) và giám biên số 2 (ngang, bên phải trọng tài thứ 2), cho đến ông Thắng và quyết định sau cùng vẫn là trọng tài thứ 1 (phát hiện được và thổi còi hay ngược lại, không thổi còi). 
Công bằng mà nói, dù cũng thuộc trách nhiệm quan sát để phát hiện lỗi của ông Thắng nhưng không thể cho rằng ông ấy là người duy nhất phải lãnh “tội”, nếu cả “đội hình” trọng tài có sơ sót trong tình huống này.
Ông có nắm thông tin gì thêm từ những người trong cuộc?
Tôi có liên lạc với chị Hiền (HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền, Trẻ VTVBĐLA) để chia sẻ. Chị ấy cho rằng ở tình huống thứ 1, đầu tiên có lẽ ông Thắng không nghĩ ngợi gì vì đường bóng đi qua hợp lệ nhưng sau đó buộc phải thổi còi do thấy giám biên dựng cờ. Còn riêng tình huống thứ 2 thì bóng chạm tay chắn rất rõ nhưng không hiểu sao các trọng tài đều không phát hiện được, đặc biệt là trọng tài thứ 1 ở trên cao, góc quan sát rộng cũng chẳng thấy. Chị Hiền cho rằng thời gian tới LĐBCVN nên hạn chế tối đa việc sử dụng những trọng tài vừa mới qua đào tạo để điều hành các trận đấu quan trọng như vừa rồi. 
Qua sự việc này, trong lần đầu tiên tiếp xúc với BCSG, ông có điều gì cần trao đổi thêm?
Tôi thấy rằng, đối với các thành phần tham gia giúp cho một trận đấu, một giải đấu thể thao – trong đó có Bóng chuyền, mọi người nên ghi nhận sự nỗ lực của các phía và có cách nhìn về họ một cách nhân văn hơn, đừng áp đặt định kiến hay mang cả sự ghét – thương của mình để nói về họ. 
HLV, VĐV hay trọng tài đều là con người và có lúc, họ có thể mắc sai lầm nào đấy. Trừ những sai lầm có tính toán riêng tư không thể chấp nhận, tất cả còn lại đều cần có sự cảm thông để giúp họ nhận ra và sau đó vươn lên.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm. Việc sử dụng ngày càng nhiều hơn các trọng tài trẻ ở những giải cấp thấp là chủ trương đúng nhằm từng bước dìu dắt đội ngũ kế thừa này. Thế nhưng theo tôi, ở những trận đấu có tính chất quyết định như bán kết nữ vừa rồi, việc sử dụng một trọng tài quá non chuyên môn đứng lên “ghế nóng” là không ổn. Dù bố trí trong tài Trần Việt Thắng (cấp 1 quốc gia) thuộc dạng “cứng cựa” để kềm cặp, nhưng công tác tổ chức trận đấu không thể tránh được những sơ sót nhất định. 
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HỒNG ÁNH thực hiện

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.