Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Trước mùa giải mới 2016, tin không vui dồn dập khiến những người hâm mộ môn thể thao số 2 tại VN – bóng chuyền thoáng lo âu, khi không chỉ một, vài như hiện tượng thi thoảng ở các mùa giải trước, mà ngày càng nhiều đội bóng nam nữ đã nói lời chia tay với BCVN trong bối cảnh họ không thật sự lâm vào thế bế tắc về mặt tài chính, như nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước, Hòa Phát Hưng Yên và kể cả Phòng không Không quân, nam Tập đoàn Dầu khí QGVN và mới đây là đến Đức Long Gia Lai.
Thực ra, đó cũng là lẽ thường của một nền thể thao trong cơ chế kinh tế thị trường, với các nguyên nhân tan vỡ thường thuộc về phía nắm “hầu bao” – ông chủ các doanh nghiệp đỡ đầu quyết định.
Những hệ quả kéo theo…
Nhiều người đang mơ hồ lo lắng, rằng nếu chủ trương rút số đội ở giải VĐQG xuống còn 8 nam, 8 nữ dù làm tăng chất nhưng chính sự giảm lượng có khả năng kéo theo những hệ lụy khó lường cho cả làng bóng – trong đó có thể là sự phản ứng theo chiều hướng không ủng hộ của đa số các địa phương đang xây dựng lực lượng bằng vốn ngân sách nhà nước.
Và điều được đặt ra kế tiếp, cầu thủ sẽ thất nghiệp cũng là một vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý, với người hâm mộ và đặc biệt, với bản thân những người đã trót dành quảng thời gian khá dài, bắt đầu từ thuở niên thiếu để đeo theo cái nghiệp làm cầu thủ bóng chuyền.
Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, nhiều người cho rằng, việc rút gọn số đội có lẽ sẽ mãi là một chủ trương trên…giấy, hoặc nếu được thực hiện chí ít sớm nhất cuối nhiệm kỳ này hoặc phải sang đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 21.
Bởi cho dù hiện đã có Ban chấp hành LĐBCVN khóa VI (2015 – 2019), nhưng có lẽ cũng chẳng ai trong tổ chức này dại gì chạm vào vấn đề nhạy cảm ấy và cứ thế, họ sẽ lần lựa cho qua việc nhằm được….yên phận.
Thế nên, dù tự thân các đội bóng giải thể nhưng nhiều người vẫn cho rằng, số cầu thủ có năng lực thực sự, đáp ứng yêu cầu của ông chủ các đội bóng và của người xem thì khó thể bị thất nghiệp.
Rõ ràng, cách đây một vài năm, số cầu thủ giỏi của Vietsov Petro, Bia Sài Gòn Thái Bình Dương (nữ), Tập đoàn Dầu khí QGVN và gần đây là Quân khu 5, Quân khu 9 (nam) vẫn được các CLB khác trọng dụng.
Và hiện nay cũng không khác, đã có sự dịch chuyển thầm lặng mà đến khi khai cuộc vòng I giải VĐQG 2016, tin chắc rằng trong số đội còn lại sẽ không thiếu những gương mặt nhiều cầu thủ của số đội đã rút lui.
Đó là chỉ nói về số phận của số đông cầu thủ có trình độ chuyên môn từ khá trở lên.
Lời cảnh báo cho các “Sao” về giới hạn của sự chịu đựng!
Riêng với số ít “sao”, đương nhiên họ không phải lo ngồi chơi xơi nước vì kể từ khi “lệnh cấm” sử dụng cầu thủ ngoại có hiệu lực kể từ mùa giải 2013, thì thị trường việc làm của cầu thủ Việt đã rộng chổ hơn, đặc biệt là các “sao” luôn được các đội bóng “đại gia” săn tìm.
Tuy nhiên, qua các vụ lùm xùm trong vấn đề chuyển nhượng cầu thủ, có thể kể đến như tay chuyền hai xuất sắc một thời Nguyễn Công Thành từ Bưu điện Ninh Thuận – XSKT Gia Lai – Quân đoàn 4, hay Nguyễn Hữu Hà trải qua các hành trình gian truân, từ Tràng An Ninh Bình – Đức Long Gia Lai – Biên phòng, rồi Nguyễn Văn Hạnh từ Đông Trường Sơn (Quảng Trị) – Tràng An Ninh Bình – Đức Long Gia Lai ...hiện tại BCVN vẫn chưa thể có một bản “Quy chế chuyển nhượng VĐV” nào được xem là hoàn chỉnh nhất có thể, tạo được sự đồng thuận của tất cả các phía chịu sự điều chỉnh.
Thế nên, các “sao” nêu trên luôn phải lao đao và bị thiệt thòi không nhỏ trong quảng thời gian đình trệ do không tìm được tiếng nói chung với đơn vị quản lý cũ – mới.
Và hiện nay, khi cánh truyền thông vào cuộc và Ban chấp hành mới của LĐBCVN lên tiếng để góp phần giải quyết một số vụ việc cụ thể, mọi chuyện đã có vẻ sáng sủa – phía đơn vị quản lý biết quyền năng của mình chỉ có giới hạn theo luật định, phía các cầu thủ dễ thở hơn v.v. thì niềm tin vào công lý, vào luật pháp, vào những quy định – quy chế của ngành và của tổ chức xã hội nghề nghiệp v.v, đã dần trở lại.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, đã dần xuất hiện trong thương trường chuyển nhượng hiện nay hiện tượng “sao” khi được giải phóng hợp đồng hoặc nói nôm na là đã trở thành cầu thủ tự do, tự đặt điều kiện “Tiếp tục tái ký hợp đồng” theo kiểu nắm “cán” để gây khó cho CLB cũ và đáng nói hơn, “sao” lại vô tâm đến mức buộc CLB cũ phải thu vén toàn bộ mức tiền tăng thêm của nhà tài trợ dành cho toàn đội về phía mình, bất kể quyền lợi mà đáng ra các đồng đội từng cùng chung “chiến hào” ít nhiều được thụ hưởng (!?).
Chưa hết, nhiều thông tin từ chính những người trong cuộc – số CLB đang được “gạ mua” đã cho biết, khi đã trở thành cầu thủ tự do, có “sao” hiện đang đi tự rao bán, thậm chí “hét” giá với bên này, rồi quay sang “hét” tiếp bên nọ, tung “đòn gió” đủ kiểu để tự đánh bóng, đại loại rằng “Tôi về CLB nào, nơi đó gần như cầm chắc sẽ vô địch. Nếu chú không nhanh tay chọn tôi thì…..”.
Và đương nhiên, mới đầu thị trường trở nên sốt, phấn khích mời chào “sao” nhưng dường như nay họ đã hiểu bản chất sự việc và mệt mỏi nên mọi thứ bắt đầu hạ nhiệt. Bởi, như HLV trưởng một CLB (xin được giấu tên) đã thổ lộ: “Vô địch thì đội nào cũng ham muốn thật nhưng thử hỏi, rước một cầu thủ, dù là “sao” hàng đầu của BCVN về nhưng anh (hoặc chị ta) luôn đặt đồng tiền lên trên tất cả thì hôm nay thế này, ngày mai biết sẽ còn đòi hỏi như thế nào?. Thôi, cứ để cho đội nào rước cũng được. Chúng tôi đã thống nhất xin ý kiến với lãnh đạo rồi, sẽ nói “Không!”. Đem “sao” thiếu đạo đức như vậy về đội, có khi lại là họa. Giờ đã chuẩn bị bước vào vòng I, với tư cách và động cơ như thế nên chẳng đội nào nhận, theo tôi thì không loại trừ cuối cùng số “sao” ấy sẽ thất nghiệp chứ chẳng chơi”
Không hiểu lời nhận định kiểu buông xuôi của vị HLV nêu trên có phải do ông không đủ khả năng đeo đuổi cuộc chiến thuê tậu “sao” để rồi thốt lời dèm pha, đố kỵ hay không nhưng nếu đó là sự thật, thì cũng là lời cảnh báo dành cho tất cả các đội bóng và những ai đã, đang và sắp trở thành “sao” về cách đối nhân xử thế.
Không thiếu những gương tốt để noi theo
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, theo một thành viên là lãnh đạo chủ chốt ngành thể thao Khánh Hòa vào những năm 2004 – 2005, khi đội nam Khánh Hòa suýt thăng hạng Đội mạnh quốc gia – sau vòng chung kết giải hạng A toàn quốc tại Đắc Lắc, tuy Ngô Văn Kiều chưa trở thành “sao” sáng nhất của BCVN (năm 2007, cùng ĐTQGVN đoạt bộ HCB SEA Games 24 tại Chiang Mai – Thái Lan), lần lượt lãnh đạo tỉnh và CLB Tràng An Ninh Bình, rồi Trung tâm TDTT Công an TPHCM ra gặp lãnh đạo Sở TDTT Khánh Hòa, đề nghị được chuyển nhượng Ngô Văn Kiều với giá lên đến 500 triệu đồng. Riêng với Kiều thì không rõ là bao nhiêu, nhưng anh đã thẳng thắn từ chối và cho biết muốn ở lại phục vụ cho đội bóng đã đào tạo mình trưởng thành.
Còn nữa, theo bà Lê Thị Bình – HLV trưởng đội nữ Tiến Nông Thanh Hóa hiện nay thì năm 2009, đội Thanh Hóa chẳng may phải xuống hạng. Lúc ấy, toàn đội lâm vào thế cực kỳ khó khăn khi nhiều trụ cột của đội lập gia đình và đồng loạt….sinh con nên có lúc Halida Thanh Hóa gặp phải tình cảnh tiến thoái lưỡng nan về lực lượng, rồi nhà tài trợ muốn “thoái vốn” để rút lui khiến đa số cầu thủ mới vừa có thêm ít tiền, nay đã phải quay trở lại phận “Con nhà nghèo” như bao đời trước đó.
Chưa đã hết…khổ: do kinh phí hoạt động của Bóng chuyền nữ Thanh Hóa dựa hoàn toàn vào ngân sách địa phương vốn đã đầu tư dàn trải cho quá nhiều môn khác nên lãnh đạo ngành thể thao tỉnh này từng có ý định “khai tử” đội bóng bởi họ thiếu hụt những cầu thủ giỏi và đủ sức thi đấu trên hàng ngũ các đội hàng đầu Bóng chuyền nữ VN.
Trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, tận dụng chuyện đội nữ Thanh Hóa có nguy cơ bị giải thể, nhiều đội bóng lớn khác đã chèo kéo tay chuyền hai Lê Thị Hồng – vốn là người dự bị số 1 cho Đặng Thị Hồng (6) của Bưu điện Hà Nội ở đội tuyển quốc gia lúc bấy giờ, về đầu quân với mức đãi ngộ đúng với năng lực thật sự của chị.
Nhưng đáng khen ở chổ, hiểu rõ sự ra đi của bản thân có thể giúp mình “đổi vận” nhưng nghĩ lại mà thương cho các đồng đội và biết bao cầu thủ đàn em sẽ ra sao khi tất cả đã lỡ trao một phần tuổi thanh xuân để đeo đuổi cùng nhịp đập của từng trái tim với quả bóng chuyền nếu chẳng may đội bóng bị giải thể, Lê Thị Hồng đã chứng tỏ chị xứng đáng là người đội trưởng mẫu mực, hết lòng yêu quê hương Thanh Hóa, yêu đồng đội. Chị đã nói “Không!” trước tất cả những lời mời gọi và quyết định ở lại làm chổ dựa cho đội bóng.
Thế rồi, nhà tài trợ Tiến Nông nhảy vào thay Halida, đội bóng như được hồi sinh sau cơn bạo bệnh. Chỉ sau 2 năm tái thăng hạng Đội mạnh quốc gia, số cầu thủ trẻ dần trưởng thành để sát cánh cùng các đàn chị.
Bởi thế, câu nói truyền miệng của nhiều người - không chỉ trong giới bóng chuyền: “Tiền thì ai chẳng cần nhưng nó không là tất cả” không phải chẳng có lý!
Quý lắm thay những “sao” có đạo đức. Và xưa nay, BCVN đâu đã hiếm!
ĐINH TRẦN NGỌC LẬM
Đăng nhận xét