Cần có góc nhìn khách quan hơn về sự ra đi của cầu thủ...!

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Trong dịp tình cờ gặp lại vào một ngày cuối tuần, trước thềm năm mới Bính Thân 2016, Người quan sát (NQS) đã có lời mở đầu bằng chia sẻ như vậy với BCSG.
Nhưng thưa ông, cụ thể là vấn đề gì?
NQS: Nói chung là tất cả các khía cạnh trong cuộc sống, trong đó có lĩnh vực thể thao.
Riêng đối với Bóng chuyền, thời gian qua tuy rất bận nhiều công việc cuối năm nhưng tôi cũng có biết một số chuyện, trong đó nổi cộm nhất là chuyện của chủ công Từ Thanh Thuận và đơn vị trực tiếp quản lý anh – ngành TDTT Vĩnh Long. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nay thì mọi việc xem như đã ổn, tạm gọi là đúng theo trật tự quy định.
Nghĩa là sao, thưa ông?
NQS: Là sao nữa, rõ quá rồi mà chị. Sau một thời gian dùng dằng, nhờ có báo chí lên tiếng, LĐBCVN vào cuộc, nay Thanh Thuận đã là cầu thủ tự do.
Ở đây, có điều đáng chú ý là qua câu chuyện cũa Thanh Thuận mới thấy, dường như các cơ quan quản lý VĐV luôn có tình trạng xử lý theo kiểu “mềm nắn, rắn buông” thì phải, chị thấy có đúng không?
Trong bối cảnh VN ta có luật, nào là Luật Lao động, rồi Luật Thể dục thể thao, LĐBCVN thì có Quy chế chuyển nhượng VĐV v.v.. Theo lẽ thường, khi có tranh chấp hoặc giải quyết sự việc nào đấy không thỏa đáng, các bên phải dựa vào luật và các quy định mà thực hiện.
Thế nhưng, các trường hợp trước đây như của hai VĐV Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Văn Hạnh v.v, tuy có những thỏa thuận khác giữa các bên trong hợp đồng, song khi có chuyện, đơn vị quản lý thì khăng khăng giữ, còn các VĐV lại….”chết cứng”, không thể thi đấu trong thời gian giải quyết tranh chấp. Cứ thế kéo dài chẳng bên nào được lợi mà trái lại đều thiệt thòi, trong khi đáng ra phía góp phần phân xử theo đúng tinh thần bản Quy chế do mình đặt ra là LĐBCVN thì họ lại….im lặng.
Nay, trường hợp của Thanh Thuận thì mọi việc đã khác – nhất là ở phân đoạn cuối cùng. Tuy ban đầu phía ngành thể thao Vĩnh Long cũng làm “cứng”, định gây khó nhưng trước áp lực của truyền thông, LĐBCVN khóa mới đã có tiếng nói kịp thời qua chính kiến của tân Tổng thư ký Lê Trí Trường: đồng ý Thanh Thuận là cầu thủ tự do. Mà khi liên đoàn đã đồng ý thì Vĩnh Long buộc phải “buông” vì họ biết rằng, không buông thì đàng nào liên đoàn cũng cấp thẻ mới cho Thuận, tức là công nhận quyền hành nghề chính đáng của anh ấy.
Thật ra nếu như trước đây, chỉ cần LĐBCVN có chính kiến rõ ràng thì mọi việc không phải kéo dài một cách chẳng cần thiết như thế.
Theo ông thì đang sau những mắc mứu này là gì?
NQS: Theo tôi, ta có nhiều Luật và không ít quy định nhưng chưa hoàn thiện và đòi hỏi thực tế cuộc sống bổ sung. Tuy nhiên, điều cốt lõi là khi vận dụng, các phía chịu sự điều chỉnh phải hiểu rõ mình được và không được phép làm gì, quyền và nghĩa vụ các bên có liên quan ra sao v.v. Rất tiếc, điều này ít được triển khai sâu rộng để các đối tượng chịu sự điểu chỉnh nắm bắt. Thế nên khi có chuyện, dường như phía nào cũng cho mình đúng.
Đối với thể thao nói chung, trong đó có Bóng chuyền, hiện tượng phổ biến là các cơ quan Nhà nước hay đơn vị, ngành – nói nôm na là đơn vị sử dụng VĐV, thường tự cho mình có quyền to tát, bao trùm và thưởng đẩy VĐV về thế khó.
Vì sao ư? Đó là vì thường thì phía VĐV và gia đình đâu đã am hiểu những quy định của pháp luật bằng đơn vị sử dụng, nên ngay cả trong hợp đồng, có khi quyền và nghĩa vụ của đôi bên, họ đâu đã được đọc và tìm hiểu cặn kẽ nên khi tranh chấp và cảm thấy bị thiệt. Cuối cùng, do chẳng biết trông cậy vào ai và ở thế thấp cổ bé họng nên họ đành cam chịu thiệt.
Tuy nhiên, có phải lúc nào phần thiệt cũng thuộc về phía VĐV, thưa ông?
NQS: Nhìn chung, đa phần đều như vậy. Chúng ta mới hiểu được bề nỗi qua một số sự việc, nhưng biết đâu còn hàng loạt trường hợp khác ở các cấp thấp hơn thì ai phản ánh lên giúp cho số đông VĐV còn lại?.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Hiện có khá nhiều bản Quy chế chuyển nhượng VĐV của các môn khác, như Bóng đá, Xe đạp, Bóng rỗ v.v có nhiều điểm tương đồng và khác biệt đôi chút so với Bóng chuyền. Và tựu trung các bản quy chế ấy đều tham khảo các tài liệu của Liên đoàn thể thao quốc tế từng môn, rồi nhờ sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý VN v.v. để xây dựng bản quy chế cho môn mình.
Có điều, theo tôi, trường hợp của Thanh Thuận, phía ngành thể thao Vĩnh Long “đòi” bồi thường 1,8 tỷ đồng (tính theo Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền) thì hơi quá nhưng cũng cần mọi người bình tâm xét đến, chứ không có chuyện cơ quan quản lý ở Vĩnh Long chẳng có xu nào.
Phải chăng ông phát hiện điều gì mới?
NQS: Ồ không, chị ạ. Qua theo dõi, tôi thấy các tờ báo chính thống, có tiếng tăm lâu nay như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong v.v., mỗi khi đưa tin, bài, họ rất thận trọng và nếu nêu quan điểm, đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về luật lệ và các quy định, chứ không nghiêng về bên nào. Trong khi đó, các trang mạng xã hội, họ sẳn sàng “ném đá” những ai viết nếu đụng chạm đến “thần tượng” hoặc không trùng với suy nghĩ của họ. 
Biết vậy và dù nêu quan điểm của mình có thể bị phản ứng nhưng đối với việc chị vừa nêu, tôi cũng có mấy suy nghĩ đơn giản thế này, chẳng biết có đúng không.
 Thật ra đây là một quy luật khách quan chứ không riêng gì VN ta. Giả như một gia đình nọ sinh ra một cháu bé, muốn cháu lớn lên có tri thức, có đạo đức và mau chóng thành tài giúp ích cho xã hội, không thể nào gia đình ấy tự dưỡng dục con em mình mà vẫn là phải có sự cộng hưởng từ phía nhà trường các cấp, của xã hội. Trong đó, vai trò chủ lực là của phía Nhà nước, nào là có trường học, có thầy cô, có sách vở...
Đối với VĐV cũng thế, chẳng hạn trường hợp một VĐV A nào đấy. Để trở thành nỗi tiếng cở số 1, số 2 của địa phương hay của đất nước, từ trước đến nay hầu như VN chưa có trường hợp nào tự gia đình VĐV bỏ tiền ra để thuê tất tần tật, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đội ngũ HLV, chuyên gia thể lực, tâm lý, dinh dưỡng, tiền bồi dưỡng tập luyện hay đi thi đấu v.v để tạo nên “ngôi sao” ấy. Đó là gì nếu không là tiền của nhân dân ta do Nhà nước này là chủ đại diện.
Thế nhưng khi một nơi đào luyện VĐV A đó thành tài, nhiều người chỉ nghĩ rằng dựa vào các Quy chế, VĐV A  đã đóng góp hết thời gian ghi trong hợp đồng hoặc phải trả đủ số thời gian cống hiến tương ứng với số thời gian đào tạo thì xem như xong “đường ai nấy đi”, không ai….nợ ai. Và từ đó VĐV A “được” xem là tự do và được quyền đi rao bán – giá trị chuyển nhượng của mình.
Chúng ta cũng nên nhớ một điều, khác với học sinh – sinh viên phải đóng khoản học phí nhất định và tự túc chuyện ăn ở, sau thời gian được đào tạo do Nhà nước lo hoàn toàn chi phí, đến hợp đồng sử dụng – tức giai đoạn cống hiến, các VĐV vẫn được hưởng tất cả các chế độ của Nhà nước – đại diện là đơn vị chủ quản, với chế độ đãi ngộ cao hơn, không ít nơi còn tương ứng với “giá thị trường”.
Lâu nay vẫn thế mà, thưa ông?
NQS: Thật ra điểm khác biệt tôi nêu cũng là đạo lý ngàn đời của người VN ta “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, chị ạ (cười). Thử hỏi, tài năng đó, thương hiệu cá nhân của cầu thủ A và cả thương hiệu đội bóng mà A nhờ tập thể đó để cùng nhau trưởng thành, có phải do tự thân anh và gia đình đầu tư, đi từ con số 0 có được hay chủ yếu phải nhờ Nhà nước này – trong đó đại diện là cơ quan quản lý, nơi phát hiện, đào tạo A từ giai đoạn chưa biết gì đến khi thành tài?. Rõ ràng làm gì có sự công bằng khi anh ấy bán những thứ chắc chắn không thể tự thân mình tạo lập được?. Đó là chưa kể kinh phí Nhà nước phải bỏ ra đến 5 – 7 lần ngần ấy mới có được một nhân tài như VĐV đó vì quá trình đào tạo bao giờ cũng có độ rủi ro – trong một lứa phải đào thải rất nhiều VĐV khác.
Vì thế, tôi cho rằng tất cả chúng ta phải suy xét mọi việc một cách khách quan. Tiền và công sức của Nhà nước, của nhân dân đầu tư xây dựng VĐV thì thành quả đạt được phải là tài sản chung và do nhân dân thụ hưởng. 
Thế nên, theo tôi lâu nay các “Quy chế chuyển nhượng VĐV” đều quy định việc đền bù cho đơn vị gốc là đúng nhưng mức chi trả như thế nào thì cần tiếp tục bàn bạc, tùy đặc thù mỗi môn thể thao. Chỉ khi nào VĐV A mua lại phần kinh phí do Nhà nước đào tạo ra anh và các chi phí vô hình khác (như độ rủi ro đã nêu ở phần trên, thường được đưa vào các bản quy chế) thì lúc đó, anh ấy mới được quyền rao bán thương hiệu của mình. Còn như ngược lại, mức phí chuyển nhượng sẽ bằng 0 và tiền lót tay nhiều ít, chế độ lương thưởng và những đãi ngộ khác của các đơn vị mới – nếu có, sẽ do VĐV A lựa chọn.
Tôi xin được nhắc lại, đây là suy nghĩ của cá nhân và hoàn toàn không nhắm vào cá nhân nào. Tôi mong rằng qua đây sẽ được lắng nghe thêm những ý kiến của các chuyên gia thể thao, đặc biệt là các chuyên gia về pháp lý và của mọi người yêu bóng chuyền với tất cả tinh thần xây dựng.
Và cũng như mọi khi, với tất cả tinh thần tiếp thu và sự cầu thị của mình, tôi không ngại những cuộc “ném đá” sau khi trao đổi thẳng thắn với BCSG, nếu đó đúng là những ý kiến xuất phát vì cái chung và đáng được trân trọng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH thực hiện   
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.