Cuộc đọ sức giữa hai đội nam mạnh nhất giải – Sanest Khánh Hòa và Tràng An Ninh Bình, trong trận chung kết cúp Đạm Cà Mau 2018 vào tối ngày sau cùng 04/11/2018 không chỉ cống hiến cho khán giả tại Nhà Thi đấu Đắc Nông mà cả người hâm mộ qua màn ảnh nhỏ những pha bóng hay đẹp. Tuy nhiên sẽ là trọn vẹn hơn nếu bữa tiệc thịnh soạn này gạn lọc được một số cách hành xử của một "thủ quân" không đáng để…..nhớ.
Trước tiên, cần phải nhận định rằng, đây là một trận đấu hay, căng thẳng như bao lần gặp nhau trươc đó giữa hai đội thuộc tốp hàng đầu của bóng chuyền VN nhiều năm qua. Căng thẳng từ trên sân bóng trong cuộc so tài giữa các cầu thủ, cho đến cuộc so trí từ băng ghế kỹ thuật của hai đội, nơi hai vị thuyền trưởng Trần Văn Thư (TANB) và Thái Quang Lai (S.KH) đang cầm trịch.
Sự căng thẳng ấy đôi lúc cũng lan lên đến cả vị trọng tài chính người Đồng Tháp ở trên ghế cao - điều khó giấu giếm bởi hình ảnh này thường được ống kính truyền hình lia nét mặt ông Trần Thanh Phong sau một số tình huống khó xác định bởi một phần là sự non kém trong hỗ trợ của các giám biên người địa phương vốn là những trọng tài ở các môn thể thao khác lấp vào.
Tuy nhiên, điều người xem đễ cảm nhận là sau một vài pha bóng có thể dẫn đến gây tranh cãi, chủ công của đội bóng phố biển Nha Trang trong vai trò thủ quân là Từ Thanh Thuận trên sân thường đến gặp ông Phong để phân bua, đôi co, thắc mắc, khiếu nại, nhất là thời điểm cuối ván 3 (Sanest Khánh Hòa thua 29/31) và khoảng hơn nửa chặng đường của ván 5 (Sanest thắng 15/11).
Công bằng mà xét, về luật, đây là điều cho phép đối với thủ quân trên sân: “Khi bóng ngoài cuộc, chỉ đội trưởng trên sân được quyền nói với trọng tài: Đề nghị trọng tài giải thích hoặc làm rõ điều luật cũng như các thắc mắc về đội mình. Nếu đội trưởng trên sân không đồng ý với cách giải thích của trọng tài thì được khiếu nại, nhưng phải cho trọng tài thứ nhất biết việc ghi khiếu nại vào biên bản thi đấu khi trận đấu kết thúc”.
Về mặt phương pháp trọng tài, việc đội trưởng trên sân của Sanest Khánh Hòa luôn đến thắc mắc về các lỗi nhận định, tức bóng – trong, ngoài, chạm hoặc không chạm lưới; các lỗi kỹ thuật như “dính bóng”, “đúp bóng”, xác định bóng có chạm tay hoặc không, bóng đánh qua lưới hay chưa...thì lẽ ra vị trọng tài thứ nhất sẽ không khoát tay từ chối mỗi khi anh ta đến gần mà ở lần đầu tiên, ông vẫn phải tiếp xúc, lắng nghe và đánh giá, nếu đó không phải là những “đề nghị giải thích hoặc làm rõ điều luật”, tức bóng đánh 4 lần, 2 lần chạm bóng, phát bóng bằng cách dùng 2 tay, hội ý lần thứ 3 trong 1 hiệp... trọng tài phải nhắc nhở cho đội trưởng hiểu rằng họ không được phép nêu các thắc mắc, khiếu nại về “nhận định lỗi” và nếu tái phạm từ lần thứ 2 trở đi, đội bóng của anh (chị) ta sẽ bị phạt lỗi trì hoản.
Điều lạ là từ trước đến nay hiếm khi thấy các VĐV là “đội trưởng trên sân” của các đội bóng VN - từ CLB cho đến đội tuyển quốc gia, đến “làm mình, làm mẩy” với các trọng tài nước ngoài ở các giải quốc tế. Nhiều người am hiểu thường ví von: Nơi đó - sân chơi quốc tế, họ là những “chú mèo” dễ bảo, còn trong nước thì các hình ảnh như trận chung kết nam vừa qua thường luôn được lập lại. Nguyên do vì sao?: Rào cản ngoại ngữ ư?” - Chưa hẳn!, hay Trọng tài VN kém ư? Chưa chắc!.
Có điều, đó chỉ là một số hiện tượng của các đội trưởng đang là “Sao”. Mà đã là “Sao” thì dù có làm điều gì không chuẩn, người ta vẫn dễ dàng bỏ qua.
Tuy thế, điều may mắn là bóng chuyền VN vẫn còn không ít những đội trưởng mẫu mực, biết hành xử đúng khuôn khổ của luật lệ, vừa bảo vệ quyền lợi của đội, vừa tỏ thái độ đúng đắn trước công chúng. Họ là ai nếu không phải Hà Thu Dậu (Bưu điện Hà Nội), Phạm Thị Yến (Thông tin Liên Việt Postbank), Bùi Thị Huệ (Thái Bình), Nguyễn Thị Ngọc Hoa (VTV Bình Điền Long An), Phạm Minh Dũng (Thể Công), Giang Văn Đức (Tràng An Ninh Bình), Ngô Văn Kiều (Sanest Khánh Hòa)…
Với những đội trưởng mẫu mực như thế, họ không chỉ là “Sao”, bởi sao thì có lúc sẽ vụt tắt. Họ đã, đang và mãi là những “Tượng đài” của bóng chuyền Việt Nam trong lòng người hâm mộ.
Ảnh: AVC
TRUNG NGÔN
Đăng nhận xét