Chuyện Tổng thư ký Lê Trí Trường bị "Thanh trừng nội bộ" cần nói lại cho chính xác!

Chuyện Tổng thư ký Lê Trí Trường bị "Thanh trừng nội bộ" cần nói lại cho chính xác!
Mới đây, thông tin trên trang Thể thao của một tờ báo có tiếng thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trong tốp đầu cả nước và một phụ trang thể thao của một tờ báo khác của TPHCM có đăng sự kiện về Bóng chuyền Việt Nam rục rịch có sự thay đổi thành phần “kiến trúc thượng tầng”.
Để bạn đọc gần xa có thêm thông tin quanh vấn đề này, BCSG Online xin giới thiệu cuộc trao đổi với Người Quan sát (NQS) để rộng đường công luận.
Khác với những lần trước, lần này BCSG đã chủ động tìm gặp để nhờ ông có ý kiến về chuyện của TS Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN nhiệm kỳ 5, người nhiều khả năng sẽ “bị” đá văng khỏi chức vụ đương nhiệm mà một vài tờ báo vừa thông tin….
Ông có đọc về thông tin này?
NQS: Thật ra thông tin này không mới. Chuyện một vài cán bộ tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng có chức vụ kha khá ở Tổng cục Thể dục thể thao cũng vừa được rút về đơn vị chủ quản đã cho thấy sẽ có nhiều nhân vật chủ chốt khác của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao sẽ phải trở về đúng vị trí của mình theo quy định.
Xin ông cho biết quy định ấy là như thế nào?
NQS: Thật ra trong Nghị định số 45/2010/NQ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, rồi Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, cũng không quy định về vấn đề này song theo tôi được biết, lâu nay, để đạt hiệu quả cao trong công việc và thuận tiện trong công tác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có lệ bất thành văn, được mặc định và quán triệt chung: 1. Những cán bộ hiện là công chức, viên chức đang công tác tại cơ quan Tổng cục thể dục thể thao tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp có trụ sở đóng tại 36 Trần Phó, quận Ba Đình, Hà Nội theo phương thức “2 trong 1” xem như không thuộc diện cán bộ biệt phái; 2. Những cán bộ từ nơi khác chuyển về tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp có trụ sở đóng tại Tổng cục thể dục thể thao sẽ không được tiếp tục nhiệm vụ chuyên trách tại các tổ chức này mà phải trở về công tác ở đơn vị quản lý trực tiếp theo quy định vì đó là cán bộ thuộc diện biệt phái.
Thế trường hợp Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) dự kiến trình Ban chấp hành, Ban Thường vụ để đề cử ông Đào Xuân Chung, Trưởng Bộ môn Bóng chuyền Tổng cục Thể dục thể thao vào Ban chấp hành là không vi phạm quy định của ngành, thưa ông?
NQS: Thì tất nhiên là không có vấn đề gì vì nơi làm việc của Bộ môn Bóng chuyền và Văn phòng Liên đoàn của VFV đều đặt cùng một chổ, tầng 5 của một tòa nhà thuộc Tổng cục TDTT. Đây không phải là cá biệt vì có đa số các trường hợp các cán bộ tham gia ở hầu hết các hội, liên đoàn khác đều tuân thủ đúng quy định này: nơi làm việc của hai tổ chức phải là 1.
Ông Đào Xuân Chung tham gia với tư cách Trưởng Bộ môn, làm vai trò “cầu nối” giữa cơ quan quản lý và tổ chức xã hội nghề nghiệp thì có gì là không tốt? Đáng ra, khi ông Chung được bổ nhiệm vào vị trí này thay người tiền nhiệm là ông Trần Phú Đằng nghỉ hưu theo chế độ và Ban chấp hành khiếm khuyết thêm một số vị trí ủy viên vì những nguyên nhân khác nhau, thì VFV phải tiến hành bổ sung ông Chung vào thay ngay, có thể cùng thời điểm bổ sung ông Thái Bữu Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Phân bón Bình Điền.
Còn đối với một vài trường hợp khác, chiếu theo quy định nội bộ ngành, cụ thể là đối với Liên đoàn Bóng chuyền VN, hai ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) và Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên chuyên trách thuộc Ban Thi đấu (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) sẽ buộc phải trở về đơn vị gốc theo quy định. Thực tế thì ông Nguyễn Văn Hùng đã về công tác ở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mấy tháng nay.
Như vậy, có hay không câu chuyện “Lãnh đạo VFV đã có văn bản thông báo đến các ủy viên BCH VFV về việc sẽ trả ông Trường về Trường đại học TDTT Bắc Ninh vì Bộ VH-TT-DL đã có chỉ đạo dừng biệt phái cán bộ nhà nước sang các tổ chức xã hội nghề nghiệp”?
NQS: Theo tôi, đây là một viện dẫn do thiếu thông tin và có thể, không khéo sẽ đưa dư luận vào mối rối mù và không loại trừ khả năng theo dụng ý không trong sáng của một cá nhân hay nhóm người nào đó.
Theo thông tin có được, tôi xin khẳng định, ngày 24/5/2018, ông Lê Trí Trường đã có Giấy đề nghị, gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, Phòng Tổ chức cán bộ Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, trong đó sau khi trình bày lý do “Theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không cho phép cán bộ của nhà trường được biệt phái sang tổ chức xã hội nghề nghiệp và đề xuất nguyện vọng cá nhân”, nên ông Trường nêu “Với nguyện vọng của cá nhân được quay về trường để tiếp tục công việc của mình. Kính đề nghị Ban Giám hiệu Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Phòng Tổ chức cán bộ Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tạo điều kiện cho tôi làm các thủ tục cần thiết theo quy định”.
Trên cơ sở đó, ngày 09/7/2018, trong Công văn số 528/TDTTBN-TCCB của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh gửi Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam về việc công tác cán bộ do GS.TS Nguyễn Đại Dương – Hiệu trưởng nhà trường ký, có nêu “Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh dự kiến thôi không biệt phái ông Lê Trí Trường làm Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, tiếp nhận và phân công công việc cho ông Lê Trí Trường tại trường theo quy định. Trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh kính đề nghị Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xem xét và cho ý kiến thống nhất bằng văn bản để nhà trường hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận ông Lê Trí Trường theo quy định”.
Mọi chuyện đã lộ diện nên nếu cho rằng “Đã có dấu hiệu “thanh trừng nội bộ” trong VFV loại ông Trường khỏi cuộc chơi. Lãnh đạo Tổng cục TDTT đã nắm bắt được vấn đề nổi cộm này chưa hay biết mà ngó lơ?” là một lập luận thiếu căn cứ.
Thế còn nhận định, rằng suốt 3 năm qua, ông Lê Trí Trường đã có những hoài bảo, những ý tưởng đổi mới và đã đóng góp nhiều nhưng tiếng nói của ông không trọng lượng nên mọi việc đi vào ngỏ cụt thì sao, thưa ông?
NQS: Việc đánh giá mỗi con người, dù ở cương vị nào cũng cần thận trọng và được quan sát dưới nhiều góc độ. Về Tổng Thư ký Lê Trí Trường, theo tôi, ông là người hiền lành, đạo đức, năng động, có tư duy đổi mới, biết lắng nghe. Song dường như ông không thuộc mẩu cán bộ quản lý ở tầm vĩ mô do mối quan hệ còn nhiều hạn chế. Có lẽ nên đặt lại ông Trường ở Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh trong vai trò quản lý giáo dục sẽ giúp ông phát huy năng lực tốt hơn.
Thực tế cho thấy, trong suốt 3 năm vừa qua, các nhân vật chủ chốt của Ban chấp hành khóa mới, đặc biệt là Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách vận động tài chính và ngay cà Tổng Thư ký, đã không tìm được đồng nào cho hoạt động của liên đoàn, mà chỉ toàn xài của “để dành” từ các nhiệm kỳ trước.
Theo quy luật, muốn người ta chi tiền cho tổ chức nào đấy thì bản thân tổ chức phải có thương hiệu. Thương hiệu ở đây là những việc làm được, những hiệu quả mang lại từ thành tích, kết quả chuyên môn của các đội tuyển, từ tổ chức hệ thống thi đấu, từ việc quản lý đội ngũ HLV, VĐV, trọng tài các cấp, từ công tác xây dựng lực lượng, từ công tác quan hệ quốc tế, từ việc phát triển phong trào bóng chuyền trong các lực lượng xã hội v.v.
Nhưng thực tế diễn ra không khá, thậm chí có nhiều mặt kém hơn hẳn các nhiệm kỳ trước. Rõ ràng, cải tổ hệ thống thi đấu đỉnh cao bằng cách rút gọn số đội thi đấu ở giải Vô địch quốc gia là điều đã được xác định lộ trình từ nhiệm kỳ trước và đó lại là sản phẩm từ Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền” được tổ chức vào ngày 25/11/2016 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các câu lạc bộ, nhà quản lý, chuyên gia, nhà tài trợ và các phóng viên báo chí cả nước. 
Thế nhưng, việc hai đội tuyển nam nữ quốc gia – đặc biệt là tuyển nữ BCVN tụt xuống hạng 3 SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia sau hàng thập niên chỉ xếp sau Thái Lan, rồi việc tuyển chọn tinh hoa tham gia đội tuyển thì nhiều người không có thành tích gì đáng kể ở cấp câu lạc bộ, còn đội bóng do ông (bà) ta chỉ xếp hạng làng nhàng, thậm chí xuống hạng ở giải Vô địch quốc gia v.v cũng “mặc định” được gọi làm HLV đội tuyển quốc gia, hay như chuyện cục bộ, phe cánh, bè phái trong việc mời gọi giám sát, trọng tài đến độ có lời truyền miệng rộng khắp giới bóng chuyền cả nước, đại loại “Trước đây thì có Liên đoàn Bóng chuyền Dục Tú (một làng thuộc huyện Đông Anh – Hà Nội) và nay là Liên đoàn Bóng chuyền Từ Sơn v.v còn to hơn và khuynh đảo cả mọi chuyện ở Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia”, thế ai chịu phải trách nhiệm những việc này ngoài một số người có trách nhiệm ở Bộ môn Bóng chuyền Tổng cục Thể dục thể thao trước đây hay giờ là Ban Thường vụ, trong đó có vai trò cực kỳ quan trọng của Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Liên đoàn?
Nói như thế để thấy rằng, chẳng cần đến cuối năm sau – 2019, sẽ khép lại nhiệm kỳ 5, có lẽ muốn tiến lên vững chắc và đúng định hướng, Bóng chuyền Việt Nam cần chuyển động mạnh mẽ, trước hết là cải tổ triệt để về mặt tổ chức bộ máy, nhân sự chủ chốt ngay từ bây giờ.
Xin cảm ơn ông về những trao đổi thẳng thắn này.
TRỌNG LINH
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.