Nỗi lòng trên khán đài.... Biết đến khi nào?

Sân ngoài trời - Cung Văn hóa Lao động nghẹt khán giả
Kết thúc cúp bóng chuyền tứ hùng TPHCM 2017 tại nhà thi đấu Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận), tiếp tục là giải phong trào vô địch TPHCM 2017 ở nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11), cho thấy lãnh đạo bóng chuyền thành phố có nhiều cố gắng trong việc tạo một sân chơi đa dạng về phong trào cũng như chuyên môn cho bóng chuyền TPHCM. Các giải đấu nhìn chung được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng chuyên môn tốt.
Chỉ còn một điều trăn trở cho những người làm công tác bóng chuyền TPHCM là khán đài cả hai giải đấu đều trống vắng, rất ít khán giả đến xem.
Để tìm một câu trả lời cho hiện trạng này, BCSG có cuộc trao đổi với chuyên gia Huỳnh Thúc Phong, từng là VĐV, HLV bóng chuyền TPHCM nhiều năm, hiện đang sưu tầm và lưu giữ rất nhiều hình ảnh tư liệu về bóng chuyền Sài Gòn – TPHCM  xưa. 
Ông đánh giá thế nào về thực trạng khán giả rất ít ở các giải thi đấu bóng chuyền ở TPHCM hiện nay? 
Không phải chỉ ở giải thành phố mà ở các giải đội mạnh quốc gia hiện nay cũng rất ít khán giả, điều này là bình thường, khán giả bây giờ khác với khán giả trước đây về điều kiện xã hội, nhu cầu, thông tin… Biết vậy, nhưng chắc cũng như tôi, những người từng yêu thích bóng chuyền TPHCM cũng hơi “chạnh lòng” khi nhìn lên khán đài vắng vẽ khán giả, biết đến khi nào bóng chuyền TPHCM mới trở lại thời kỳ đỉnh cao như trước đây. Khán giả góp phần cho chất lượng chuyên môn, là thước đo mức độ thành công cho một giải thi đấu, đây là bài toán khó cho những người làm công tác quản lý bóng chuyền TP HCM.
Rất nhiều người ở thế hệ hiện nay không biết về bóng chuyền thành phố trước đây, Ông có thể nói thêm về khán giả thời kỳ bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM đỉnh cao?
Bóng chuyền là môn được nhiều người yêu thích ở TPHCM, sau ngày giải phóng Sở TDTT TP HCM bắt đầu tổ chức giải hạng A dành cho các đội mạnh như: Công nhân Hóa chất, Quân đoàn 4, Trường Trung cấp TDTT TW2, Cảng Sài Gòn, Cơ khí Luyện kim, Công ty Vật tư Xăng dầu… và giải hạng B dành cho các đội phong trào. Sau này ngày có thêm nhiều đội tham gia như: In số 2, Ba Son, Vissan, Thanh niên xung phong, Vật liệu xây dựng, Cơ khí Đồng tâm, Thức ăn Gia súc An Phú, Quân khu 7, Công an, Vifon, Điện lực, Dược phẩm 24, nhà Văn hóa Thanh niên… Giải đấu được phân thành các hạng A1, A2, B, các trận đấu tranh giải toàn thành ở các sân NVH Thanh niên, nhà VH Lao động, Phan Đình Phùng… luôn đông đúc khán giả đến xem. Nhiều trận thi đấu ở sân Phan Đình Phùng cũ hoặc mới đều không còn chổ trống, khán giả phải đến trước nhiều giờ để tìm cách được vào xem, một hình ảnh thân quen, nhiều cảm xúc của bóng chuyền Sài gòn – TPHCM một thời. Những trận đấu “Derby” trong suốt một thời gian dài giữa các đội Quân đoàn 4 – Hóa chất – Cơ khí Luyện kim - In 2, Dệt Thành Công – Công An – Seaprodex… luôn có sự cạnh tranh quyết liệt, nguyên nhân chính là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của người hâm mộ bóng chuyền thành phố. Chắc chắn những trận đấu như: Hóa chất – Thể Công (3/0) năm 1983, Thể Công – CK Luyện kim (3/0) 1983, Hóa chất  - In 2 (3/2) năm 1987, Seaprodex – Thể Công (3/2) năm 1989, Dệt Thành Công – Công An TP (3/2) năm 1995… sẽ luôn là những kỷ niệm đẹp của các VĐV, những người hâm mộ BC Sài Gòn – TPHCM.
Ông có thể phân tích một số nguyên nhân bóng chuyền TP HCM không còn thu hút được khán giả?
Đầu tiên là công tác tổ chức bóng chuyền hiện nay không còn phù hợp, không có gì mới để thu hút khán giả đến xem, có quá nhiều trận đấu diễn ra buồn tẻ, mọi người đã dự đoán được kết quả, vậy thì họ đến sân làm gì ? Ban tổ chức nên nghiên cứu kỹ về đối tượng khán giả, đa số là các bạn trẻ, họ đến sân không chỉ để xem 2 đội thi đấu, điều này chúng ta có thể nhìn thấy ở các giải đấu Quốc tế. Ví dụ giải Quốc tế VTV Bình Điền Long An vẫn thu hút lượng khán giả đông đúc do những sắc màu giao lưu từ các đối tượng tham gia. Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) gần đây cũng mang đến nhiều mới lạ cho khán giả trẻ không chỉ về chất lượng chuyên môn từ các ngoại binh, tính cạnh tranh sân nhà – sân đối phương, các hình thức giao lưu kết nối sôi động giữa khán giả với VĐV cũng là những yếu tố góp phần thành công cho giải đấu.
Để cải thiện thực trạng ít khán giả của bóng chuyền TPHCM hiện nay, ý kiến của ông như thế nào ?
Theo tôi có hai yếu tố, một là nên thay đổi hình thức, phương pháp, đối tượng … ban tổ chức phải luôn mang lại sự mới lạ, hấp dẫn cho khán giả, ví dụ giải bóng chuyền Indonesia do một công ty chuyên nghiệp tổ chức, họ thuê ban giám sát, trọng tài lo chuyên môn, khán giả đến xem bóng chuyền sẽ còn có cơ hội giao lưu với nhiều “chiêu trò” phong phú. Đưa giải đấu vào trường học, siêu thị, tỉnh lẻ như Thái Lan cũng là một gợi ý. Hai là các nhà quản lý đội bóng phải giáo dục cho VĐV ý thức tôn trọng khán giả, khi đã bước vào sân là phải thi đấu quyết tâm, cống hiến hết khả năng cho đến kết thúc trận đấu. Khán giả sẽ luôn ủng hộ các đội có phong cách thi đấu nhiệt tình và nỗ lực, đây là yếu tố mang tính quyết định, điều này đã được kiểm chứng trong quá khứ từ các giải đấu ở TP HCM.
CLB Phan Đình Phùng từng là "Thánh địa" bóng chuyền TPHCM
HLV VUI VẺ
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.