Kỹ thuật cơ bản chuyền một - đỡ phát bóng vẫn chưa vững thì BCVN còn khó khăn dài dài...
Việc mới đây Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã mời được chuyên gia người Nhật Bản Hidehiro Irisawa sang giúp dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham dự giải Vô địch châu Á 2017 tại Philippines và sau đó dự SEA Games 29 vào cuối tháng 8/2017 tại Maylaysia, có thể xem là một trang mới đối với Bóng chuyền nữ VN.
Song, không chỉ do thất bại trước chủ nhà Philippines 1 – 3 tại giải Vô địch châu Á - SMM 2017, nhiều người mới chợt nghĩ đền chuyện Ban các đội tuyển của LĐBCVN và các CLB đang đào tạo tài năng Bóng chuyền trẻ nữ cần phải nhìn lại.
Câu chuyện không lâu….
Còn nhớ cách đây hơn một thập niên, người Philippines đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cho Bóng chuyền nữ và ĐTQG của họ chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngôi vị hạng Nhì với VN tại các giải đấu cấp khu vực Đông Nam Á (sau Thái Lan). Và tại SEA Games 22 – 2003 diễn ra ở Nam Định và Ninh Bình, một minh chứng điển hình có lẽ nhiều người trong giới chuyên môn còn nhớ rõ, rằng khi ấy đội tuyển nữ VN đã giành HCB một cách vất vả với chiến thắng 3 - 1 trước Philippines. Và lần này, họ đã mặt trở lại ở sân chơi cấp khu vực và châu lục.
Chưa hết, vào năm 2010, không chỉ khán giả cả nước theo dõi qua màn ảnh truyền hình giải Bóng chuyền Trẻ nữ U19 Đông Nam Á năm 2010 được tổ chức tại Nhà Thi đấu tỉnh Bắc Ninh (từ 05 đến 09/9) mà từ trước ngày vào giải, ngay cả những nhà quản lý bóng chuyền VN có lẽ cũng chẳng thể hình dung một kết cục có thật, rằng đội trẻ nước chủ nhà sẽ không có tên trong hai hạng đầu sau vòng đấu bảng (chỉ thắng Malaysia 3 – 0, thua Indonesia 1 – 3, Thái Lan 0 – 3) và phài tranh bán kết với Trẻ Indonesia (hạng Nhì) với tư thế đội xếp thứ 3 trong tổng số…4 đội tham dự giải (!).
Rồi trong lần tái đấu với các đối thủ đến từ xứ sở Vạn đảo vào tối ngày 08/9, Trẻ VN lại thất bại nặng hơn, 0 – 3 trước Indonesia. Và cho dù sau cùng họ lại vượt qua đội được đánh giá yếu nhất là Malaysia với tỉ số 3 - 0 trong trận tranh hạng Ba chung cuộc vào tối ngày 09/9, thì Trẻ nữ VN cũng được xem như không đạt được mục tiêu ban đầu: có mặt ở trận chung kết của giải!.
Bài học về sự thất bại trước đối thủ Indonesia của Bóng chuyền trẻ nữ VN trên sân nhà vào năm 2010 vẫn sờ sờ: nếu ở giải Trẻ U19 Đông Nam Á đã thua “muối mặt” thì ngay sau đó, đến giải Trẻ U20 Châu Á – Cúp Salonpas (từ 12 đến 20/9, tại TPHCM), các học trò của vị chuyên gia người Trung Quốc Rong Han Yan cũng chỉ thắng 1 (New Zeland 3 – 0), thua đến 5 (Kazakhstan 0 – 3, Thái Lan 0 – 3, Nhật Bản 0 – 3, Trung Hoa Đài Bắc 0 – 3 và……Indonesia 0 - 3), xếp hạng 8/15.
Đó là chưa kể đến một sự may mắn khi do ưu tiên là nước chủ nhà, VN được xếp vào bảng duy nhất có 3 đội (3 bảng còn lại đều có 4 đội – NV) nên sau khi thắng 1, thua 1, xếp nhì bảng D được lọt tiếp vào vòng 8 đội chứ nếu không, chưa thể biết còn thứ hạng nào thấp hơn sẽ dành cho U20 nữ VN lúc ấy.
Thế nên sau một thời gian dài không còn “ngẫng” lên để nhìn xem Bóng chuyền nữ Thái Lan đã “bỏ” xa đến đâu và cũng chưa trông lại phía sau để biết, các cô gái U20 Indonesia ngày ấy qua 7 năm đã tiến bộ cở nào nên giờ đây, việc thất bại không chỉ một lần tại VTV Cúp 2017 là chuyện tất yếu.
Bây giờ có lẽ là thời điểm mà khi bình tâm lại, các nhà hoạch định cho chiến lược đào tạo bóng chuyền Trẻ VN trong thời gian qua mới cảm thấy lo lắng thật sự. Bởi khi so sánh tương quan lực lượng trong khu vực Đông Nam Á, chẳng những VN khó lòng đuổi kịp Thái Lan mà nay lại có thêm người Indonesia vượt qua mặt.
Ngủ quên hay do tư duy chủ quan của các nhà hoạch định chính sách?
Rõ ràng, khi xem xét lại vấn đề đào tạo về chuyên môn, cách làm lâu nay của BCVN dường như chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong khâu đào tạo kỹ thuật cơ bản ban đầu giữa các “lò” - tức từ phía các địa phương hay từng câu lạc bộ.
Đơn cử, mỗi khi “ráp” quân ở cấp độ đội tuyển trẻ chẳng hạn, độ vênh về trình độ kỹ thuật khi phối hợp chiến thuật giữa các cầu thủ khá lớn, dễ thấy nhất là mỗi khi thực hiện chắn bóng tập thể hay tổ chức các miếng phối hợp tấn công nhanh – lao khu vực giữa lưới và số 4, một chân sau đầu ở vị trí số 2 v.v., thường chỉ những nhóm VĐV chuyền hai và tấn công ỏ cùng 1 “lò” hay cùng CLB mới tỏ ra ăn ý hơn cả. Điều này trái ngược với cách làm của người Thái Lan. Đó là còn chưa kể đến tư duy của các HLV ở không ít CLB trong việc huấn luyện thể lực, một số “lò” chuyên sử dụng các bài tập sức mạnh thiên về phát triển cơ tứ đầu đùi làm cho cơ đùi to đùng có lợi về sức mạnh bột phát nhưng điều “lợi bất cập hại” là VĐV chóng bị chấn thương, tuổi thọ thể thao ngắn...
Cũng nên nhắc lại, trước đây khoảng 15 – 20 năm, Bóng chuyền trẻ VN thường bị “lỗi hệ thống” vì nhiều nơi khai không đúng tuổi thật của VĐV năng khiếu ban đầu, cốt chỉ để chạy theo thành tích báo cáo với địa phương mình. Hậu quả là thành tích của số VĐV nầy chỉ tốt “tức thời” ở các giải Trẻ quốc gia, Hội khỏe Phù Đổng, giải lứa tuổi v.v nhưng càng về sau, độ tăng tiến của các cầu thủ “cụ non” đương nhiên sẽ chậm hơn so với sự phát triển đến những cột mốc cao hơn đáng ra họ phải đạt đến.
Chưa hết, từng có thời gian dài xảy ra tình trạng VĐV được gọi tập trung đội tuyển trẻ tìm cớ để từ chối lên tuyển, vì không ít địa phương tỏ ra không tin tưởng HLV các địa phương khác được bố trí có nhiều năng lực hơn HLV của họ (!?).
Thực tế cho thấy đã có không hiếm trường hợp các HLV - “máy cái” được chọn làm công tác huấn luyện cho các đội trẻ của khu vực hay Trung tâm HLTTQG, có kỹ thuật cơ bản chưa thật chuẩn, đủ để tạo niềm tin cần thiết cho các địa phương khi gửi quân. Một hiện tượng khác là cầu thủ bóng chuyền trẻ VN hầu hết thời gian trong năm đều do các địa phương hoặc CLB tự quản và đặc biệt khi tập trung lên tuyển, họ lại bị cảnh “quân anh, quân tôi”, góp phần làm thui chột tài năng cho quốc gia. Việc tập trung quân tại một số Trung tâm nhưng công tác đào tạo, huấn luyện ở những nơi này có lúc thiếu sự kiểm tra, đánh giá theo định kỳ để so sánh độ tăng tiến, có bổ sung, thải hồi v.v.
Trong khi đó, lâu nay cách làm của Bóng chuyền Thái Lan lại khác biệt hoàn toàn so với VN. Họ tập trung thời gian dài trong cả năm từ 4 đến 5 đội trẻ nữ thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ từ thấp đến cao và chỉ cho trở về CLB “mượn lại” khi cần thi đấu các giải trong nước. Các đội tuyển Trẻ này được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên, đơn cử như trong năm 2010: dự giải Bóng chuyền Cúp VTV Bình Điền (từ 16 – 24/1, tại Gia Lai) và giải U20 châu Á là một đội hình, nhưng ở hai giải VTV Ferroli Cup (25 đến 31/7, tại Đắc Lắc) và giải U19 Đông Nam Á lại là hai đội hoàn toàn khác.
Còn VN thì làm ngược lại: nguồn không nhiều nhưng trong nước chỉ có giải Vô địch Trẻ toàn quốc và giải Trẻ các CLB, còn kế hoạch thi đấu quốc tế hằng năm cho các đội tuyển Trẻ QG lại khá ít nên các cầu thủ VN thiếu hẳn kinh nghiệm mỗi khi ra trận ở các sân chơi lớn.
Xét cho cùng, ngoài việc đành chịu “ẩn mình” dài lâu phía sau các đồng nghiệp người Thái ở khu vực Đông Nam Á, việc thất bại của đội tuyển Trẻ hoặc đội tuyển quốc gia VN thời gian gần đây ở các giải quốc tế, giải cấp châu lục hoặc thậm chí ở SEA Games 29 sắp tới hóa ra lại là điều hay bởi có khi nhờ thế, những giới chức có trách nhiệm ở Ban các đội tuyển thuộc LĐBCVN thêm dịp để soi rọi lại cách làm của mình, từ đó có sự tự điều chỉnh, uốn nắn nếu không muốn BCVN sẽ tụt hậu xa hơn trong thời gian tới.
Ảnh: AVC
ĐINH TRẦN NGỌC LÂM
Đăng nhận xét