Từ Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu Bóng chuyền” do Liên đoàn Bóng chuyền VN tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/11/2016, cơ cấu số đội lên xuống hạng giữa giải Vô địch quốc gia và hạng A toàn quốc đã có sự thay đổi, bắt đầu kể từ mùa giải năm 2017.
Theo đó, sự thay đổi này được thực hiện theo lộ trình – lên 1, xuống 2 để đến năm 2019, giải VĐQG còn đúng 10 đội nam và 10 đội nữ tranh tài.
Thấy gì ở giải hạng A?
Theo giới chuyên môn, nếu như ở giải VĐQG, việc giảm dần số đội theo kết luận tại hội thảo có thể xem là bước đi thích hợp nhằm góp phần nâng cao chất lượng giải đấu hạng cao nhất quốc gia, thì việc tổ chức thi đấu ở giải hạng A cần được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn nhằm nuôi dưỡng “chân đế” – phong trào bóng chuyền ở bên dưới.
Rõ ràng, nếu ở giải nam, hiện có khoảng 17 – 18 đội thường xuyên tham dự các mùa giải gần đây đã chứng tỏ sự ổn định thì ở giải nữ, hiện chỉ còn 7 đội góp mặt.
Thử hỏi, có nền bóng chuyền của quốc gia nào mà số đội hạng dưới lại chỉ bằng gần phân nữa số đội hạng trên liền kề? Và một câu hỏi khác được đặt ra, lâu nay Bóng chuyền thường tự xem là môn thể thao có số người chơi và số người hâm mộ đứng hàng thứ 2, sau Bóng đá – kể cả trên thế giới và ở VN, điều này liệu có còn đúng?
Tuy chưa có cuộc điều tra xã hội học song theo một thống kê được công bố gần đây thì về số lượng người chơi trên thế giới hiện nay, Bóng đá là số 1, Cricket (còn gọi là bản cầu; mộc cầu; tường cầu) số 2, Quần vợt thứ 3 và Bóng chuyền không hiểu đang xuống hàng thứ bao nhiêu? Còn ở VN, chỉ cần làm một phép tính đơn giản thông qua số liệu cung cấp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, thành, thì chắc hẳn mỗi địa phương cũng không còn mấy người tập luyện thường xuyên môn Bóng chuyền như thời 20 - 30 năm trước.
Thế nên, liệu có thể xem sự sụt giảm này là vấn đề hệ trọng và cần được mổ xẻ một cách nghiêm túc để có sự quan tâm đến số “vốn quý” còn sót lại ở bên dưới – số đội bóng thuộc hạng 2 của Bóng chuyền VN, đã và đang “thoi thóp” để tồn tại?
Tại sao cần xem là “vốn quý”?
Riêng với 7 đội nữ đang thi đấu vòng bán kết giải hạng A năm 2017 tại Quảng Bình (từ 22 đến 31/7), có thể thấy có 2 đội là lực lượng hậu bị cho đội lớn và hoàn toàn không được phép “nhìn lên” sân chơi của các đàn chị - Trẻ TPHCM và nữ Hà Nội. Năm đội còn lại thuộc các địa phương đầu tư bằng tiền ngân sách, gồm Hậu Giang, Nghệ An, Hưng Yên, Thái Nguyên, Yên Bái. Thế mới thấy, chuyện được thăng hạng – dù nay chỉ còn 1 suất duy nhất, dường như không đội nào dám mơ ước – một nghịch lý tưởng chừng chỉ có trong thể thao, cụ thể là đối với Bóng chuyền VN.
Thế nhưng từ lâu, chuyện “đầu tư mồi” để tiếp sức cho lực lượng này hầu như bị bỏ ngỏ.
Từ đây người ta đặt câu hỏi, do chẳng hề được hưởng quyền lợi gì thì đổi lại, nếu địa phương cho rằng họ cũng không có nghĩa vụ để đầu tư hàng năm ít nhất khoảng 400 - 500 triệu đồng để nuôi quân, thì Bóng chuyền VN sẽ còn mấy đội nam, nữ ở tuyến dưới?
Rõ ràng, một khi đầu ra “teo tóp” thì lãnh đạo địa phương có quyền nghĩ đến chuyện giải tán Bóng chuyền để tập trung đầu tư nguồn kinh phí từ ngân sách vốn ít ỏi sang môn khác. Nhưng không, điều đáng quý ở chổ, lần lượt Yên Bái, Thái Nguyên, Nghệ An, Hậu Giang, Hưng Yên, Đắc Lắc (trước đây) đều giữ lại đội Bóng chuyền nữ mà không hề đặt nhiều tham vọng hay tạo bất kỳ áp lực chỉ tiêu nào cho đội bóng và hàng năm, họ đều cử đội tham gia giải hạng A, dù thành tích đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Rất cần sự tiếp sức để giữ lữa…
Nhiều người cho rằng, cần có sự quan tâm đúng mức đến giải hạng A như để giữ lữa đam mê - từ lãnh đạo ngành ở địa phương mỗi khi có chất vấn từ các cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh chẳng hạn, cho đến đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, vận động viên các đội bóng chuyền bên dưới.
Thực tế cho thấy, ở giải nam, sau khi thi đấu 6 – 7 trận và bị loại từ vòng bảng, các đội hầu như không còn cơ hội thi đấu chính thức suốt thời gian còn lại trong năm. Giải nữ cũng tương tự, 2 đội đứng thứ 6 và thứ 7 ở vòng bán kết cũng nghỉ hẳn trong khi cơ quan quản lý ở địa phương phải bỏ tiền nuôi quân quanh năm và biết đâu, một khi lòng kiên nhẫn của các lãnh đạo cạn dần, thì khó khăn vô vàn tất ập đến với đội bóng: cắt giảm quân số, cân đối lại các chế độ theo hướng thấp hơn...
Thế tại sao lại không thể tổ chức nhiều vòng đấu hơn để tạo cơ hội cọ xát cho cầu thủ và thầy trò họ không phải khổ sở chịu điều tiếng “ăn không, ngồi rồi” như thường thấy?
Cụ thể, ở giải nam, chỉ cần điều chỉnh về thể thức thi đấu 2 vòng đầu tiên (vòng bảng và bán kết) sang thi đấu vòng tròn 2 lượt ở mỗi khu vực Nam – Bắc, sau đó vòng chung kết sẽ gồm 3 – hoặc 4 đội đứng đầu sau 2 lượt. Với giải nữ cũng không khác, bắt đầu nhập cuộc từ vòng 2 (lượt về) giải nam – xem như lượt đi giải nữ, và vòng chung kết giải nữ hiện nay chính là lượt về, lấy kết quả 2 vòng chọn 4 đội đứng đầu thi đấu bán kết và chung kết. Như thế, hàng năm mỗi đội hạng A thi đấu từ 2 đến 3 vòng, từ 12 đến 16 trận chính thức.
Thiết nghĩ, việc tăng thêm số vòng đấu giải quyết nhiều vấn đề bế tắc và nếu có kế hoạch hẳn hoi - được quy định trong điều lệ giải hạng A, chắc hẳn lãnh đạo các đội bóng địa phương đều sẳn lòng bỏ ra khoảng 100 triệu đồng/năm làm chi phí cho việc đội nhà tham dự thêm vòng đấu bổ sung, trong khi các nhà quản lý chỉ phải bỏ ra thêm một ít để tổ chức giải – có thể từ nguồn hỗ trợ hoặc cân đối từ phía LĐBCVN.
Xét cho cùng, lo cho bên dưới chính là lo cho chính mình và cũng nhằm tạo đà phát triển một cách bền vững, không chỉ đối với môn thể thao Bóng chuyền.
Ảnh: DƯƠNG THU
HUỲNH TÀI LÂM
Đăng nhận xét