Phút hội ý của Thầy Trò - HLV Nguyễn Huy Thành (Nữ Yên Bái)
Ở Vòng bán kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc 2017 tại Quảng Bình, thầy trò HLV Nguyễn Huy Thành (Yên Bái) không đặt nhiều tham vọng và tuy thua hết trận này đến trận nọ, nhưng người ta vẫn thấy trên nét mặt các cô gái trẻ đất Yên Bái luôn rạng ngời vì được xuống “miền xuôi” thi đấu, xem như một dịp tốt để giao lưu, học hỏi bạn bè gần xa đến từ mọi miền đất nước.
Nhìn những cô gái độ tuổi xuân thì 18 – 20 chơi bóng một cách hồn nhiên, không hề bị bất kỳ một áp lực nào về thành tích, nhiều người có mặt dự khán ở hầu hết các Nhà thi đấu mà Yên Bái từng tham gia, đều dành cho họ sự cảm thông, chia sẻ và những lời động viên, khích lệ “Cố lên các cháu. Chỉ cần chơi hay, dù có thua cũng không sao”
Thế nhưng, ít người biết rằng, đã từ lâu, hết thế hệ này sang thế hệ khác, các cầu thủ bóng chuyền nữ Yên Bái khi trưởng thành – đến tuổi giả từ khối học cấp Trung học Phổ thông, thì họ đành sang ngã rẽ khác: chọn học các Trường Cao đẳng, Đại học không phải chuyên ngành thể thao.
Tưởng là chuyện lạ nhưng hỏi ra mới biết, họ hoàn toàn có lý. Dẫu biết rằng nguồn kinh phí đầu tư dành cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hải đảo dù đã có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, song vẫn còn hết sức khó khăn.
Với Yên Bái cũng không khác và ở lĩnh vực Thể dục thể thao, sự khác biệt về thực hiện chế đội chính sách so với mặt bằng chung của cả nước còn xa hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội nữ Yên Bái tham dự giải hiện nay có 2 lứa VĐV: lứa hệ đội tuyển tỉnh có 4 cầu thủ, gồm: đội trưởng Lê Khánh Ly (2), chủ công Lê Huyền Trang (3), phụ công Nguyễn Thị Thảo (5) và chuyền hai Nguyễn Thị Phương Thảo (8). Các vận động viên còn lại thuộc lứa tuyển trẻ hoặc năng khiếu thể thao.
Pha tấn công của các cô gái Yên Bái (Áo Xanh)
Tuy nhiên, điều chạnh lòng cho nữ Yên Bái ở chổ, nếu hiện nay Thông tư liên bộ số 149/2011/TTLB-BTC-BVHTTDL quy định, chế độ tiền ăn cho VĐV đội tuyển tỉnh, thành, ngành là 150.000đ/ngày trong tập luyện, 200.000đ/ngày trong thi đấu dành cho đội tuyển; 90.000đ/ngày, 150.000đ/ngày khi thi đấu dành cho đội tuyển trẻ, còn Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiền công 80.000đ/ngày cho đội tuyển, 50.000đ/ngày cho đội tuyển trẻ (tối đa 26 ngày/tháng), thì đối với các học trò của HLV trưởng Nguyễn Huy Thành, 4 em hệ đội tuyển chỉ được 110.000đ/ngày, đội tuyển trẻ 90.000đ/ngày tiền ăn mỗi ngày và….chấm hết - đồng nghĩa không có tiền công, tiền chế độ độc hại...như theo quy định của Thủ tướng Chính phủ các Bộ, ngành trung ương. Còn trong thi đấu chế độ của họ được cấp gồm 140.000đ với các cầu thủ đội tuyển, 120.000đ/ngày tiền ăn với đội tuyển trẻ; tiền phòng nghỉ 180.000đ/đêm và cấp thêm tiền công theo thực tế số ngày thi đấu.
Chưa hết, tiền ăn của VĐV vốn đã quá thấp nhưng éo le ở chổ, các VĐV chỉ được hưởng 26 ngày trong mỗi tháng, một cách tính chỉ dành cho việc thực hiện chế độ tiền công. Nhiều người cho rằng, nếu làm phép tính đơn giản, lấy tổng số tiền được nhận chia cho 30 ngày, thì vị chi mỗi VĐV đội tuyển chỉ được khoảng 95.000đ, đội tuyển trẻ là khoảng 78.000đ/ngày. Rõ ràng, điều vô lý ở chổ, nếu 4 ngày bị cắt được xem là ngày nghỉ cuối tuần chẳng hạn nên không tập luyện, thế thì do không về với gia đình ở các huyện xa xôi, các VĐV này sẽ ăn uống bằng cách nào? Và khi không cấp tiền ăn, các nhà quản lý thể thao nơi đây cũng chẳng hề cấp tiền xe đi – về cho các cháu về sin hoạt cùng với gia đình cho phải đạo (?!).
Thử hỏi, dù sinh hoạt phí ở TP Yên Bái có thể thấp hơn các đô thị khác của đất nước nhưng với số tiền ít ỏi chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ăn uống đối với người bình thường, thì với lượng vận động trong tập luyện và thi đấu khá cao, việc dinh dưỡng của các cầu thủ nữ Yên Bái sẽ được xoay sở bằng cách nào để giúp họ nâng cao thành tích thể thao? Đó là chưa đề cập đến việc đối với phụ nữ, các nữ VĐV này còn biết bao như cầu chính đáng khác trong sinh hoạt giới tính, thì khoản nào để bù đắp cho các cháu khi tất cả đều phải chịu hy sinh đủ bề so với các bạn cùng lứa khác không dính vào….thể thao, từ việc luyện tập vất vả cho đến phải sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm của mẹ cha, anh chị?
Tưởng là Yên Bái khó khăn đến thế, nhưng không. Theo thông tin Tiền phong phản ánh mới đây không lâu, trước lãnh đạo 14 tỉnh Tây Bắc tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi.
Theo đó, một thông tin được nhiều tờ báo đăng tải trong tháng qua chính là việc đoàn thành tra của Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất công tác thanh tra liên quan đến thông tin về tài sản đất đai ‘khủng” của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, em ruột của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thi Thanh Trà của tỉnh này.
Chưa biết kết luận thanh tra thế nào nhưng phải chăng, tiền đầu tư của Đảng và Nhà nước dành cho các vùng đất khó khăn nhất đất nước, nếu không ở cực này thì cũng sẽ nằm ở đâu đó theo quy luật khách quan về sự biến đổi của vật chất: Nó không tự mất đi mà luôn tồn tại ở dạng này hoặc dạng khác...?
ĐINH TRẦN NGỌC LÂM
Đăng nhận xét