Nhiều năm nay Bóng chuyền TPHCM sa sút, một trong những nguyên nhân là phong trào thi đấu bóng chuyền thành phố dần thưa thớt, yếu kém về chất lượng chuyên môn, các giải đấu không còn được sự quan tâm hưởng ứng từ các đơn vị ngành nghề, học sinh… Nhân giải phong trào Thiên Tân Sports sắp tổ chức, BCSG có cuộc trao đổi với một cựu VĐV, HLV bóng chuyền TPHCM về vai trò của các giải bóng chuyền phong trào khu vực TPHCM.
Sau nhiều năm huấn luyện và nghiên cứu ở bóng chuyền đỉnh cao, lý do vì sao ông lại nhận lời tham gia ở sân chơi phong trào, trong vai trò cố vấn cho giải Thiên Tân Sports?
Thật ra đây không phải là lần đầu, vì tôi và các giảng viên trường ĐH TDTT TPHCM nhiều năm trước đây trong quá trình đi giảng dạy ở các tỉnh cũng như khu vực TPHCM, ngoài huấn luyện các đội bóng ở giải VĐQG cũng tranh thủ tham gia huấn luyện cho các đội bóng phong trào. Từ các đội bóng phong trào này, bóng chuyền TPHCM và khu vực miền Tây dần phát triển, có nhiều đội thi đấu ở giải Quốc gia, nhiều em sau này đã trở thành các cán bộ, huấn luyện viên, quản lý và đào tạo nhiều VĐV bóng chuyền giỏi.
Phát triển phong trào bóng chuyền trong các ngành nghề, công nhân viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh… không những là nhiệm vụ phát triển môn bóng chuyền trong đời sống văn hóa xã hội còn là nền tảng để xây dựng và hình thành bóng chuyền trình độ cao. Không phải chỉ riêng tôi, bộ môn bóng chuyền trường ĐH TDTT TPHCM và một số các cựu VĐV cũng sẵn sàng hỗ trợ cho giải phong trào Thiên Tân Sports hoặc các giải khác với mục đích gầy dựng một sân chơi cho các bạn trẻ. Hy vọng từ “đốm lửa” nhỏ này, giải Thiên Tân Sports sẽ dần lan rộng, cùng với các đơn vị khác trở thành một phong trào thi đấu truyền thống, góp phần cho bóng chuyền TPHCM có phát triển trở lại như nhiều năm trước đây.
Khi "chiếc nôi" Phan Đình Phùng biến mất thì vẫn còn điểm hẹn lí tưởng Cung VH Lao Động TPHCM
Ông từng là VĐV, HLV các đội bóng chuyền trình độ cao ở TPHCM, ông có nhận xét gì về phong trào bóng chuyền TPHCM nói chung và đặc biệt là hiện trạng bóng chuyền phong trào TPHCM?
Vấn đề bóng chuyền TPHCM đã là đề tài được quan tâm nhiều năm nay, theo tôi, các ý kiến góp ý từ báo chí, từ những người có tâm huyết với bóng chuyền TPHCM nhiều năm nay vẫn còn nguyên giá trị. Tôi xin không bàn luận sâu về vấn đề này, chỉ xin tập trung vào chủ đề BCSG nêu ra về thi đấu bóng chuyền phong trào tại TPHCM.
Bóng chuyền phong trào là phương tiện để đánh giá mức độ phát triển môn bóng chuyền ở địa phương, không có nhiều đơn vị, nhiều tổ chức tham gia tập luyện và thi đấu thì làm sao bóng chuyền trình độ cao phát triển. Bóng chuyền TP HCM thời kỳ đỉnh cao không thể thiếu sự đóng góp tích cực của các đội phong trào như: Thức ăn Gia súc An Phú, bệnh viện Trưng Vương, Vật Liệu Xây dựng, Công An TPHCM, Nước mắm Liên Thành, Quân khu 7, Thanh niên Xung phong, Thủ Đức, ViFon, Nhà VH Thanh niên, giải Sinh viên – Hoc sinh các trường học, giải các ngành nghề như Bưu Điện, Điện lực, cấp thoát nước... Các đội bóng này đủ sức tham gia hạng A2 giải quốc gia và hình thành một hệ thống các giải thi đấu phong trào quanh năm ở khu vực TPHCM, những sân bóng như Nhà văn hóa Thanh niên, Câu lạc bộ Lao Động, CLB Phan đình Phùng… là địa điểm quen thuộc của các đội bóng phong trào vào ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ…
Trong đội hình các đội mạnh TPHCM như: Công nhân Hóa chất, Dệt Thành Công, Công An TPHCM… có rất nhiều VĐV xuất thân từ các đội bóng phong trào công nhân viên chức, sinh viên học sinh. Thành phần VĐV đội tuyển TPHCM những năm 80 luôn có sự góp mặt nhiều VĐV trưởng thành từ bóng chuyền phong trào TPHCM. Một ví dụ khác, đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 từng vô địch Quốc gia năm 1980, 1981, 1982 với lực lượng VĐV chủ yếu là từ các chiến sĩ trong Quân đội, các học sinh - sinh viên trường Đại học TDTT 2, các VĐV thi đấu phong trào.
Có một thời gian dài bóng chuyền TPHCM quá chú trọng đến thành tích thi đấu của các đội bóng chuyền trình độ cao, bỏ quên công tác phát triển bóng chuyền phong trào, đặc biệt là các giải thi đấu trong học sinh – sinh viên. Phong trào yếu dần, các VĐV trẻ không có sân chơi, không có động cơ tham gia tập luyện thi đấu môn bóng chuyền, đây là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ.
Khó đòi hỏi nhiều hơn về thành tích 2 đội bóng TPHCM và Công An TPHCM khi lực lượng bổ sung chỉ chủ yếu là các VĐV năng khiếu hiện tại vừa yếu vừa thiếu, với thực trạng đào tạo bóng chuyền hiện nay, thành tích bóng chuyền thi đấu trình độ cao sẽ còn rất nhiều khó khăn.
Giải phong trào Thiên Tân Sports là "Tia Sáng" cho phong trào bóng chuyền TPHCM hiện nay
Vậy theo ông, bóng chuyền TPHCM cần làm gì để xây dựng bóng chuyền phong trào TPHCM trong hiện nay trở nên sôi động và mạnh mẽ như trước đây?
Các giải thi đấu bóng chuyền được tổ chức hiện nay ở TPHCM đã lạc hậu và không có mục đích rõ ràng nên không thu hút các VĐV và khán giả đến tham gia ủng hộ. Ngoài giải thi đấu trình độ cao, nên trả lại sân chơi đúng nghĩa là bóng chuyền phong trào, là sân chơi dành cho những người yêu thích môn bóng chuyền không vụ lợi, không thành tích ảo, tiền bạc, hoành tráng, hình thức. Bóng chuyền vẫn là môn được nhiều người yêu thích và tham gia tập luyện trong các cơ quan, ngành nghề, trường học ở TPHCM…nhu cầu có các sân chơi để giao lưu, nâng cao sức khỏe và chuyên môn là điều rất cần thiết. Các giải thi đấu phong trào hiện nay nếu được sự quan tâm tích cực từ những người có trách nhiệm, sự hổ trợ về chuyên môn, sân bãi… tôi tin rằng bóng chuyền thi đấu phong trào TPHCM sẽ phát triển mạnh mẽ như trước đây.
HLV VUI VẺ
Đăng nhận xét