Cầu thủ Lê Quang Khánh (Áo xanh)
Xung quanh thông báo của Trung tâm HL&TĐ TT tỉnh Long An cấm tham gia hoạt động bóng chuyền trên toàn quốc với cầu thủ bóng chuyền Lê Quang Khánh, Báo Nhân Dân (Cơ quan Trung Ương của Đảng Công Sản Việt Nam - Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam) cũng đã lên tiếng qua Góc nhìn thể thao: Rắc rối việc chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền của tác giả Bích Diệp. BCSG xin được phép dẫn nguồn đăng lại để giới thiệu với bạn đọc.
Một lần nữa, bóng chuyền Việt Nam lại có tranh cãi căng thẳng giữa vận động viên (VĐV) với câu lạc bộ. VĐV Lê Quang Khánh mới đây xin thanh lý hợp đồng với câu lạc bộ bóng chuyền nam Long An nhưng không thành công, thậm chí đơn vị này còn lập tức ra quyết định kỷ luật cấm VĐV này thi đấu trên... toàn quốc.
Trường hợp của VĐV bóng chuyền Lê Quang Khánh là vụ việc mới nhất về tranh cãi giữa câu lạc bộ và VĐV. Hồi tháng ba vừa qua, Trung tâm Thể dục-Thể thao Long An đã ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với VĐV Lê Quang Khánh (văn bản do Giám đốc trung tâm Phạm Văn Chương ký). Đáng nói, Trung tâm Thể dục - Thể thao Long An chỉ là đơn vị địa phương nhưng lại ghi rõ ở văn bản là: “cấm vận động viên Lê Quang Khánh tham gia hoạt động bóng chuyền trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 15-3-2017”. Thật ra, ngay từ cuối năm 2016, VĐV Lê Quang Khánh đã bày tỏ ý định muốn thanh lý hợp đồng để tìm hướng chuyển nhượng. Qua tìm hiểu thì được biết, VĐV này muốn thay đổi môi trường và ổn định hơn trong cuộc sống nên hướng đến thi đấu cho bóng chuyền TP Hồ Chí Minh. Do đó, VĐV này đã không chấp nhận đăng ký vào danh sách vận động viên bóng chuyền Long An tại vòng một Giải bóng chuyền toàn quốc 2017 vừa qua. Lý giải về điều này, Giám đốc Trung tâm Thể dục-Thể thao Long An Phạm Văn Chương khẳng định: “Chúng tôi làm việc cho một cơ quan nhà nước, khi đưa ra một quyết định nào đó thì phải có cơ sở pháp lý, xin ý kiến chứ không phải tự nhiên suy nghĩ ra được cái quyết định đó. Và chỉ khi cơ quan nhà nước có yêu cầu giải trình thì tôi mới giải trình”.
Ông Chương cho biết thêm, trong hợp đồng đào tạo giữa VĐV Lê Quang Khánh và Trung tâm Thể dục-Thể thao Long An có ghi: Khi không muốn thi đấu cho đội tuyển Long An nữa và muốn về thi đấu cho một đơn vị khác thì phải được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết, sau khi xem văn bản do công ty luật đại diện của VĐV Lê Quang Khánh gửi đến Liên đoàn thì sự việc chỉ đơn giản là VĐV này muốn xin nghỉ việc tại đội bóng. Điều này giải quyết theo Luật Lao động và không phải thẩm quyền của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Mặc dù vậy, ông Trường khẳng định rất rõ là: “Không đơn vị nào có thể cấm VĐV thi đấu trên toàn quốc”.
Bóng chuyền Việt Nam xác định lên sân chơi chuyên nghiệp nên sớm có Quy chế chuyển nhượng vận động viên (Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29-6-2010). Khi Quy chế chuyển nhượng ra đời, nhiều tranh cãi giữa các đội bóng với nhau hoặc giữa VĐV và đội bóng đã từng xảy ra. Nhiều sự vụ, các bên rất muốn vai trò quản lý của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thực thi được quyền lực phân xử, lý do là sau những tranh cãi, đã có VĐV bị cấm thi đấu hoặc kiện nhau ra tòa. Năm 2010, VĐV kỳ cựu Nguyễn Hữu Hà không giải quyết được việc xin rời khỏi đội bóng chuyền Tràng An Ninh Bình. Do chưa thanh lý được hợp đồng, VĐV Hữu Hà vẫn là người của bóng chuyền Ninh Bình và bị đội này cấm thi đấu một năm. Năm 2011, đội Tràng An Ninh Bình kiện cầu thủ Nguyễn Văn Hạnh ra tòa vì tranh cãi về số tiền bồi hoàn phí đào tạo. VĐV Hạnh đã thua kiện và phải trả lại cho đội bóng nêu trên hơn 400 triệu đồng. Cũng trong năm 2011, Trung tâm Thể dục - Thể thao Long An đã ra quyết định cấm thi đấu trên toàn quốc với VĐV Nguyễn Văn Sang vì cho rằng việc anh chuyển sang thi đấu cho đội Đức Long Gia Lai (cũ) là trái luật. Tuy vậy, VĐV này được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam xác nhận chuyển nhượng phù hợp cho nên vẫn được thi đấu.
Như vậy, khúc mắc của VĐV Lê Quang Khánh với Trung tâm Thể dục-Thể thao Long An liệu có được tháo gỡ hay không, dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ nhiều phía (trong đó có cả Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam). Một lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ, trước hết, mọi người cần phải tuân thủ theo đúng hợp đồng đã ký khi làm việc. Khúc mắc chỉ nảy sinh khi người ký rồi nhưng lại không tìm hiểu kỹ để rồi các bên rơi vào thế khó xử.
BÍCH DIỆP
Đăng nhận xét