Những ngày qua, nhiều bạn đọc đã gửi tin nhắn đến BCSG để nhờ lên tiếng về thông tin thất thiệt liên quan đến ĐTQG nữ từ những bài viết về danh sách dự kiến của BCSG gửi đến bạn đọc. Nhưng sáng nay (20/5), nhà báo Đào Tùng (Báo Người Lao Động) - một cây viết lão luyện về bóng chuyền Việt Nam, đã nhiều năm theo dõi tình hình bóng chuyền đã lên tiếng xử lý tin thất thiệt này. BCSG xin được phép trích đăng gửi đến bạn đọc.
Những thông tin lấp lửng, thiếu độ tin cậy, thậm chí bóp méo sự thật về việc 3/4 số thành viên đội Dự tuyển bóng chuyền nữ quốc gia tuyên bố rút khỏi đợt tập trung chuẩn bị cho SEA Games 29-2017 khiến giới chuyên môn và người hâm mộ xôn xao vài ngày qua.
Trực tiếp trao đổi với HLV Lê Văn Dũng sáng 19-5, ông cho biết Ngân hàng Công Thương (NHCT) cũng như lãnh đạo trực tiếp của đội bóng chuyền nữ trực thuộc đơn vị đều hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện để 5 cầu thủ Phạm Kim Huệ, Đinh Thị Thúy, Đoàn Thị Xuân, Lê Thị Thanh Thúy và Bùi Vũ Thanh Tuyền tập trung làm nhiệm vụ quốc gia kể từ ngày 1-6. Tương tự, ông Thái Bửu Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thể thao Bình Điền, cũng khẳng định không có chuyện 7 VĐV của đội VTV Bình Điền Long An (BĐLA) từ chối làm nhiệm vụ quốc gia khi có lệnh triệu tập từ Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Đội trưởng VTV-BĐLA Nguyễn Thị Ngọc Hoa cho biết cô luôn xem việc thi đấu ở đội tuyển quốc gia là một vinh dự lớn, là trách nhiệm của bất kỳ VĐV nào. Cô khẳng định chưa đưa ra ý kiến cá nhân về đợt tập trung này trên bất cứ phương tiện truyền thông nào đồng thời cho biết sẽ chấp hành nghiêm túc mọi sự chỉ đạo của lãnh đạo đội bóng.
Như vậy là đã rõ, việc 12/16 VĐV nữ của 2 đội bóng mạnh nhất nước hiện nay đồng loạt xin rút tên khỏi đợt tập trung đội DTQG chuẩn bị cho SEA Games 29 là "tin vịt", gây phương hại đến uy tín của từng VĐV, của 2 đội NHCT và VTV - BĐLA cũng như cơ quan chủ quản của họ. Chưa hết, 5 trong số 16 VĐV có tên trong danh sách mà Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) Việt Nam trình sơ bộ để Tổng cục TDTT ra quyết định tập trung lần này đều đang thi đấu trong thành phần tuyển Trẻ Việt Nam tại Giải Vô địch U23 châu Á ở Thái Lan. Những thông tin nặng tính xuyên tạc như trên có ảnh hưởng đến tâm lý của các VĐV trẻ, đến thành tích của đội hay không là câu hỏi không dễ có lời đáp.
Hơn một lần, chúng tôi đề cập những thông tin vô căn cứ, thiếu độ tin cậy trên một website, tự nhận là chuyên trang thông tin bóng chuyền. Tại đây, người ta dễ dàng thấy những bài viết chuyên moi móc chuyện đời tư của các HLV, VĐV hoặc "bốc" đội bóng này lên tận mây xanh, đả kích dữ dội đội bóng khác, tạo nên sự nghi kỵ, dè chừng, thậm chí thù ghét lẫn nhau. Đây cũng chính là nơi tung ra thông tin các VĐV tẩy chay đội tuyển bóng chuyền nữ lần này.
Từ trước đến nay, giữa các liên đoàn và CLB vẫn xảy ra việc tranh chấp, chủ yếu là quyền lợi và nghĩa vụ của VĐV mỗi khi được triệu tập lên tuyển. Đây là chuyện khó tránh, tuy vậy, chẳng phải là vấn đề của đội DTQG bóng chuyền nữ lần này khi mà đơn vị chủ quản hết lòng ủng hộ. Chỉ có điều, những người không có tâm hoặc vì động cơ nào đó, đã cố tình suy diễn, bóp méo sự thật, thậm chí còn khai thác khía cạnh cá nhân để đẩy sự việc lên thành cao trào, cụ thể là "đá ngang" sang cả việc bổ nhiệm thành phần ban huấn luyện. Ở chuyện này, vai trò của LĐBC Việt Nam là rất quan trọng khi cần khéo léo thuyết phục, trao đổi cặn kẽ với 2 đội bóng, kể cả VĐV, để tránh phương hại đến đợt tập trung quan trọng của đội ĐTQG
Ảnh: LÊ VI - ĐÀO TÙNG
ĐÀO TÙNG
ĐÀO TÙNG
Đăng nhận xét