Phong cấp trọng tài bóng chuyền Việt Nam 2017: Liệu đã đúng luật TDTT?

Việc phong cấp trọng tài các môn thể thao, trong đó có môn Bóng chuyền, là việc làm thường xuyên nhằm ghi nhận những đóng góp và đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, uy tín với đồng nghiệp, VĐV... của đội ngũ “cầm cân nảy mực” môn thể thao đó.
Việc phong cấp trọng tài Bóng chuyền vào tháng 3/2017 như thế nào?
Với TTVN, hiện ngoài môn Bóng đá hầu như bỏ ngỏ việc phong cấp Trọng tài trong nước và thường chỉ giới thiệu những Trọng tài, Trợ lý trọng tài VN đủ các tiêu chuẩn để đề nghị Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) xét phong đẳng cấp FIFA, thì các môn còn lại đều xét phong cấp, dù giản cách giữa các đợt ngắn, dài khác nhau do từng Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia thực hiện.
Riêng với Bóng chuyền, việc phong cấp trọng tài thực hiện khá quy củ, chí ít ở một vài đợt đầu tiên kể từ sau khi Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) thay đổi mạnh mẽ về Luật thi đấu năm 1996 cho đến nay. Tuy nhiên, chỉ làm được đến như thế và trong 2 đến 3 đợt gần đây, đặc biệt là ở lần phong cấp năm 2017 vừa rồi (công bố quyết định của Chủ tịch LĐBCVN tại Lớp tập huấn Trọng tài Bóng chuyền VN năm 2017, tổ chức vào ngày 22/3/2017 ở Nam Định), dường như các tân Trọng tài cấp quốc gia (8 người) và Trọng tài cấp 1 (36 người) đều được phong cấp một cách vội vàng và chưa bám theo quy định của Luật Thể dục, thể thao, vốn được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua (do Chủ tịch nước Cộng hòa XHCNVN Nguyễn Minh Triết ký Lệnh về việc công bố Luật ngày 12/12/2006).
Vội vàng ở chổ, từ khi có danh sách đề xuất của ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Bóng chuyền VN, Phó Trưởng Ban Tổ chức thi đấu – Trọng tài LĐBCVN cho đến ngày Chủ tịch LĐBCVN – ông Lê Văn Thành ký quyết định là một khoảng thời gian rất ngắn, đặc biệt chưa tuân thủ và thực hiện đúng các quy trình do luật định. Thậm chí, có một vài chuyện hy hữu, “thật như đùa” trong phong cấp Trọng tài quốc gia: không bàn việc đặc cách phong cấp cho 2 vị đã lố luổi (quá 45) thì trong số đó, ông Bùi Thanh Phong (Củ Chi, TPHCM, 49 tuổi) không hề hay biết thông tin và ông Nguyễn Quang Thành (Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, 49 tuổi) lại là người chưa từng được cầm còi ở giải VĐQG bất kỳ trận đấu nào (?!).
Luật và văn bản dưới luật quy định ra sao? 
Theo Luật Thể dục - thể thao, ở Điều 42. Đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao, khoản 2 “Liên đoàn Thể thao quốc gia công nhận đẳng cấp cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao” và khoản 3 “Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao”.
Từ vận dụng theo luật định, lần trở lại với Quy chế phong cấp và quản lý Trọng tài Bóng chuyền của LĐBCVN, ở mục 2. Tiêu chuẩn trọng tài, đối với các đẳng cấp trong tài trong nước, được chia thành 3 cấp: Trọng tài dự bị là Trọng tài đã qua khóa Trọng tài do LĐBCVN mở, thi đỗ và được cấp chứng chỉ trọng tài, giới hạn tuổi từ 20 đến 35 tuổi, đối tượng là người đã tham gia thi đấu Bóng chuyền hoặc là học sinh, sinh viên học Bóng chuyền trong các Trường TDTT. Trọng tài dự bị được điều khiển các trận đấu bóng chuyền cơ sở cấp tỉnh và hạng A2. Trong quá trình điều khiển thi đấu, nếu được đánh giá tốt sẽ được điều khiển ở cấp A1 để phong cấp; Trọng tài cấp 1 là Trọng tài dự bị đã điều khiển các trận đấu đạt kết quả tốt. Làm trọng tài thứ nhất ít nhất 7 trận đấu ở giải hạng A1. Theo quy định trên, trọng tài phải lập hồ sơ gồm đơn xin phong cấp trọng tài, 7 biên bản trận đấu giải A1 kèm theo, bản photo bằng A tiếng Anh để đề nghị LĐBCVN phong cấp. Trọng tài cấp 1 phải có bằng A tiếng Anh. Trọng tài cấp quốc gia là Trọng tài cấp 1. Đã làm trọng tài thứ nhất 7 trận đấu ở giải VĐQG hoặc các giải tương đương và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trọng tài cấp quốc gia được điều khiển các trận đấu cao nhất trong giải quốc gia. Theo quy định trên, trọng tài phải lập hồ sơ, đơn xin phong cấp, biên bản 7 trận đấu ở giải VĐQG, bản phôtô bằng B tiếng Anh và nhận xét của cơ quan quản lý trọng tài để đề nghị LĐBCVN phong cấp. Giới hạn tuổi đối với Trọng tài cấp quốc gia là 55 tuổi. Trong tài cấp quốc gia phải có bằng B tiếng Anh.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là quy định về tiêu chuẩn của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Riêng căn cứ vào Luật Thể dục, thể thao quy định, thì về phía cơ quan quản lý Nhà nước còn quy định rõ ràng hơn.
Trong Quyết định số 1602/QĐ/UBTDTT ngày 16 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT về việc ban hành “Quy định khung về tiêu chuẩn cấp bậc trọng tài thể thao”, ở Điều 5, Chương II về tiêu chuẩn cấp bậc của Trọng tài các môn thể thao, ghi rõ: “Trọng tài cấp 1, phải biết lập chương trình và điều hành tổ chức các giải liên tỉnh, khu vực; nắm vững luật và kỹ thuật môn thể thao chuyên sâu; tốt nghiệp Cao đẳng TDTT trở lên; trình độ ngoại ngữ bằng A một trong 4 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung; thời gian tham gia công tác trọng tài, độ tuổi tối đa và tối thiểu, các trường hợp đặc cách và lệ phí do Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoặc Bộ môn của Ủy ban Thể dục thể thao quy định cụ thể”. Đối với “Trọng tài cấp quốc gia, phải biết lập chương trình và điều hành tổ chức các giải cấp quốc gia và quốc tế; nắm vững luật và kỹ thuật môn thể thao chuyên sâu; tốt nghiệp Cao đẳng TDTT trở lên; trình độ ngoại ngữ bằng B một trong 4 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung; thời gian tham gia công tác trọng tài, độ tuổi tối đa và tối thiểu, các trường hợp đặc cách và lệ phí do Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoặc Bộ môn của Ủy ban Thể dục thể thao quy định cụ thể”.
LĐBCVN đã thực hiện đúng quy trình?
Câu trả lời là không. Theo quy định ở Điều 7. Trình tự và thủ tục xét phong cấp trong “Quy định khung về tiêu chuẩn cấp bậc trọng tài thể thao” (ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ/UBTDTT ngày 16 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao), thì “Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoặc các Bộ môn của Ủy ban Thể dục thể thao lập danh sách trọng tài thể thao được xét phong cấp gửi Vụ Thể thao thành tích cao để thẩm định; các Vụ Thể thao thành tích cao sau khi thẩm định hồ sơ của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoặc các Bộ môn của Ủy ban TDTT trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT phê duyệt; Các Sở TDTT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan TDTT các ngành có trọng tài được phong cấp tổ chức lễ trao quyết định phong cấp cho các trọng tài thuộc đơn vị mình quản lý; Hồ sơ đề nghị phong cấp gồm: Lý lịch trích ngang của trọng tài xét phong cấp và các văn bản theo quy định: văn bản đề nghị của Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia hoặc các Bộ môn của Ủy ban TDTT; bản nhận xét tư cách, đạo đức trọng tài do Giám đốc Sở TDTT (nay là Sở VHTTDL hoặc Sở VH và TT) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc Thủ trưởng cơ quan TDTT trực tiếp quản lý; Tờ trình của Vụ thể thao thành tích cao”.
Thế nhưng, điều đáng tiếc, ở đợt phong cấp Trọng tài Bóng chuyền tháng 3/2017 vừa rồi, các quy định về quy trình, hồ sơ được phong cấp cho gần 50 trọng tài các cấp cao nhất trong nước – dù đa số họ đều rất xứng đáng, song đã không được thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Thể dục, thể thao và các văn bản có liên quan.
ĐINH NGỌC LÂM

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.