Nữ trọng tài trẻ và triển vọng - Nguyễn Thị Thanh Hoa (Đứng - Hà Nội)
Đã rất lâu, BCSG mới gặp lại Người quan sát và được ông cho biết như thế.
Xin ông có thể nói rõ hơn?
NQS: Vừa rồi, tôi có được thông tin từ ông Nguyễn Văn Hùng (Ùy viên Ban chấp hành, Phó ban Thi đấu – Trọng tài LĐBCVN) về vấn đề này. Đây quả là tin mừng cho anh em trọng tài qua thời gian họ phấn đấu miệt mài để giúp điều hành các giải đấu lớn, nhỏ của Bóng chuyền VN thời gian qua.
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
NQS: Theo tôi được biết, năm 2015, LĐBCVN khóa cũ đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài BCVN. Đây là kết quả của sự đóng góp từ cuộc họp tổ chức lây ý kiến tại Vĩnh Long năm 2014 nhân dịp vòng chung kết giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc diễn ra nơi đây. Trong đó, có nêu về vấn đề tiêu chuẩn, thời gian được xét phong cấp đối với các trọng tài Bóng chuyền.
Thế thì kỳ này sẽ đề nghị phong cấp như thế nào, thưa ông?
NQS: Chỉ có khác hơn chút ít so với quy chế. Đó là các đề nghị phải xuất phát từ Hội đồng Trọng tài Bóng chuyền VN nhưng hội đồng hiện không còn. Hôm rồi tôi có nhắc ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trọng tài khóa trước, rằng hội đồng đã hêt nhiệm vụ và việc đề xuất nếu có, phải thực hiện theo quy trình khác, có thể là do Ban Thi đấu – Trọng tài tiến cử chẳng hạn.
Và những ai sẽ trong diện được đề nghị, thưa ông?
NQS: Cứ đúng chuẩn thì sẽ được xét. Như Trọng tài cấp quốc gia, ngoài một số anh em Trọng tài cấp 1 lâu năm, như Trần Việt Thắng (Thái Bình), Trần Thanh Phong (Đồng Tháp) hay Nguyễn Trung Chánh (TPHCM) đã đến giới hạn 45 tuổi (SN 1972), nếu không kịp thời đề nghị để đến năm sau sẽ không thể, thì còn khá nhiều người đủ “độ chín” khác. Đáng tiếc là anh Bùi Thanh Phong (TPHCM) cũng rất xứng đáng nhưng đến đợt phong cấp thì anh lại lố đến....4 tuổi (SN 1968). Còn số anh em chưa có cấp (gọi là Trọng tài dự bị) thì sẽ xét phong cấp 1 đợt này. Tuy nhiên, theo tôi thì không nên vội vàng vì cần phải tổng hợp cho đủ số. Nếu không cẩn trọng, bỏ sót anh em nào đó thì rất phiền lòng. Đã có nhiều đợt phong cấp, như năm 2005, 2008, 2013 vấp phải chuyện này.
Căn cứ theo bản quy chế ông nêu, tiêu chuẩn phải như thế nào?
NQS: Thật ra quy chế này cũng dựa theo các quy định của Ủy ban TDTT trước đây (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từng cấp độ đều có tiêu chuẩn về chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp, về trình độ ngoại ngữ, về bằng cấp, về độ tuổi tối đa, về sức khỏe v.v. Mỗi “ứng viên” khi được giới thiệu, đều phải có bản nhận xét của cơ quan đang công tác hay địa phương quản lý, kết hợp với bảng điểm từng giải (do giám sát chấm) mà họ tham gia.
Còn đối với số Trọng tài đã tham gia các giải quốc tế thì sao, thưa ông?
NQS: Hiện nay, BCVN có số Trọng tài Quốc tế khá mỏng. Trong số còn trong độ tuổi (dưới 55) thì chỉ có mỗi ông Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội), trong khi các vị khác đã chuyển sang làm công tác quản lý, như ông Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), ông Lê Trí Trường (Tổng Thư ký LĐBCVN) hay ông Trần Việt Cường (TPHCM) đã chuyển sang kinh doanh. Theo tôi được biết thì ông Nguyễn Văn Hùng đã dự kiến trình Ban chấp hành LĐBCVN đề xuất như thế này: vẫn thực hện theo Quy chế năm 2015. Tuy nhiên, tới đây sẽ phiên ngang 2 trường hợp: Trọng tài châu Á (AVC) – ngang với Trọng tài cấp 1, Trọng tài dự bị quốc tế – ngang với Trọng tài cấp Quốc gia của VN.
Thưa ông, vì sao có vấn đề này?
NQS: Theo ông Hùng cho biết, hiện BCVN có 4 trường hợp đã được LĐBCVN cử tham dự các khóa bồi dưỡng của LĐBC châu Á. Theo quy định, các học viên dự học sẽ mặc nhiên được gọi là Trọng tài châu Á. Dù đã tham gia một số giải đấu quốc tế nào đó trong thời gian qua nhưng họ phải phấn đấu để được LĐBC châu Á mời làm trọng tài một số trận nhất định mới được công nhận Trọng tài dự bị quốc tế. Rồi từ Trọng tài dự bị quốc tế, muốn “lên” Trọng tài quốc tế cần phải trải qua một thời gian sát hạch qua việc được mời tham gia điều khiển ít nhât 7 trận (trọng tài thứ 1) ở các giải Vô địch Đông Nam Á trở lên chẳng hạn. Và trên cấp Trọng tài Quốc tế còn có Trọng tài FIVB với số lượng hiếm hoi. Xét về thực tế, do hai ông Trần Thanh Tùng và Nguyễn Việt Hòa (đều của Hà Nội) khi đi học đã là Trọng tài quốc gia VN thì vẫn gữ nguyên cấp, còn hai trọng tài nữ Nguyễn Thị Thanh Hoa (Hà Nội) và Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Vĩnh Long) đều chưa có cấp của VN nên đợt này sẽ được phiên ngang Trọng tài cấp 1 cho phù hợp với năng lực.
Câu hỏi cuối, nhiều đội chuẩn bị tham dự giải Bóng chuyền VĐQG PV Gas 2017 có nêu thắc mắc: điều lệ giải năm 2017 có ít nhất một điểm mới, đó là cho phép mỗi đội đăng ký tối đa 14 VĐV, trong đó bắt buộc phải đăng ký 2 VĐV Libero. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
NQS: Theo tôi thì cũng không quá khó hiểu. Nếu mỗi đội đăng ký 14 cầu thủ thì buộc phải đăng ký 2 Libero. Còn như 13 thì ít nhất phải đăng ký 1 Libero; nếu có 12 VĐV thì anh muốn đăng ký 2 hay 1, thậm chí chẳng đăng ký Libero nào cũng chẳng sao. Vì sao ư? Biên bản trận đấu hiện nay của Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) đã giải thích rõ điều đó: danh sách đăng ký mỗi đội có 12 ô ngang và thêm 2 ô riêng phía dưới dành cho libero, đồng nghĩa đăng ký 14 thì chỉ có chổ điền tên cho 12 + 2, 13 thì 12 + 1 hoặc 11 + 2 (chứ không thể 13 + 0 hay 10 + 3), 12 trở xuống thì tùy nhưng không được đăng ký quá....2 Libero.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
PHÚC VĨNH thực hiện
Đăng nhận xét