Từ những câu chuyện cũ….
Bên cạnh câu chuyện dứt áo ra đi khỏi đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Hà có thời là đề tài được nhiều giới quan tâm thì được biết, từng có một sự việc diễn ra cách đây gần 6 năm đã lập nên “kỷ lục”…đi ngược lại với tiền lệ lâu nay của Thể thao Việt Nam: trong Thông báo số 178/SVHTTDL-NVTDTT do Phó Giám đốc Vũ Đình Hà ký ngày 23/2/2011 gửi LĐBCVN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An đề nghị LĐBCVN và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, Phòng Thể dục thể thao Bộ Công an, Phòng Thể dục thể thao Quân đội và các đội bóng trên toàn quốc, về việc không cho phép hai VĐV bóng chuyền Võ Hoài Thanh và Nguyễn Văn Sang tham gia thi đấu các giải trong hệ thống thi đấu của LĐBCVN.
Thế nhưng, ở giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc bảng B năm 2011 diễn ra ít ngày sau đó tại Vĩnh Long (từ 12 đến 21/3), VĐV libero Nguyễn Văn Sang vẫn xuất hiện trong màu áo đội Đức Long Gia Lai. Đây được xem là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà một thông báo kỷ luật của địa phương không có hiệu lực thi hành.
Còn nhớ, trước trường hợp “đặc biệt” này, không kể các VĐV thuộc diện tự do (hay số đông chưa có tên tuổi) cùng những cầu thủ bóng đá đã có Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp làm cơ sở giúp điều chỉnh các mối quan hệ - nhất là việc chuyển nhượng, và ngoại trừ một số trường hợp của Phạm Văn Mách (Thể hình), Hoàng Anh Tuấn (Cử tạ), Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (Điền kinh)... đã “xuôi chèo mát mái” khi chuyển sang đơn vị mới, thì khi có trục trặc trong mối quan hệ giữa đơn vị quản lý và VĐV, mọi việc hoặc được các bên có liên quan tự thỏa thuận, hoặc bị quên lãng theo thời gian mà trong phần nhiều trường hợp, cảc VĐV (bị cấm thi đấu) và phía đơn vị quản lý đều cùng..chịu thiệt (vì VĐV cũng không thi đấu trở lại cho họ).
Tuy nhiên, điều trước tiên có thể khẳng định, đây là một vấn đề lớn, tồn đọng trong nhiều năm qua mà cho đến nay vẫn chưa thấy có phương án giúp các bên có liên quan giải quyết ổn thỏa khi có chuyện xảy ra, trong đó trách nhiệm lớn nhất hẳn thuộc về các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý.
Bởi khi có một VĐV nào đấy muốn đầu quân cho đơn vị mới có nguồn thu nhập cao hơn, họ thường tự tạo cớ sự như tập luyện biếng nhác, thành tích sụt giảm hay tệ hại hơn là cố tình vi phạm kỷ luật hoặc tự ý bỏ tập luyện, thi đấu. Hậu quả là đơn vị trực tiếp huấn luyện, đào tạo phải ra thông báo với bản án kỷ luật số VĐV này vì “vi phạm hợp đồng, cấm thi đấu cho bất kỳ đơn vị nào khác trong cả nước”.
…cho đến việc tìm hướng đi nhằm giúp giải quyết vấn đề
Cái nút thắt gây thiệt hại lớn hơn là do cả hai phía đều bế tắc trong giải quyết vụ việc nên khát vọng được cống hiến trong lĩnh vực mà bản thân người VĐV “trót” lựa chọn không được tiếp tục thực hiện. Họ đã đi được một quảng nhất định trong chặng đường mà đỉnh cao phong độ không cho phép kéo dài quá 7 – 10 năm nhưng phải đành cắt ngang.
Và biết đâu trong số này có những tài năng thể thao thật sự của địa phương và đất nước nhưng vì để bảo vệ lợi ích cục bộ của mình mà đơn vị quản lý đành phải để thành tích của họ bị mai một?. Ngược lại, phía đơn vị quản lý cũng có quyền và lợi ích hợp pháp khi họ bỏ tiền của, công sức từ khâu phát hiện, tuyển chọn rồi đào tạo và huấn luyện để số VĐV do mình quản lý có được thành tích, thế nhưng quy định nào giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ khi sự việc xảy ra?
Thực tế cho thấy, hiệu lực của các thông báo kỷ luật ra sao chưa biết, chỉ có điều trước mắt, bên đơn vị chủ quản và các VĐV đều phải tạm “án binh bất động” trong một thời gian. Bởi, theo bản Quy chế về quản lý, sử dụng VĐV cách đây hơn.…20 năm nhưng vẫn còn hiệu lực (ban hành kèm theo Quyết định số 470 QĐ/TCTDTT ngày 02/11/1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), thì “Công tác quản lý, sử dụng VĐV phải theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của ngành” (trích Điều 4); “Các cơ quan, đơn vị đào tạo, sử dụng VĐV đều phải có hợp đồng trách nhiệm với VĐV.” (trích Điều 6).
Đặc biệt, có một điều khoản của bản Quy chế này mà bấy lâu nay phía các cơ quan quản lý VĐV ít chú ý mỗi khi ra quyết định kỷ luật VĐV: khoản 3, Điều 21 - Kỷ luật, ghi rỏ: “Mức buộc thôi tập luyện và thi đấu đối với các VĐV bị kỷ luật phải được Liên đoàn môn thể thao và Tổng cục TDTT phê duyệt”. Hầu hết các địa phương khi ban hành các “bản án” kỷ luật chỉ làm mỗi phần việc ra Thông báo trên toàn quốc và các “bị can” đều nghĩ nó đã có giá trị thực hiện nên cam chịu song cả hai phía đều không hiểu rằng, đấy mới chỉ là điều kiện “cần” chứ…chưa “đủ”!.
Thế nhưng, phần lớn khi các sự việc xảy ra, các Bộ môn thể thao của UBTDTT trước đây (nay là Tổng cục TDDT) và Liên đoàn thể thao quốc gia có liên quan dù có “thụ lý”, tiếp nhận thông tin từ các địa phương, ngành song họ lại không phản hồi bằng chính kiến “Cấm” hoặc “Không cấm” (vì thật ra chẳng có cơ sở để vận dụng) và thường để trôi qua nhằm tránh né “quả bóng trách nhiệm”. Bởi họ thừa hiểu rằng, ở Điều 12 của bản quy chế có “thòng” thêm một câu “Nếu chưa hết hợp đồng mà không có sự thỏa thuận của đơn vị cũ thì không được phép tham gia thi đấu. Đối với VĐV đã tham gia tập luyện, thi đấu ở một đơn vị nhưng không có hợp đồng khi chuyển đơn vị thì không được phép thi đấu cho đơn vị mới một năm (1 mùa thi đấu)”.
Để góp phần giải tỏa những mắc mứu này, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần gấp rút xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo “Thông tư quy định khung về chuyển nhượng VĐV”, giúp giải quyết những mâu thuẩn cơ bản vốn tồn tại nhiều năm qua giữa các bên có liên quan.
Ảnh: BẢO TOÀN
PHÚC VĨNH
Đăng nhận xét