Những kỷ niệm một thời vang bóng: Bóng chuyền Đồng Nai - Những sắc màu cá tính

VLXD Biên Hòa (Áo đen) và VLXD Bình Dương (Áo đỏ)
Sẽ thiếu sót khi nói đến làng bóng chuyền khu vực phía Nam mà không nhắc đến bóng chuyền “người hàng xóm” của TPHCM và các tỉnh miền Tây: Đồng Nai; cùng với Quân Đoàn 4, Cơ khí luyện kim đã góp phần cho giải bóng chuyền TPHCM thời hoàng kim thêm chất lượng và hấp dẫn trong nhiều năm. Nếu bạn là người lần đầu tiên xem các trận đấu giữa các đội phong trào như: Bưu Điện, Cấp thoát nước, Hải Quan, Công an…hoặc Dệt Thống nhất, Dây đồng Long Biên (Cơ khí luyện kim), Ván ép Đồng Nai, VLXD, May Đồng Tiến ở giải Quốc gia, bạn sẽ cảm thấy sự quyết liệt, máu lửa giữa “gà nhà” với nhau. Dĩ nhiên điều này chỉ diễn ra trong trận đấu, nhưng đây là một tính cách của các VĐV, HLV cũng như cổ động viên cuồng nhiệt bóng chuyền Đồng Nai tạo nên một sắc màu đặc trưng ít nơi nào có được.
Cũng như các tỉnh phía Nam, bóng chuyền là môn yêu thích của người dân Đồng Nai, ngay sau năm 1975, phong trào bóng chuyền đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, nhiều đội bóng phong trào hình thành như Dệt Đồng Nai, Ván ép Đồng Nai, Cao su, Bia Đồng Nai, Bưu Điện, Gạch mem Thanh Thanh, Hải Quan, Công an, Cấp nước, DoNa food, khu Công nghiệp …đã góp phần cho giải tỉnh, giải ngành, giải Liên đoàn Lao động, …trở thành các giải đấu truyền thống góp phần cho BC phong trào bóng chuyền Đồng Nai thành một đơn vị mạnh trong cả nước. Về mặt trình độ cao, sự có mặt của danh thủ - cựu VĐV đội tuyển QG Nguyễn thị Mùi chuyển về phụ trách bóng chuyền Đồng Nai đã nhanh chóng tập họp các tuyển thủ trước 1975 và các VĐV mới như: Chánh, Oánh, Mục, Dũng, Hoàng, Chiến, Cương, Phương, Bích, Thủy, Sâm, Mãi… gầy dựng 2 đội bóng nam – nữ Dệt Thống nhất trở thành 1 thế lực của giải BC Quốc gia nhiều năm. Đây cũng là nền tảng cho các đội như Ván ép ĐN (Vinaplyco), Cao su ĐN, Dây đồng Long biên (CKLK) bắt đầu thành lập và tham gia vào các giải đấu Quốc gia.
Tình yêu bóng chuyền của các cựu cầu thủ Đồng Nai và TPHCM
Thời kỳ này có nhiều VĐV giỏi như Mai Quang Oánh (Dệt TN, May Đồng Tiến) (đã mất), Nguyễn văn Châu (Ván ép ĐN), Đỗ Cao Thắng (CKLK) – đội tuyển QG 1984 là 3 tay “chiêu” có kỹ thuật toàn diện và rất khéo léo trong tấn công. Thành tích tốt nhất là tập thể Cơ khí luyện kim với: Hiếu, Long, Minh, Thọ, Thắng, Dân, Cảnh, Sơn, Hiền, Mẫn…nhiều năm thi đấu hạng A1 (đội mạnh), đạt hạng 2 năm 1984. Trong đó Đặng Kim Sơn là VĐV thi đấu nổi bật nhất về năng lực toàn diện, thành viên đội tuyển QG từ năm 1983 cho đến năm 1991, sau này về thi đấu và huấn luyện Công An TPHCM.
Đến khoảng năm 1985 bóng chuyền Đồng Nai có chiều hướng suy yếu, không còn đội bóng nào góp mặt ở hạng đội mạnh, phong trào trong tỉnh cũng yếu dần, Sở TDTT cũng không hỗ trợ đầu tư cho bóng chuyền. Trong giai đoạn khó khăn này, Đồng Nai lại vực dậy phong trào bóng chuyền từ khoảng đầu năm 1990, 2 đội bóng được thành lập từ phong trào: Vật liệu Xây dựng và May Đồng Tiến với 2 Giám đốc rất “máu” bóng chuyền là Ông Lê Văn Hồng và Ông Vũ Ngọc Thuần. Được sự đầu tư bằng tình cảm cá nhân và Công ty, 2 đội bóng nhanh chóng bổ sung lực lượng và tham gia vào giải Quốc gia, tiếp bước “truyền thống xưa”, cuộc đối đầu giữa 2 đội luôn “nảy lửa” và mang lại sự thích thú cho người hâm mộ. Giai đoạn này có công sức nhiều của Nguyễn Văn Tuấn, từ cán bộ phụ trách phong trào bóng chuyền, Tuấn chuyển về huấn luyện cho May Đồng Tiến và đào tạo VĐV trẻ đầu tiên tỉnh Đồng Nai cho May ĐT, lứa VĐV: Anh, Quang, Hoàng, Hoan, Cương, Bảo, Trường, Biên…đã lên hạng đội mạnh QG năm 1989. Tiếp bước, đội VLXD cũng lên đội mạnh năm 1991, đến năm 1994 thực lực yếu, thiếu sự đầu tư về nhân sự, thiếu sự hỗ trợ chỉ đạo từ ban lãnh đạo ngành TT, BC ĐN không còn đội nào ở giải QG. Tuy nhiên trong giai đoạn này BC ĐN cũng có 2 VĐV tài năng: Mai Hồng Thái (VLXD) – thành viên đội tuyển QG với khả năng xử lý bóng tay trái khéo léo ở hàng trước cũng như hàng sau; Nguyễn Phương Anh (May ĐT) có năng lực sức mạnh bật tốt, tư duy chuyên môn tốt, là VĐV toàn diện trong tấn công và phòng thủ.
Với tiềm lực nằm trong khu công nghiệp, môn bóng chuyền được nhiều người hâm mộ, không thiếu những tài năng cá nhân, nếu được sự quan tâm, hổ trợ trong công tác chỉ đạo và đầu tư từ lãnh đạo ngành thể thao, Bóng chuyền Đồng Nai sẽ có cơ hội phát triển thành 1 điểm sáng bóng chuyền khu vực phía Nam.
HLV VUI VẺ

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.