Sự thành công của Bóng chuyền chuyên nghiệp là số lượng và độ yêu mến của khán giả với đội bóng!

BCSG rất phấn khởi khi ngày càng nhận được sự tin yêu của bạn đọc cùng sự tin tưởng của các chuyên gia, HLV...đã góp ý chân tình về chuyên môn. Trong đó, không chỉ các chuyên gia trong nước mà ở nước ngoài, dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh và nghiên cứu nhưng cũng theo dõi thường xuyên tình hình bóng chuyền Việt Nam trên BCSG. Nhân giải VĐQG PV Gas 2016, BCSG đã nhận được những bài viết rất thực tế và hiện đại của một cựu cầu thủ bóng chuyền ở đội bóng lừng lẫy Quân Đoàn 4 nên hiểu rõ cuộc sống bóng chuyền Việt Nam. Hiện anh đang là nghiên cứu sinh ở Học viện Thể Dục Thể Thao Shanghai (Trung Quốc) với nghành Quản lý Kinh tế Thể Thao chuyên nghiệp. BCSG xin được trích đăng lần lượt những bài viết bổ ích của tác giả để gửi đến bạn đọc và các nhà chuyên môn, với mục đích cùng đóng góp cho sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam.
Trong thể thao chuyên nghiệp thì các trận thi đấu là sản phẩm cơ bản nhất được sản sinh từ hai đội bóng (hoặc 2 cá nhân), sản phẩm được sinh ra có chất lượng hay kém sẽ được thể hiện qua một lực lượng người tiêu dùng tiêu thụ nó, đấy chính là khán giả, người hâm mộ. Nếu như trong thể thao thành tích cao thì chiến thắng mang lại vinh quang là thước đo đánh giá sự thành công, còn trong thể thao chuyên nghiệp thì khác, số lượng khán giả, người hâm mộ và độ yêu mến của họ dành cho đội bóng yêu thích, cho nền thể thao nước nhà đấy mới chính là chuẩn mực để đánh giá cho sự thành công của bóng chuyền chuyên nghiệp hiện nay. Vậy khán giả từ đâu mà ra? Bóng chuyền Việt Nam cần có bước đi như thế nào để tìm được nguồn lực khán giả hùng hậu?
Trong mùa giải 2015-2016, thì Premier League đón nhận tổng số lượng khán giả đến sân là 13.851.698, trung bình 36.451/trận. Ngoài ra còn hàng tỉ lượng người hâm mộ trên thế giới đón chờ xem các trận thi đấu vào hai ngày cuối tuần. Lượng khán giả lớn, lòng yêu mến của người xem giành cho Premier League đã nói lên được sự thành công của một giải bóng đá chuyên nghiệp. Với số lượng lớn khán giả như thế thì có thể cho thấy được sự đầu tư mạnh về mặt tiếp thị, trong đo hình ảnh CLB và tính hấp dẫn của từng trận đấu luôn được CLB quan tâm đặt lên hàng đầu. Đồng thời,  Premier League luôn cố gắng tạo ra sự thoải mái và thói quen cho tất cả người hâm mộ gần xa, thói quen đấy được duy trì qua nhiều thế hệ, từ đời ông cha con cháu, cứ đến cuối tuần là họ có thói quen đi xem bóng đá, họ đến sân ủng hộ cho đội bóng mình yêu thích, những tiện nghi về thông tin và phương tiện giao thông đi lại, thông tin về trận đấu được họ hoàn thành rất tốt từ đầu mùa giải. Một hệ thống giải đấu được sắp xết rất có khoa học về thời gian cũng như chất lượng từng trận đấu. Họ xem khán giả là “ Khách Hàng” tiềm năng để quảng bá hình ảnh sản phẩm “Trận đấu”, thực hiện tốt khâu tiếp thị, mang đến những gì khách hàng cần khi đến sân. Thành công của Premier League là thế, quay trở lại giải Vô địch Bóng Chuyền quốc gia Việt Nam, trải qua gần 20 năm trên con đường chuyên nghiệp hoá, Bóng Chuyền chuyên nghiệp của Việt Nam vẫn hiện hữu hiện tượng “Giả” chuyên nghiệp. Các đội Bóng Chuyền trong nước và ngay cả Liên Đoàn Bóng Chuyền Việt Nam chỉ chú trọng vào phát triển thể thao thành tích cao. Trình độ Vận Động Viên và thành tích đội tuyển quốc gia có sự tiến bộ, nhưng so với sự phát triển của các nước không trong Châu lục thì vị trí vẫn dậm chân tại chổ, sự mới mẽ trong hình thức thi đấu và mục tiêu phấn đấu của Bóng Chuyền Việt Nam có sự lệch hướng. Lượng khán giả đến sân xem các trận thi đấu trong giải Vô địch quốc gia (Giải Bóng Chuyền hàng đầu của Việt Nam) thì ngày càng ít, thậm chí cũng có rất nhiều trận đấu trên sân không có khán giả. Trong khi đấy các Giải đấu Hội Làng đầu năm tại các tỉnh phía Bắc đầy ấp khán giả đến sân cổ vũ và tình cảm của họ giành cho giải đấu nghiệp dư này cũng không hề nhỏ. Cũng là những cầu thủ thi đấu trên sân, cũng là những tay đập có tiếng như Hữu Hà, Ngô Văn Kiều, Từ Thanh Thuận…, ngay cả không được thi đấu trong điều kiện tốt nhất như thảm thi đấu, trọng tài chuyên nghiệp, hệ thống âm thanh, ánh sáng chuẩn…sân thi đấu không có chổ ngồi, tất cả chứng mình một điều là tình yêu của con người Việt Nam giành cho Bóng chuyền rất lớn, là cơ sở vững bền để Bóng Chuyền chuyên nghiệp phát triển. Nhưng nguyên nhân tại sao lực lượng khán giả này lại không được bắt gặp tại các giải Vô địch quốc gia...?
Lý giải hiện tượng này, chúng ta cần xem xét tính truyền thống và thói quen của khán giả. Giải vô địch quốc gia hàng năm được tổ chức thời gian và địa điểm không giống nhau, số lượng trận đấu tổ chức dồn dập trong vòng 1-2 tuần. Thời gian, địa điểm không ngừng thay đổi, cộng thêm tiếp thị yếu kém từ giải đấu đã đẩy họ rơi vào tình hình “ế ẩm”(sản phẩm sinh ra không được tiêu thụ), trong khi đấy các trận đấu diễn ra liên tục cả ngày cả đêm, kéo dài trong 1-2 tuần thì rõ ràng rất khó để người hâm mộ sắp xếp đến xem hết tất cả các trận đấu. Trong khi đấy, các giải Hội Làng được tổ chức vào mùa lễ hội ( thường là sau Tết nguyên đán ), người dân được nghỉ lễ rất nhiều, họ có được thời gian đi xem, địa điểm và thời gian cũng không có sự thay đổi gì nhiều, hầu như người địa phương đều nhận biết được rằng đến thời điểm nào thì có giải đấu diễn ra. Đồng thời tính truyền thống đi xem Bóng Chuyền của người dân địa phương cũng được duy trì từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Tuy rằng tính chất của giải đấu Hội Làng với giải vô địch quốc gia có nhiều sự khác biệt và đặc thù môn Bóng đá với Bóng chuyền có nhiều sự khác nhau, nhưng thành công của Premier League và giải thi đấu nghiệp dư “Hội Làng” về sự thu hút khán giả đến là bài học kinh nghiệm sáng giá cho Liên đoàn Bóng Chuyền Việt Nam thu hút khán giả đến sân.
Người hâm mộ ở Hội làng...chen nhau ngồi bệt dưới đất....
Trong khi ở một trận đấu chuyên nghiệp tại Giải VĐQG PV Gas 2016 đang diễn ra ở TP du lịch Nha Trang không bóng khán giả mà còn bị cúp điện...?
Hiện trạng của Bóng Chuyền Việt Nam còn nhiều điều bất cập, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thì hầu như các chuyên gia đều nắm bắt được, nhưng nguyên nhân chính vì đâu mà Bóng Chuyền Việt Nam lại không thể phát triển. Rất nhiều vấn đề trong quản lý cũng như chuyên môn được áp dụng rất có khoa học nhưng lại mang lại tác dụng ngược, ví dụ như vấn đề ngoại binh thi đấu tại Giải vô địch quốc gia. Như tất cả các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp trên thế giới đều áp dụng VĐV ngoại quốc đến thi đấu để đem lại sự mới mẽ trong phong cách chơi, cải thiện trình độ các VĐV quốc nội, thu hút đầu tư và nhịp cầu thu hút khán giả đến sân…lợi ích thì ai cũng nhìn thấy rõ. Chính vì vậy bắt đầu từ năm 2008, Liên đoàn Bóng Chuyền Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng hình thức này, nhưng sau nhiều năm thi hành thì Liên đoàn lại ban hành sắc lệnh cấm ngoại binh tham gia giải vô địch quốc gia vào năm 2013, lý do chính vì muốn đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác đào tạo VĐV trẻ. Tuy rằng giữa lý thuyết và thực tế khi thi hành có nhiều sự khác biệt, nhưng việc cấm VĐV ngoại thi đấu tại giải VĐQG cũng có lý do nhưng thiết nghĩ còn nhiều biện pháp và cách xử lý tốt hơn là “Cấm”. Lý giải cho nguyên nhân đem lại sự khác biệt khi thi hành chính sách ngoại binh và sự kém phát triển của Bóng Chuyền Việt Nam chỉ có thể là “Chuyên nghiệp”. Chỉ có thể trong môi trường chuyên nghiệp thì mọi chính sách quản lý mới có thể phát huy hết tác dụng của nó. Một dấu chấm hỏi rất lớn đặt ra, đến bao giờ nền Bóng Chuyền Việt Nam mới trở nên “Chuyên nghiệp”, quá trình chuyên nghiệp hoá và mục đích đặt ra của cả nền thể thao Việt Nam đang có hướng đi lệch lạc cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền Bóng Chuyền Việt Nam...? 
Ảnh: BẢO TOÀN - THANH PHONG
H.H (Từ Shanghai - Trung Quốc)
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.