Trên Băng Ghế HLV: Sự liên kết là nhiệm vụ hàng đầu để xây dựng 1 đội bóng!

(Ảnh từ Volleyball Graphics)
Từ khi xuất hiện đến nay, BCSG luôn giữ vững tiêu chí nhất quán đó là trung lập, bất thiên vị và vô vụ lợi nên luôn có những bài viết trực diện bất kỳ ai. Nhưng BCSG không cố chấp mà luôn lắng nghe để xây dựng nhằm giúp bóng chuyền Việt Nam vượt qua bóng chuyền Thái Lan (Chỉ cần vậy là có thể bước vào cạnh tranh với châu lục). Điều đó đã giúp BCSG tạo được chổ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, nhiều nhà chuyên môn, HLV, cầu thủ…ở khắp cả nước đã tin tưởng, góp ý để giúp BCSG cải tiến nội dung và thiết kế nhiều chuyên mục (Đặc biệt là nhân vật Người Quan Sát đã tạo được dấu ấn chuyên môn đặc trưng và độc đáo cho BCSG). Nhằm có những ý tưởng mới, giúp bạn đọc nắm bắt tốt nhất về chuyên môn, chúng tôi xin được mở ra mục mới dành riêng cho các chuyên gia – HLV với tiêu đề: 
Trên Băng Ghế HLV
Đây là chuyên mục sẽ là góc nhìn, tiếng nói và phân tích của các HLV bóng chuyền Việt Nam, để bạn đọc có thêm kiến thức, thông tin về kỹ - chiến thuật của các HLV và đồng nghiệp của họ. Mở hàng cho chuyên mục này là một HLV ở TPHCM đã có nhận xét công tâm sau những phản hồi về bài viết: Tôi ủng hộ trẻ hóa ĐTQG…!  của Người Quan Sát.
SỰ LIÊN KẾT LÀ NHIỆM VỤ ĐẦU TIÊN ĐỂ XÂY DỰNG MỘT ĐỘI BÓNG
Ý kiến của người hâm mộ bóng chuyền là đúng, trận chung kết cho thấy trình độ bóng chuyền nữ Việt Nam thua toàn diện so với nữ Thái Lan, cho  thấy còn nhiều việc để làm trong thời gian tới. Nhưng đây là công việc của những người có trách nhiệm, họ cần đề ra những kế hoạch để cải thiện đội tuyển, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục đứng sau Thái Lan chứ đừng nghĩ đến việc vươn ra tầm châu Á.
Năm 2003, trong đợt tập huấn ở Thái Lan, chúng tôi ở cùng khách sạn đội trẻ nữ Thái Lan, thời kỳ bắt đầu cuộc “cách mạng” đưa đội nữ Thái Lan vươn ra tầm châu lục. Nhìn các buổi tập của họ mà các VĐV nam chúng tôi cũng phải lắc đầu, sau buổi tập thầy trò lại cùng nhau đùa vui, đi ăn, đi shoping …Không ngờ các cô gái nhỏ nhắn tuổi 14 -15 đó, từng thua tan tác khi sang dự giải ở Việt Nam ngày nào, sau nào đã trở thành những ngôi sao bóng chuyền lẫy lừng  Onuma, Wilawan…và trở thành đội bóng khu vực ĐNA đầu tiên vươn ra tầm châu lục và thế giới. Khâm phục tài năng cũng như sự hy sinh của HLV Kiattipong trong suốt một thời gian dài từng bước xây dựng đội bóng chuyền nữ Thái Lan trở thành một tập thể mạnh mẽ, từng bước đạt đến những thành tích không tưởng.
Ở Việt Nam, mô hình này giống đội bóng Seaprodex của cố HLV Phan Phước Điền (1990), đội Thể Công của HLV Bùi Quang Ngọc (2000), đội Long An của HLV Nguyễn văn Hải (2010)…. Họ là các đội bóng rất mạnh trong thời điểm những năm đó, đối phương hầu như khó tìm ra điểm yếu ở các tập thể này. Có thể thấy được điểm chung của các đội bóng này là các HLV tự tuyển chọn và đào tạo các VĐV của mình từ năng khiếu cho đến thi đấu trình độ cao, sau đó là đội tuyển Quốc gia. Nhiều năm tập luyện và thi đấu cùng nhau nên họ hiểu rõ những đặc điểm của nhau, biết cách bổ sung, hỗ trợ  cho nhau, đồng thời tạo nên mối liên kết mắc xích chặt chẽ giữa các VĐV giữa thầy trò với nhau về tính đoàn kết, tính kỷ luật, ý thức chuyên môn…
Bóng chuyền là môn tập thể, hiệu quả phối hợp chiến thuật tập thể phụ thuộc vào hiệu quả phối hợp nhóm, sự phối hợp đồng bộ, ăn ý giữa các VĐV hàng sau (đỡ chuyền 1, phòng thủ), giữa các VĐV hàng trước (đập bóng, chắn bóng), giữa hàng trước với hàng sau (chắn bóng – phòng thủ hàng sau, đập bóng – yểm trợ), giữa chuyền hai với các VĐV tấn công…là nền tảng tạo ra hiệu quả thực hiện chiến thuật toàn đội trong thi đấu. Ví dụ như khi VĐV chuyền hai có bóng, không cần quan sát họ cũng có thể biết các VĐV tấn công đang ở vị trí nào, ai cần chuyền cao, thấp, nhanh, chậm…
Trong 2 trận thi đấu với Thái Lan, điều dễ thấy là các VĐV đội tuyển nữ chúng ta thiếu sự liên kết giữa các VĐV trong hoạt động tấn công cũng như phòng thủ, khi gặp các tình huống bóng khó, họ như “mỗi phé mỗi nơi”. Bên kia lưới, các VĐV Thái Lan giữ nhịp điệu rất tốt, các đường bóng khi chuyển từ hàng sau đến chuyền hai và từ chuyền hai đến các VĐV tấn công luôn nhịp nhàng, chậm rãi. Khi một VĐV chạm bóng, các VĐV còn lại đều di chuyển theo bóng để hổ trợ. 
Điều này để giải thích vấn đề đang phân tích, các VĐV Việt Nam chỉ tập trung một thời gian để làm nhiệm vụ cho đội tuyển rồi lại trở về CLB, mỗi lần tập trung lại khác nhau từ thầy đến trò, khó có thể hình thành một tập thể thi đấu ăn ý, gắn kết. Điều này đến các VĐV có kinh nghiệm nhiều năm còn khó chứ đừng nói đến các VĐV trẻ.
Một ý kiến nhỏ để bóng chuyền Việt Nam tiến bộ.

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.