Nhìn lại Cúp VTV 2016: Chuyện trẻ hóa ĐTQG nữ nói mãi, nhưng...?

Tuyển thủ Đào Thị Nhung (TPHCM) xứng đáng ở ĐTQG nữ đang trẻ hóa...?
Sau khi BCSG trao đổi với Người Quan Sát cách đây mấy ngày về vấn đề trẻ hóa các đội tuyển nữ Bóng chuyền quốc gia VN, nhiều ý kiến bạn đọc đã gửi về, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt.Trong đó, ý kiến ủng hộ, đồng tình cũng nhiều nhưng bên cạnh đó xuất hiện những ý tưởng mới rất thú vị.
Mới đây, chúng tôi có dịp gặp lại trò chuyện với Người Quan Sát và mở đầu, ông đã cho biết thêm không ít điều đáng suy ngẫm.
Thưa ông, tại sao có khá nhiều người nhận xét chuyện ông vừa bày tỏ, rằng xu thế cần phải trẻ hóabóng chuyền VN, là đã quá….cũ vì có những quan chức của LĐBCVN đã nói rồi trên các diễn đàn hay qua một số kênh thông tin đại chúng?
Đúng là chuyện đã cũ. Thế nhưng ở Cúp VTV 2016 lại khác. Đành rằng trước đây, Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) từng nhiều lần thực hiện chủ trương trẻ hóa nhưng họ cũng phải làm rất dè chừng. Bởi, người ủng hộ thì nhiều song cũng có chẳng ít ý kiến lo ngại nếu làm thế thì không đảm bảo thành tích, làm mất hình ảnh, thương hiệu của Bóng chuyền nữ VN trên trường quốc tế. Do vậy, như các bạn thấy đấy, lâu nay Bóng chuyền nam hay nữ VN vẫn chỉ thực hiện trẻ hóa một phần với tỷ lệ cao, thấp tùy thời điểm, nhất là vào những lúc nhiều trụ cột của đội tuyển bị vướng chấn thương hay lập gia đình, sinh con...gần như cùng lúc.
Thế thì điểm khác biệt ở lần này là gì, thưa ông?
Chẳng cần tinh ý thì mọi người đều thấy rõ. Do ít nhất có đến 4 đối thủ (trừ Choburi, Thái Lan) khá yếu nên HLV trưởng Thái Thanh Tùng đã mạnh dạn tung vào sân rất nhiều cầu thủ trẻ. Tôi cho rằng điều gì cũng có cái giá của nó. Nhiều người cứ chê, cho rằng Ban Tổ chức giải Cúp VTV 2016 đã mời các vị khách không đủ tầm để Bóng chuyền nữ VN học tập nhưng theo tôi, đây lại là điều thú vị. Bởi nếu mời toàn đối thủ ngang hoặc trên tầm như đòi hỏi, một là các cầu thủ trẻ có được vào sân đâu, hay là thành tích đội chủ nhà không như kỳ vọng của công chúng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu đối với các nhà tài trợ. Rõ ràng trong cái xui rủi lại có cái may mắn. Ta không thể đòi hỏi cùng lúc phải thu hoạch được cả hai, vừa tạo cơ hội rèn dũa cho lứa cầu thủ trẻ, vừa đạt thành tích cao.
Theo ông, qua giải VTV Cúp 2016 vừa rồi, Bóng chuyền nữ VN thu hoạch được những gì bên cạnh vị trí thứ nhì chung cuộc?
Như trên tôi đã trình bày, nền Bóng chuyền quốc gia nào cũng trải qua các đợt chuyển giao thế hệ. Điều quan trọng nhất là cung cách điều hành của các nhà quản lý phải làm thế nào để trình độ chuyên môn giữa các thế hệ cầu thủ không quá cách xa hay nói khác đi, phải sao cho “Sóng Trường Giang lớp sau đè lớp trước”. 
Ai cũng hiểu, cái thiếu của các cầu thủ trẻ là kinh nghiệm thi đấu.Muốn có kinh nghiệm, phải được tạo cơ hội vào sân. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ Thái Lan, xa hơn là Nhật Bản làm được điều này. Khi được mời tham dự các giải đấu quốc tế lớn nhỏ, LĐBC của họ đều có sự tính toán, cử lực lượng thích hợp tham dự.Còn BCVN thì khác.Ngoài một số giải nữ Vô địch các CLB châu Á vài năm gần đây, còn lại BCVN cử toàn đội tuyển quốc gia góp mặt. Thế nên không lạ khi có thời gian rất dài, “tre” đã gần “già” mà chẳng thấy “măng” nào mọc theo kịp các đàn anh, đàn chị.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Tôi cho rằng, qua Cúp VTV 2016, khi mà một loạt trụ cột như Nguyễn Thị Ngọc Hoa (VTVBĐLA) phải cùng CLB Bankok Glass (Thái Lan) dự Cúp các CLB thế giới, rồi Đỗ Thị Minh hay Bùi Thị Ngà, Âu Hồng Nhung (Thông tin Liên Việt Postbank)...vẫn chưa bình phục hoàn toàn chấn thương nên buộc phải vắng mặt, điều đáng mừng là Bóng chuyền nữ VN đã trình làng nhiều gương mặt trẻ đáng tin cậy. Với đội hình gồm đa số các cầu thủ trẻ đã trưởng thành, như những chủ công Trần Thị Thanh Thúy (VTVBĐLA), Đoàn Thị Xuân, Đinh Thị Thúy (NHTMCPCTVN), Lê Thị Hồng (Rudico Hải Dương), các phụ công Lê Thanh Thúy (NHTMCPCTVN), Nguyễn Thị Trinh (Đắc Lắc), chuyền hai Nguyễn Linh Chi (Thông tin Liên Việt Postbank), Nguyễn Thị Hồng Đào (VTVBĐLA), libero Bùi Vũ Thanh Tuyền (NHTMCPCTVN)... thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, nếu được tạo điều kiện thi đấu quốc tế nhiều hơn nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, thế hệ này sẽ còn tiến xa và thành tích trong tương lai có lẽ không hề thua kém các bậc đàn chị đi trước. 
Đó là chưa kể, phía sau họ còn vẫn còn những chổ dựa thuộc loại “công thần”, khi cần thì sẳn sàng xung trận: nào là các chủ công Đỗ Thị Minh, Hà Ngọc Diễm(THVL), các phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Kim Huệ (NHTMCPCTVN), Đinh Thị Trà Giang (Tiến Nông Thanh Hóa), Bùi Thị Ngà (Thông tin Liên Việt Postbank)...
Như ông kể, liệu đã hết những tài năng xuất sắc?
Ồ! Không, có thể vẫn còn nhiều nhưng tôi xin được đề cập thêm vài ba gương mặt. Đầu tiên là cầu thủ trẻ Đào Thị Nhung (SN 1993, TP Hồ Chí Minh). Chị có chiều cao khá lý tưởng, 1,80m với mẩu người thon, gọn và nhanh nhạy của một phụ công điển hình. Điều đáng tiếc là sau những lần được gọi tập trung đội tuyển quốc gia, gần nhất là chuẩn bị cho SEA Games 28 năm 2015, chị nằm ngoài danh sách 12 tuyển thủ đi Singapore. Tuy nhiên, theo tôi, nếu được thi đấu trong màu áo những CLB tốp đầu, chắc hẳn chị sẽ tỏa sáng và lọt vào tốp những phụ công trẻ hay nhất của đội tuyển nữ VN hiện nay.
Kế đến, tôi xin được nhắc đến một vài tài năng khác nhưng họ ngồi trên băng ghế kỹ thuật, trong vai trò ban huấn luyện. Đó là những người trẻ tuổi đời, tuổi nghề nhưng rất được giới HLV trong cả nước tôn trọng. Ngoài Nguyễn Thu Ngọc (Trẻ Thông tin Liên Việt Postbank) thì đó là Nguyễn Tuấn Kiệt (Cựu tuyển thủ quốc gia và là tay chuyền hai nổi tiếng một thời của đội nam Bưu điện Hà Nội). Anh từng được VFV đưa đi tu nghiệp khóa HLV Bóng chuyền tại Hoa Kỳ và hiện là HLV phó ở đội nữ Ngân hàng TMCP Công thương VN.
Thế nên ông đề xuất ông Nguyễn Tuấn Kiệt vào vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia?
Theo tôi thi nên thế...! Có nhiều lý do. Ngoài những tiêu chí kể trên thì với Bóng chuyền nữ VN hiện nay, nếu không mời được HLV người nước ngoài chất lượng cao – như của Nhật Bản chẳng hạn, do ta ít tiền, thì chọn ông Tuấn Kiệt là phương án tối ưu nhất. Tôi đánh giá cao tài năng các vị “thuyền trưởng” tiền nhiệm, như các ông Lương Khương Thượng, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Văn Long hay Thái Thanh Tùng. Tuy nhiên, điều khó khăn cho các ông ấy nói riêng và cả BCVN nói chung là, dù chỉ quảng thời gian ngắn tập trung nhưng các HLV trưởng CLB như họ khó thu xếp công việc nên không thể yên tâm khi lên phục vụ đội tuyển.  Áp lực công việc ở CLB trong cuộc chiến quốc nội là quá lớn.
Thế nên, việc quy hoạch dài hơi ông Nguyễn Tuấn Kiệt ở vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia là hướng đi nên tính tới một cách nghiêm túc.Khi đó, ông Tuấn Kiệt sẽ toàn tâm, toàn ý cho công việc.Tôi lấy dẫn chứng về trường hợp của HLV trưởng Thái Thanh tùng (PVD Thái Bình). Một lần, ở VTV Cúp 2015 tại Bạc Liêu, ông Thái Thanh Tùng đã tâm sự rất thật lòng: “Nói thật với anh, tôi giờ đã được phân công làm cán bộ quản lý (ông là Phó Giám đốc trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thái Bình). Đùng một cái, để thay anh Phạm Văn Long vào giờ chót, VFV mời tôi lên nắm đội tuyển. Ban đầu tôi từ chối nhưng do các anh ở Liên đoàn động viên nên tôi đành phải nhận lời. Tập cho đội không bao nhiêu thời gian lại phải bước vào giải đấu.Tôi vẫn biết vào những thời điểm đội gặp khó khăn, mình cần phải làm gì nhưng rồi lại chậm quyết định nên bỏ trôi cơ hội hoặc không kịp thời ngăn chặn đà suy yếu của đội.Bỏ lâu nên mất cảm giác nhạy bén trong chỉ đạo, anh ạ. Đó là điều đương nhiên, rất mong mọi người thông cảm...”.
Nói lên điều này để thấy rằng, nếu có điều kiện, BCVN nên thay đổi cách nghĩ lâu nay, mời các HLV đội tuyển để trao cho họ những công việc mang tính thời vụ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.Hẹn gặp lại ông trong thời gian gần nhất.
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
PHÚC VĨNH (thực hiện)

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.