Ngày Báo chí Việt Nam (21/6): Những cây viết bóng chuyền tôi thích....!

Ông Trần Văn Nghĩa đứng bìa trái với đội bóng sinh viên ĐH Bách Khoa TPHCM
Tôi có “mối thù” với môn Bóng chuyền…? Bởi vì ngay từ thời học trung cấp ở trường dạy nghề Công nhân kỹ thuật 4 (Nay là trường Đại học Công Nghiệp TPHCM), tôi đã phải thua độ nhiều chầu ăn cơm trưa (Ở lại trường để học buổi chiều luôn) khi đấu bóng chuyền “tay đôi” với anh bạn học, dù anh ta chấp tôi 4 chạm (anh ta chỉ 2 chạm). Khi tôi thua hoài, anh ta đổi kiểu khác là chấp tôi 3 chạm, còn anh cầm thêm chiếc ghế đẩu, để chạy đến bóng, đặt ghế xuống, leo lên đánh bóng qua sân của tôi…vậy mà tôi vẫn thua hoài…thất vọng tràn trề nên tôi không thèm chơi môn bóng chuyền nữa… 
Đầu thập niên 90, do cố gắng kiếm bằng đại học nên tôi đăng ký thi vào trường ĐH TDTT TPHCM với môn năng khiếu là bóng đá. Nhưng khi thi đậu và học 3 tháng quân sự, tôi cảm thấy đá bóng va chạm nhiều dễ chấn thương và gây căng thẳng với nhau. Khi các bạn trong khóa 16 chuẩn bị quyết định chọn môn chuyên sâu, tôi đã cùng 8 anh em “khai sinh” ra lớp bóng rổ (Vì trước đó chỉ có 2 bạn đúng chuyên sâu bóng rổ, còn lại là bóng đá, bóng bàn, điền kinh…nên không đủ thành lập lớp bóng rổ) và cũng là lớp do Thầy - TS Đặng Hà Việt (Khóa 13 mới tốt nghiệp, với bằng cấp xuất sắc nên được nhận lại trường dạy – Hiện là Giám đốc Trung tâm HLQG TPHCM) làm chủ nhiệm. Nhưng cũng do trước đó chưa có lớp bóng rổ (Cũng như bóng ném) nên 2 môn này phải nằm trong bộ môn Bóng chuyền – Bóng rổ - Bóng Ném do Thầy Nguyễn Xuân Dung (Hiện là HLV trưởng đội nữ Truyền hình Vĩnh Long) là Trưởng bộ môn phụ trách. ..Vẫn bị dính vô môn bóng chuyền…
Khi tốt nghiệp ra trường, tôi mưu sinh bằng nghề báo, từ báo học trò Mực Tím, vì sự xông xáo tôi được mời về báo Thể Thao TPHCM và do nhà báo Phan Sơn chuyển qua Ban quốc tế nên tôi lại bị thế vai vào phụ trách môn bóng chuyền từ năm 2002 dù vẫn còn chưa cảm thấy yêu nó lắm. Nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm tôi phải nghiên cứu môn chơi khó ưa này. Nhờ vậy, tôi đã cảm thấy thích một số cây viết bóng chuyền dù họ là nhà báo hay nhà chuyên môn vì nét độc đáo trong phong cách viết…..!
Nhà báo Đào Tùng (Báo Người Lao Động)
Những nhà báo chuyên viết bóng chuyền trong lòng tôi…!
Khoảng trong những năm 1997 qua 2000, nổi bật nhất trong số những nhà báo viết về bóng chuyền tôi rất thích nhà báo Huy Thọ (Báo Tuổi Trẻ) với những câu viết rất sắc bén, khai thác góc nhìn rất gai góc nên đã gây nên nhiều “sóng gió” trong làng bóng chuyền thời gian đó. Tiếc là hiện nay anh đã chuyển qua vai trò lãnh đạo nên ít đầu tư môn bóng chuyền hơn xưa. Nhưng anh Huy Thọ cũng đào tạo một cây viết trẻ gây được dấu ấn là nhà báo Tấn Phúc. Với nhà báo Quang Tuyến (Báo Thanh Niên) thì anh có mối quan hệ tốt nên luôn có những nguồn tin độc để khai thác do đó cũng tạo nhiều nỗi lo cho các lãnh đạo LĐBC VN lẫn TPHCM, cùng báo Thanh Niên có nữ nhà báo Lan PhươngHà Nội cũng nắm bóng chuyền phía Bắc rất sâu sát nên có những bài viết đời thường rất hay và gần gũi. Nhà báo Đào Tùng khi còn ở báo Thể thao Việt Nam là một cây bút rất khỏe, anh có thể sản xuất cả chục bài mỗi ngày để giúp các báo khác không có điều kiện đến với các giải đấu bóng chuyền. Giờ, anh chuyển về báo Người Lao Động cũng phụ trách môn bóng chuyền với sức viết không suy giảm mà còn có thêm nghề phó nháy với nhiều bức ảnh bong chuyền đẹp và sinh động. 2 đồng nghiệp “đàn em” của tôi ở báo Thể Thao TPHCM năm xưa, bây giờ đã trưởng thành quá nhanh đó là nhà báo Thanh Lâm (báo Thể thao SGGP)Việt Cường (báo Thể thao 24H cũ) cũng có mối quan hệ rất tốt với làng bóng chuyền và nắm rất rõ bóng chuyền hiện nay. Trong khi báo hình, thì tôi ấn tượng nhất với cô gái MC Tiểu Huyền từng được nhà báo Thái Long của VTV9 dẫn xuống học việc ở Cúp MHB lần 1 tại Long An. Nhưng chỉ vài mùa giải Cúp quốc tế Bình Điền, em đã tỏ ra rất chuyên nghiệp trong chuyên môn và nhạy bén. Người thứ hai là “lão tướng” nhà báo bình luận viên Hữu Khánh của HTV, anh ít theo dõi bóng chuyền nhưng khi có giải đấu nào, anh cũng có thể đọc vanh vách tên tưng cầu thủ, vị trí và lối chơi của mỗi đội…Sau này có thêm nữ nhà báo Quỳnh Nga ở VTV9 có lối dẫn dắt chuyên môn trong các buổi bình luận ở Cúp quốc tế nữ Bình Điền cũng tạo được thích thú cho khán giả yêu bóng chuyền. Nhưng hiện nay, tôi thích cô bé Nguyễn Ngọc Trân là phóng viên trẻ của Kênh Thể Thao TV rất nhiệt tình, say mê và nhiều ý tưởng với các chường trình cho bóng chuyền Việt Nam. Không chỉ dựng kịch bản truyền hình nhanh và hiệu quả, em còn viết bài rất hay về bóng chuyền với bút danh Trân Trần trên báo điện tử VNExpress
Nữ phóng viên trẻ Nguyễn Ngọc Trân (Kênh Thể Thao TV) phỏng vấn tuyển thủ Kim Huệ
Những cây viết …bán chuyên nghiệp:
Họ không là nhà báo chính thức nhưng những bài viết của họ rất đáng để các phóng viên trẻ muốn theo nghiệp viết bóng chuyền phải học tập. 
Khi chuyển công tác qua báo Thể Thao TPHCM năm 2002, trong quá trình tìm tư liệu về những bài báo ở môn bóng chuyền, tôi rất ngưỡng mộ tác giả Trần Văn Nghĩa với những bài viết rất độc đáo về kỹ chiến thuật bóng chuyền của anh mà sau này tôi mới biết anh còn là trọng tài quốc tế và TTK LĐBC TPHCM. Đây là cây viết đã giúp tôi hiểu nhiều về chuyên môn bóng chuyền. Sau này do thời thế, anh phải rời xa bóng chuyền nhưng những hoạt động của anh vẫn gắn liền thể thao với môn quần vợt và bóng đá sân cỏ nhân tạo, gây rất nhiều dấu ấn tuyệt vời với khán giả. Cũng từ tờ báo chuyên môn này, tôi biết thêm cộng tác viên Nguyễn Thanh Tùng ở Bến Tre cũng là một trọng tài QG rất có uy tín. Đặc biệt, những bài viết của anh rất gần gũi với anh em trong làng bóng chuyền cả nước từ trọng tài, cầu thủ đến HLV…nên được nhiều người yêu mến và tin tưởng cung cấp thông tin. Dĩ nhiên, qui luật của nghề báo là được lòng người này thì mất lòng người khác nên anh cũng bị không ít điều tiếng xấu do ganh ghét. Một năm qua, tôi còn được cộng tác bởi bạn Bạch Yên, dù còn rất trẻ nhưng em viết rất sắc bén. Chỉ xuất hiện một hai bài mà em đã tạo bất ngờ với nhiều nhà chuyên môn và làng bóng chuyền. Bởi vì, mỗi khi quan tâm đến đề tài nào, em cũng đều nghiên cứu rất cẩn thận về luật của LĐBC thế giới, châu Á…bởi vốn ngoại ngữ của em rất giỏi. Vì vậy, mỗi bài viết của em điều được chứng minh bằng những điều luật rõ ràng và chính xác. Gần đây, trang tin BCSG còn được sự cộng tác của anh Nguyễn Khánh từ Mỹ – đây không chỉ là dân chuyên môn (Cựu PTTK LĐBC TPHCM từng nhiều năm gắn bó với “Huyền thoại” bóng chuyền TPHCM là Cố HLV Phan Phước Điền) mà anh còn nắm bắt rất nhiều “Góc tối” của bóng chuyền nên luôn có những bài viết phù hợp. 
Dĩ nhiên, trong làng báo thể thao còn nhiều cây bút viết bóng chuyền rất hay như: nhà báo Huỳnh Thành Trí, Cao Nguyên, cố HLV Phan Phước Điền (Báo Thể Thao TPHCM), Việt Tâm, Đỗ Tuấn (Thể thao SGGP)…Nhưng khi tôi chuyển qua phụ trách môn bóng chuyền thì các anh đã “chia tay” môn này (Hay đi xa…) để đầu tư cho môn “Vua” bóng đá nhiều hơn nên tôi không có nhiều cơ hội để học hỏi.
DƯƠNG LÂM
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.