Công nghệ bóng chuyền: Còn học Thái Lan dài dài...?

Ảnh: DƯ HẢI
Trong thời gian gần đây, có một số bài viết trên các phương tiện truyền thông đề cập đến việc sử dụng công nghệ trong thi đấu bóng chuyền trình độ cao. Tại giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cúp Sắc Ngọc Khang 2015 vừa qua ở Bạc Liêu, khán giải có dịp nhìn thấy U23 Thái Lan là đội duy nhất mang sang VN một tổ chuyên gia phân tích trận đấu, đặc biệt là trong đó có chuyên gia, HLV nổi tiếng của đội tuyển nữ Thái Lan - ông Kiattipong Radchatagriengkai. 
Mặc dù thi đấu không mấy thuyết phục trước đó (thua Liêu Ninh Trung Quốc 0 – 3, tuyển VN 1 – 3, tuyển CHDCND Triều Tiên 0 – 3), nhưng cuối cùng rồi các cô gái trẻ Thái Lan cũng đã đoạt chức vô địch. Dù có nhiều lý do trong và ngoài chuyên môn để phân tích. Song, sẽ có rất ít người trong giới bình luận giải đấu biết được, chính công tác phân tích trận đấu mới là chìa khóa thành công của đội Thái Lan, kể cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia nam, nữ của họ. 
Thật vậy, trong tất cả 6 đội tham dự năm 2015 ở một trong những giải đấu danh giá nhất - được VTV tổ chức hàng năm tại VN, duy nhất chỉ mỗi đội tuyển U23 Thái Lan là biết cách ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ công tác nghiên cứu từng VĐV và lối đánh từng đội của đối phương, qua đó giúp cho Ban Huấn luyện của họ đề ra đấu pháp phù hợp và chỉ đạo trên sân trong mỗi trận đấu cụ thể.
Nhằm có một cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thúc Phong - giảng viên, HLV Bóng chuyền, hiện là Phó Hiệu trưởng trường Năng khiếu Thể thao Olympic trực thuộc trường Đại học TDTT TPHCM, đồng thời cũng là người đã sử dụng phần mềm phân tích thi đấu bóng chuyền trong nhiều năm nay tại VN.
Với ý kiến cho rằng nguyên nhân chính giúp Bóng chuyền nữ Thái Lan đoạt chức vô địch giải nữ Quốc tế VTV Cúp Sắc Ngọc Khang năm 2015 do VN tổ chức hay như trước đó tại SEA Games 28-2015, là nhờ họ có đội ngũ chuyên gia phân tích thi đấu giỏi, ông nhận xét về việc ấy như thế nào?
Ông HTP: Theo tôi, luồng ý kiến đó tuy đúng nhưng chưa chính xác. Như chúng ta đều biết, kết quả trận thi đấu bóng chuyền phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như trạng thái sung sức (phong độ) VĐV ở thời điểm thi đấu, hiệu quả thực hiện chiến thuật của VĐV, tâm lý thi đấu, trình độ thi đấu của đối phương v.v. Ngoài ra, các yếu tố khách quan khác như sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả, thời tiết v.v. cũng rất quan trọng. 
Công việc theo dõi và phân tích thi đấu bằng các phần mềm trên máy vi tính là một trong những ứng dụng các thành tựu khoa học huấn luyện hiện đại nhằm hỗ trợ cho các HLV, VĐV trong suốt trận đấu, cung cấp những số liệu kịp thời để giúp HLV có những sự điều chỉnh tối ưu nhất có thể về chiến thuật thi đấu trên sân.
Trong trận đấu với Thái Lan, tôi cũng như các “fans” của Bóng chuyền nữ Việt Nam cũng thấy rõ là các cô gái của chúng ta đã thi đấu dưới sức do có nhiều trụ cốt bị chấn thương, ảnh hưởng đến trình độ thi đấu.
Ông có thể nói rõ về vai trò của công tác phân tích, đánh giá thi đấu bóng chuyền hiện đại?
Ông HTP: Phần này, các bạn có thể đọc bài viết của anh Phú Quốc (BCSG đăng ngày 10/7/2015) để hiểu thêm, tôi chỉ xin bổ sung vài thông tin cho các bạn. 
Việc theo dõi, phân tích đánh giá trình độ thực hiện kỹ - chiến thuật trong quá trình thi đấu là một nhiệm vụ rất quan trọng để đánh giá trình độ thi đấu của từng VĐV và toàn đội trong suốt mùa giải. Những con số này là cơ sở chính để giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí và các các đội bóng tham dự về thông tin, dữ liệu về các đội bóng, VĐV, ban tổ chức, lịch thi đấu, trọng tài, kết quả thi đấu hàng ngày. Các thông số thống kê về kỹ - chiến thuật từng trận đấu, cơ sở bình bầu các VĐV xuất sắc trong trận đấu, trong toàn giải đấu.
-  Đánh giá hiệu quả kỹ - chiến thuật từng cá nhân, nhóm chuyên môn hóa trong đội hình chiến thuật (chủ công, phụ công, chuyền hai, Libero v.v.) là hoàn toàn khác nhau. Nhận xét về tính hiệu quả của các hệ thống chiến thuật (tấn công và phòng thủ) thực hiện trong quá trình thi đấu, tìm ra các nguyên nhân dẫn đến chiến thắng hay thất bại trong trận đấu.
 - Quản lý đội bóng trong suốt trận đấu, tìm ra các VĐV mắc lổi, chuẩn bị các thông tin cần thiết, ngắn gọn để trao đổi nhanh và hiệu quả cao nhất cho mỗi lần hội ý, thay người hoặc nhắc nhở về việc thay đổi chiến thuật.
 - Lập kế hoạch và định hướng cho công tác tập luyện tiếp theo, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các tiêu chuẩn mới.
 - Nghiên cứu đội đối phương và các điều kiện thi đấu là nhiệm vụ đấu tiên. Rõ ràng, nếu có nhiều cơ hội tốt hơn thông qua các số liệu có được để tiếp cận, nắm rõ một số các đặc điểm cá nhân và toàn đội đối phương sẽ tạo niềm tin và sự chủ động cho đội nhà trong quá trình thi đấu. Ngoài ra, yếu tố tâm lý và thể lực cũng là những vấn đề cần ghi chép cụ thể.
Ông có thể giới thiệu một số phương pháp phân tích trận đấu hiện nay?
Ông HTP: Theo các tài liệu được nghiên cứu, theo tôi, có một số phương pháp phân tích trận đấu như sau:
1-Các phương pháp đơn giản, thường được các HLV sử dụng: quan sát bằng mắt, phương pháp biểu đồ, ghi hình trận đấu, phân tích trận đấu bằng phương pháp thống kê (Statictical Match Analysis)…
2-Phương pháp thống kê bằng hệ thống máy tính.
* Hệ thống thông tin bóng chuyền - Volleyball Information System (VIS). 
Mục đích chính của hệ thống thông tin bóng chuyền là để thông báo cho truyền thông trong nước cũng như thế giới về kết quả của các trận đấu, về số liệu phân tích của đội bóng và các VĐV.
* Các hệ thống sử dụng máy tính được thiết kế dành cho HLV (Computer -Systems designed for Coaches). 
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm dùng để phục vụ công tác huấn luyện, quản lý đội bóng và phân tích thi đấu trên máy tính cho HLV bóng chuyền như:
- Huấn luyện kỹ thuật: Coach’s Eye (Instant Repley Video Analysis), I-Practice Builder, Volleyball Coach Clipboard…
- Phân tích kỹ - chiến thuật trong trận đấu: Data Volley, Volleyball Statistic (VS), Volleyball Ace Stats, Click & Scout, Volleyball Coach…
- Quản lý đội bóng: Assistant Coach Volleyball, Team Snap…
Tất cả các phần mềm này đều có thể mua qua mạng Internet, hoặc nhà phân phối chính thức trên website công ty sở hữu, tùy theo mục đích sử dụng để phân tích và lưu trử các số liệu các trận đấu. 
Phần mềm phục vụ thi đấu mà chúng tôi đã từng sử dụng là Click&Scout.
Các HLV sẽ dễ dàng nhập các thông tin về những hoạt động đang diễn ra trên sân trực tiếp vào màn hình laptop bằng các thẻ theo dõi nhằm kiểm soát vị trí các VĐV, thứ tự phát bóng, điểm số, hội ý v.v. bằng cách thao tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng. 
Click&Scout còn có thể xác định vị trí phát bóng, hướng tấn công, phòng thủ cá nhân và toàn đội từ đầu đến cuối trận đấu một cách dễ dàng từ trên ghế chỉ đạo hoặc trong các cuộc họp chuẩn bị thi đấu. 
Ví dụ, minh họa thống kê và phân tích hướng tấn công (Player Attack  Direction) của các VĐV đội tuyển nam Thái Lan sau đỡ chuyền một và chuyển sang phản công trong trận đấu với Việt Nam tại SEA Games 27, Myanmar, 2013, ta sẽ thấy các đường bóng tấn công của họ đa số được chuyền nhanh ra biên ở vị trí số 4, số 2 và từ  hàng sau ở vị trí số 1, hầu như không tấn công vào giữa để tránh tầm chắn quá cao của một số tuyển thủ VN như Nguyễn Hoàng Thương, Đặng Vũ Bôn hay Phạm Thái Hưng. 
Còn tại SEA Games 28, Singapore, 2015, chiến thuật này lại được sử dụng rất hiệu quả khi họ thi đấu với Việt Nam. Bởi vì họ đã nghiên cứu rất kỹ trong các trận đấu trước đó, trong khi đội Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra cách khắc chế lối đánh này.
Như vậy bằng các phần mềm này, chúng ta sẽ có thể dễ dàng áp dụng cho các đội bóng Việt Nam được hay không, thưa ông?. 
Ông HTP (cười buồn): Hoàn toàn không đơn giản như vậy, chị à. Như chúng ta đã biết, từ năm 2000, bóng chuyền Thái Lan đã xây dựng nên chiến lược đào tạo các chuyên gia sử dụng phần mềm phân tích trận đấu để hỗ trợ cho công tác huấn luyện và thi đấu.
Các số liệu thống kê đều được một bộ phận tích rất nhanh và chuyển tải trực tiếp đến HLV đang chỉ đạo trên sân. Công việc này là của một chuyên gia phân tích trận đấu. Việc thống kê dữ liệu do 1 chuyên gia vi tính và 1 HLV bóng chuyền, nhưng người phân tích và đọc các tình huống thi đấu bằng bộ đàm đến HLV đang chỉ đạo trên sân là HLV Kiattipong. Như vậy, chúng ta hiểu được để có một đội ngũ làm công tác phân tích thi đấu không hề là công việc đơn giản.
Chúng ta sẽ thấy rõ điều này qua hình dưới đây. 
Vậy theo ông, đề công tác phân tích thi đấu của BCVN hiệu quả hơn thì cần có những điều kiện nào và cách khắc phục những thiếu sót hiện nay ra sao?.
Ông HTP: Qua những phân tích trên, cho thấy việc nghiên cứu và phân tích đặc điểm kỹ - chiến thuật của từng cá nhân và toàn đội đối phương trong suốt quá trình thi đấu là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong công tác huấn luyện bóng chuyền hiện nay.
 Các thông số kỹ thuật của trận đấu sẽ được lưu giữ để nhằm giúp các HLV có thời gian phân tích sâu hơn và chi tiết hơn về trận đấu đã diễn ra cũng như để chuẩn bị cho những mùa giải tiếp theo. Nhiệm vụ công việc này là của một chuyên gia thống kê và phân tích trận đấu (Scoutman). Vai trò trợ lý HVL sẽ hiệu quả hơn nếu là một Scoutman
Thành tích thi đấu của bóng chuyền Việt Nam gần đây có nhiều tiến bộ về không ít mặt. Tuy nhiên, biết bao nhiêu năm là bấy nhiêu lần chúng ta vẫn xếp sau người Thái ở đấu trường Đông Nam Á và còn một khoảng cách không nhỏ ở đấu trường châu Á. 
Thực tế cho thấy, công tác  thống kê, đánh giá trình độ thực hiện kỹ - chiến thuật trong thi đấu của các VĐV bóng chuyền cấp cao Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được chú trọng, chưa có phương tiện hay được các chuyên gia hỗ trợ, đặc biệt là ở cấp độ đội tuyển quốc gia. 
Nhìn ở góc độ khác, việc ứng dụng các phương pháp hiện đại nhằm theo dõi, thống kê và đánh giá trình độ thực hiện kỹ - chiến thuật trong thi đấu, phần nào sẽ còn hổ trợ cho công tác huấn luyện chuyên môn ở cấp VĐV năng khiếu và huấn luyện nâng cao sao cho phù hợp với thi đấu bóng chuyền trình độ cao hiện nay, sẽ giúp góp phần cải thiện thành tích thi đấu bóng chuyền Việt Nam. 
Do vậy, theo tôi thì dù muộn còn hơn không, tới đây Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) nên mời các chuyên gia giỏi của Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) hay châu Á (AVC) sang để giúp mở các lớp đào tạo Scoutman nhằm hổ trợ cho công tác huấn luyện bóng chuyền ở VN ngày một hiệu quả hơn.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi bổ ích này.
PHÚC VĨNH thực hiện

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.