TS Bùi Huy Châm: Thực trạng đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam

Ở Đại hội BCH LĐBCVN khóa 6 (2015 - 2019) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6/11, HLV trưởng - Tiến sĩ Bùi Huy Châm (ĐKVĐ Cúp Hùng Vương và ĐKVĐ giải VĐQG PV Gas 2015) đã có bài tham luận trước các lãnh đạo và Đại biểu của ĐH BCH LĐBCVN. BCSG đã được phép của ông để giới thiệu lại với bạn đọc.
Trong những năm gần đây, cùng với việc phong trào bóng chuyền ngày càng phát triển, trình độ chuyên môn của các giải đấu đỉnh cao (giải vô địch quốc gia) ngày càng được nâng cao, đã xuất hiện nhiều vận động viên trẻ đạt thành tích tốt trong các giải đấu trong nước và quốc tế. Các vận động viên trẻ này đã đóng góp công sức rất lớn để nâng cao thành tích của các đội và thành tích cho đội tuyển quốc gia trong việc tham dự các giải khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao, việc nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước, nâng cao trình độ chuyên môn của các đội từ trẻ đến hạng A, đội mạnh, đội tuyển quốc gia, chúng ta cần phải có những cái nhìn nghiêm túc, xem xét lại thực trạng công tác này và tìm ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Giải quyết những tồn tại và tìm ra phương hướng chỉ đạo, các giải pháp cụ thể, để công tác đào tạo vận động viên trẻ ngày càng tốt hơn nhằm đào tạo ra nhiều vận động viên tài năng, bổ sung cho lứa các vận động viên đã lớn tuổi hiện tại ở các đội nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của các giải đấu, của các đội đại diện ở các hạng, các trình độ thi đấu  nâng cao thành tích thể thao của các đội đại diện của đất nước chúng ta khi đi ra tham gia thi đấu ở các giải quốc tế tại khu vực và châu lục.
Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Kính thưa các vị đại biểu.
Kính thưa đại hội.
1. Thực trạng công tác đào tạo vận động viên trẻ bóng chuyền trong nhà hiện nay:
Hiện tại ở hầu hết các địa phương trong cả nước đã có các trường năng khiếu TDTT, trong các môn đào tạo, nhiều địa phương đã có môn bóng chuyền. Vậy thực tế công tác đào tạo tại các địa phương này như thế nào?
Qua nhiều năm, chúng ta thấy nổi lên một số câu lạc bộ, địa phương có thành tích tốt trong công tác đào tạo vận động viên trẻ như: Thể Công, Thông tin, ngân hàng Công Thương, Sao vàng Biên Phòng, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc .v..v ở phía Bắc.
Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, .v..v.ở các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên khi xem xét cụ thể chúng ta thấy một số tồn tại sau đây:
1.1 Hệ thống tuyển chọn:
 - Tại các cơ sở này đều gặp khó khăn lớn trong công tác tuyển chọn, việc tiến hành tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ các em học sinh là rất khó khăn với các lý do rất khách quan, ví dụ: hiện tại ở Việt Nam chúng ta chương trình giáo dục thể chất trong nhà đang phổ thông ở các cấp học vẫn tuân theo chương trình quy định của Bộ Giáo Dục, nhằm phát triển toàn diện cho các em học sinh phổ thông, chưa có các chương trình tập luyện theo nguyện vọng, sở thích của các em học sinh, theo nhóm tuổi. Do vậy, việc tiếp xúc với các môn thể thao nói chung chủ yếu là tập ngoài gió theo nguyện vọng, theo hình thức các lớp đăng ký tập luyện thêm ngoài giờ và có đóng tiền. Và thực tế cũng chỉ hoạt động trong các dịp hè do đặc thù của các môn thể thao cần tuyển chọn vận động viên theo các nhóm tuổi, đây là việc làm rất khó khăn, và hầu như không thực hiện được.
Vậy để có được các vận động viên trẻ, các câu lạc bộ phải tìm các biện pháp như:
Nhờ các cơ sở phát hiện các em trước sau đó phải trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, xem xét.
Do đặc thù của môn bóng chuyền là cần chiều cao nên việc tuyển chọn còn khó khăn hơn. Chúng ta không thể tuyển các em quá nhỏ tuổi mà theo lý luận TDTT là bắt đầu công tác đào tạo ở nhóm tuổi 9 đến 11 tuổi.
Rất khó khăn về kinh phí và công tác tổ chức tuyển chọn.
Nội dung công tác tuyển chọn hiện tại cũng chưa khoa học, các chỉ tiêu tuyển chọn hiện tại cũng chưa được tiêu chuẩn hóa và áp dụng chung trong cả nước. Mỗi câu lạc bộ, mỗi địa phương làm khác nhau nên khi xem xét đánh giá chung (nếu có) cũng không thể làm được, do đánh giá chất lượng này không thể tuyển chọn giữa các câu lạc bộ, địa phương khác nhau.
1.2. Hệ thống đào tạo:
- Do công tác tuyển chọn khó khăn, mang tính chắp vá cho nên các vận động viên đều không đồng nhất về lứa tuổi, thời gian, việc tham gia tập luyện gặp nhiều khó khăn cho việc xây dựng chương trình huấn luyện.
- Các em được tuyển chọn hầu hết là học sinh phổ thông, do vậy việc sắp xếp việc học văn hóa cũng là một trong những vấn đề nan giải cho các câu lạc bộ và các lớp năng khiếu.
- Sắp xếp chương trình học tập và tập luyện là việc rất khó khăn cho các HLV tại cơ sở, ngoài ra việc bố trí sân tập cho các em cũng là những tồn tại khó giải quyết.
- Do tình hình cơ sở vật chất ở các địa phương có khác nhau, trừ một số câu lạc bộ như Thông tin, ngân hàng Công Thương, Ninh Bình,… còn nhiều địa phương khác việc sắp xếp sân bãi cho các vận động viên năng khiếu và vận động viên trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy rất khó khăn trong công tác huấn luyện.
1.3. Trong công tác đào tạo vận động viên trẻ còn hàng loạt các khó khăn, tồn tại mà tại báo cáo tham luận này chúng tôi không có thời gian để trình bày ra được, ví dụ:
- Chương trình huấn luyện theo nhóm tuổi không có.
- Phải tự tay HLV đội xây dựng lấy.
- Hệ thống các kiến thức và hệ thống các bài tập cập nhật cho HLV lựa chọn trong quá trình huấn luyện chưa được biên soạn.
- Lựa chọn huấn luyện viên giỏi để trực tiếp huấn luyện các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển thành tích của các em hiện nay ở các câu lạc bộ và địa phương chưa được tiêu chuẩn hóa nên nhiều VĐV sau này có những sai sót về kỹ thuật rất khó sữa chữa.
- Hệ thống kiểm tra đánh giá việc phát triển thành tích thể thao của các em chưa được xác định và tiêu chuẩn hóa.
- Hệ thống thông tin về công tác đào tạo của các nước trong khu vực và thế giới rất hạn chế.
- Việc liên kết đào tạo giữa các câu lạc bộ, các địa phương chưa được tiến hành.
- Việc tập huấn trong nước, tham quan nước ngoài cho các HLV đào tạo trẻ có tiến hành song rất ít và chưa hiệu quả.
- Chế độ dinh dưỡng cho vận động viên trẻ chưa được quan tâm.
- Các chế độ đãi ngộ, khen thưởng nhằm động viên khuyến khích các HLV có tâm huyết cho công tác này và đã đạt thành tích ở các câu lạc bộ và địa phương chưa được làm thường xuyên và đúng mức nên chưa khuyến khích được sự nỗ lực, năng động của các HLV.
- Hệ thống thi đấu cho các vận động viên năng khiếu và trẻ hiện tại còn quá ít ngoài giải trẻ toàn quốc, giải trẻ các câu lạc bộ ra, chúng ta không có các giải tập huấn, giải các khu vực và địa phương.
Và còn hàng loạt các vấn đề khác nữa, mà hôm nay vì thời gian hạn chế chúng tôi không thể trình bày ở đây được.
Đây là thực trạng việc đào tạo vận động viên trẻ của chúng ta hiện nay mà theo tôi hầu hết các nhà quản lý, các huấn luyện viên, những đại biểu tham dự đại hội hôm nay ở đây đều biết, đều có suy nghĩ, vậy tình hình thực tế như vậy, nhân dịp đại hội Liên đoàn bóng chuyền để bầu ra ban chấp hành cho nhiệm kỳ mới, chúng tôi xin phép đề xuất một số giải pháp. Các đề xuất này là suy nghĩ của một số HLV ở các đội chúng tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi để làm gợi ý có tính chất tham khảo cho BCH Liên đoàn nhiệm kỳ mới bàn bạc để đi đến những quyết sách cho hoạt động đào tạo vận động viên trẻ bóng chuyền trong thời gian sắp tới.

Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Kính thưa Đoàn Chủ tịch đại hội.
Kính thưa các vị đại biểu.
Thưa các bạn.
2. Một số các giải pháp về công tác đào tạo vận động viên bóng chuyền trẻ trong nhà trong giai đoạn 2015 – 2019:
2.1. Thành lập ban chuyên trách đào tạo trẻ trong Hội đồng huấn luyện quốc gia.
Liên đoàn phải xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ban này phải thực hiện, có kế hoạch cụ thể hàng năm để triển khai và có tổng kết cụ thể hàng tháng, quý và năm cho Hội đồng  và cho BCH liên đoàn biết công việc và kết quả.
2.2. Xây dựng kế hoạch đào tạo vận động viên bóng chuyền trẻ ở các trường năng khiếu các tỉnh thành, đặc biệt chú trọng quan tâm ở tỉnh, thành đã có truyền thống và nơi có các đội đại diện có trình độ hạng A trở lên. Làm việc cụ thể với các địa phương này, cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn để triển khai công tác đào tạo.
2.3. Xác định, chỉ đạo, hỗ trợ một số trung tâm ở các tỉnh thành có phong trào bóng chuyền tốt, hoặc đã có truyền thống từ trước, làm nồng cốt, từ đó qui tụ các địa phương khác thành các cụm để có trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tuyển chọn và huấn luyện.
2.4. Nhanh chóng xây dựng được hệ thống quy định về tuyển chọn, có test tuyển chọn, kiểm tra đánh giá vận động viên trẻ theo nhóm tuổi.
2.5. Xây dựng hệ thống chương trình đào tạo theo nhóm tuổi, kèm theo hệ thống lý luận, hệ thống kiểm tra và hệ thống hóa các bài tập huấn luyện thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý đẻ giúp các HLV trong quá trình làm việc.
2.6. Liên kết giữa các địa phương để hỗ trợ nhau trong quá trình huấn luyện, tổ chức hội thảo, tiếp xúc, thi đấu với nhau giữa các cụm và vùng, miền hàng năm.
2.7. Tổ chức học tập, hội thảo, tham quan giữa các cụm, và tham quan nước ngoài ở khu vực và quốc tế.
2.8. Trực tiếp làm việc với các địa phương, đặc biệt là các trọng để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình như: sân bãi, dụng cụ, học tập, lựa chọn HLV trực tiếp,…
2.9. Xây dựng một hệ thống thi đấu khoa học, tăng cường thi đấu cọ sát lẫn nhau, ngoài các giải quy định hàng năm theo kế hoạch. Phải tổ chức các giải tập huấn theo khu vực và các địa phương.
2.10. Xây dựng các tuyến vận động viên theo nhóm tuổi, có kế hoạch tập huấn trong nước và nước ngoài cho các vận động viên xuất sắc trên cơ sở đó cử các HLV giỏi ở cơ sở quản lý tập huấn và dẫn đi tham gia thi đấu các giải quốc tế theo nhóm tuổi.
2.11. Tập trung các vận động viên có tài năng đặc biệt theo nhóm tuổi, nếu có điều kiện nên cho tập trung tập huấn, mời các chuyên gia nước ngoài, trong nước để nâng cao trình độ thể thao nhằm đáp ứng cho thi đấu quốc tế và chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.
2.12. Soạn thảo, ban hành quy chế về đào tạo vận động viên trẻ, có quy định về chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, vinh danh các địa phương, các huấn luyện viên đã có thành tích xuất sắc trong năm, trong phạm vi cụm, toàn quốc.
Hàng năm từ huấn luyện viên các địa phương, khu vực phải có báo cáo tổng kết cụ thể để ban chuyên trách của liên đoàn có báo cáo đánh giá đúng cho Ban chấp hành liên đoàn biết và có thông báo trong cả nước.
Kính thưa Đoàn Chủ tịch đại hội.
Kính thưa các vị đại biểu.
Thưa các bạn.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi, những người làm công tác trực tiếp tại cơ sở về công tác đào tạo vận động viên trẻ. Những ý kiến này chỉ mang tính chất tham khảo, rất mong ban chấp hành liên đoàn mới quan tâm và có những quyết sách trong thời gian tới để công tác đào tạo vận động viên trẻ đạt nhiều thành công, đào tạo được nhiều vận động viên tài năng tham gia vào các đội đại diện tham gia thi đấu quốc tế mang vinh quang về cho đất nước chúng ta.
Tiến sĩ BÙI HUY CHÂM
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.