Ảnh: TOÀN NGUYỄN
Không chỉ ở nhiệm kỳ khóa IV kết thúc vào cuối năm 2009 mà ròng rả suốt cả 6 năm trời của khóa V đương nhiệm, việc chuyển nhượng VĐV Bóng chuyền tuy có những sự ràng buộc nhất định bằng một bản Quy chế chuyển nhượng ban hành năm 2010 nhưng dường như chưa bao giờ nó được quan tâm rằng, trong quá trình thực thi suốt thời gian dài, các quy định trong Quy chế này đã tác động đến đối tượng quản lý – địa phương, đơn vị và bản thân các VĐV, và phạm vi cũng như mức độ ảnh hưởng đến đời sống của BCVN như thế nào.
Chẳng thế nên bên cạnh nhiều vụ chuyển nhượng thành công, vẫn còn không ít những mắc mứu tồn đọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan.
Gần đây, bên cạnh các sự chuyển động trước thềm Đại hội LĐBCVN khóa VI (nhiệm kỳ 2015 – 2018), không ít người trong giới chuyên môn đang trông chờ một luồng gió mới từ sự kiện quan trọng bậc nhất này của BCVN, trong đó vấn đề chuyển nhượng VĐV được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Qua lắng nghe ý kiến từ các CLB, VĐV và nghiên cứu một số văn bản có liên quan đến vấn đề này, BCSG xin mạn phép trình bày đôi điều và mong nhận được sự tham gia ý kiến nhiều chiều của quý bạn đọc gần xa.
Cần khẳng định việc không cho phép cầu thủ thi đấu nhiều hạng trong năm là điều cần thiết!
Đây là điều không mới nhưng rõ ràng, yêu cầu đặt ra là những chuyển động của môn Bóng chuyền – dù mang mác “cấp tiến” cũng không thể đi trái quy luật của các môn thể thao khác, mà tấm gương cần soi rọi chính là ở môn được mệnh danh thể thao Vua – Bóng đá.
Những cái lợi mang lại đã từng nhiều lần được các nhà quản lý, giới chuyên môn và người hâm mộ phân tích, song dường như nó nhẹ cân hơn nhiều so với những bất cập do chính quy định “Trong cùng một năm, một VĐV có thể được chuyển nhượng đến nhiều CLB để thi đấu nhiều giải, nhiều hạng (Hạng A, Trẻ, vô địch quốc gia) hoặc nhiều giai đoạn của giải (Vòng bảng, bán kết, chung kết của giải Hạng A, Trẻ hoặc các vòng của giải vô địch quốc gia), song chỉ được thi đấu cho một CLB trong một giai đoạn của giải” như trong Quy chế chuyển nhượng VĐV Bóng chuyền (ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 26/6/2010 của Chủ tịch LĐBCVN) mang lại.
Vì thế, việc trả lại trật tự cũ, không cho phép thi đấu nhiều hạng trong cùng năm đối với VĐV Bóng chuyền là điều dư luận đòi hỏi vì phù hợp với quy luật của phát triển và cần được khẳng định trong phương hướng hoạt động của BCVN, ngay từ năm 2016 chứ không thể chậm hơn.
Quyền và nghĩa vụ các bên như thế nào cho đạt lý, thấu tình?
Thực tế cả nhiệm kỳ của khóa V cho thấy, tuy rất nhiều vụ việc chuyển nhượng thành công nhưng dường như đối với những người trong cuộc – đơn vị quản lý và VĐV, phía nào cũng chưa hài lòng với những gì mình được nhận sau khi thực hiện theo đúng hướng dẫn của Quy chế này, hoặc các bên – kể cả đơn vị mới, tự thỏa thuận.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là bên cạnh phần lớn cuộc chuyển nhượng diễn ra êm thắm thì trong số ít vụ nổi cộm từng gây sự chú ý của công luận và giới chuyên môn do bất thành như chuyện của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Hà (Tràng An Ninh Bình với Đức Long Gia Lai, rồi Đức Long Gia Lai với cá nhân anh v.v), nhiều người cho rằng vai trò quản lý và là cơ quan soạn thảo bản Quy chế - tức những người làm “luật chơi”, của “ông” LĐBCVN rất mờ nhạt, thậm chí thiếu trách nhiệm khi thường tự cho mình là phía….ngoài cuộc, thậm chí đùn đẩy cho các bên…..tự thỏa thuận.
Hướng đi nào cho tương lai?
Với góc nhìn hẹp của mình, BCSG cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các bên chịu sự điều chỉnh của bản Quy chế mới để ban hành chính thức là một việc làm cấp bách, cần thiết nhằm đáp ứng sự mong chờ, trong đó lãnh đạo LĐBCVN khóa mới phải nêu cao tính trách nhiệm và đi đầu.
Rõ ràng, trong 4 chương, 14 điều của bản Quy chế năm 2010, nên chăng cần chỉnh sửa, cắt những phần thừa như đoạn trên đã phân tích, hay bỏ Điều 11. Đăng ký thi đấu đối với vận động viên nước ngoài, đồng thời bổ sung thêm những phần thiếu, chẳng hạn có thể đưa ra các điều khoản cụ thể để quy định các khái niệm hay định nghĩa về các giai đoạn phát triển của VĐV (đào tạo, cống hiến, sử dụng v.v); điều khoản Mua lại hợp đồng lao động và hoàn thiện về tiền đền bù ở Điều 14. Bồi thường cho CLB khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Thực tế chỉ ra, khi đã đạt được sự đồng thuận - với mức độ chấp nhận được một cách tương đối giữa các bên, để xây dựng thành một khung pháp lý có tính chất ràng buộc mọi giao dịch, các tranh chấp về sau – nếu có, chắc chắn sẽ diễn ra với tần suất ngày càng ít đi và đặc biệt, nó giúp đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên được thực thi theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những điều được quy định trong Quy chế năm 2010 của LĐBCVN khóa V, rõ ràng còn nhiều kênh thông tin cần tham khảo nhằm cải biên để giúp hoàn thiện.
Chẳng hạn, trong các giai đoạn phát triển VĐV, việc xác định rõ giai đoạn đào tạo – tức trách nhiệm của phía địa phương, đơn vị quản lý, nói nôm na là “Những người trồng cây” bắt đầu tính từ đâu, lúc đó quyền lợi VĐV như thế nào; kế đến là giai đoạn cống hiến – cần xác định bắt đầu tính khi nào và trách nhiệm của VĐV ra sao để đảm bảo trả hết hoặc chưa hết “công” (đào tạo) kèm theo các ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa đôi bên trong giai đoạn này; và sau cùng là giai đoạn chuyên nghiệp sẽ tính từ thời điểm nào, hợp đồng mới giữa hai bên cùng việc khấu trừ cụ thể giữa thời gian đào tạo và thời gian cống hiến dài – ngắn trước đó của từng VĐV để làm cơ sở giải quyết khi có hợp đồng mới hoặc một trong các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn v.v..
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đối với việc chuyển nhượng VĐV các môn thể thao tập thể, trong đó có Bóng chuyền là nên chăng, do xác suất đào tạo thành công (có thể từ 5 người ở “đầu vào” trở lên mới có “đầu ra” 1 VĐV tốt) khá thấp dẫn đến chi phí đào tạo cao nên hệ số lớn và cách tính có thể là bằng tổng chi phí đào tạo, gồm (tiền ăn + tiền công + tiền chế độ độc hại) trong 1 năm x số năm đào tạo (tính đủ tháng) x hệ số 5 (xác suất chi phí rủi ro) trở lên để tính; rồi quảng thời gian đào tạo khá dài – từ 6 đến 8 năm/VĐV, nên thời hạn cống hiến – tức trả “quả” phải dài tương ứng, ít nhất là sau 25 tuổi, nhằm đảm bảo quyền lợi cho địa phương, đơn vị ra công đào tạo ban đầu.
Và nên chăng, trong hoặc sau khi hoàn thành thời gian cống hiến để chuyển sang thời gian chuyên nghiệp (theo từng năm hoặc lâu hơn, tùy theo thỏa thuận), đơn vị quản lý phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho VĐV theo cơ chế thị trường và việc chuyển nhượng - nếu có, sẽ được tính khấu trừ giữa thời gian cống hiến và thời gian đào tạo, sau đó x với các hệ số và số tiền tương ứng theo quy định.
Điểm đặc biệt, cần quy định rõ, tổng số tiền chuyển nhượng trong giai đoạn chuyên nghiệp, sẽ chi theo các tỷ lệ được quy định trong bản Quy chế mới, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ các phía có liên quan, chẳng hạn đơn vị quản lý cũ hưởng 40%, ban Huấn luyện của VĐV 10% (sau đó chia tỷ lệ 60% - 40% cho HLV ở giai đoạn đào tạo ban đầu), VĐV được chuyển nhượng được “lót tay” 30%, chi phí môi giới 10%, tiền trách nhiệm LĐBCVN 5%, chi phí thủ tục pháp lý 5% v.v
Thiết nghĩ, việc không cho phép VĐV Bóng chuyền thi đấu nhiều hạng trong 1 năm như các môn thể thao khác là yêu cầu chính đáng và khi đó, cần đảm bảo những hành lang pháp lý thông thoáng để việc chuyển nhượng VĐV – đặc biệt là số tài năng giỏi được thuận lợi, ít rào cản, qua đó tạo điều kiện để họ có cơ hội cống hiến ở môi trường tốt hơn nhằm cung cấp thêm nguồn VĐV xuất sắc cho BCVN, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các bên có liên quan v.v. cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các giới chức có trách nhiệm với BCVN trong nhiệm kỳ mới.
HỒNG ÁNH
Đăng nhận xét