Chủ công Thanh Thúy thi đấu ở T-League: Lợi nhiều nhưng...?

Việc chủ công Trần Thị Thanh Thúy (VTVBĐLA) được mời sang thi đấu cho CLB Bangkok Glass (Thái Lan) năm 2016:
Những ngày qua, nhiều nguồn thông tin đã cho biết, chủ công 18 tuổi Trần Thị Thanh Thúy (SN 12/11/1997, cao 1,90m) sẽ thi đấu cho CLB Bangkok Glass ở giải VĐQG Thái Lan năm 2016 theo hợp đồng tương tự như bậc đàn chị - đội trưởng Nguyễn Thị Ngọc Hoa của VTV Bình Điền Long An.
Như vậy, cho đến nay, chị sẽ là cầu thủ thứ 5 của BCVN lần lượt được các CLB nước ngoài mời sang thi đấu, sau Ngô Văn Kiều (Sanest Khánh Hòa), Đỗ Thị Minh (Thông tin Liên Việt Postbank), Nguyễn Thị Kim Liên (VTVBĐLA) và Nguyễn Thị Ngọc Hoa.
Nhân sự kiện này, BCSG đã có cuộc trò chuyện ngắn với một chuyên gia Bóng chuyền vốn là khách mời quen thuộc trong các cuộc trao đổi thú vị trước đây, nhưng do ông bận khá nhiều công việc trong công tác quản lý chuyên ngành thể thao nên không có thời gian để gắn bó xuyên suốt với trang tin.
Thưa ông, đã khá lâu, BCSG mới có dịp gặp lại và trò chuyên cùng ông…
NQS: Vâng, tuy nhiên dù bận bịu và đã rời cương vị của một người làm công tác huấn luyện mấy năm nay, nhưng tôi luôn theo dõi những chuyển động của BCVN vì đó vừa là công việc, vừa là niềm đam mê cháy bỏng trong tôi. Tôi sẳn sàng chia sẻ với BCSG trong phạm vi hẹp về những hiểu biết của mình.
Lần này, chúng tôi muốn ông có những nhận định sơ nét về chuyện chủ công Trần Thị Thanh Thúy sẽ sang Thái Lan chơi ở giải VĐQG 2016…
NQS: Giới truyền thông đăng tải khá đầy đủ, rồi những nhà quản lý CLB cũng đã phát biểu. Tôi bình luận thêm cũng là thừa, chị ạ. Nhưng đúng như mọi người nói, đây là tin vui cho BCVN và riêng CLB VTV Bình Điền, bởi lần lượt những VĐV tốt nhất của VN đã được làng Bóng chuyền nữ Thái Lan – lá cờ đầu của khu vực Đông Nam Á suốt thời gian dài gần đây, thừa nhận. 
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, đó chỉ là xét về tổng thể - trong đó kể cả khả năng giúp tiếp tục quảng bá một cách rộng rãi hơn thương hiệu CLB chủ quản là Công ty CP Phân bón Bình Điền của Ngọc Hoa và giờ đây là Thanh Thúy ra nước ngoài, đồng thời giúp bản thân VĐV này có dịp mở rộng hơn tầm mắt ở giải đấu quy tụ những cầu thủ giỏi của bạn và những VĐV chất lượng hàng đầu khác của châu lục trong màu áo các CLB Thái Lan tham dự giải. 
Ông đề cập đến những thu hoạch dễ thấy, được gọi là “tổng thể”. Thế còn về vấn đề mà ông cho là “tiểu tiết” thì có gì khác biệt, thưa ông?
NQS: Vấn đề này thật tế nhị, vì có khi nhận định của tôi sẽ bị nhiều người xem là rào cản không đáng có. Chị có thể hình dung, xe người ta đang chạy bon bon, bỗng dưng có một vật chướng ngại chắn ngang làm giảm tốc độ, lái xe giật mình thì tất nhiên cảm giác là không dễ chịu chút nào. Nhưng đã làm công tác chuyên môn, dẫu có làm không hài lòng số đông, tôi vẫn cứ bày tỏ quan điểm của mình.
Theo tôi, đây chưa phải là thời điểm “chín mùi” để Thanh Thúy thi đấu ở nước ngoài, với một giải đấu có độ cạnh tranh quyết liệt hàng đầu khu vực Đông Nam Á như của Thái Lan. 
Rõ ràng, đối với nhiều HLV trong nước, từ cô Lương Nguyễn Ngọc Hiền, các thầy Nguyễn Quốc Vũ, Nguyễn Văn Hải của Long An, cho đến các HLV đội tuyển quốc gia như Phạm Văn Long hay Thái Thanh Tùng, thậm chí kể cả ông Aphisak của Thái Lan – nay nắm đội Bangkok Glass (cựu HLV VTV Bình Điền thời Thanh Thúy mới lên….dự bị cho đội 1 Long An) cũng quá rõ điều này: với trình độ kỹ thuật cá nhân chưa đạt mức hoàn thiện nên cần được tôi luyện thêm, tình trạng thể lực – đặc biệt là các tố chất sức mạnh và sức bền vẫn còn những điểm hạn chế như nhiều VĐV trẻ khác, cho nên theo tôi nếu chờ được rèn dũa thêm từ 18 tháng đến 2 năm, dù Thanh Thúy có được mời sang chơi tại những giải đấu khốc liệt nhất ở châu Âu thì cũng làm mọi người cũng yên lòng hơn, chứ không chỉ là phạm vi đấu trường của người Thái.
Thế thì có mất cơ hội không, thưa ông, vì Thanh Thúy cũng đã thể hiện sự tiến bộ khá nhanh trong thời gian gần đây?
NQS: Ông bà ta nói không sai đâu, chị ạ. “Dục tốc, bất đạt” thôi. Với riêng trường hợp của Thanh Thúy thì không đến độ như thế nhưng theo tôi, cái giá phải trả là một khi trình độ tập luyện chưa đủ độ cứng cáp, thể trạng chưa trong trạng thái sẳn sàng để đáp ứng môi trường mới, thì e rằng Thanh Thúy sẽ khó vươn tới những đỉnh cao mà lẽ ra khả năng chị có thể đạt được.
Tôi từng nghe thông tin về câu nói của thầy Nguyễn Văn Hải khi ông mắng yêu cô học trò của mình: “Con phải ráng siêng tập. Lúc nào cũng không cho phép mình tự đứng yên, tự hài lòng. Sau lưng chị Hoa là mày đấy. Hãy cố lên, con ạ!”. 
Tôi hoàn toàn đồng tình với ông Hải và thầm cảm ơn ông vì đã đặt niềm tin yêu đúng chổ để có những lời khuyên bảo thật lòng đối với những đứa học trò ruột đầy triển vọng của mình, vì tương lai của CLB và BCVN.
Có ý kiến băn khoăn “trái chiều”, rằng việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào công tác huấn luyện và công tác chỉ đạo, đã giúp Bóng chuyền Thái Lan ngày càng đi xa hơn chúng ta. Vậy nếu các cầu thủ giỏi nhất của VN sang Thái, họ có thêm điều kiện để nghiên cứu kỹ từng sở trường, sở đoản và vô tình tạo ra khoảng cách ngày càng lớn hơn, thưa ông?
NQS: Tôi xin mạo muội nói thế này. Nếu ai có cách nhìn nhận như vậy, thì đúng là đi quá xa nhưng lại cũng quá thiển cận. Họ phải hiểu, giờ đây là thời đại gì?. Việc gì họ phải mời sang mới biết anh A, chị B trình độ cỡ nào?. Thông tin toàn cầu hóa đã làm thay điều đó. Họ biết mình, mình cũng có điều kiện để rõ họ. Vấn đề là ai làm, làm như thế nào và bao giờ làm?.
Việc trẻ hóa đội tuyển Bóng chuyền nữ VN đã đem lại luồng gió mới, trong đó có những hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy, Lê Thị Hồng, Lê Thanh Thúy v.v. Xin ông cho biết phải làm thế nào để tiếp thêm sức cho các bạn trẻ ấy tỏa sáng?
NQS: Không phủ nhận rằng chủ trương trẻ hóa lực lượng của BCVN thời gian qua là sự lựa chọn đúng đắn. Nhưng cho phép tôi bày tỏ điều suy nghĩ thế này. Như bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, muốn phát triển bền vững thì ắt phải tuân thủ theo đúng quy luật vận động. Bóng chuyền VN cũng phải thế. Tôi cho rằng chủ trương đúng nhưng giải pháp thực hiện của các nhà quản lý chưa thật ổn nên điều thu hoạch được không như mong đợi của họ.
Thực tế cho thấy, với BCVN, các VĐV trẻ dù là nhân tố mới nhưng trình độ kỹ thuật cá nhân của họ không tương đồng vì xuất thân từ các lò đào tạo khác nhau. Có một điểm chung là giai đoạn ban đầu khi lên tuyển, với họ mọi thứ đều khá lạ lẫm. Thế nên họ thu nạp hầu như tất cả những việc cho là “mới” – kể cả một số điều chưa đúng, từ những kỹ thuật này cho đến động tác nọ của các bậc đàn anh, đàn chị và cả của những cầu thủ đối phương nên dễ tự phá vỡ - tức thụt lùi. Trải qua một loạt các thử thách, nếu VĐV nào đủ sức vượt qua giai đoạn này thì sẽ ổn. Nhưng ai giúp họ khi mà thời gian quá ngắn đã không cho phép BHL các đội tuyển làm điều này.
Thế nên có ai đó đã nhận định, ông Tùng (HLV Thái Thanh Tùng – Thái Bình) giờ chót đã ôm đầu chịu báng hồi SEA Games 28 tại Singapore và nhất là tại VTV Cúp Sắc Ngọc Khang 2015 ở Bạc Liêu. Tôi không biết nói sao nhưng rõ ràng điều đó cần được xem xét một cách nghiêm túc. 
Tôi xin nhắc lại, trẻ hóa là đúng nhưng không đồng nghĩa ồ ạt. Theo quy luật phát triển, nó phải là sự tập hợp của 3 thế hệ: lứa “lớn” làm chổ dựa do nhiều kinh nghiệm, lứa “đủ độ chín” để tạo nên sức mạnh và lứa trẻ để làm tiền đề. Thế thôi, những gì đã được đúc kết thành quy luật rồi thì ta không nên cưỡng lại nó vì điều đó sẽ dẫn đến duy ý chí và thất bại là điều không tránh khỏi.
Qua BCSG, tôi xin bày tỏ thế này thay cho lời kết: nếu những nhận định theo quan điểm cá nhân có gì không đúng, xin mọi người thông cảm cho tôi và hãy bỏ qua.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi bổ ích nầy.
HỒNG ÁNH thực hiện 
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.