tháng 6 2017

Dù những ngày HLV trưởng Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) bỏ việc ở ĐTQG nữ, HLV phó Nguyễn Quốc Vũ (CLB VTV Bình Điền Long An) được BHL và các tuyển thủ tin tưởng đề cử làm quyền HLV trưởng để điều hành các buổi tập. Nhưng HLV Nguyễn Quốc Vũ vẫn đề nghị LĐBCVN nhanh chóng tìm người xứng đáng thay thể vị trí HLV trưởng của ông Hidehiro Irisawa. Sau đó, TTK  LĐBCVN - ông Lê Trí Trường đề nghị anh nhận nhưng anh cũng từ chối vì cho rằng còn nhiều người tốt hơn rất nhiều. 
Trong tình hình khó khăn cho vị trí "Thuyền trưởng" mà các tuyển thủ nữ tin tưởng thì ông Thái Bửu Lâm (Giám đốc công ty  TNHH thể thao Bình Điền Long An - Phó Chủ tịch Công Đoàn CTCP phân bón Bình Điền) trong chuyến công tác ra Hà Nội họp Đại hội BCH Công Đoàn tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đến thăm và động viên HLV - VĐV của CLB VTV Bình Điền Long An) đang tập trung ĐTQG tại Trung tâm HLQG Nhỗn, cũng đã có cuộc nói chuyện sâu sắc với HLV Nguyễn Quốc Vũ về nhiệm vụ nặng nề này. Qua những góp ý và động viên chân tình, ông Thái Bửu Lâm đề nghị HLV Nguyễn Quốc Vũ cần tôn trọng đề cử của LĐBCVN, để đóng góp cho quốc gia. Vì vậy, sau khi cân nhắc HLV Nguyễn Quốc Vũ đã nhận lời vào vị trí HLV trưởng ĐTQG nữ.
Ông Thái Bửu Lâm (Giám đốc công ty TNHH thể thao Bình Điền Long An) đã kịp thời động viên HLV Nguyễn Quốc Vũ...
Thật ra, HLV Nguyễn Quốc Vũ xứng đáng nhận vị trí này vì anh đã có kinh nghiệm là HLV phó nhiều năm qua cho các HLV trưởng Phạm Văn Long, Thái Thanh Tùng... Ở giải VĐQG PV Gas, Cúp Hùng Vương, Cúp quốc tế VTV - Bình Điền... anh cũng đều giúp CLB VTV Bình Điền đăng quang và lọt đến trận chung kết. Đặc biệt, anh cũng vừa hoàn tất khóa học HLV bóng chuyền chuyên nghiệp do FIVB tổ chức gần đây...
Như vậy, tình hình ĐTQG nữ đã tạm ổn...
Ảnh: LÊ VI
HOÀNG LIÊN

Trong vụ việc HLV trưởng Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) đột ngột chia tay ĐTQG nữ trước SEA Games 29, dù ông đã tạo nên dấu ấn lịch sử cho bóng chuyền Việt Nam khi giúp đội tuyển U23 nữ QG đoạt chiếc HCĐ châu Á 2017, thì HLV phó Phạm Thị Yến đã bị ảnh hưởng rất lớn, bởi những nguồn tin vu khống, mục đích nhằm triệt hạ nữ HLV phó này khỏi ĐTQG nữ. Để làm sáng tỏ những vấn đề xung quanh những lời đồn ở ĐTQG nữ, BCSG đã được HLV phó Phạm Thị Yến chia sẻ rất thật lòng....
Chào chị, vì sao lại có bảng chấm công A, B, C, D ở đội tuyển U23 nữ Việt Nam? 
Về việc xuất hiện bảng chấm công là do sau khi đoạt HCĐ giải U23 châu Á 2017, bác  Huyền (ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch CLB bóng chuyền nữ Hóa Chất Đức Giang) thưởng đội tuyển U23 nữ Việt Nam 100 triệu đồng. Ban đầu, Thầy Hidehiro Irisawa có ý định là chia đều cho tất cả. Nhưng khi trao đổi với bác Huyền về cách chia của Thầy nhưng bác Huyền có ý kiến là phải xếp hạng cho chính xác vì những đóng góp khác nhau của từng thành viên ở đội tuyển U23 QG. Vì vậy, Thầy muốn vui lòng nhà hảo tâm nên đã chia lại theo các mức A, B, C và D. Đó là hoàn toàn do quyết định của Thầy.
Nhiều người nói HLV trưởng Hidehiro Irisawa  có tình cảm đặc biệt với chị nên xếp chị loại A?
Tôi cũng nghe có người nói lại là ai đó nói Thầy có tình cảm đặc biệt gì với tôi. Tôi không ngờ chuyện lại bị thêu dệt như vậy. Thầy qua Việt Nam ngay từ ngày đầu đều có vợ của Thầy bên cạnh. Từ khi Thầy bước vô sân đến khi hoàn tất  buổi tập đều có phiên dịch theo và ra xe về ngay với vợ Thầy nên giữa Tôi và Thầy đều không có nói chuyện riêng gì với nhau nhiều  Họ vu khống như vậy là xúc phạm Thầy và cá nhân tôi. Thật sự, tôi có cảm giác họ không chỉ hại tôi mà còn tác động đến mọi người xung quanh xem tôi như một con người rất xấu xa, tạo sự hận thù của mọi người với tôi. Do đó, tôi nghĩ rằng, minh sống tốt và nghiêm túc thì cho dù họ có nói gì tôi cũng không bị bận tâm. Chỉ mệt vì những thông tin bịa đặt đó làm nhiều người yêu thương tôi đã gọi điện hỏi thăm, lo lắng nên làm tôi bị áp lực, ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống của mình.
Có không giữa chị và đồng nghiệp - HLV phó Lê Thị Hiền không bằng lòng nhau khi HLV Lê Thị Hiền bị xếp loại D, trong khi chị được là loại A trong bảng chấm công...?
Ngay từ đầu, tôi biết đã có người không thích tôi lên ĐTQG nữ với vai trò HLV phó. Nhưng tôi xác định là mình lên để học hỏi những kiến thức hiện đại của bóng chuyền Nhật Bản để mong truyền dạy lại cho các đàn em ở CLB Thông tin Liên Việt Post Bank và Việt Nam sau này nếu tiếp tục niềm đam mê bóng chuyền. Thật sự, tôi không phải chạy hay mua để được lên ĐTQG mà tôi nghĩ đây là định hướng của LĐBCVN trong việc đào tạo các HLV trẻ trong tương lai nên khi có chuyên gia Nhật Bản thì các anh lãnh đạo LĐBCVN muốn tôi tham gia. Đây là nhiệm vụ của tổ quốc. nên tổ chức phân công thì tôi có trách nhiệm đóng góp. Tôi xin nói sự thật là khi có kết quả chia thưởng tôi đã hỏi trực tiếp Thầy là vì sao Thầy chấm chị Lê Thị Hiền như vậy? Thầy nghiêm nghị trả lời: “Tôi chia theo đánh giá công việc mà tôi theo dõi...” Cô phiên dịch đã giải thích lại như vậy thì tôi cũng chỉ biết có vậy thôi. Điều này có cô phiên dịch nắm rõ tất cả. Vậy mà ai đó đã dựng lên chuyện tôi đã can thiệp vô việc chia thưởng này. Tôi có chia sẻ với chị Lê Thị Hiền là tôi và chị đều lên đây lần đầu. Mình không có vấn đề gì với nhau. Chị em mình còn gặp nhau lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Kể cả nếu sau này không theo nghề thì chẳng lẽ gặp nhau không nhìn mặt. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ làm điều trái với lương tâm và đạo lý, để hãm hại ai đó để tôi sống. Đó là điều lương tâm tôi không làm được..
Qua vụ việc này chị có ý kiến gì?
Tôi sẽ vẫn cố gắng công việc của mình thật tốt nếu được mọi người tin tưởng. Tôi chỉ tiếc là chỉ 1-2 cá nhân đã cố tình gây chia rẻ, gây ảnh hưởng đến nội bộ của quốc gia qua hình ảnh màu cờ sắc áo của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chuẩn bị đóng góp ở SEA Games mà không ai có thể xử lý hay can thiệp.
HLV phó Phạm Thị Yến đủ trình độ để là một HLV giỏi
TRƯỜNG SƠN

Những thông tin sai sự thật để phá ĐTQG nữ sẽ làm BCVN tự "khóa tay" để đấu với Thái Lan...?
Sau khi HLV trưởng Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) bỏ việc ở ĐTQG nữ, đã có những nguồn tin lên án ông vì ra những yêu sách...? Mục đích của nguồn tin này chỉ vì tư thù cá nhân, do HLV Irisawa mời cựu tuyển thủ Phạm Thị Yến lên làm HLV phó ở ĐTQG nữ. Sáng nay (30/6), nhà báo Khương Xuân (Báo Tuổi Trẻ) đã có bài viết rất hay về "Bí ẩn" phía sau sự ra đi của HLV trưởng Irisawa. BCSG xin được phép đăng lại bài viết này.
HLV bóng chuyền Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) đã bất ngờ về nước sau ba tháng làm việc mà chưa nhận được một đồng tiền lương nào từ Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV).
Hơn một tuần qua, VFV vẫn chưa thể liên lạc được với HLV Irisawa sau khi ông bỏ việc trở về Nhật Bản. Trong tuần này, VFV sẽ họp rút kinh nghiệm sau sự cố đáng tiếc với HLV Irisawa và tìm HLV dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ tham dự SEA Games 29.
Để lại bức thư 3 dòng khi rời Việt Nam
Tuy nhiên, dù đã sang VN làm việc 3 tháng nhưng ông Irisawa chưa thể ký hợp đồng lao động với VFV vì lý do ông chưa có đủ giấy tờ tuy đã phải về Nhật Bản hoàn thiện hồ sơ một lần. Đáng buồn hơn là trong ba tháng làm việc tại VN đến ngày về Nhật, ông cũng chưa nhận bất cứ một đồng tiền lương nào. Rời VN, ông Irisawa chỉ để lại bức thư với 3 dòng gửi ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là phó chủ tịch VFV - với nội dung: “Tôi giữ nguyên sự tôn trọng của tôi với ông nhưng tôi phải chấm dứt công việc của tôi tại đội tuyển từ bây giờ. Sau 3 tháng làm việc ở VN tôi đã nhận ra nhiều điều”.
Hai từ “nhiều điều” mà ông Irisawa sử dụng rất ẩn ý. Đó là việc ông không đồng ý cách chia tiền thưởng cho đội U-23 nữ sau khi giành HCĐ châu Á. Ông Irisawa đề nghị loại chủ công Hà Ngọc Diễm (Vĩnh Long, trụ cột của đội tuyển nữ VN) khỏi đội tuyển và thay vào đó là chủ công Lê Thị Hồng (Hải Dương). Thế nhưng, VFV không đồng ý và đợt tập trung mới đây Lê Thị Hồng không có tên, còn Ngọc Diễm vẫn có trong danh sách triệu tập. HLV Irisawa cũng đề nghị thay trợ lý HLV Lê Thị Hiền (Quảng Ninh) bằng người khác nhưng chị Hiền vẫn lên tuyển để chuẩn bị cho SEA Games 29.
Đáng nói, đến giờ VFV cũng chưa rõ vì sao ông Irisawa nhất quyết loại trụ cột đội tuyển VN Hà Ngọc Diễm để chọn VĐV dự bị Lê Thị Hồng lên tuyển. Vì lý do kỷ luật huấn luyện, thái độ thi đấu hay vấn đề chuyên môn? Việc ông Irisawa muốn thay trợ lý Lê Thị Hiền vì lý do gì? VFV đã can thiệp vào công tác chuyên môn của HLV, hoặc chưa tạo ra được cách làm việc để ông Irisawa thấu hiểu, chia sẻ? Những câu hỏi này là quá nhiều để ông Irisawa - một người có nguyên tắc, có chuyên môn giỏi dứt áo ra 
đi không nói một lời từ biệt.
VFV không có tiền thuê HLV giỏi
Chỉ còn hơn một tháng nữa SEA Games 29 sẽ diễn ra nhưng đội tuyển bóng chuyền nữ VN giờ như “gà mất mẹ” vì HLV trưởng đã bỏ đi. VFV đã giao cho HLV Nguyễn Quốc Vũ (VTV Bình Điền Long An) tạm thời dẫn dắt đội tuyển trong thời gian chờ HLV chính thức. Ai sẽ trở thành HLV trưởng đội tuyển nữ VN? Câu hỏi không dễ có câu trả lời vào lúc này.
Trước khi SEA Games 29 diễn ra, từ ngày 8 đến 15-7 đội tuyển nữ VN sẽ tham dự VTV Cup tại Hải Dương. Ông Phấn cho biết việc chọn HLV trưởng đội tuyển nữ sẽ được giao cho ban huấn luyện và đào tạo của VFV họp và lựa chọn. Thời điểm này SEA Games đã cận kề, việc mời HLV ngoại là không thể nên chắc chắn sẽ có một HLV nội được mời lên để tạm thời dẫn dắt đội nữ. Một số cái tên được giới thiệu để tạm thời nắm tuyển như: Thái Thanh Tùng, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Quốc Vũ...
Mục tiêu của bóng chuyền nữ VN tại SEA Games 29 là bảo vệ thành công HCB. Nhưng với việc ra đi của HLV Irisawa chắc chắn mục tiêu này sẽ khó khăn hơn. Con đường tìm HLV ngoại của bóng chuyền VN e rằng còn nhiều gian nan sau “sự cố Irisawa” bởi VFV không có tiền để thuê HLV có mức lương cao và chuyên môn giỏi.
Vì thế, muốn thuê được HLV giỏi bắt buộc phải nhờ các mối quan hệ thông qua con đường “ngoại giao” thể thao. Ông Phấn cho biết trong thời gian tới ông vẫn liên hệ để nhờ Liên đoàn Bóng chuyền Nhật Bản (VFJ) hỗ trợ tìm và giới thiệu.
Ông Trần Đức Phấn: “Tôi buồn và áy náy”
Đó là chia sẻ của ông Trần Đức Phấn sau sự cố HLV Irisawa bỏ về nước. Ông Phấn nói: “Tôi đã từng nói với ông Irisawa, khi có vấn đề gì ở đội tuyển nếu không thể giải quyết thì hãy gặp tôi. Nhưng cuối tuần trước tôi đề nghị được gặp để trao đổi thì ông ấy không gặp và chỉ để lại bức thư. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để mời được ông Irisawa đến VN làm việc với tinh thần hỗ trợ VN là chính, nhưng để xảy ra sự cố này thực sự là điều quá đáng tiếc. Tôi đã yêu cầu VFV họp rút kinh nghiệm trong tuần này. Tôi nghĩ chắc chắn VFV có sai”.
Giúp bóng chuyền Việt Nam với mức lương “bèo”
Sau hơn một năm nỗ lực tìm kiếm và nhờ sự giúp đỡ của Liên đoàn Bóng chuyền Nhật Bản (VFJ), VFV mới kết nối và mời được HLV Irisawa đến VN làm việc. Thiếu tiền nhưng muốn có HLV chất lượng, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là phó chủ tịch VFV - đã nỗ lực thuyết phục ông Irisawa sang giúp đỡ bóng chuyền VN với mức lương “bèo” 4.000 USD/tháng (trước đó ông Irisawa chỉ đồng ý mức lương 6.000 USD/tháng).
Ông Irisawa được giới chuyên môn đánh giá có trình độ chuyên môn giỏi và chuyên nghiệp trong công tác huấn luyện. Dù ở VN chưa đầy 3 tháng nhưng ông đã để lại dấu ấn đậm nét khi giúp tuyển nữ U-23 VN lần đầu tiên giành HCĐ châu Á vào tháng 5 vừa qua tại Thái Lan. Từ đây, ông Irisawa được kỳ vọng không chỉ giúp đội tuyển nữ VN lột xác trong 2 năm tới mà còn giúp kiện toàn khâu đào tạo trẻ của bóng chuyền VN.
Ảnh: LÊ VI
KHƯƠNG XUÂN (TUỔI TRẺ)

Chuyện ông Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) từ bỏ đội tuyển nữ Việt Nam ngay trước thềm SEA Games 29 mấy ngày nay làm bất ngờ cho giới bóng chuyền Việt nam. Với thành tích lần đầu tiên mang về chiếc HCĐ cho đội tuyển bóng chuyền nữ U23 Việt Nam ở giải vô địch U23 châu Á tháng 5/2017, HLV trưởng Hidehiro Irisawa mở ra nhiều hy vọng cho nhiệm vụ nâng tầm bóng chuyền nữ Việt Nam trong thời gian tới.
Thật ra, giới bóng chuyền cũng không quá bất ngờ với sự việc này, chuyện xin từ chức, xin không lên đội tuyển của các huấn luyện viên, vận động viên bóng chuyền Việt nam vẫn diễn ra nhiều năm nay, Rồi LĐBCVN cũng sẽ tìm một huấn luyện viên trưởng khác, công việc ở đội tuyển QG lại bắt đầu cải tổ, nhưng người hâm mộ bóng chuyền lại tiếp tục lo lắng, biết đến khi nào nhiệm vụ “vượt qua Thái Lan vươn ra tầm châu lục” mới hoàn thành…
Chuyện này chắc duy nhất có ở Việt Nam, việc được gọi lên đội tuyển, có cơ hội được cống hiến cho đội tuyển nữ Quốc Gia là một niềm vinh dự cho bất kỳ HLV, VĐV bóng chuyền Việt Nam nào. Kể cả các HLV nước ngoài khi được làm việc ở một đất nước có số lượng người hâm mộ thể thao đông đến vậy, nhất là hai môn bóng đá và bóng chuyền nữ. Vậy thì có gì khó khăn mà ông Hidehiro Irisawa phải xin từ chức khi dẫn dắt đội tuyển nữ Quốc Gia ở thời điểm hiện tại. 
Với những điều kiện đầu tư phải nói là tốt nhất hiện nay cho công tác tuyền chọn, đào tạo và thi đấu trình độ cao cho thấy bóng chuyền nữ đang có nền tảng vững chắc để biến hy vọng này thành hiện thực. Vậy mà chưa một lần bóng chuyền Việt nam vượt qua thành tích hạng 3/5 Ganefo châu Á của đội tuyển nữ miền Bắc trong thời kỳ khó khăn năm 1963, hay thành tích vô địch tại kỳ SEA Games 4 - năm 1969 của các VĐV bóng chuyền nam chỉ chơi nghiệp dư miền Nam.
Trao đổi vấn đề này với một chuyên gia bóng chuyền, ông tâm sự: Cách đây không lâu, trong một lần trò chuyện với ông Kiattipong Radchatagriengkai (HLV tài năng của đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan). Ông luôn khen ngợi thể hình các cô gái bóng chuyền Việt Nam, chiều cao và các chỉ số thân thể tốt hơn nhiều so với đội nữ Thái Lan và các nước ở khu vực, đây là thể hình lý tưởng để có thể đáp ứng thi đấu trình độ cao ở khu vực và xa hơn. Ông Kiattipong còn nói: “nếu được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mời làm huấn luyện viên trưởng, tôi sẽ rất sẳn sàng”, thông tin này sau đó cũng được lan truyền rồi rơi vào quên lãng....?
Để thấy những nhận xét của ông Kiattipong Radchatagriengkai phần nào chính xác, chúng tôi đã có các con số thống kê quan trọng: Chiều cao trung bình đội tuyển nữ Thái Lan tham dự SEA Games 2015174cm, cao nhất 180cm (Thinkaow Pleumjit), tuổi trung bình 33; chiều cao trung bình đội tuyển nữ Việt Nam tham dự SEA Games 29 - 2017176cm, cao nhất 190cm (Thanh Thúy), tuổi trung bình 23.... 
Thực tế đã thấy các tuyển thủ nữ Việt Nam thi đấu không hề thua kém các VĐV bóng chuyền khu vực, Kim Huệ, Ngọc Hoa, Thanh Thúy, Đỗ thị Minh… đủ sức “tung hoành” ở giải Thái Lan. Vậy mà khi tập họp lại thành đội tuyển nữ Quốc Gia, chúng ta chưa bao giờ có một đội tuyển thi đấu ngang bằng trước Thái Lan, hay mang lại niềm niềm hy vọng trong tương lai. 
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang có một giải quốc gia chất lượng, các CLB như Ngân hàng Công Thương, VTV Bình Điền Long An, Bộ tư lệnh Thông tin là thương hiệu trong công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV giỏi. Thành tích thi đấu nhiều năm nay các đội tuyển trẻ ở cấp châu lục đã chứng minh điều này, bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn toàn có điều kiện, có cơ sở để vươn tới một tầm cao hơn.
Cũng tiếc cho nhiều VĐV tài năng như Kim Huệ, Ngọc Hoa… đã qua thời kỳ đỉnh cao mà chưa có cơ hội chứng tỏ tài năng của mình ở những đấu trường thế giới như Tomkhon, Onuma, Pleumjit, Wilawan…
Bóng chuyền nữ Việt Nam lại đang có một thế hệ VĐV trẻ tài năng được đào tạo bài bản rất nhiều triển vọng như: Trịnh Thị Huyền (1995), Hà Ngọc Diễm (1994), Trần Thị Thanh Thúy (1997), Đinh Thị Thúy (1998), Đoàn Thị Xuân (1997)… tập thể trẻ trung này đã chứng tỏ năng lực của mình ở giải quốc nội và khu vực, mang lại nhiều hy vọng mới cho bóng chuyền nữ Việt nam.
Chuyện xảy ra ở đội tuyển nữ Quốc Gia cho thấy bóng chuyền Việt Nam còn nhiều vấn đề, trong đó một điểm yếu cố hữu “truyền thống” là sự đoàn kết. Vậy người hâm mộ bóng chuyền Việt nam sẽ còn phải chờ lâu lắm…
Ảnh: ĐÀO TÙNG
PHONG BA

Theo nguồn tin riêng, sau nhiều lần tránh mặt không tiếp xúc với lãnh đạo LĐBCVN thì hôm qua (24/6), ông Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) đang dẫn dắt ĐTQG nữ chuẩn bị cho SEA Games 29 tại Malaysia sắp tới đã tuyên bố từ chức. Nguyên nhân ban đầu được cho là ông bức xúc về các thủ tục giấy tờ để ông nhận lương trong thời gian qua. Dù LĐBCVN đã cố gắng liên hệ với phía Nhật Bản, nơi đã giới thiệu ông Hidehiro Irisawa để thuyết phục nhưng ông vẫn cương quyềt từ chối.
Do đó, LĐBCVN đã trao đổi với HLV Nguyễn Quốc Vũ (CLB VTV Bình Điền Long An) đang là HLV phó ĐTQG nữ mời anh dẫn dắt thay ông Hidehiro Irisawa. Như vậy, trong thời gian hạn hẹp chỉ còn hơn 1 tháng nữa thì khả năng ĐTQG nữ trở lại sử dụng HLV nội để bảo vệ chiếc HCB SEA Games 29.
Ảnh: THANH HÀ
HOÀNG LIÊN

Tối nay (24/6), BHL và các đồng đội CLB Hóa Chất Đức Giang Hà Nội đã đến chung vui với cầu thủ Phan Thị Mỹ Hoa trong buổi tiệc tân gia nhà mới của chị. Điều đáng nói đây là căn nhà trị giá 700 triệu đồng do chính ông Đào Hữu Huyền (Chủ tịch CLB bóng chuyền nữ Hóa Chất Đức Giang Hà Nội) tặng riêng cho cầu thủ Mỹ Hoa vì những đóng góp tích cực cho bóng chuyền Hà Nội. 
Căn nhà rộng 47 m2 được ông Đào Hữu Huyền trang bị chu đáo các thiết bị nội thất cao cấp nằm trong khu dân cư Đức Giang ở Hà Nội.
Cảm động nhất là dù đang bị chấn thương lưng do bị ngã cầu thang ở nhà riêng nhưng ông Đào Hữu Huyền cùng phu nhân vẫn chống gậy nhiệt tình đến chung vui với cháu Mỹ Hoa và các cầu thủ của CLB.
Hy vọng, tấm lòng yêu thương và hứa là giữ lời của ông Đào Hữu Huyền sẽ giúp các thành viên BHL và các cầu thủ sẽ cố gắng tập luyện và thi đấu hết lòng vì màu cờ sắc áo CLB Hóa Chất Đức Giang Hà Nội.
TRƯỜNG SƠN

SEA Games 29 tại Malaysia vào tháng 8/2017 đã sắp đến gần, trong khi các đội tuyển QG các môn thể thao khác đang ráo riết tập luyện tích cực cùng các HLV trưởng và chuyên gia thì ĐTQG nữ môn bóng chuyền lại đang gặp sự cố nghiêm trọng...?
Đó là HLV trưởng Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) đã "Bỏ" việc ở ĐTQG nữ không tham gia huấn luyện những ngày qua nên HLV phó Nguyễn Quốc Vũ (CLB VTV Bình Điền Long An) đã cùng HLV phó nữ Phạm Thị Yến (CLB Thông tin Liên Việt Post Bank) phải gánh vác trách nhiệm dẫn dắt các tuyển thủ QG nữ tập luyện tại Trung tâm HLQG Nhỗn (Hà Nội).
Theo nguồn tin riêng, HLV trưởng Hidehiro Irisawa đang có vấn đề ức chế trong công việc với LĐBCVN rất gay khắt. Thậm chí, ông Lê Trí Trường (Tổng thư ký VFV) đã trực tiếp đến trung tâm HLQG Nhỗn để gặp ông nhưng HLV Hidehiro Irisawa cũng tránh mặt không tiếp. 
Đặc biệt, LĐBCVN gửi hợp đồng để mời ông Hidehiro Irisawa ký thì ông cũng từ chối... ?
BCSG sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc sớm và chính xác vì quyền lợi và trách nhiệm với ĐTQG nữ của chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị quan trọng cho SEA Games 29 sắp tới.
HOÀNG LIÊN

Sáng nay (22/6), đội tuyển nam Việt Nam đã có trận đấu tập với đội chủ nhà Tràng An Ninh Bình. Dù sử dụng nhiều tuyển thủ trẻ nhưng đội tuyển của HLV trưởng Phùng Công Hưng vẫn thắng đội bóng của "Sư phụ" Trần Văn Thư với tỉ số 4-1 trong 5 ván. Theo kế hoạch, ngày 24/6, ĐTQG nam sẽ thi đấu tập với CLB của Úc trước khi chính thức thi đấu tại Cúp Các CLB nam châu Á 2017 tại Ninh Bình và Nam Định.
Trong ngày 20/6, HLV trưởng Phùng Công Hưng cũng đã quyết định cho về nghỉ ngơi 2 tuyển thủ là Nguyễn Văn Phong (Sanest Khánh Hòa) và Hoàng Văn Phương (Thể Công) vì cả 2 đều đang bị chấn thương và đủ 14 tuyển thủ đăng ký danh sách với AVC.
Ảnh: Điện thoại HLV LÊ HỒNG HẢO
TRƯỜNG SƠN

Thinkaow Pleumjit là cái tên không xa lạ với giới bóng chuyền trình độ cao Việt Nam cũng như thế giới, với những thành tích đã đạt được cùng với đội tuyển Thái Lan, cô gái này đã chứng tỏ trình độ thi đấu ngang tầm thế giới. Chuẩn bị SEA Games 29 tại Malaysia, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ lại tiếp tục đối đầu với Thái Lan trong trận chung kết, tuy đã 35 tuổi, tượng đài bóng chuyền nữ Thái Lan - Thinkaow Pleumjit sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho tấn công và phòng thủ đội Việt Nam. BCSG xin giới thiệu một bài viết của HLV Vui Vẻ với góc nhìn chuyên môn về kỹ - chiến thuật cá nhân của VĐV này từ Cúp Quốc tế VTV9 Bình Điền lần 11 -  2017. Đây cũng sẽ là rào cản quan trọng của đội tuyển nữ bóng chuyền nữ Việt Nam phải khắc phục nếu muốn vượt qua Thái Lan.
Không phải riêng tôi, chắc chắn có rất nhiều người rất hâm mộ cô gái này, hình ảnh nụ cười rất dễ mến của Thinkaow Pleumjit luôn tràn ngập trên các phương tiện thông tin Thái Lan suốt một thời gian dài đã cho thấy sự yêu mến và tự hào của người dân Thái về thần tượng bóng chuyền của họ.
Với những thành tích đã đạt được, xếp hạng 12 thế giới, bóng chuyền nữ Thái Lan đã chứng tỏ họ là tập thể bóng chuyền có trình độ số 1 khu vực, ngang tầm thế giới và xứng đáng với tất cả sự tôn trọng từ bóng chuyền thi đấu trình độ cao thế giới dành cho những gì họ trong suốt thời gian qua.
Xin được nói riêng về VĐV Thinkaow Pleumjit:
Thi đấu bóng chuyền ngày càng thiên về sức mạnh, với lợi thế về chiều cao, các nữ VĐV châu Âu, châu Mỹ hiện nay có thể đưa quả bóng sang sân đối phương với  tốc độ ở tầm cao trung bình trên lưới 314cm, cao nhất có thể 331cm (FIVB, Mikko Häyrinen). Số liệu thống kê đơn giản này cho thấy các cô gái nhỏ nhắn của Thái Lan phải vất vả ra sao trong cuộc chiến giữa “David và Goliath”, cuộc chiến không cân sức về chiều cao và thể lực. Dĩ nhiên, khó khăn đầu tiên là từ tuyến phòng thủ trên lưới của Thái Lan nhằm ngăn chặn những đợt tấn công vừa nhanh vừa mạnh xa gần từ khắp mặt lưới. Với chiều cao 180cm, tầm chắn 300cm, còn quá thấp so với tầm chắn bóng chuyền châu Á, nhưng với di chuyển thông minh, năng lực đọc trận đấu tốt, Thinkaow Pleumjit luôn để lại hình ảnh ấn tượng của mình, không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng thủ chủ lực trên lưới, đồng thời là mũi tấn công lợi hại trong các trận đấu tầm thế giới.
Kỹ thuật cá nhân hoàn hảo, thi đấu thông minh, tiết kiệm sức, tính cách khiêm tốn - đó là những lời ngợi khen của giới VĐV bóng chuyền khu vực dành cho VĐV này.
Ví dụ khi nhìn lại các số liệu thi đấu từ SEA Games 28 - Singapore, 2015, với trình độ thi đấu vượt trội so với các VĐV trong giải, cái tên Thinkkaow Pleumjit không lần nào được bầu chọn là VĐV xuất sắc nhất trận đấu. Kết quả thống kê VĐV ghi điểm nhiều nhất toàn giải “Best Scorers”, VĐV này “mất hút” trong bảng xếp hạng với thứ 13, dưới nhiều VĐV Việt Nam như Diễm, Minh, Thúy, Hoa… Lý giải điều này không khó và cũng không bất ngờ khi chúng ta thấy đội nữ Thái Lan đã vượt qua các đội còn lại trong giải quá dễ dàng, trận chung kết với Việt Nam cũng vậy, tỷ số 3/0 (25/18, 25/16, 25/15) cho thấy đây chưa phải là những đối thủ ngang tầm, các cô gái Thái Lan chưa cần phải nỗ lực hết sức ở đấu trường dưới tầm này.
VĐV tài năng là VĐV biết tỏa sáng trong những trận đấu lớn
Nhìn từ Cúp Quốc tế VTV9 Bình Điền lần 11 - 2017Cái tên Thinkaow Pleumjit luôn xuất hiện trên bảng thống kê VIS trong tất cả các trận đấu của CLB Bangkok Glass, là VĐV tấn công hoặc chắn bóng xuất sắc nhất. Điều này cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc của họ trước các đối thủ đến từ các CLB châu Á, và người hâm mộ bóng chuyền mới thấy được năng lực thật sự của một ngôi sao tầm thế giới Thinkaow Pleumjit. Tuy đã không còn phong độ như trước đây nhưng chiến thuật cá nhân thông minh, bước chân di chuyển đơn giản, linh hoạt của VĐV này có ảnh hưởng rất lớn trong lối chơi tốc độ, biến hóa và mang tính tập thể cao của đội vô địch giải đấu Bangkok Glass.
Một số phân tích từ trận chung kết với Bình Điền Long An.
Trước tiên phải thán phục chiến lược đội Bangkok Glass vượt qua các đối thủ từ vòng bảng, lối đánh thực dụng, tiết kiệm thể lực nhưng hiệu quả hoàn toàn phù hợp với các lão tướng chủ lực Montripila Jutarat, Thinkaow Pleumjit.
Xác định sẽ là trận đấu nhiều khó khăn khi gặp đội chủ nhà VTV Bình Biền Long An trong trận chung kết, Bangkok Glass lại gây bất ngờ với đội hình xuất phát với chuyền 2 Guedradrard Pornpun (11) ở vị trí số 3, phụ công Thinkaow Pluemjit (5) vị trí số 2. Có nghĩa là sử dụng chiến thuật 2 người (cầu 2) đấu với chiến thuật 3 người (cầu 3) của VTV. BĐLA với Thúy, Trinh, Hoa ở hàng trước, lại thêm một sự tinh quái của người Thái Lan luôn tạo bất ngờ mỗi khi đối đầu với Việt Nam.
Từ điểm 10, chúng ta bắt đầu nhận ra ý đồ của Bangkok Glass, đối đầu với những quả đập uy lực của Thanh Thúy là các hình thức phối hợp chiến thuật tấn công các đường bóng ngắn, nhanh xuất phát từ sự di chuyển linh hoạt của Thinkaow Pleumjit. Cô cho thấy khả năng đọc trận đấu quá tốt của một VĐV trình độ cao, bằng các quả đập 1 chân – 2 chân có cự ly khác nhau trước hoặc sau chuyền hai. Kết hợp với các VĐV tấn công hàng trước và hàng sau (Thinkaow Pleumjit tấn công hàng sau từ số 1), Thái Lan tổ chức các phối hợp tấn công chồng, chéo vào khu vực giữa lưới, luôn tạo sự uy hiếp hàng chắn đối phương suốt chiều dài lưới, chủ yếu là khu vực từ số 3 đến số 4 đối phương. Chiến thuật phối hợp vào khu vực này có 2 mục đích: 
Quan trọng là “Phá sức” Thanh Thúy, do phải chịu sự đeo bám khó chịu của Thinkaow Pleumjit suốt trận đấu, luôn tham gia chắn bóng khu vực số 4 và lui về thật nhanh để tham gia đập bóng phản công, hoạt động này diễn ra liên tục nên thể lực càng suy giảm ở quả đập quyết định và về cuối trận. Thêm một lý do nữa là khi phụ công Ngọc Hoa chuyển sang vai trò đối chuyền, khu vực phòng thủ giữa lưới của VTV.BĐLA là nơi dễ khai thác tấn công nhất.
Kế đến là cân bằng điểm ở cầu 2, lên điểm ở cầu 3 (Thanh Thúy ở hàng sau) với 26 điểm ghi được trong trận đấu, Thinkaow Pleumjit đã làm quá tốt nhiệm vụ chiến thuật cá nhân trong ý đồ chiến thuật toàn đội BangKok Glass ở trận đấu quyết định với đội chủ nhà.
Thêm một chi tiết cho thấy ý thức chiến thức của Thinkaow Pleumjit, các quả phát bóng bay dài của VĐV này đều có đích đến là Thanh Thúy, vừa hạn chế tấn công từ hàng sau, vừa đặt tay đập chủ lực VTV.BĐ.LA luôn trong tình trạng hoạt động liên tục. Ở trận này Thanh Thúy thi đấu xuất sắc, nhưng thể lực suy giảm, không còn duy trì những quả đập uy lực vào những thời điểm then chốt, thế trận càng về sau càng có lợi thế cho BangKok Glass.
Một “nguy hiểm” khác đến từ Thái Lan là VĐV chuyền hai Guedrard Pornpun (11) đã tiến bộ vượt bậc từ sau SEA Games 28, những quả chuyền điều chỉnh chính xác từ 3 mét vào lưới luôn gây áp lực cho hàng chắn đối phương, hoạt động phối hợp giữa VĐV này với Thinkaow Pleumjit mang một đẳng cấp vượt trội so với đối thủ khác trong khu vực. 
Kỹ thuật chuyền của G.Pornpun làm chúng ta nhớ đến “thương hiệu” chuyền điều chỉnh điêu luyện của VĐV chuyền 2 Lê Hồng Huy. 
Theo tôi, hiện nay Thanh Thúy là VĐV duy nhất có thể tấn công trên tầm chắn các VĐV nữ còn lại trong khu vực, nếu duy trì được thể lực suốt trận đấu, Thanh Thúy có khả năng tạo sự đột biến trong thi đấu. Hy vọng Thanh Thúy sẽ là nhân tố chủ lực tạo cuộc đổi ngôi ở SEA Games lần thứ 29 - 2017 tại Malaysia, giống như Ngô văn Kiều đã từng tạo ra trước đội bóng chuyền nam Thái Lan ở SEA Games 24 - 2007tại Thái Lan.
Ảnh: LÊ VI
HLV VUI VẺ

Sáng nay (21/6), ông Thái Bửu Lâm (Phó Chủ tịch Công Đoàn CTCP phân bón Bình Điền - Giám đốc công ty TNHH thể thao Bình Điền Long An) đã trực tiếp đến đại bản doanh đào tạo cầu thủ năng khiếu của CLB Bình Điền Long An ở Trung tâm HLQG TPHCM (Thủ Đức) để trao quyết định công nhận ông Đào Ngọc Chánh (Đại tá quân đội - HLV năng khiếu bóng chuyền của CLB Bình Điền Long An) trở thành Hội viên Hội cựu chiến binh của CTCP phân bón Bình Điền theo ủy quyền của Chủ tịch Hội cựu chiến binh - ông Trần Tấn Sơn (Chủ tịch Công Đoàn CTCP phân bón Bình Điền).
CTCP phân bón Bình Điền không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, hoạt động thể thao tốt, hoạt động Công Đoàn nhiệt tình mà trong đó, Hội cựu chiến binh của CTCP cũng sinh hoạt rất tích cực với gần 60 cựu chiến binh sinh hoạt trong đó có các ông: Lê Quốc Phong (TGĐ), Trần Tấn Sơn (CT CĐ), HLV Lương Khương Thượng, HLV Đào Ngọc Chánh...
Đại tá - HLV Đào Ngọc Chánh trước đó từng là sĩ quan quân đội sinh hoạt ở Quân Đoàn 4. Sau khi nghỉ hưu thì được lãnh đạo CTCP phân bón Bình Điền mời về đào tạo cầu thủ năng khiếu cho CLB VTV Bình Điền Long An. Bởi ông là một cựu tuyển thủ QG tài năng của bóng chuyền Việt Nam khi còn thi đấu cho CLB Quân Đoàn 4
HLV Đào Ngọc Chánh luôn nhiệt tình trong những chuyến đi tuyển chọn các cầu thủ năng khiếu cho CLB VTV Bình Điền Long An
Ảnh: THIÊN HOÀNG
HOÀNG LIÊN

Nhằm chuẩn bị cẩn thận cho Vòng 2 - VCK ngược giải VĐQG PV Gas 2017 sắp tới tại TP Buôn Ma Thuột (ĐakLak), lãnh đạo đội bóng chuyền nữ Hải Dương đã có quyết định quan trọng khi mời HLV Toong prakarn kumsadug (Thái Lan) dẫn dắt đội nhà thay HLV trưởng Phạm Đức Dũng (Trở về phụ trách đào tạo cầu thủ trẻ cho Hải Dương).
Đây là HLV ngoại thứ 3 qua 4 lần thay đổi: đầu tiên là HLV Toong (Thái Lan), HLV KoiChi (Nhật), HLV Yuri (Nga) và bây giờ là trở lại HLV Toong (Thái Lan) này.
Ở cuộc cạnh tranh 2 suất rớt hạng thì Hải Dương sẽ phải tranh chấp với 3 đội nữ là: Truyền hình Vĩnh Long, ĐakLak và TPHCM.
Ảnh: FC Hải Dương
HOÀNG LIÊN

Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong (Thứ nhì hàng đầu bên trái) dự khán khai mạc giải Thiên Tân Sports
Gần 25 năm trước, làng bóng chuyền TPHCM nói riêng và Việt Nam đã rất trân trọng phong cách của HLV trẻ Huỳnh Thúc Phong khi ông dẫn dắt đội bóng chuyền nam Dệt Thành Công (1993-1996) với những cầu thủ tài năng như: Cao Xuân Thái, Trương Hữu Vinh, Vũ Đức Hoạt, Đào Hùng, Văn Triều...đoạt ngôi vô địch Việt Nam. Sau đó, ông chuyển qua dẫn dắt đội bóng chuyền nam Công an TPHCM cũng giúp đội bóng này lên ngôi vô địch Việt Nam. Điều đó đã làm Khánh Hòa say mê nên mời ông ra TP Nha Trang để huấn luyện cho Sanest Khánh Hòa và hy vọng ông sẽ giúp họ tìm một danh hiệu cho ngôi vô địch Việt Nam. Bằng sự say mê và tận tụy, ông đã mài dũa cho các cầu thủ trẻ Sanest Khánh Hòa trưởng thành nhanh chóng và ông cũng đã không làm lãnh đạo đội bóng Sanest Khánh Hòa thất vọng, thậm chí còn tạo nên một ngôi sao nổi tiếng khắp Đông Nam Á thời đó là chủ công Ngô Văn Kiều... Nhắc lại để bạn đọc biết được một thời vang bóng của Tiến sĩ - HLV lão luyện Huỳnh Thúc Phong. Sau đó, ông trở về giảng dạy tại trường ĐH TDTT TPHCM và cũng có được những học trò giỏi và tài năng như: Triệu Tử Thiên (HLV trưởng ĐKVĐ Cúp Hùng Vương - Á quân giải VĐQG PV Gas 2 năm liên tục), Mai Văn Điều (HLV trưởng đội nam Bến Tre)....Hiện nay, ông đang là Hiệu phó trường năng khiếu TDTT Olympic với nhiều hoài bão tiếp tục nâng tầm bóng chuyền phía Nam và Việt Nam bằng những nghiên cứu trong đề tài bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về bóng chuyền. Nhưng bất ngờ ông bị bệnh phải tạm ngưng để điều trị.
Đội bóng chuyền nam Dệt Thành Công một thời lừng lẫy của HLV Huỳnh Thúc Phong
Tuy nhiên, niềm đam mê bóng chuyền vẫn dâng trào trong trái tim ông nên ở đâu có bóng chuyền ông cũng tìm hiểu và giúp đỡ. Dù nằm trên giường bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, ông cũng luôn theo dõi các trận đấu bóng chuyền ở giải VĐQG PV Gas 2017 nếu không thì nhờ phu nhân mang máy vô để xem các trận đấu của các đối thủ của Việt Nam tại SEA Games sắp tới để mong tìm ra những điểm mạnh - yếu của đối thủ để thông tin, góp ý với BHL của các ĐTQG nam - nữ Việt Nam... 
Đặc biệt, sau Vòng 1 giải VĐQG PV Gas và Cúp Hùng Vương 2017, ông đã nhiệt tình gọi điện cho học trò cũ Nguyễn Quốc Vũ (HLV trưởng CLB VTV Bình Điền Long An) để trao đổi và góp ý về một số kỹ - chiến thuật cho đội và mỗi cá nhân cầu thủ VTV Bình Điền Long An, để HLV Nguyễn Quốc Vũ rút kinh nghiệm điều chỉnh cho Vòng 2 và VCK giải VĐQG PV Gas 2017 sắp tới.
Nhưng đáng quý nhất là không chỉ chú ý các giải đỉnh cao mà ngay cả các giải bóng chuyền phong trào của TPHCM, ông cũng không câu nệ, sợ mất tiếng... Số là khi giải bóng chuyền phong trào Thiên Tân Sports đang chuẩn bị, ông theo dõi trên BCSG nhận thấy đơn vị này có lòng nhiệt huyết nhưng vẫn còn nghiệp dư nên đã liên lạc góp ý. Được một HLV danh tiếng quan tâm nên đại diện Thiên Tân Sports rất vinh dự và mong được ông làm cố vấn nhưng sợ ông chê giải phong trào không xứng tầm...? Tuy nhiên, khi họ ngỏ lời và bất ngờ là ông Huỳnh Thúc Phong sẵn sàng nhận lời tham gia mà không cần đòi hỏi thù lao, chỉ muốn đóng góp cho phong trào bóng chuyền TPHCM phát triển ngay từ các giải phong trào như thế này mà TPHCM đã từng thành công ở đỉnh cao hơn 30 năm trước.
Thật cảm động khi ông vừa trải qua cơn điều trị mệt mỏi nhưng biết BTC giải phong trào Thiên Tân Sports đang lo lắng về chuyên môn, ông Huỳnh Thúc Phong đã nhờ phu nhân dìu lên tận trung tâm TDTT Thiên Tân Hóc Môn để tham quan cơ sở và tham gia điều hành cuộc họp, để BTC hoàn chỉnh công tác tổ chức. 
Trong suốt 2 ngày thi đấu giải phong trào Thiên Tân Sports ở nhà thi đấu Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận), ông Huỳnh Thúc Phong đã không ngại đường xa từ Quận 11, mưa gió tầm tả đến trực tiếp quan sát và hổ trợ BTC nên giải đã thành công tốt đẹp.
Hình ảnh ông Huỳnh Thúc Phong đã gầy đi nhiều vì bệnh nhưng vẫn say mê theo dõi những trận đấu phong trào trên sân Rạch Miễu, để hồi tưởng lại thời vang bóng của bóng chuyền phong trào TPHCM ở Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung Văn Hóa Lao Động, CLB Phan Đình Phùng... với mong ước bóng chuyền TPHCM trở lại thời vẻ vang với những đội bóng vô địch và luôn nằm trong Top đầu bóng chuyền Việt Nam: Seaprodex, Dệt Thành Công, Công an TPHCM, Công nhân Hóa Chất, Quân Đoàn 4, Vifon...
Vì vậy, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong luôn được học trò thương yêu, đồng nghiệp kính phục vì sự chuyên nghiệp và gần gũi, nhiệt tình của ông với tình yêu cháy bỏng cho bóng chuyền...
Phu nhân của Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong luôn theo chăm sóc phu quân để ông được cháy bỏng với niềm đam mê bóng chuyền
HOÀNG LIÊN

Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi và quyết liệt, giải bóng chuyền phong trào Thiên Tân Sports 2017 đã kết thúc tốt đẹp vào chiều qua (18/6) tại nhà thi đấu Rạch Miễu (Quận Phú Nhuận).
Chúng ta chưa bàn đến vấn đề chuyên môn và chất lượng các trận đấu mà chỉ cần nhìn lại để thấy rằng: Một công ty tư nhân ở vùng ven - Hóc Môn của TPHCM đã chấp nhận chi một khoản kinh phí để tổ chức một giải đấu phong trào cho các đơn vị, công ty, xí nghiệp... được thể hiện lòng đam mê bóng chuyền đã là một điều đáng trân trọng. Những nổ lực đẩy mạnh thương hiệu Thiên Tân Sports cũng đã góp phần tạo nên uy tín để họ có thể thu hút số lượng đội bóng phong trào khu vực rộng phía Nam bằng số lượng đội bóng chuyên nghiệp cả nam và nữ ở giải VĐQG PV Gas 2017...
Nhưng do giải phong trào và kinh phí hạn hẹp nên việc chỉ thi đấu ráo riết trong 2 ngày đã làm cho các cầu thủ mệt mỏi. Tuy nhiên, nhìn sự lăn xả và hy sinh của BTC nên các đội bóng tham dự đều thông cảm và góp phần giúp cho giải thành công, để có những kinh nghiệm cho mùa giải sau của Thiên Tân Sports.
Kết quả như sau:
Vô địch: Công ty bảo vệ Quốc Thắng
Á quân: Công ty đồ gỗ nội thất Bắc Ninh
Hạng ba: CLB ATF và Thiên Tân.
HOÀNG ANH

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.