Ấn tượng cách làm mới của quần vợt Gia Lai
Các VĐV háo hức với Cup Quần vợt GTC năm 2015. Ảnh: M.V
(GLO)- Thay vì xách vợt đến chơi k hông (miễn phí), mỗi người tham dự Cúp Quần vợt GTC năm 2015 (Gia Lai Tennis Clubs) phải nộp khoản lệ phí không hề nhỏ. Vừa hao tài, tốn sức, mất thời gian… tuy nhiên nhờ cách làm hợp tình, hợp lý nên số lượng vận động viên (VĐV) tranh tài đông kỷ lục.
Ông Hồ Anh Hoàng-thành viên Ban tổ chức (BTC) giải cho biết, sân chơi này diễn ra từ ngày 28 đến 30-8, tại Khu liên hợp Thể thao Thế Dân và sân Tâm Giao. Giải lần này thu hút khoảng 150 tay vợt đến từ TP. Đà Nẵng, Kon Tum và Gia Lai. Các VĐV thi đấu nội dung đôi nam và đôi nam nữ phối hợp, tranh 4 bộ huy chương: đôi nam nữ (điểm trình 1.250), đôi nam (1.350), đôi nam (1.450), đôi nam (1.600). Đây là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Điều đáng nói, sân chơi này được hình thành một cách tự phát, các tay vợt trên địa bàn tỉnh ta hùn tiền theo kiểu “góp gạo nấu cơm chung”. Bởi vậy ý kiến đóng góp của từng VĐV, được BTC lắng nghe, thấu hiểu, sau đó điều chỉnh kịp thời, thay vì áp đặt từ trên xuống như một số sân chơi khác, khiến nhiều người tức anh ách.
Không chỉ số lượng đông, giải năm nay còn thu hút nhiều cao thủ tham gia tranh tài. Có thể kể ra những cái tên quen thuộc trong làng banh nỉ Gia Lai, như Quang “Tèo”, Trúc “Anh”, Trúc “Em”, Long, Sang, Nhật… Tiếng lành đồn xa, Kon Tum và TP. Đà Nẵng cử trên 50 VĐV tham dự sân chơi này. Trong số các khách mời đến từ đơn vị bạn, cái tên nổi bật nhất, đó là tay vợt Nam Thắng (Đà Nẵng), với điểm trình lên tới 1.000.
Việc phân chia điểm trình thi đấu tới 4 bộ huy chương, điều này cho phép tất cả các tay vợt, từ người tập chơi 1 đến 2 năm, cho tới những cao thủ có thâm niêm trên 10 năm, đều có thể ráp cặp ra sân thi đấu. Dù vậy kết quả các trận đấu sẽ không quá chênh lệch nhờ khống chế điểm trình, do đó giải đấu này trở nên hấp dẫn, kịch tính hơn.
Trả lời thắc mắc, đâu là cơ sở để BTC đưa ra điểm trình cho các VĐV thi đấu ở giải này? Ông Hồ Anh Hoàng giải thích, cách đây hơn 2 tháng, chúng tôi cũng đã tổ chức và mời chuyên gia đến từ Đà Nẵng lên chấm điểm cho các VĐV tại tỉnh ta. Những ai đã tham dự giải lần đó, đều đã có điểm trình cho riêng mình, gọi đó là “điểm xanh”.
Riêng những VĐV chưa từng tham dự giải này, căn cứ vào trình độ hiện có, BTC gán điểm cho họ, đó gọi là điểm “đề xuất”. Sau khi kết thúc giải đấu này, mỗi VĐV đều có “điểm đỏ”, đây là điểm số chính xác sau khi được sát hạch từng người. Và để xác lập tương quan điểm số các tay vợt trên địa bàn tỉnh ta, so với mặt bằng các địa phương khác ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, BTC mời các VĐV đến từ Kon Tum và Đà Nẵng thi đấu chung.
Tuy là sân chơi mang tính tự phát, nhưng được đại đa số các tay vợt và người hâm mộ tại tỉnh ta hưởng ứng. Vấn đề đặt ra, cách tổ chức và tính điểm như trên, liệu có được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Liên đoàn Quần vợt tỉnh ta ghi nhận, kế thừa làm cơ sở tổ chức những giải sau này? Dù rằng, luật thi đấu môn quần vợt không quy định cách làm trên.
Ở đây “phép vua”, “lệ làng”… chỏi nhau.
MINH VỸ