tháng 4 2015

Đó là phát biểu của HLV đội tuyển quần vợt VN Matthaw Barry Kavanagh (Úc) trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ xung quanh bản báo cáo ông gửi Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) và Tổng cục TDTT sau chuyến thi đấu ở Davis Cup 2015.
Như thông tin đã đưa, trong báo cáo của mình, HLV Kavanagh đã chỉ trích gay gắt tính đố kỵ, thái độ không chuyên nghiệp của một số thành viên và tình trạng chia bè chia phái trong nội bộ đội tuyển quần vợt VN.
HLV Kavanagh giải thích vì sao ông buộc phải thẳng thắn trong báo cáo của mình: “Tôi đã được yêu cầu thực hiện một bản báo cáo trung thực và tôi cảm thấy điều đó rất cần thiết. Tôi thật sự yêu thích khoảng thời gian làm việc tại VN, tôi quý mến những người đã cùng làm việc với tôi thời gian qua. Nhờ họ mà tôi đã có cơ hội dẫn dắt một đội tuyển dự Davis Cup.
Ban đầu tôi rất ấn tượng với năng lực của nhiều tay vợt, nhưng đạo đức và tinh thần chuyên nghiệp của một số VĐV lại quá kém và điều này giải thích cho tôi tại sao họ không thể có được thứ hạng trong bảng xếp hạng chuyên nghiệp ATP, điều mà đáng lý họ nên có. Họ đã không nỗ lực hết sức mình để tự nâng bản thân lên tầm cao mới.
Tôi cũng muốn nói với Hoàng Thiên rằng tôi không hề muốn làm tổn thương cậu ấy. Tôi có viết một số điều trong bản báo cáo và chỉ hi vọng đó sẽ trở thành những lời khuyên được chuyển đến Hoàng Thiên, giúp cậu ấy tiến bộ hơn chứ không hề muốn nó trở thành tin tức trên báo. Hoàng Thiên không đáng bị chỉ trích, cậu ấy là một tay vợt giỏi và có thể gặt hái nhiều thành công hơn nếu chịu khó thay đổi”.
Sau những vấn đề như ông đã nói trong bản báo cáo, ông có dự định sẽ trở lại VN để làm HLV trong thời gian tới hay không? 
Tôi thật sự yêu thích công việc cũng như con người ở VN. Tôi đã làm việc cùng HLV Michael Baroch trong 25 năm qua và tôi luôn hỗ trợ ông ấy. Tôi sẵn sàng đến VN huấn luyện một lần nữa, bất kể là ở cấp độ nào vì tôi tin VN đang ngày càng có nhiều tay vợt trẻ giàu tiềm năng. Tôi rất thích thú được theo dõi sự tiến triển này. Dù vậy, tôi cảm thấy có lẽ mình không được chào đón tại nơi đây sau khi câu chuyện của tôi được công bố.
Sau khi biết chuyện bị ông phê bình, nhiều tay vợt như Đỗ Minh Quân, Lâm Quang Trí lên tiếng phản bác rằng ông đã nói không đúng sự thật. Ông nghĩ sao về điều này?
Cần nói rằng tôi thật sự tôn trọng Minh Quân với khả năng của anh ấy. Nhưng anh ấy đã từ chối đánh đơn cho đội khi tôi yêu cầu. Tôi đã đặt rất nhiều niềm tin nơi Minh Quân lẫn Quang Trí nhưng họ lại chống đối tôi và còn buộc những người khác chống đối tôi. Họ đã không nói gì với tôi và thật quá khó để tôi có thể hiểu họ muốn làm gì.
Tôi đã nói với ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng thư ký VTF) rằng quần vợt VN nếu muốn đi lên đẳng cấp chuyên nghiệp cần phải có những tay vợt thật sự muốn cống hiến cho đội tuyển với 110% khả năng. 
Bản báo cáo của ông đã không được các quan chức thể thao VN công khai với báo chí. Họ cũng không đưa ra hình thức kỷ luật nào đối với các VĐV vô kỷ luật. Điều này có khiến ông bực mình không?
Công việc của tôi là dẫn dắt đội tuyển và giúp đỡ các tay vợt vì một tương lai phát triển hơn. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên nếu các tay vợt nói trên đã không bị bất cứ điều gì cho những gì họ đã làm. Nhưng các quan chức thể thao VN mới có quyền ra quyết định chứ không phải tôi. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu các VĐV cứ hành xử như vậy, cứ mặc nhiên làm những gì họ muốn thì liệu quần vợt VN sẽ đi lên bằng cách nào?
Ở Úc, nếu VĐV hành xử vô kỷ luật như vậy họ sẽ bị trừng phạt như thế nào?
Nếu điều này xảy ra ở Úc, VĐV sẽ không bao giờ được mời tham dự đội tuyển nữa. Quần vợt Úc không cho phép VĐV hành xử thiếu chuyên nghiệp, vô kỷ luật và không tuân theo yêu cầu của HLV. Chúng tôi có 11 tay vợt nam đang nằm trong tốp 200 bảng xếp hạng ATP và họ đều phải tuân theo một chương trình tập luyện vô cùng nghiêm ngặt. Úc chỉ có 22 triệu người trong khi VN có đến 93 triệu người nhưng tại sao VN lại không có tay vợt nào trong bảng xếp hạng ATP?
Những gì tôi nói xuất phát từ trái tim và tôi thật sự tin rằng những HLV như Michael Baroch có thể dẫn dắt các tay vợt này tiến xa, nhưng là chỉ khi họ tập luyện và thi đấu một cách chuyên nghiệp.
HUY ĐĂNG

Do nội tình giữa một số cá nhân của đội tuyển quần vợt VN ngày càng trở nên rắc rối, Tổng cục TDTT sẽ tạm giải tán đội và dự kiến chỉ triệu tập 4 VĐV trẻ dự SEA Games 28.
Cách đây ít ngày, Báo Thanh Niên đã đăng tải phần lớn nội dung báo cáo gửi lãnh đạo Tổng cục TDTT của chuyên gia người Úc Matthaw Kavanagh về quá trình thi đấu của đội tuyển quần vợt VN tại Davis Cup 2015 vào tháng 3. Ông này đã thể hiện thái độ không bằng lòng và chỉ trích rất “dữ dội” một loạt tay vợt như Đỗ Minh Quân, Lâm Quang Trí, Nguyễn Hoàng Thiên. Chuyên gia Matthaw Kavanagh không chỉ phê phán về chuyên môn mà còn lên án tác phong sinh hoạt hằng ngày của những VĐV mà ông dẫn dắt họ chỉ trong vòng 1 tuần. Ngay sau đó, trên báo chí, Lâm Quang Trí cũng phản ứng gay gắt những lời cáo buộc của chuyên gia Matthaw Kavanagh. Anh khẳng định nhiều chi tiết trong bản báo cáo này là sai sự thật, có tính chất vu khống và thậm chí có thể sẽ làm đơn kiện lên Tổng cục TDTT.
Hôm qua, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nói: “Tuần trước tôi đã trả lời báo chí về sự mất đoàn kết của đội tuyển và đã yêu cầu Liên đoàn Quần vợt VN, Bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT phải chấn chỉnh lại tình hình nội bộ. Nhưng giờ lại phát sinh thêm sự việc lớn là có báo cáo của chuyên gia người Úc. Tôi đã đọc kỹ bản báo cáo này. Tôi cảm thấy rất bức xúc vì tất cả những việc lùm xùm xảy ra ở đội tuyển quần vợt VN không phải bây giờ mới có”.
Trong cuộc họp giao ban tại Tổng cục TDTT sáng 13.4, ông Phấn đã phê bình gay gắt Bộ môn quần vợt. Ông cho hay: “Tôi đã nói là tuy chưa có kết luận chính thức nhưng có thể xem sự mất đoàn kết của đội tuyển quần vợt VN đã mang tính hệ thống. Những hiềm khích cá nhân tích tụ lâu ngày, không được xử lý triệt để, khiến nội bộ ngày một rối ren. Lỗi lớn của các nhà quản lý ở môn quần vợt là không giải quyết ngay từ đầu để sự việc càng thêm nghiêm trọng. Một lần nữa, tôi lại phải yêu cầu Bộ môn quần vợt và Liên đoàn Quần vợt VN cần làm rõ nguyên nhân của mọi vấn đề. Cần phải có câu trả lời chính thức trước công luận”.
Một cái khó của Tổng cục TDTT là vào thời điểm này không thể tiến hành cuộc đối chất “ba mặt một lời” giữa những người trong cuộc bởi chuyên gia Matthaw Kavanagh đã về Úc, còn Đỗ Minh Quân đã sang Mỹ.
Trước tình hình này, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã quyết định chỉ đạo Bộ môn và Liên đoàn Quần vợt giải tán đội, trả các VĐV về địa phương để họ tham dự hai giải quốc nội (giải vô địch nam khởi tranh ngày 17.4 và giải vô địch đồng đội vào tháng 5). Nhiều khả năng, đội tuyển sẽ được tái tập trung chuẩn bị cho SEA Games chỉ với 4 VĐV trẻ gồm: Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Linh Giang. Những cá nhân “lớn tuổi” khác như Trí, Quân sẽ không được dự SEA Games 28 nữa.
Chậm nhất trong 1 hoặc 2 ngày tới, Tổng cục TDTT sẽ có kết luận cuối cùng bằng văn bản về vụ việc xảy ra ở tuyển quần vợt cũng như quyết định về nhân sự tham dự SEA Games 28.
LAN PHƯƠNG

Phong độ trồi sụt của Nadal kể từ đầu mùa giải 2015 đến nay đã cho thấy sự đi xuống đáng báo động với cựu tay vợt số 1 thế giới người Tây Ban Nha. Kể từ khi mùa giải 2015 khởi tranh, Rafa mới có đúng 1 danh hiệu nhỏ bé tại giải ATP 250 Argentina Open ở Buenos Aires.
Tại Australian Open, Indian Wells Masters hay Miami Masters - những giải đấu lớn mà người ta xếp Nadal thuộc top những hạt giống hàng đầu thì “Bò tót” đều gây thất vọng tràn trề với việc bị loại sớm bởi những đối thủ mà trước đó anh thường xuyên đánh bại như Berdych, Raonic hay Verdasco.
Thành tích nghèo nàn của tay vợt 27 tuổi người Tây Ban Nha đã khiến anh từ vị trí thứ 3 tụt xuống đứng thứ 5 thế giới. Đó là lần đầu tiên sau 2 năm, Nadal mới bị bật ra ngoài top 4 thế giới.
Nếu không cải thiện được phong độ trong những giải đấu chuẩn bị cho Roland Garros sắp tới tại Madrid, Barcelona hay Rome, Nadal sẽ không thể trở lại top 4 trên BXH ATP và điều ấy có nghĩa là Rafa sẽ có nguy cơ phải đối mặt với tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic ngay từ vòng tứ kết Pháp mở rộng khi bốc thăm phân nhánh.
Đây thực sự là một vấn đề đáng lo với Nadal lúc này khi anh đang sa sút không phanh còn Djokovic lại đang có phong độ cực tốt với liên tiếp những chức vô địch ở Úc mở rộng, Indian Wells hay Miami. Với điểm tựa đó, Nole cũng đang rất quyết tâm lần đầu tiên chinh phục thành công danh hiệu Roland Garros để hoàn tất bộ sưu tập trọn bộ 4 Grand Slam danh giá trong năm.
Đã 2 lần tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia lỡ hẹn với chiếc cúp bạc danh giá ở sân chính Philippe-Chatrier. Đó là khi Djokovic cùng thất bại 1-3 trước chính Nadal ở các trận chung kết Roland Garros 2012 và 2014. Chính vì thế, năm nay Nole quyết tâm đến Paris với quyết tâm truất ngôi của “kẻ ngáng đường đáng ghét” Nadal trong bối cảnh phong độ của “Bò tót” đang suy yếu rõ rệt.
Cũng như Djokovic, Nadal hướng đến Pháp mở rộng sắp tới với quyết tâm vô địch. Hiện tại, Rafa đang là ĐKVĐ Roland Garros và là chủ nhân của 9 danh hiệu cao quý ở giải Grand Slam duy nhất trên mặt sân đất nện.
Trong 1 thập kỉ qua (2005-2014), chỉ có duy nhất tay vợt người Thụy Điển Robin Soderling là có thể cản bước Rafael Nadal ở Pháp mở rộng khi xuất sắc loại “Bò tót” ở vòng 4 Roland Garros 2009. Còn lại, tay vợt huyền thoại sống người Tây Ban Nha đã biến giải Grand Slam thứ 2 trong năm thành sân chơi riêng của mình khi vô địch cả 9 lần tham dự trong 10 năm.
Năm ngoái, “Ông vua trên mặt sân đất nện” đã chứng tỏ khả năng vượt trội và cái duyên lành của mình ở Roland Garros khi xuất sắc lội ngược dòng hạ gục Novak Djokovic sau 4 set (3-6, 7-5, 6-2, 6-4).
Nhưng năm nay, khả năng bảo vệ thành công ngôi vương ở Pháp mở rộng của Nadal bị đặt dấu hỏi lớn không chỉ vì thành tích đáng lo ngại của anh từ đầu năm mà còn bởi những chấn thương dai dẳng mà anh gặp phải những mùa giải gần đây có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Việc tham dự liên tiếp những giải quần vợt kể từ đầu năm trong bối cảnh chưa đảm bảo được thể lực và tinh thần tốt nhất dường như đang khiến nhà ĐKVĐ Roland Garros quá tải. Bản thân Nadal cũng tự ý thức được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải ở Roland Garros sắp tới.
Ngay sau thất bại bất ngờ tại vòng 3 Miami Open, anh đã phát biểu: “Điều tôi cần làm lúc này là dành thời gian thư giãn để có thể thi đấu thật tốt tại các giải đấu quan trọng sắp tới. Những thất bại kiểu này không thường xuyên xảy ra với tôi trong sự nghiệp của mình. Tôi có thể chơi dưới phong độ nhưng sẽ cố gắng kiềm chế cảm xúc.”
“Đây là khoảng thời gian khó khăn để có thể tự tìm lại phong độ nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi không biết quá trình đó sẽ diễn ra bao lâu. Có thể trong 1 tuần, 6 tháng hoặc 1 năm nhưng chắc chắn tôi sẽ làm được điều đó.” – Nadal nhấn mạnh.
ĐĂNG ĐỨC

Vào đêm qua, BTC Monte-Carlo Rolex Masters, giải ATP 1000 đầu tiên trên mặt sân đất nện 2015 đã chính thức công bố kết quả phân nhánh giải đấu. Theo đó Djokovic ở vị trí hạt giống số 1 và Federer hạt giống số 2 sẽ nằm ở hai đầu chiến tuyến và có thể hướng đến một trận chung kết trong mơ.

Tuy nhiên trước khi nghĩ đến trận đấu cuối cùng, Nole sẽ còn phải vượt qua một loạt vật cản trên đường chinh phục. Lớn nhất trong số đó chính là Rafael Nadal. Ở vị trí hạt giống số 3, tay vợt Tây Ban Nha rơi vào cùng nhánh đấu với số 1 thế giới và nếu họ cùng tiến bước qua các vòng ngoài, một cuộc chạm trán ở bán kết sẽ xuất hiện.
Đây chắc chắn sẽ là trận chung kết sớm của giải bởi Djokovic đang thi đấu với phong độ thăng hoa còn Nadal dù trồi sụt nhưng vẫn còn đó bản năng “vô đối” trên mặt sân đất nện. Nole tỏ ra hết sức tự tin trước thềm giải đấu: “Sau những kết quả tại Indian Wells và Miami tôi không thể mong đợi một khởi đầu tốt hơn. Điều này giúp tôi thêm tự tin để bước vào tuần thi đấu tới đây.”

Ở các vòng đầu, Djokovic khá dễ thở. Các thách thức trên con đường của tay vợt Serbia có Gulbis (13), Tsonga (11), Cilic (8)… đều nằm trong khả năng của Nole với chuỗi ngày thăng hoa hiện tại. Còn Nadal nhiều khả năng sẽ đụng người đồng hương Ferrer ở tứ kết.

Phía bên kia, khó khăn cũng thuộc về Federer khi trong nhánh của “Tàu tốc hành” góp mặt Dimitrov, Raonic, Berdych và Wawrinka.

Trong ngày hôm nay các trận đấu vòng loại sẽ diễn ra, từ ngày mai 13/4, vòng đấu sẽ chính thức khởi tranh và Wawrinka đang là nhà ĐKVĐ.
P.L

Trưởng bộ môn quần vợt Việt Nam Đoàn Quốc Cường gửi báo cáo dài 5 trang về tuyển quần vợt Việt Nam tại Davis Cup, trong đó có đề cập đến những việc mà vận động viên lên tiếng bức xúc lên Tổng cục TDTT. Thế nhưng chiều cùng ngày, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn yêu cầu bộ môn làm lại cáo báo.
Do bận họp giao ban đầu tuần nên trao đổi với PV Thanh Niên qua tin nhắn điện thoại, ông Trần Đức Phấn cho biết đã nhận được báo cáo và đang yêu cầu bộ môn làm lại. Lý do là trong báo cáo không nói rõ ràng đối tượng, diễn biến vụ việc gây ra bức xúc của các vận động viên…
Trao đổi với chúng tôi trước đó, ông Đoàn Quốc Cường cho biết báo cáo mà ông gửi lên Tổng cục TDTT gồm 2 phần. Theo ông Cường phần chuyên môn không cần nói nhiều vì chúng ta đạt mục tiêu thăng hạng Davis Cup nhóm 2. Tuy nhiên chi tiết, diễn tiến mỗi trận đấu, ván đấu… đều được ông tường thuật cụ thể trong báo cáo. 
Ở phần dẫn đến lục đục trong nội bộ, ông Cường nhắc đến một nhân vật ở Liên đoàn quần vợt Việt Nam đi chung với đội. Người này có dấu hiệu lạm quyền khi can thiệp sâu vào chuyên môn, tự nhận là trưởng đoàn, hướng chuyên gia người Úc theo ý của mình…gây ức chế cho các tuyển thủ. 
Đây chính là nhân vật Hoàng Longy mà các tuyển thủ phản ánh trong những ngày qua. Có thể ông Cường không đề cập trực tiếp đến tên Hoàng Longy đồng thời không phản ánh đủ, đúng bản chất việc một số tuyển thủ không tuân thủ sự sắp xếp đội hình, tự ý chọn người chỉ đạo trong trận cuối vòng bảng gặp Campuchia… nên bị Tổng cục TDTT yêu cầu làm lại báo cáo.
Sau những bức xúc thoái quá trên mạng xã hội Facebook, hôm nay các tuyển thủ quần vợt tiến hành làm đơn, cùng ký tên phản ánh vụ việc lên Tổng cục TDTT.
Hi vọng Tổng cục TDTT có cuộc gặp gỡ giữa các bên liên quan đến vụ việc, làm rõ sai trái từng người để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ, tránh những mâu thuẫn kéo dài triền miên ở tuyển quần vợt Việt Nam.
LAN PHƯƠNG - HOÀNG QUỲNH

Về những lục đục ở tuyển quần vợt Việt Nam sau khi trở về từ Davis Cup nhóm 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Trần Đức Phấn cho biết Tổng cục TDTT đã nhận được báo cáo đầy đủ từ đội trưởng Trương Quốc Bảo và trưởng đoàn Đoàn Quốc Cường. Qua đó cho thấy nhân viên của Liên đoàn quần vợt Việt Nam Hoàng Longy đã can thiệp vào chuyên môn ở đội tuyển vốn không phải việc của anh ta. Việc này yêu cầu Liên đoàn làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm Hoàng Longy đồng thời rút kinh nghiệm, không đưa người này vào thành phần đội tuyển tham dự các giải sắp tới.
Về việc Đỗ Minh Quân, Lâm Quang Trí chứ không phải đội trưởng Trương Quốc Bảo tham gia chỉ đạo các trận đấu của Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam không phải di 2 tay vợt này tự ý mà có sự đồng ý của chuyên gia. Tuy nhiên việc tay vợt Trịnh Linh Giang ngồi chỉ đạo Minh Quân/Quang Trí trong trận đôi gặp Campuchia là sai bởi đó không phải là nhiệm vụ của anh ta và cũng chẳng được sự đồng ý của chuyên gia, trưởng đoàn hay đội trưởng. Do đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm những ai liên quan đến việc Trịnh Linh Giang ngồi ghế chỉ đạo.
Tổng cục TDTT cũng yêu cầu Liên đoàn quần vợt Việt Nam, Vụ thể thao thành tích cao, bộ môn quần vợt rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, điều hành.
HOÀNG QUỲNH

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.